Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thanh bì: Vị thuốc dân gian quen thuộc từ vỏ quýt xanh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thanh bì là vỏ quả non hoặc vỏ quả chưa chín, phơi hay sấy khô của cây Quýt. Cây Quýt trồng khắp nơi trên nước ta. Thanh bì có tác dụng sơ can, phá khí, tiêu tích, hoá trệ; chủ trị đau trướng ngực - sườn, sán khí, hạch vú, nhọt vú, thực tích đau bụng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cây Quýt.

Tên khác: Quất bì, Quất hồng, Vỏ quýt xanh.

Tên khoa học: Citrus reticulata Blanco, thuộc họ Cam (Rutaceae). 

Đặc điểm tự nhiên

Quýt là một cây nhỏ, lá mọc so le, đơn, mép có răng cưa, vỏ có mùi thơm đặc biệt. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu trắng nhỏ. Quả hình cầu, có 2 đầu dẹt, màu vàng đỏ hay vàng cam, vỏ mỏng, nhẵn bóng hay sần sùi, dễ bóc, nhiều hạt. Mùi thơm ngon.

thanh bì
Hình ảnh Cây quýt 

Phân bố, thu hái, chế biến

Được trồng ở khắp nơi trong nước ta. Nhiều nhất tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nam, Thừa Thiên, Nam Định, Bắc Cạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Có 2 loại Thanh bì: Tứ hoa thanh bì và Cá thanh bì.

Cá thanh bì: Thu hoạch vào khoảng tháng 5 - 6. Nhặt các quả quýt non tự rơi rụng rồi rửa sạch và phơi khô. 

Tứ hoa thanh bì: Thu hái quả chưa chín vào khoảng tháng 7 – 8, đem rửa sạch rồi bổ dọc thành 4 mảnh vỏ dính nhau ở đáy quả, bỏ ruột, phơi khô.

Lấy thanh bì, sau khi loại bỏ tạp chất đem rửa sạch, ủ mềm, thái thành sợi hoặc thái lát dày rồi đem phơi khô. 

Thổ thanh bì (chế dấm): Cho dấm vào trộn đều với miếng hoặc sợi thanh bì (dùng 15 L dấm cho 100 kg thanh bì), đem cho vào nồi rồi sao nhỏ lửa đến có màu hơi vàng, lấy ra phơi khô. 

Bộ phận sử dụng

Vỏ quả vỏ quả chưa chín hoặc vỏ quả non đã phơi hay sấy khô của cây Quýt.

Có 2 loại Thanh bì: Cá thanh bì và Tứ hoa thanh bì.

Tứ hoa thanh bì: Vỏ quả được bổ thành 4 mảnh đến đáy gốc với hình dạng không giống nhau, phần lớn cong vào phía trong, hình bầu dục dài, vỏ mỏng, chiều dài miếng 4 - 6cm, dày 0,1 - 0,2cm. Màu lục đen hoặc màu lục xám ở mặt ngoài, có nhiều túi tiết, hơi ráp, màu trắng hoặc trắng vàng ở mặt trong, có các gân nâu vàng nhạt hoặc trắng ngà, ráp. Chất hơi cứng và dễ bị bẻ gãy, mặt cắt ở phần ngoài có 1 - 2 hàng túi tiết. Vị cay, đắng, mùi thơm ngát, vỏ màu lục đen, mặt trong trắng nhiều tinh dầu là tốt. 

Cá thanh bì: Đường kính 0,5 - 2,0cm, gần hình cầu. Màu lục đen hay lục xám ở mặt ngoài, có nhiều túi tiết nhỏ và chìm, hơi ráp. Có vòi nhụy hơi nhô lên ở đỉnh quả và có vết sẹo tròn của cuống ở gốc quả. Mặt cắt màu nâu vàng nhạt hoặc màu trắng ngà, chất cứng, dày 1 - 2cm, ở phần ngoài có 1 - 2 hàng túi tiết. Vị đắng, cay, mùi thơm ngát.

thanh bì sấy khô
Thanh bì sấy khô

Thành phần hoá học

Vỏ quả quýt còn tươi chứa 3% tinh dầu (khoảng 2000 - 2500 quả cho ra 1 L tinh dầu), nước và thành phần bốc hơi được 61,25%; vitamin A, B, hesperidin C50H60O27 và chừng 0,8% tro.

Tình dầu quýt là một chất lỏng màu vàng nhạt và có mùi thơm dễ chịu. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu quýt là d.limonen, xitrala, các dexylic và andehyt nonylic, khoảng 1% metylanthranilatmetyl (do chất này nên tinh dầu mùi thơm đặc biệt và có huỳnh quang).

Trong nước quýt có đường 11,6%, vitamin C (25 - 40mg trong 100g), caroten, acid citric 25.

