Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Sodium sulfate

Sodium sulfate: Thuốc nhuận tràng thẩm thấu

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Sodium Sulfate (Natri Sulfat).

Loại thuốc

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Dung dịch uống: Sodium Sulfate 17,5 g; Potassium Sulfate 3,13 g và Magnesium Sulfate 1,6 g.
  • Viên nén: 1,479 g Sodium Sulfate; 0,225 g Magnesium Sulfate và 0,188 g Potassium Chloride.

Chỉ định

Thuốc Natri Sulfat chỉ định làm sạch đại tràng chuẩn bị cho nội soi đại tràng ở người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên.

Dược lực học

Các muối sulfat cung cấp các anion sulfat, các anion này ít được hấp thụ. vào tuần hoàn chung.

Nồng độ anion sulfat và các cation đi cùng trong lòng ruột cao gây ra tác dụng thẩm thấu, kéo nước vào đường tiêu hoá, dẫn đến làm tăng nhu động ruột. Kết hợp với uống một lượng nước lớn sẽ thúc đẩy đào thải các chất cặn bã ra khỏi đại tràng.

Động lực học

Hấp thu

Với dung dịch uống, thời gian nồng độ sulfat huyết thanh đạt đỉnh (Tmax) là khoảng 17 giờ sau nửa liều đầu tiên hoặc khoảng 5 giờ sau liều thứ hai, và sau đó giảm dần.

Với viên nén, nồng độ sulfat huyết thanh trung bình tăng khoảng 2,5 lần ở 5 đến 8 giờ sau liều 2 (0,61 mmol/L) so với ban đầu (0,25 mmol/L) và trở về mức ban đầu trước 24 đến 48 giờ sau khi nội soi đại tràng.

Phân bố

Chưa có dữ liệu.

Chuyển hóa

Chưa có dữ liệu.

Thải trừ

Thải trừ chủ yếu qua đường phân. Thời gian bán thải là 8,5 giờ.

Bài tiết sulfat qua nước tiểu trong hơn 30 giờ, bắt đầu sau nửa liều đầu tiên.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

  • Các thuốc làm tăng nguy cơ gây rối loạn điện giải.
  • Kháng sinh Tetracycline và Fluoroquinolone, sắt, Digoxin, Chlorpromazine, và Penicillamine có khả năng tạo phức chelate với ion magie trong thuốc nhuận tràng.
  • Sử dụng đồng thời thuốc nhuận tràng kích thích: Bisacodyl, Natri picosulfat có thể làm tăng nguy cơ loét niêm mạch hoặc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.

Chống chỉ định

Thuốc Natri Sulfat chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa. Thủng ruột. Ứ dịch dạ dày.
  • Viêm ruột kết nhiễm độc hoặc phình đại tràng nhiễm độc.
  • Dị ứng với các thành phần có trong chế phẩm.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Dung dịch uống: Làm sạch đại tràng, liều dùng chia làm 2 ngày (cần tổng cộng 2 chai cho 2 liều)

Liều đầu tiên (vào buổi tối ngày trước khi nội soi đại tràng):

  • Có thể dùng bữa sáng nhẹ hoặc chỉ uống nước lọc. Tránh chất lỏng màu đỏ và tím, sữa và đồ uống có cồn.
  • Vào đầu buổi tối trước khi nội soi đại tràng: Đổ hết một chai 6 oz vào cốc định mức 16 oz (được đính kèm bộ sản phẩm). Thêm nước đến mức 16 oz và uống toàn bộ lượng đã pha.
  • Uống thêm hai cốc 16 oz nước lọc trong giờ tiếp theo.

