Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Acarbose

Acarbose: Thuốc hạ glucose máu - chống đái tháo đường

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Acarbose

Loại thuốc

Thuốc hạ glucose máu - chống đái tháo đường (ức chế alpha-glucosidase).

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên 25 mg, 50 mg, 100 mg.

Chỉ định

  • Đơn trị liệu: Như một thuốc phụ trợ chế độ ăn và tập luyện để điều trị đái tháo đường type 2 (không phụ thuộc insulin) ở người tăng glucose máu (đặc biệt tăng glucose máu sau khi ăn) không kiểm soát được chỉ bằng chế độ ăn và tập luyện.
  • Thuốc có thể phối hợp với các nhóm thuốc khác (sulfonylurê hoặc biguanid hoặc insulin) với chế độ ăn và tập luyện để đạt được mục tiêu điều trị đái tháo đường type 2.

Dược lực học

Acarbose là một tetrasaccharid có tác dụng làm hạ glucose máu. Acarbose ức chế có tính chất cạnh tranh và hồi phục với các enzym alpha-amylase ở tụy và enzym alpha-glucosidase ở tế bào bàn chải của ruột đặc biệt là sucrase, làm chậm tiêu hóa và hấp thu carbohydrat. Kết quả là glucose máu tăng chậm hơn sau khi ăn, giảm nguy cơ tăng glucose máu sau ăn, và nồng độ glucose máu ban ngày dao động ít hơn.

Khi dùng acarbose duy nhất để điều trị đái tháo đường type 2 cùng chế độ ăn, acarbose làm giảm nồng độ trung bình của hemoglobin glycosylat (vào khoảng 0,6 đến 1%). Giảm hemoglobin glycosylat tương quan với giảm nguy cơ biến chứng vi mạch ở người đái tháo đường. Acarbose không ức chế lactase và không gây mất dung nạp lactose.

Trái với các thuốc hạ glucose máu nhóm sulfonylurê, acarbose không làm tăng tiết insulin. Acarbose cũng không gây giảm glucose máu lúc đói khi dùng đơn trị liệu ở người. Vì cơ chế tác dụng của acarbose và của thuốc hạ glucose máu thuộc nhóm sulfonylurê, nhóm biguanid khác nhau, chúng có tác dụng cộng hợp khi dùng phối hợp. Tuy nhiên, vì acarbose chủ yếu làm chậm hơn là ngăn cản hấp thu glucose, thuốc không làm mất nhiều calo trong lâm sàng và không gây sụt cân ở cả người bình thường và người đái tháo đường.

Acarbose có thể thêm vào để giúp cải thiện kiểm soát glucose máu ở người bệnh điều trị ít kết quả bằng các liệu pháp thông thường.

Động lực học

Hấp thu

Sau khi uống, phần lớn acarbose lưu lại trong ống tiêu hóa để được các enzym tiêu hóa và chủ yếu vi khuẩn chí ở ruột chuyển hóa để acarbose phát huy tác dụng dược lý. Dưới 2% liều uống được hấp thu dưới dạng thuốc có hoạt tính. Trong khi đó, khoảng 35% liều uống được hấp thu chậm dưới dạng chất chuyển hóa được tạo thành trong đường tiêu hóa.

  • Nồng độ đỉnh của acarbose trong huyết tương: Khoảng 1 giờ.
  • Nồng độ đỉnh các chất chuyển hóa trong huyết tương: Từ 14 - 24 giờ sau khi uống.

Phân bố

Một thể tích phân bố tương đối là 0,32 l / kg thể trọng đã được tính toán ở những người tình nguyện khỏe mạnh từ quá trình cô đặc trong huyết tương.

Chuyển hóa

Acarbose được chuyển hóa hoàn toàn ở đường tiêu hóa, chủ yếu do vi khuẩn chí đường ruột và một lượng ít hơn do enzym tiêu hóa. Ít nhất 13 chất chuyển hóa đã được xác định.

Thải trừ

Nửa đời thải trừ acarbose hoạt tính trong huyết tương khoảng 2 giờ, như vậy, không có hiện tượng tích lũy thuốc khi uống 3 lần mỗi ngày.

Khoảng 51% liều uống đào thải qua phân dưới dạng acarbose không hấp thu, trong vòng 96 giờ. Khoảng 34% liều uống đào thải qua thận dưới dạng các chất chuyển hóa hấp thu.

Dưới 2% liều uống đào thải qua nước tiểu dưới dạng acarbose và chất chuyển hóa hoạt động.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Acarbose có thể cản trở hấp thu hoặc chuyển hóa sắt.

