Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tắc ruột: Hiện tượng ống tiêu hóa bị suy yếu

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tắc ruột là hiện tượng ống tiêu hóa bị suy yếu và không thể vận chuyển thức ăn, khiến cho thức ăn, hơi hay nước không thể đi xuống dưới. Tắc ruột thường không biểu hiện những triệu chứng đặc trưng, khiến nhiều người chủ quan và tiếp tục ăn, làm thức ăn bị ứ trệ trong ruột ngày càng nhiều.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tắc ruột là gì? 

Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn một phần hay toàn bộ ruột non hoặc ruột già, ngăn cản sự di chuyển của chất lỏng và thức ăn đã tiêu hóa. Khi đó, mọi thứ (thức ăn, chất lỏng, acid dạ dày, khí gas) sẽ tích tụ phía sau vị trí tắc nghẽn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc ruột

Tắc ruột có thể gây ra một loạt các triệu chứng trên đường tiêu hóa như:

  • Đầy hơi nghiêm trọng;

  • Đau quặn bụng;

  • Giảm sự thèm ăn;

  • Buồn nôn, nôn;

  • Không xì hơi và không đi đại tiện được khi tắc ruột hoàn toàn;

  • Táo bón;

  • Tiêu chảy khi tắc ruột một phần;

  • Co thắt dạ dày nặng;

  • Chướng bụng, sưng bụng.

Trong đó, một số triệu chứng có thể xuất hiện phụ thuộc vào vị trí và thời gian tắc nghẽn. Nôn mửa là một dấu hiệu ban đầu của tắc ruột non hoặc khi đang tắc nghẽn ruột già.

Trong trường hợp một phần ruột bị vỡ, gây viêm phúc mạc sẽ có các triệu chứng như sốt và ngày càng đau bụng nhiều. Đây là một tình trạng khẩn cấp, đe dọa tính mạng và cần phải phẫu thuật ngay.

Tác động của tắc ruột đối với sức khỏe 

Tắc ruột gây các triệu chứng chủ yếu trên đường tiêu hóa, gây đau, khó chịu và mệt mỏi cho bệnh nhân. Cần chú ý đến các dấu hiệu của tắc ruột để tránh các biến chứng nghiêm trọng hơn của bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tắc ruột

Khi bị tích tụ quá nhiều thứ ở ruột có thể gây tăng áp suất trong lòng ruột dẫn đến vỡ ruột, lúc đó các chất có hại và vi khuẩn từ ruột sẽ đi vào khoang bụng và các cơ quan khác gây nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể đưa đến tử vong.

Khi tắc nghẽn khiến máu không thể lưu thông, có thể gây ra thủng ruột, hoại tử, nhiễm trùng máu, suy đa tạng và tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tắc ruột

Tắc nghẽn cơ học:

Các vật cản này chủ yếu làm tắc nghẽn ở ruột non:

  • Sau khi phẫu thuật vùng bụng/vùng chậu hoặc sau khi bị viêm xoắn ruột nghiêm trọng, các mô sợi liên kết phát triển gây tắc ruột;

  • Lồng ruột: Thường gặp ở trẻ sơ sinh, cũng có thể thỉnh thoảng thấy ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên;

  • Khối u trong ruột non;

  • Sỏi mật;

  • Nuốt phải dị vật, đặc biệt là ở trẻ em;

  • Chứng sa ruột;

  • Bệnh viêm đường ruột (bệnh Crohn…).

Vật cản cơ học cũng gây tắc nghẽn ruột già, tuy nhiên ít phổ biến hơn:

  • Phân bị mắc kẹt trong đại tràng hoặc trực tràng, phân su ở trẻ sơ sinh;

  • Dính ruột do nhiễm trùng vùng chậu hoặc sau phẫu thuật;

  • Ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng;

  • Xoắn ruột, lồng ruột;

  • Viêm túi thừa;

  • Hẹp ruột kết do sẹo hoặc viêm.

Tắc nghẽn phi cơ học: Khi có thứ gì đó làm gián đoạn sự vận động phối hợp của ruột non và ruột già.

Tình trạng tắc ruột tạm thời:

  • Phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu;

  • Nhiễm trùng (viêm dạ dày ruột, viêm ruột thừa…);

  • Do thuốc (thuốc giảm đau opioid…);

  • Mất cân bằng điện giải.

