Long Châu

Ợ chua điều trị như thế nào?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ợ chua là một triệu chứng về tiêu hóa xảy ra khi acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây nên sự khó chịu cho bệnh nhân. Ợ chua thường không nguy hiểm, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và không khó để điều trị. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này kéo dài hoặc không hết dù đã uống thuốc, bệnh nhân nên tái khám vì có thể đó là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

chua là gì?

Ợ chua là triệu chứng khi acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác nóng rát ở vùng ngực phía sau xương ức và có thể xuất hiện vị đắng trong cổ họng hoặc miệng. 

Thông thường, thức ăn qua thực quản sẽ chuyển xuống dạ dày. Giữa 2 bộ phận này có cơ vòng dưới thực quản, cơ này sẽ đóng lại khi thức ăn được vận chuyển đến dạ dày. Khi cơ vòng dưới thực quản không hoạt động bình thường, acid và thức ăn từ ​​dạ dày bị trào ngược trở lại thực quản, gây kích thích thực quản và xuất hiện các triệu chứng ợ chua.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ợ chua

Các triệu chứng của chứng ợ chua có thể từ hơi khó chịu đến cực kỳ khó chịu:

  • Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát ở ngực và cổ họng.

  • Cảm giác chua, đắng trong miệng.

  • Áp lực hoặc đau sau xương ức và cơn đau này trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn, khi nằm hoặc cúi xuống.

  • Ho hoặc khàn giọng.

  • Khó nuốt.

Các triệu chứng của ợ chua có thể bắt đầu ngay sau khi ăn và kéo dài từ vài phút đến vài giờ hoặc lâu hơn.

Tác động của ợ chua đối với sức khỏe 

Ợ chua tuy không nghiêm trọng nhưng có thể gây có chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nếu triệu chứng này kéo dài.

Bên cạnh đó, ợ chua có thể đi kèm với một số tình trạng tiêu hóa khác như viêm loét niêm mạc dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản.

Biến chứng có thể gặp khi mắc ợ chua

Thông thường ợ chua có thể điều trị tại nhà và không gây nên biến chứng gì. Tuy nhiên, nếu ợ chua đi kèm với khó nuốt, khó ăn hoặc tần suất trên 2 lần/tuần và không cải thiện khi điều trị thì có thể bạn đang mắc phải một bệnh lý khác như trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)... Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến viêm thực quản, Barrett thực quản… 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ợ chua

Ợ chua xảy ra khi acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản, thường là do:

  • Cơ vòng dưới thực quản không hoạt động bình thường.

  • Thói quen ăn uống (ăn quá no, ăn quá nhiều dầu mỡ, nằm ngay khi vừa ăn xong…).

  • Do bị kích ứng bởi một số thực phẩm (thức uống có gas, chocolate, thức ăn quá chua cay, thức ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia…).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị ợ chua?

Phụ nữ có thai;

Người có chế độ ăn uống không phù hợp (ăn quá no hoặc thức ăn quá nhiều dầu mỡ…);

Người đang có các bệnh lý về tiêu hóa khác. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ợ chua

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Ợ chua, bao gồm:

  • Thoát vị khe hoành (hiatal hernia);

  • Đang mang thai;

  • Hút thuốc lá có thể làm giãn cơ vòng dưới thực quản và làm tăng acid dạ dày;

  • Thừa cân hoặc béo phì;

  • Bị táo bón;

  • Đang dùng một số loại thuốc (aspirin, ibuprofen, thuốc an thần, huyết áp…);

  • Căng thẳng và thiếu ngủ có thể làm tăng tiết acid dạ dày và gây nên ợ nóng;

  • Mặc quần áo quá chật có thể gây áp lực lên dạ dày và cơ vòng dưới thực quản.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ợ chua

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng cũng như lối sống và các thuốc bạn đang dùng. Nếu bệnh không cải thiện sau khi điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán các bệnh về tiêu hóa khác như:

  • Theo dõi pH dạ dày, thực quản.

  • Chụp X quang, nội soi dạ dày – thực quản để xem có vết loét không.

  • Đo áp lực của nhu động thực quản để đánh giá sự co bóp của cơ vòng dưới thực quản.

Phương pháp điều trị Ợ chua hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

  • Thuốc kháng acid (nhôm hydroxide, magie hydroxide…): Trung hòa acid dạ dày, giảm nhanh các triệu chứng ợ chua. Thuốc được dùng ngay sau khi ăn hoặc khi có triệu chứng.

  • Thuốc chẹn H2 (cimetidine, famotidine, nizatidine…): Giảm tiết acid dạ dày.

  • Thuốc ức chế bơm proton – PPI (lansoprazole, esomeprazole, omeprazole…): Ức chế tiết acid dạ dày.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ợ chua

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Không mặc quần áo quá chật.

  • Đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn, không nằm ngay khi vừa ăn xong (có thể nằm sau khi ăn khoảng 2 – 3 giờ).

  • Tập cai thuốc lá để tránh các tổn thương lên cơ vòng dưới thực quản.

  • Nâng cao gối đầu để ngăn sự trào ngược của acid khi ngủ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh ăn các thực phẩm đã biết gây nên triệu chứng ợ chua của bạn.

  • Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ, không nên ăn quá no mỗi bữa.

  • Có nghiên cứu cho thấy nhai kẹo cao su không đường sau khi ăn có thể làm tăng tiết nước bọt, giúp trung hòa acid dạ dày và đẩy acid trở lại dạ dày.

Phương pháp phòng ngừa ợ chua hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Duy trì cân nặng vừa phải qua việc ăn uống hợp lý và rèn luyện thể thao thường xuyên.

  • Nên tập bỏ thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.

  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và giảm thiểu sự căng thẳng.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/heartburn#overview
  2. https://www.webmd.com/heartburn-gerd/guide/understanding-heartburn-basics
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heartburn/symptoms-causes/
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9617-heartburn-overview

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm ký sinh trùng

  2. Polyp dạ dày

  3. Chấn thương bụng kín

  4. Hội chứng Chilaiditi

  5. Đầy hơi

  6. Suy gan

  7. Són phân

  8. Ợ nóng

  9. Tắc ruột sơ sinh

  10. Viêm dạ dày ruột do vi-rút