Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm loét đại tràng có nghiêm trọng không?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm loét đại tràng là một bệnh viêm đường ruột có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh không có cách điều trị dứt điểm, tuy nhiên phát hiện sớm bệnh có thể giúp bệnh nhân được điều trị phần nào, giảm bớt các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Hãy duy trì một lối sống tích cực, thường xuyên rèn luyện thể thao để có một sức khỏe tốt, hạn chế bệnh tật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm loét đại tràng là gì? 

Viêm loét đại tràng là một bệnh viêm ruột với biểu hiện chính là sự hình thành vết loét hở trong ruột già và gây kích ứng. Tình trạng viêm thường bắt đầu từ trực tràng (vùng gần hậu môn) và có thể lan rộng, gây viêm 1 phần hoặc toàn bộ đại tràng. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào vị trí viêm và số vùng bị viêm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm loét đại tràng

Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Khoảng 50% số bệnh nhân viêm loét đại tràng chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ:

  • Đau quặn bụng;

  • Tiêu chảy ra máu, mủ, chất nhầy;

  • Mắc đi tiêu gấp;

  • Giảm cân;

  • Sốt;

  • Mệt mỏi;

  • Buồn nôn, nôn;

  • Thiếu máu.

Tác động của Viêm loét đại tràng đối với sức khỏe 

Viêm loét đại tràng có thể gây nên các triệu chứng trên đường tiêu hóa, khiến bệnh nhân đau đớn và mệt mỏi, suy nhược. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen và tần số đi ngoài có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng không được điều trị có thể gây xuất huyết, thủng đại tràng, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở các mạch.

Viêm loét đại tràng cũng có thể gây ra các vấn đề như viêm khớp, viêm mắt, bệnh gan, loãng xương. Bệnh cũng có thể dẫn đến mất nước và mất chất dinh dưỡng.

Nghiêm trọng hơn, viêm loét đại tràng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm loét đại tràng

Chưa rõ nguyên nhân chính xác gây viêm loét đại tràng. Các nhà khoa học cho rằng do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, các kháng thể tạo ra tự tấn công vào các mô, cơ quan của cơ thể gây viêm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm loét đại tràng?

Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc phải viêm loét đại tràng, đặc biệt là ở những người có các bệnh tự miễn hoặc có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm loét đại tràng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm loét đại tràng, bao gồm:

  • Viêm loét đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở độ tuổi 15 – 30 tuổi và trên 60 tuổi.

  • Khoảng 20% những người bị viêm loét đại tràng có thành viên trong gia đình cũng bị viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc viêm ruột.

  • Có chế độ ăn nhiều chất béo.

  • Dùng thuốc nhóm NSAID kéo dài.

  • Người Do Thái.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm loét đại tràng

Xét nghiệm máu: Tìm dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tình trạng thiếu máu.

Xét nghiệm phân: Tìm dấu hiệu viêm, nhiễm ký sinh trùng.

Chẩn đoán hình ảnh: Chụp CT, MRI đại tràng.

Nội soi đại tràng.

Phương pháp điều trị viêm loét đại tràng hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Dùng thuốc:

Aminosalicylate (sulfasalazine, mesalamine): Trong trường hợp viêm loét đại tràng nhẹ đến trung bình và có thể dùng dưới dạng viên nén, thuốc xổ hoặc thuốc đạn.

Corticosteroid (prednisone, budesonide…): Trong trường hợp viêm loét đại tràng nặng, kết hợp với các thuốc khác.

Thuốc ức chế miễn dịch (6 – mercaptopurine, azathioprine, methotrexate, Tofacitinib): Làm dịu sự hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch.

Thuốc sinh học (infliximab, adalimumab, golimumab, certolizumab pegol, vedolizumab, ustekinumab): Điều trị viêm loét đại tràng trung bình đến nặng. 

Thuốc ức chế Janus kinase – JAK (tofacitinib): Ngăn chặn kích hoạt phản ứng viêm.

Thuốc chống tiêu chảy (loperamide…).

Thuốc giảm đau (paracetamol).

Thuốc chống co thắt.

Phẫu thuật có thể cần thiết nếu thuốc không có tác dụng, có các biến chứng hoặc ngăn ngừa ung thư đại tràng:

Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng – đại tràng và thủ thuật mở thông hồi tràng (tạo một túi từ một phần của ruột non thành một trực tràng mới).

Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng – đại tràng và hồi tràng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm loét đại tràng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Tập thể dục nhẹ nhàng giúp rèn luyện cơ thể khỏe mạnh hơn và giảm stress.

  • Tầm soát đại tràng thường xuyên hơn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh các thức ăn quá nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nước uống có gas, sữa, rượu bia, cà phê, thực phẩm giàu chất xơ

  • Ăn thanh đạm, tránh ăn quá mặn hoặc quá cay.

  • Chất bổ sung sắt nếu bị xuất huyết đường ruột mạn tính gây thiếu máu thiếu sắt.

  • Nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 2 – 3 bữa lớn/ngày.

Phương pháp phòng ngừa viêm loét đại tràng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc mỗi ngày kết hợp với rèn luyện thể dục để duy trì thể chất khỏe mạnh.

  • Giảm thiểu sự căng thẳng (tập thiền, yoga, hoạt động ngoài trời…).

  • Uống nhiều nước.

Nguồn tham khảo
  1. https://my.clevelandclinic.org/
  2. https://www.mayoclinic.org/
  3. https://www.webmd.com/

Các bệnh liên quan

  1. Sán dây cá

  2. Teo đường mật bấm sinh

  3. Ngứa hậu môn

  4. Viêm gan A

  5. Tiêu chảy

  6. Sỏi mật

  7. Hôn mê gan

  8. Thoát vị khe hoành

  9. U mô đệm đường tiêu hóa (GISTs)

  10. Sán dây