Tắc ruột giả (liệt ruột):

  • Do mắc bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng rải rác và một số bệnh gây rối loạn thần kinh – cơ khác;

  • Bệnh Hirschsprung (rối loạn do thiếu dây thần kinh ruột già);

  • Rối loạn gây ra chấn thương thần kinh (đái tháo đường…);

  • Suy giáp hoặc khi tuyến giáp kém hoạt động.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tắc ruột?

Người đã/đang bị các bệnh đường tiêu hóa (bệnh Crohn, viêm túi thừa…) và đã từng phẫu thuật ruột.

Người có bệnh về động mạch ngoại biên.

Người bị khối u gần ruột chèn ép, bị ung thư (ung thư buồng trứng, đại tràng…).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tắc ruột

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tắc ruột, bao gồm:

  • Tuổi tác: Người cao tuổi dễ bị tắc ruột; lồng ruột thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

  • Tiền sử mắc các bệnh đường tiêu hóa hoặc chấn thương đường ruột.

  • Người từng chiếu xạ vùng bụng hoặc các cơ quan gần đó.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc ruột

Trước tiên, bác sĩ sẽ ấn vào bụng và nghe bằng ống nghe để xem có dị vật nào không. Một số các xét nghiệm khác có thể được chỉ định:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu, chức năng gan và thận, nồng độ chất điện giải;

  • Xét nghiệm nước tiểu;

  • Chụp X quang bụng;

  • Chụp đại tràng có sử dụng thuốc cản quang barium hoặc thông khí;

  • Chụp CT;

  • Siêu âm;

  • Nội soi đại tràng.

Phương pháp điều trị tắc ruột hiệu quả

Tùy vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tắc nghẽn mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Đối với tắc nghẽn một phần hoặc tắc ruột tạm thời, có thể điều trị đơn giản bằng cách cho ruột nghỉ ngơi (không ăn gì) và truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Nếu biết nguyên nhân của tắc nghẽn, bác sĩ cũng sẽ xử lý nguyên nhân đó.

Đối với tắc nghẽn hoàn toàn, thông thường cần phải phẫu thuật để loại bỏ phần tắc nghẽn và đoạn ruột bị hoại tử.

Trường hợp bị dính/hẹp ruột hoặc ung thư đại tràng, bác sĩ có thể chỉ định đặt stent kim loại nội soi.

Điều trị mất nước là quan trọng: Truyền dịch qua đường tĩnh mạch để điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải. Có thể phải thông tiểu.

Đặt ống thông mũi dạ dày để hút không khí và chất lỏng ra ngoài, làm giảm bớt áp lực dạ dày, giảm sưng tấy, nôn.

Tháo lồng ruột bằng hơi hoặc barium ở trẻ bị lồng ruột.

Dùng thuốc:

  • Kháng sinh để giảm nhiễm trùng;

  • Thuốc chống buồn nôn;

  • Thuốc giảm đau.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ và tuyệt đối không được tự điều trị ở nhà.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc ruột

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ở bệnh nhân tắc nghẽn một phần ruột, bác sĩ có thể đề xuất một chế độ ăn đặc biệt ít chất xơ.

  • Ăn thức ăn dễ tiêu.

  • Uống nhiều nước lọc.

  • Không uống rượu bia, nước có gas hoặc các đồ uống kích thích dạ dày, ruột.

Phương pháp phòng ngừa tắc ruột hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thường xuyên luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe để kích thích ruột co bóp và hoạt động tốt hơn.

  • Ăn các thức ăn đã nấu chín, dễ tiêu hóa và nên nhai kỹ trong quá trình ăn.

  • Uống nhiều nước trong ngày.

  • Thường xuyên theo dõi sức khỏe, đặc biệt ở người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh.

Nguồn tham khảo

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/intestinal-obstruction/symptoms-causes/syc-20351460

https://www.healthline.com/health/intestinal-obstruction

https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-bowel-obstruction

Các bệnh liên quan

  1. Xơ gan

  2. Viêm tụy

  3. Thoát vị hoành

  4. Tắc mật

  5. Viêm dạ dày

  6. Thoát vị bẹn

  7. Viêm gan A

  8. Viêm gan C

  9. Ung thư biểu mô tế bào gan

  10. Nhiễm trùng đường ruột