Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

8 điều kiêng kị nếu muốn ăn dứa giải nhiệt ngày hè

Ngày 27/05/2020
Kích thước chữ

Mùa hè nóng bức nhiều người có sở thích ăn dứa để giải nhiệt và giải khát. Dứa chín không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn rất giàu dinh dưỡng.

Dứa chín là loại thực phẩm giải nhiệt mùa hè nhiều người yêu thích nhưng nó cũng có thể là mối đe dọa sức khỏe nếu chúng ta ăn uống không đúng cách.

Những lợi ích sức khỏe từ quả dứa

Dứa là trái cây rất giàu vitamin và khoáng chất. Trong mỗi 100g quả có chứa 0,03mg caroten; 0,08mg vitamin B1; 0,02mg vitamin B2; 16mg vitamin C; 16mg Ca; 11mg phospho; 0,3mg Fe; 0,07mg Cu; 0,4g protein; 0,2g lipid; 13,7g hydrat cacbon; 85,3g nước; 0,4g chất xơ.

Với nguồn dinh dưỡng dồi dào, dứa không chỉ là một loại trái cây hay đồ uống ngọt mát mà còn có không ít những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Ngăn ngừa di căn ung thư

Phần lõi trong quả dứa có chứa nhiều hoạt chất enzyme bromelin nhất. Đây là chất có rất nhiều công dụng đối với bệnh nhân sau điều trị xạ trị, hóa trị thì sẽ giúp giảm đáng kể sự di căn của bệnh ung thư.

Chống lại các cơn đau do bệnh xương khớp

Dứa có chứa hàm lượng mangan cao là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể để xây dựng xương và mô liên kết và có tính kháng viêm. Bổ sung loại quả này vào thực phẩm hàng ngày thường xuyên không chỉ giúp xương thêm chắc khỏe mà còn có thể giúp làm giảm các cơn đau do viêm khớp, bệnh gút và hội chứng ống cổ tay.

8 điều kiêng kị nếu muốn ăn dứa giải nhiệt ngày hè 1Dứa là trái cây rất giàu vitamin và khoáng chất.

Tăng cường hệ miễn dịch cơ thể

Vì có hàm lượng vitamin C cao nên dứa giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc cảm cúm, ho, cảm lạnh; các bệnh về răng miệng như viêm nướu hay bệnh nha chu. Bệnh nha chu không chỉ phá hủy các mô và xương hàm mà còn liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.

Phòng, chống bệnh cao huyết áp

Khi bị huyết áp cao hoặc muốn phòng bệnh huyết áp cao, hãy ăn mỗi ngày 1 quả dứa. Hàm lượng kali cao và natri thấp trong loại quả này sẽ giúp cơ thể duy trì mức huyết áp bình thường.

Thực phẩm giảm cân hiệu quả

Dứa có vị ngon, vị ngọt tự nhiên có thể làm món tráng miệng, chúng ta có thể ăn thoái mái mà không cần lo lắng đến vấn đề tăng cân. Nguyên nhân là do dứa ít calo, natri, cholesterol và chất béo bão hòa, trong khi lại rất giàu xơ.

Ngoài ra, ăn dứa hàng ngày sẽ tốt cho hệ tiêu hóa, tăng hệ miễn dịch, chống viêm khớp và chống oxy hóa, giúp cho chị em phụ nữ có làn da đẹp mịn màng.

Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng dứa là thứ quả nóng, tuy nhiên trên thực tế đây lại là thứ quả rất mát dùng để giải nhiệt cho những ngày hè nóng bức.

Mặc dù dứa ngon và mát nhưng nó không phải là loại quả dành cho tất cả mọi người và không phải bất cứ quả dứa nào cũng an toàn để thưởng thức. Nếu là một người thích ăn dứa, bạn nhất định phải ghi nhớ những điều dưới đây để tránh hại sức khỏe.

8 điều kiêng kị nếu muốn ăn dứa giải nhiệt ngày hè

Không ăn dứa khi đói

Các enzyme phân giải protein trong dứa khá mạnh, nếu ăn trước bữa ăn khi bụng đang đói sẽ rất dễ gây tổn thương dạ dày.

Hơn nữa, các chất hữu cơ và bromelin có trong dứa tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột sẽ khiến bạn thấy nôn nao, khó chịu khi bụng đang rỗng.

8 điều kiêng kị nếu muốn ăn dứa giải nhiệt ngày hè 2Không ăn trước bữa ăn khi bụng đang đói, vì sẽ rất dễ gây tổn thương dạ dày.

Không ăn dứa khi chưa ngâm nước muối

Không ít người có thói quen gọt dứa và ăn luôn khiến lưỡi bị rát. Bởi dứa có nhiều bio-boron và bromelin, chỉ có ngâm nước muối mới có thể hạn chế được tình trạng này.

Vì thế sau khi gọt vỏ xong hãy ngâm dứa trong nước muối từ 10-30 phút rồi rửa sạch lại thêm một lần trước khi ăn.

Không ăn dứa bị dập, nát

Dứa là loại cây bụi thường mọc sát ở mặt đất, vỏ dứa lại xù xì nên dễ là nơi cư trú của nấm. Khi dứa bị dập nát, dịch bào thấm ra ngoài, nấm sẽ nhân cơ hội phát triển, xâm nhập sâu vào trong quả. Nếu ăn phải dứa nhiễm nấm sẽ rất dễ gây ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc thường thấy là mệt mỏi, khó chịu, ngứa ngáy, nổi mề đay.

Không ăn dứa còn xanh

Ăn hoặc uống nước ép của quả dứa chưa chín sẽ rất nguy hiểm. Bởi lúc này, dứa rất độc hại, có thể gây tiêu chảy nặng và nôn mửa. Ngoài ra, ăn quá nhiều lõi dứa cũng có thể khiến cho những búi chất xơ hình thành trong đường ruột.

Người bị loét miệng, loét dạ dày không nên ăn

Dứa là loại trái cây có tính axit, kích thích nướu răng và tiết nhầy, người mắc bệnh dạ dày hoặc đang bị loét miệng nếu ăn dứa sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.

8 điều kiêng kị nếu muốn ăn dứa giải nhiệt ngày hè 3Dứa là loại trái cây có tính axit nên nếu bị bệnh dạ dày không nên ăn

Người huyết áp cao không ăn dứa

Ăn quá nhiều dứa sẽ làm tăng huyết áp. Vì thế dứa là một trong những thực phẩm người bị cao huyết áp tốt nhất nên tránh xa để không khiến bệnh thêm nguy hại.

Ngoài ra, dứa có chứa fructose có thể làm tăng đường huyết và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Những người bị đái tháo đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn.

Không ăn dứa với mật ong

Dứa tuyệt đối không được ăn với mật ong. Dù mật ong và dứa là hai thực phẩm lành tính, ít gây hại cho cơ thể nhưng khi kết hợp với nhau, các cấu trúc phân tử của mật ong và dứa sẽ thay đổi, tạo khí trong dạ dày.

Không ăn quá nhiều dứa

Dứa có nhiều axit oxalic, nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ có hại cho dạ dày. Tuyệt đối không ăn liên tục dứa nhiều hơn 3 ngày.

Thanh Hoa

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin