Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tẩy tế bào chết quá mức: Hậu quả khôn lường!

Ngày 26/02/2022
Kích thước chữ

Trong chăm sóc da, tẩy tế bào chết là một bước rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho da nếu được thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, lạm dụng việc tẩy chết cho da sẽ lợi bất cập hại mà bạn không ngờ tới.

Hẳn chị em phụ nữ đều biết, việc tẩy da chết có tác dụng tăng cường sự thay đổi của các tế bào da. Sau khi làn da được tẩy đi những tế bào chết, các tế bào mới sẽ hình thành trên bề mặt khiến làn da của bạn trông sạch sẽ, trẻ trung hơn, mang lại kết cấu tốt hơn và da cũng sáng hơn. Tuy nhiên, tẩy tế bào chết quá nhiều hoặc quá thường xuyên sẽ khiến các tế bào mới trên bề mặt da bị hư hại ngay cả khi chúng chưa kịp ổn định. 

Tẩy tế bào chết quá mức: Hậu quả khôn lường! 1 Việc tẩy da chết có tác dụng tăng cường sự thay đổi của các tế bào da.

Tác hại của việc tẩy da chết quá nhiều

Da đỏ, kích ứng

Việc lạm dụng tẩy tế bào chết sẽ khiến làn da của bạn trông rất đỏ, kèm theo ngứa hoặc cảm giác nóng. Hãy nhớ rằng, chà xát hoặc lột da chết quá nhiều là những việc có thể khiến da bạn trở nên sần sùi và rất dễ bị kích ứng.

Sưng

Sau khi thực hiện tẩy da chết, nếu bạn nhận thấy sưng ở khu vực bị tẩy da nghĩa là lớp lipid của da có thể đã bị ảnh hưởng. Lớp lipid trong da có công dụng giúp khóa ẩm và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại. Một khi tổn thương lớp lipid da bạn sẽ trở nên rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn.

Da nhạy cảm hơn

Một trong những tác hại của việc tẩy da chết quá nhiều là làn da của bạn trở nên cực kỳ nhạy cảm. Ở thời kỳ da nhạy cảm, bạn cần phải hết sức chăm sóc da mới khôi phục lại được tình trạng da khỏe mạnh ban đầu. Cần tránh sử dụng chất tẩy rửa mạnh và các sản phẩm vitamin A (retinol, retinoids, …) cũng như các chất tẩy da chết vật lý hoặc hóa học khác cho đến khi da của bạn được chữa lành hoàn toàn.

Tẩy tế bào chết quá mức: Hậu quả khôn lường! 2 Việc lạm dụng tẩy tế bào chết sẽ khiến làn da của bạn trông rất đỏ, kèm theo ngứa hoặc cảm giác nóng.

Mụn nhiều hơn

Những chị em có làn da mụn nếu tẩy da chết quá nhiều sẽ khiến tình trạng mụn càng trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể:

  • Hàng rào bảo vệ da bị hư hỏng, tạo điều kiện cho vi trùng gây mụn tàn phá làn da của bạn.
  • Chà hoặc lột quá nhiều có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm, dẫn đến nổi nhiều mụn hơn.

Việc sản xuất dầu tăng lên do tẩy da chết quá nhiều có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn, dẫn đến nổi mụn nhiều hơn.

Quá khô hoặc quá nhiều dầu

Tuyến dầu tự nhiên hoạt động trên da có vai trò rất quan trọng, vừa giúp mang lại cho bạn vẻ rạng rỡ vừa có tác dụng bảo vệ làn da của bạn. 

Tẩy da chết quá nhiều sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da, khiến da trông khô và bong tróc. Nhiều chị em có làn da dầu cho rằng, nếu tẩy tế bào chết nhiều hơn sẽ kết thúc tình trạng nhiều dầu trên da. Hãy bỏ ngay suy nghĩ này để tránh việc chăm sóc da sai cách nhé. Vì khi đó da của bạn bắt đầu sản xuất dầu thừa để bù đắp cho tình trạng khô da bất thường do tẩy da chết quá nhiều đấy nhé.

Tẩy tế bào chết bao nhiêu lần/tuần là đủ?

Tẩy tế bào chết là một trong những bước chăm sóc da cực kỳ quan trọng đối với làn da phụ nữ. Như đã nói ở trên, lạm dụng tẩy tế bào chết quá nhiều sẽ khiến làn da mau chóng bị bào mòn, khả năng bảo vệ da dưới tác động xấu của môi trường bị suy giảm. Vậy tẩy da chết thế nào là vừa đủ, mang lại hiệu quả tốt nhất cho làn da, giúp chị em sở hữu một làn da khỏe đẹp và trắng mịn màng. 

Theo các chuyên gia da liễu chia sẻ, chúng ta chỉ nên tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần là an toàn, không gây ảnh hưởng tiêu cực cho làn da”. Những người làm việc trong môi trường ô nhiễm có thể tẩy tế bào chết 2 lần/tuần, còn lại chỉ cần 1 lần/tuần là đủ.

Tẩy tế bào chết quá mức: Hậu quả khôn lường! 3 Dưỡng ẩm cho da bằng kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng, không có mùi thơm.

Cách chữa lành làn da bị tẩy tế bào chết quá mức?

Bạn cần làm gì để cứu chữa làn da bị tổn hại do tẩy tế bào quá nhiều? Hãy chườm đá làm dịu vết sưng tấy và kích ứng. Bên cạnh đó bạn cũng có thể sử dụng gel lô hội được làm lạnh trong tủ lạnh để giúp làm dịu da. Ngoài ra, dưỡng ẩm cho da bằng kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng, không có mùi thơm.

Dùng kem dưỡng có chứa ceramides cũng là một cách để giúp chữa lành hàng rào bảo vệ da; đồng thời bổ sung huyết thanh vitamin C để giúp da bạn nhanh lành hơn.

Kem hoặc lotion hydrocortisone cũng có công dụng rất tốt trong giảm mẩn đỏ và kích ứng. Trường hợp da bạn bị đau, sưng hoặc viêm nghiêm trọng, hãy uống thuốc chống viêm theo chỉ định của bác sĩ.

Mẹo chọn sản phẩm tẩy da chết phù hợp 

Trên thị trường hiện nay các sản phẩm tẩy da chết khá đa dạng. Tuy nhiên, chúng sẽ được chia làm 2 loại: Tẩy da chết vật lý và tẩy da chết hóa học. Mỗi loại sẽ có ưu và nhược điểm riêng, tùy theo nhu cầu cũng như loại da của bạn mà đưa ra lựa chọn.

Tẩy da chết vật lý

Các sản phẩm tẩy da chết vật lý dạng hạt (scrub) có thể loại bỏ lớp da chết bên ngoài bằng nước và các chất hoạt động bề mặt như bột ngũ cốc (gạo xay, bột ngô), đường hoặc hạt thực vật nhỏ. Sau khi sử dụng sản phẩm này, làn da sẽ trở nên mịn màng ngay lập tức. 

Tẩy tế bào chết quá mức: Hậu quả khôn lường! 4 Chỉ nên sử dụng tẩy da chết vật lý dạng gel lỏng để tránh các tổn thương da không đáng có.

Tuy nhiên một số người sẽ có cảm giác hơi đau nhẹ, các hạt nhỏ sắc cạnh có thể gây xước da và khiến da tổn thương nếu bạn chà xát lâu, nhiều lần.

Một dạng tẩy da chết vật lý khác là sử dụng gel lỏng (peeling gel). Khi massage trên da, gel sẽ nhanh chóng kết vón lại thành những vụn nhỏ, chuyển màu từ trắng sang đục dần. Nhiều người lầm tưởng đây chính là da chết, hay còn gọi là ghét. Tuy nhiên, đây là kết quả của phản ứng giữa các sợi polymer trong sản phẩm (cụ thể là silicone) và dầu (trong cả sản phẩm và bã nhờn trên da). Chuyển động lăn tròn của những cục silicone này sẽ nhẹ nhàng chà xát bề mặt da đồng thời lấy đi dầu thừa trong lỗ chân lông, nhờ vậy mà sau khi tẩy da chết, bạn sẽ thấy da mượt và sáng hơn hẳn, phù hợp với làn da nhạy cảm, da kích ứng hoặc bị mụn.

Vì vậy, vào thời điểm da mới hồi phục, bạn chỉ nên sử dụng tẩy da chết vật lý dạng gel lỏng để tránh các tổn thương da không đáng có.

Tẩy da chết hóa học

Các sản phẩm tẩy da chết hóa học sử dụng các thành phần phản ứng với bề mặt da bên ngoài để tách các lớp tế bào ngoài cùng, bao gồm acid alpha hydroxy (AHA) và acid beta hydroxy (BHA).

Acid lactic và acid glycolic là những AHA phổ biến nhất. AHA tan trong nước nên không thể chui vào sâu trong lỗ chân lông mà chỉ có tác dụng trên bề mặt da. Chính vì thế AHA sẽ là lựa chọn tốt nhất cho những ai chỉ có vấn đề trên bề mặt của da, bao gồm: Da khô, sần sùi, nhăn nheo, da lão hóa do ánh nắng mặt trời và tuổi già, da bị nám, tàn nhang, da không đều màu, da có sẹo hoặc thô ráp, da nhiều mụn cám, mụn đầu trắng nhỏ. AHA không thích hợp với những người có làn da nhạy cảm do khả năng gây kích ứng khá cao.

Tẩy tế bào chết quá mức: Hậu quả khôn lường! 5 Da hỗn hợp và khô thường thích hợp với AHA, còn da nhờn và dễ bị mụn trứng cá sẽ phù hợp với BHA hơn.

Acid salicylic là loại BHA rất được yêu thích. Vì có thể tan trong dầu, nên BHA có thể thâm nhập vào sâu bên trong lỗ chân lông, thích hợp cho những người: Lỗ chân lông to, da nhiều dầu, bị mụn trứng cá... BHA còn có khả năng xử lý mụn ẩn. Giúp đẩy hết nhân mụn lên trên bề mặt da, từ đó tiện cho việc trị mụn. BHA dịu nhẹ hơn AHA, thích hợp với người có làn da nhạy cảm.

Nên thử cả hai loại AHA và BHA (thử riêng rẽ từng sản phẩm) để chọn ra loại sản phẩm phù hợp nhất với làn da của mình. Thông thường, bạn dùng thử sản phẩm tẩy da chết AHA trong một tuần sau đó đến sản phẩm chứa BHA. Trong thời gian dùng, bạn lưu ý cách phản ứng của làn da đối với từng loại. Các loại da hỗn hợp và khô thường là sẽ thích hợp với AHA, còn da nhờn và dễ bị mụn trứng cá sẽ phù hợp với BHA hơn.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.