Liều thứ 2 (vào buổi sáng của ngày nội soi):

  • Chỉ uống nước lọc đến sau khi nội soi. Tránh các chất lỏng màu đỏ và tím, sữa và đồ uống có cồn.
  • Buổi sáng ngày nội soi (10 đến 12 giờ sau liều buổi tối): Đổ hết chai thứ hai (cũng 6 oz) vào cốc 16 oz. Thêm nước đến vạch mức 16 oz và uống toàn bộ lượng đã pha.
  • Uống thêm hai cốc 16 oz nước lọc trong giờ tiếp theo.
  • Uống tất cả 2 chai và lượng nước cần dùng ít nhất một giờ trước khi nội soi đại tràng.
  • Như vậy mỗi lần uống gồm 1 chai 6 oz dung dịch + 10 oz nước pha loãng, thêm 2 cốc nước lọc (mỗi cốc 16 oz) tương đương 1 quart.
  • Tổng thể tích chất lỏng cần thiết để làm sạch ruột kết (sử dụng hai chai) là 3 quarts (khoảng 2,8 lít).

Viên nén: Làm sạch đại tràng, liều dùng chia làm 2 ngày (cần tổng cộng 24 viên cho 2 liều)

Liều đầu tiên (vào buổi tối trước ngày nội soi đại tràng):

  • Có thể dùng bữa sáng với thực phẩm có ít bã như trứng, bánh mì trắng, pho mát, sữa chua, bột yến mạch thô, cà phê, trà. Sau khi ăn sáng, chỉ có thể uống nước lọc cho đến sau khi nội soi.
  • Vào đầu buổi tối trước khi nội soi, uống 12 viên, cách uống: Đổ nước lọc đến vạch 16 oz vào cốc định mức 16 oz (được đính kèm bộ sản phẩm). Uống từng viên bằng một cách nhấp một ngụm nước và uống hết trong vòng 15 đến 20 phút.
  • Khoảng một giờ sau khi uống viên cuối cùng, uống thêm 1 cốc 16 oz nước và uống hết lượng này trong 30 phút.
  • Khoảng 30 phút sau khi uống cốc trên, uống thêm 1 cốc nữa với 16 oz nước và uống hết lượng này trong 30 phút.

Liều thứ 2 (vào buổi sáng ngày nội soi đại tràng):

  • Chỉ được uống nước lọc cho đến sau khi nội soi.
  • Buổi sáng ngày nội soi đại tràng (5 – 8 giờ trước khi nội soi và cách liều đầu tiên khoảng 4 giờ), uống liều thứ 2 gồm 12 viên, cách uống tương tự liều 1.
  • Khoảng một giờ sau khi uống viên cuối cùng, uống thêm 1 cốc 16 oz nước và uống hết lượng này trong 30 phút.
  • Khoảng 30 phút sau khi uống cốc trên, uống thêm 1 cốc nữa với 16 oz nước và uống hết lượng này trong 30 phút.
  • Nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng như buồn nôn, chướng bụng, chuột rút thì tạm ngưng uống hoặc uống nước bổ sung từ từ cho đến khi các triệu chứng giảm bớt.

  • Ngưng uống nước ít nhất 2 giờ trước khi nội soi.

Cách dùng

  • Dung dịch uống: Pha loãng trước khi sử dụng. Sản phẩm có kèm cốc pha dung dịch thể tích 16 oz (khoảng 473 ml).
  • Cách pha: Cho 1 chai 6 oz (khoảng 180 ml) vào cốc này, thêm nước đến vạch 16 oz.
  • Viên nén: Uống với đủ lượng nước như hướng dẫn.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Natri Sulfat, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).

Thường gặp

Khó chịu toàn thân, đầy bụng, đau quặn bụng. Buồn nôn, nôn.

Giảm nồng độ bicarbonate. Tăng nồng độ calci, chloride, acid uric, BUN, bilirubin toàn phần.

Ít gặp

Chưa có dữ liệu.

Hiếm gặp

  • Chóng mặt. Ngất. Nhịp tim nhanh, chậm, không đều.

Không xác định tần suất

  • Loét niêm mạc ruột kết, viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ.
  • Nồng độ kali cao, bất thường điện giải. Tăng nồng độ creatinine.
  • Block nhĩ thất, rối loạn nhịp tim. Động kinh. Tăng CK.

Lưu ý

Lưu ý chung

Dung dịch uống: Không uống trực tiếp mà phải pha loãng và uống thêm một lượng nước như trong hướng dẫn. Uống trực tiếp dung dịch không pha loãng có thể làm tăng nguy cơ buồn nôn, nôn mửa, mất nước và rối loạn điện giải.