Vì cơ chế tác dụng của acarbose và của các thuốc chống đái tháo đường nhóm sulfonylurê hoặc biguanid khác nhau, nên tác dụng của chúng đối với kiểm soát glucose máu có tính chất cộng khi dùng phối hợp.

Cần tránh dùng đồng thời với các thuốc kháng acid, cholestyramin, các chất hấp phụ ở ruột và các enzym tiêu hóa, vì có thể làm giảm tác dụng của acarbose.

Neomycin làm tăng tác dụng giảm glucose huyết của acarbose.

Acarbose làm giảm tác dụng của digoxin do ức chế hấp thu digoxin.

Tương tác với thực phẩm

Trong khi điều trị bằng acarbose, thức ăn chứa đường saccharose (đường trắng) thường gây khó chịu ở bụng hoặc có khi ỉa chảy, vì hydrat carbon tăng lên men ở đại tràng.

Chống chỉ định

  • Chống chỉ định với các trường hợp quá mẫn với acarbose hoặc bất kỳ tá dược nào trong công thức thuốc.
  • Bệnh nhân bị bệnh viêm ruột, loét đại tràng, tắc ruột một phần hoặc ở những bệnh nhân dễ bị tắc ruột. Ngoài ra, không nên sử dụng acarbose cho những bệnh nhân mắc bệnh đường ruột mãn tính liên quan đến rối loạn tiêu hóa hoặc hấp thu rõ rệt và ở những bệnh nhân bị các trạng thái có thể xấu đi do tăng hình thành khí trong ruột (thoát vị).
  • Những trường hợp suy gan, tăng enzym gan.
  • Acarbose chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân suy thận nặng, không nên dùng cho bệnh nhân có độ thanh thải creatinin <25 ml / phút / 1,73m².
  • Người mang thai hoặc đang cho con bú; người đái tháo đường type 2 dưới 18 tuổi.
  • Hạ đường huyết.
  • Đái tháo đường nhiễm toan thể ceton.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Liều ban đầu: 25 mg/lần, 3 lần/ngày cùng với miếng ăn đầu tiên của mỗi bữa chính. Nhưng để giảm bớt các triệu chứng về tiêu hóa, có thể bắt đầu 25 mg uống một lần mỗi ngày, rồi tăng dần liều cho tới 25 mg/lần, uống 3 lần/ngày, nếu dung nạp được.

Liều duy trì: Khi đã đạt được liều 25 mg/lần, ngày uống 3 lần, thì cứ cách 4 - 8 tuần lại điều chỉnh liều, dựa theo nồng độ glucose huyết 1 giờ sau bữa ăn và khả năng dung nạp thuốc. Liều duy trì thường dao động từ 50 -100 mg/lần, ngày uống 3 lần.

Liều tối đa: Nếu cân nặng người bệnh là 60 kg hoặc nhẹ hơn: 50 mg/lần, ngày uống 3 lần. Nếu người bệnh có cân nặng trên 60 kg: 100 mg/lần, ngày uống 3 lần. Có người đã dùng tới liều 200 mg/lần, ngày uống 3 lần. Vì người có cân nặng thấp có nguy cơ bị tăng transaminase huyết thanh, nên chỉ những người bệnh trên 60 kg mới nên dùng liều cao trên 50 mg/lần, ngày uống 3 lần.

Khi glucose huyết sau ăn hoặc hemoglobin glycosylat không giảm thêm nữa, khi đã dùng liều 200 mg/lần, ngày uống 3 lần, nên tính đến giảm liều. Phải duy trì liều có hiệu quả và dung nạp được.

Trẻ em

Trẻ em ≥10 tuổi và thanh thiếu niên: Dữ liệu rất hạn chế. Đường uống: Liều khởi đầu: 25 mg x 3 lần / ngày với miếng đầu tiên của mỗi bữa ăn chính, cũng có thể bắt đầu với 25 mg x 1 lần / ngày và chuẩn độ dần dần đến 25 mg x 3 lần / ngày khi dung nạp. Sau đó tăng thêm 25 mg / liều trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần khi dung nạp được. Liều tối đa dựa trên cân nặng: ≤60 kg: 50 mg / liều,> 60 kg: 100 mg / liều. Các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhi còn thiếu. Liều lượng dựa trên kinh nghiệm lâm sàng được báo cáo của chuyên gia; liều lượng tổng thể tương tự như được sử dụng ở bệnh nhân người lớn.