Có khoảng 0,5% tinh dầu trong lá quýt.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ: Thanh bì có vị khổ, tân, ôn, dẫn thuốc vào kinh can, đởm, vị.

Có tác dụng: Tiêu tích, hoá trệ, sơ can, phá khí.

Chủ trị: Đau trướng ngực – sườn, sán khí, thực tích đau bụng, hạch vú, nhọt vú.

Theo y học hiện đại

Chưa có báo cáo.

Liều dùng & cách dùng

Dùng 6 - 9 g/ngày, dạng hoàn tán hoặc thuốc sắc. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa trướng thống

Thanh bì phối hợp với ngô thù du, hạt quýt, xuyên đông tử, ô dược, tiểu hồi hương.

Chữa lao tinh hoàn, viêm tinh hoàn mạn, viêm tuyến tiền liệt (Bài thuốc Thiên đài ô dược tán)

Ô dược, mộc hương, tiểu hồi hương, xuyên đông tử, cao lương khương, tân lang, thanh bì trong đó dùng thanh bì để phá khí bình can.

Chữa hoạt tinh kèm theo đau vùng bụng dưới, sợ lạnh

Xuyên đông tử sao 9 – 12g, hạt quýt sao 9g, thanh bì 6 – 9g, tiểu hồi hương sao 6 – 9g, ô dược 9g, ngô thù du 3 – 6g, hạt lệ chi 9g, bạch thược 12 – 15g, nhục quế 0,9 – 3g, tùy chứng gia giảm.

Chữa sưng vú, đau sườn, tức ngực, đau bụng, nấc

Bột thanh bì: Thanh bì nghiền thành bột, mỗi lần uống 2g, ngày uống 2 lần. 

Chữa đau từng cơn vùng thượng vị, đau lan ra 2 mạng sườn, xuyên ra sau lưng, ợ chua, ợ hơi, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng mỏng hoặc trắng, mạch huyền, bụng đầy trướng, ấn thấy đau (Sài hồ sơ can thang)

Hương phụ 8g, thanh bì 8g, chỉ xác 12g, bạch thược 12g, sài hồ 12g, cam thảo 6g, xuyên khung 8g.

Chữa ngực sườn đầy tức, mạng sườn phải đau, ăn kém, miệng đắng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền, người mệt, đại tiện nát

Sirô nhuận gan: Chè vằng 12g, chi tử 12g, nhân trần 12g, lá mua 12g, vỏ núc nác (rụt) 12g, thanh bì 8g, rau má 12g, lá bồ cu vẽ 12g, vỏ đại 12g. Sắc uống ngày 1 thang. 

Chữa viêm gan mạn do virus

Rau má 12g, mướp đắng 12g, thanh bì 8g, chỉ thực 8g, uất kim 8g, hậu phác 8g, ý dĩ 16g, hoài sơn 16g, biển đậu 12g, đinh lăng 16g. 

Chữa khí trệ huyết ứ nhiều gây đau trước hoặc lúc mới hành kinh, kinh ít, ra huyết cục, màu tím đen, bụng dưới đau như gò, ấn vào có cục, khi kinh ra thì đỡ đau (Huyết phủ trục ứ thang)

Xuyên khung 8g, quy 8g, xích thược 8g, đào nhân 8g, hồng hoa 8g, ngưu tất 12g, huyền hồ 8g, hương phụ 8g, thanh bì 8g, chỉ xác 8g, mộc hương 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. 

Trị bụng đau trướng đầy, tiêu hoá không tốt, thức ăn không tiêu

Thanh bì 12g, sơn tra 12g, thần khúc 12g, mầm mạch 16g, thảo quả 8g. Sắc uống. 

Chữa đau nhiều vùng thượng vị, đau rát, cự án, ợ chua, miệng khô, đắng miệng, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác do hỏa uất, rêu lưỡi vàng

Thanh bì 8g, chi tử 8g, trần bì 6g, bối mẫu 8g, trạch tả 8g, bạch thược 12g, đan bì 8g, hoàng liên 8g, ngô thù 4g. 

tran bi 4
Thanh bì với bài thuốc chữa sưng vú, đau sườn, tức ngực

Lưu ý

  • Thận trọng dùng thanh bì cho những người khí hư.
  • Không dùng thanh bì cho người không khí trệ mà nhiều mồ hôi. 
  • Không được dùng quá lượng mà thầy thuốc cho phép, dùng dài ngày tránh thương phạt chính khí.
Nguồn tham khảo

Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/quyt-tran-bi.html 

Dược điển Việt Nam 5: https://duocdienvietnam.com/thanh-bi/ 

Sức khoẻ đời sống:

  • https://suckhoedoisong.vn/vo-quyt-va-vi-thuoc-tran-bi-thanh-bi-16928518.htm 
  • https://suckhoedoisong.vn/thanh-bi-loi-gan-kien-vi-16990390.htm 

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.