Nguy cơ rối loạn cân bằng nước và điện giải, rối loạn nhịp tim, co giật và suy thận. Vì vậy tất cả bệnh nhân uống đủ nước trước, trong và sau khi sử dụng thuốc; nếu bệnh nhân bị nôn nhiều hoặc có dấu hiệu bị mất nước, cân nhắc thực hiện xét nghiệm sau nội soi đại tràng (chất điện giải, creatinin, BUN).

Điều chỉnh các rối loạn cân bằng nước và điện giải trước khi dùng thuốc. Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có bệnh lý hoặc đang dùng thuốc có thể gây rối loạn điện giải.

Nguy cơ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng liên quan đến sử dụng các sản phẩm nhuận tràng thẩm thấu chứa ion nên thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân có nguy cơ rối loạn nhịp tim (tiền sử kéo dài khoảng QT, loạn nhịp không kiểm soát, nhồi máu cơ tim gần đây, đau thắt ngực không ổn định, suy tim sung huyết, bệnh cơ tim).

Nguy cơ co giật, tăng trương lực toàn thân và/hoặc mất ý thức ở những bệnh nhân không có tiền sử động kinh. Các trường hợp co giật có liên quan đến bất thường điện giải (hạ natri máu, hạ kali máu, hạ calci huyết và hạ magie máu) và nồng độ thẩm thấu huyết thanh thấp. Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân có tiền sử co giật và ở những bệnh nhân có nguy cơ co giật cao như bệnh nhân dùng thuốc giảm ngưỡng co giật (ví dụ thuốc chống trầm cảm ba vòng), bệnh nhân cai rượu hoặc benzodiazepine, bệnh nhân bị hạ natri máu.

Bệnh nhân suy thận hoặc đang dùng các thuốc ảnh hưởng đến chức năng thận (thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc kháng viêm không steroid): Sử dụng thận trọng, đảm bảo uống đủ nước và theo dõi thường xuyên các chỉ số lâm sàng.

  • Loét niêm mạc đại tràng và viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ: Dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu có thể gây loét niêm mạc đại tràng, làm trầm trọng hơn tình trạng viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ. Ngoài ra, kết hợp với các thuốc nhuận tràng khác trong khi dùng viên nén nhuận tràng thẩm thấu này làm tăng nguy cơ gặp mắc các bệnh lý này.

  • Thận trọng khi sử dụng cho những bệnh nhân bị suy giảm phản xạ co cơ cổ họng (phản xạ khi kích thích vào hầu họng) và những bệnh nhân dễ bị nôn trớ.

  • Cần loại trừ nghi ngờ tắc nghẽn hoặc thủng đường tiêu hóa trước khi dùng thuốc.

  • Tính an toàn trên trẻ em chưa được thiết lập.

  • Có thể làm tăng acid uric tạm thời, thận trọng dùng thuốc cho bệnh nhân bị gout hoặc rối loạn chuyển hóa acid uric.

  • Không dùng thuốc uống khác trong vòng 1 giờ sau khi bắt đầu mỗi liều viên nén hoặc dung dịch uống vì thuốc uống khác có thể bị đào thải khỏi đường tiêu hóa.

  • Nếu dùng kháng sinh tetracycline hoặc fluoroquinolone, sắt, digoxin, chlorpromazine, hoặc penicillamine, dùng những loại thuốc này ít nhất 2 giờ trước và không ít hơn 6 giờ sau khi uống thuốc này dạng viên nén.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa biết ảnh hưởng của thuốc lên thai nhi. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Không biết thuốc có qua sữa mẹ hay không. Thận trọng khi dùng.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có dữ liệu.

Quá liều

Quá liều Sodium sulfate và xử trí

Quá liều và độc tính

Quá liều có thể dẫn tới rối loạn điện giải nghiêm trọng, mất nước, giảm thể tích tuần hoàn và các triệu chứng đi kèm.

Cách xử lý khi quá liều

Theo dõi rối loạn chất lỏng và điện giải. Điều trị triệu chứng.

Quên liều và xử trí

Chưa có dữ liệu.