Trẻ sơ sinh trên 4 tháng tuổi và trẻ nhỏ không thành công trong chế độ dinh dưỡng: Uống: Liều ban đầu: 12,5 đến 25 mg trước mỗi lần cho trẻ bú sữa công thức có chứa carbohydrate phức tạp. Tăng từ 12,5 đến 25 mg / liều cho đến khi ổn định đường huyết sau ăn (> 60 mg / dL đã được sử dụng trong các báo cáo lâm sàng). Phạm vi liều được báo cáo: 12,5 đến 100 mg / liều. Liều lượng dựa trên vài nghiên cứu nhỏ.

Đối tượng khác

Điều chỉnh liều trong suy thận: Clcr < 25 ml/phút: Nồng độ đỉnh trong huyết tương cao hơn gấp 5 lần, và AUC rộng gấp 6 lần so với người có chức năng thận bình thường.

Creatinin huyết thanh > 2 mg/dl: Không nên dùng acarbose.

Cách dùng Acarbose

Uống acarbose vào đầu bữa ăn để giảm nồng độ glucose máu sau ăn. Viên thuốc phải nhai cùng với miếng ăn đầu tiên hoặc nuốt cả viên cùng với ít nước ngay trước khi ăn.

Trong quá trình điều trị ban đầu và điều chỉnh liều phải định lượng glucose một giờ sau khi ăn để xác định sự đáp ứng điều trị và liều tối thiểu có tác dụng của acarbose. Sau đó, theo dõi hemoglobin glycosylat khoảng 3 tháng một lần để đánh giá kiểm soát glucose máu dài hạn.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Tiêu hóa: Đầy bụng, phân nát, ỉa chảy, buồn nôn, bụng trướng và đau.

Ít gặp

Gan: Test chức năng gan bất thường.

Da: Ngứa, ngoại ban.

Hiếm gặp

Gan: Vàng da, viêm gan

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Vì có những trường hợp tăng enzym gan nên cần theo dõi transaminase gan trong quá trình điều trị bằng acarbose.
  • Có thể xảy ra hạ glucose máu khi dùng acarbose đồng thời với một thuốc chống đái tháo đường sulfonylurê và/hoặc insulin. Khi điều trị hạ glucose máu, phải dùng glucose uống (dextrose) mà không dùng sucrose (đường trắng) vì hấp thu glucose không bị ức chế bởi acarbose.
  • Acarbose không có tác dụng khi dùng đơn độc ở những người bệnh đái tháo đường có biến chứng nhiễm toan, tăng ceton hoặc hôn mê; hoặc khi bị một stress (như sốt cao, chấn thương, phẫu thuật...), ở những trường hợp này, phải dùng insulin.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa xác định được độ an toàn ở người mang thai. Nên dùng insulin trong thời kỳ mang thai để duy trì glucose máu càng gần bình thường càng tốt.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Sau khi sử dụng acarbose đánh dấu phóng xạ cho chuột con bú sữa, một lượng nhỏ hoạt tính phóng xạ đã được phục hồi trong sữa. Cho đến nay không có phát hiện tương tự ở người. Tuy nhiên, vì không thể loại trừ khả năng tác dụng của thuốc đối với trẻ bú mẹ, nên không khuyến cáo kê đơn acarbose trong thời kỳ cho con bú

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có dữ liệu nào về sự thay đổi khả năng lái xe hoặc sử dụng máy móc khi đang điều trị bằng acarbose.

Quá liều

Quá liều Acarbose và xử trí

Quá liều và độc tính

Không giống như sulfonylurê hoặc insulin, quá liều acarbose không gây hạ glucose huyết. Quá liều acarbose có thể gây tăng trướng bụng, ỉa chảy, đau bụng, nhưng các triệu chứng thường hết nhanh chóng.

Cách xử lý khi quá liều

Trong trường hợp quá liều, không nên cho người bệnh dùng đồ uống hoặc thức ăn chứa nhiều hydrat carbon (polysaccharid, oligosaccharid, và disaccharid) trong 4 - 6 giờ.

Quên liều và xử trí

Nếu bạn bỏ lỡ một liều acarbose, hãy bỏ qua liều đã quên và quay lại lịch dùng thuốc thông thường của bạn. Đừng tăng gấp đôi liều lượng.

Nếu bạn ăn xong mà quên uống thuốc, đừng dùng liều đã quên. Thay vào đó, hãy dùng liều tiếp theo vào đầu bữa ăn kế tiếp của bạn theo lịch trình.

Nguồn tham khảo