Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

An nam tử: Món giải khát có tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

An nam tử thường được sử dụng như một thức uống giải khát, khá ít người biết về tác dụng chữa bệnh của loại thức uống này. Ở Châu Á, An nam tử được sử dụng trong chế biến các món ăn; đặc biệt trà An nam tử được uống như một thức uống giải nhiệt rất sảng khoái.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: An nam tử.

Tên khác: Lười ươi; hạt Ươi; Đại hải; Đại đồng quả; Đười ươi; Bàng đại hải; Đại hải tử.

Tên khoa học: Semen Scaphii Lychnophori, thuộc họ Sterculiaceae (Trôm).

Đặc điểm tự nhiên

An nam tử dạng cây thân gỗ cao to, cây cao đến 30 – 40m, thân có thể cao 10 - 20m mà chưa phân nhánh, đường kính thân 0,8 - 1m. 

Lá An nam tử dạng lá đơn nguyên hay xẻ thuỳ, mặt dưới nâu hay ánh bạc, mặt trên màu lục, dài 18 - 45 cm, rộng 18 - 24 cm, cuống dài. Hoa nhỏ, không cuống, tập hợp thành từ 3 - 5 chuỳ ờ đầu cành. Mỗi hoa cho 1 - 2 quả đại, mỗi quả đại dài 12 - 16cm, rộng 4 - 5 cm. Thịt quả gồm 3 lớp: Lớp ngoài mỏng, lớp giữa dày là những tế bào chứa chất nhầy, lớp trong nhẵn và màu trắng nhạt.

An nam tử ra lá vào tháng 3 - 4 và rụng vào tháng 1, An nam tử bắt đầu ra hoa vào tháng 3 - 4, trước khi lá phát triển. Quả hình thành vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 và tách ra trước khi hạt chín. Khi chín quả đại tách ra để lộ các hạt thường nhầm là quả, hạt có hai cánh, thực tế chỉ là hai thuỳ dạng lá của quả đại. Hạt thuôn nhọn về mỗi đầu, dài 2 – 3cm và đường kính từ 1 - 1,5cm. Đỉnh có hình tròn tù và phần đáy hơi nhọn và xiên.

Phân bố, thu hái, chế biến

An nam tử chỉ mới thấy phân bố và được sử dụng, khai thác ở miền Nam nước ta tại những vùng Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị cũng có một ít. An nam tử chủ yếu được trồng ở khu vực nhiệt đới của Đông Nam Á chẳng hạn như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Ấn Độ và Malaysia.

Sản lượng lớn nhất là ở Lào, nhưng chất lượng ở  Việt Nam được xem là tốt nhất. Bắt đầu thu hoạch hạt vào tháng 4 – 5, hạt sau khi thu hoạch được phơi hay sấy khô. Hạt thuôn nhọn về mỗi đầu, dài 2 – 3cm và đường kính từ 1 - 1,5cm. Đỉnh có hình tròn tù và phần đáy hơi nhọn và xiên, màu hạt nâu đỏ nhạt, trên mặt nhăn, nổi trên nước, nhưng khi ngâm nước thì nở ra rất to, gấp 8 – 10 lần thể tích hạt, chất nhầy sau khi trương nở có màu nâu nhạt trong, vị hơi chát, mát, do đó châu Âu gọi là hạt nở. Ở Việt Nam hạt An nam tử được khai thác chủ yếu ở miền Nam để dùng tại chỗ và xuất khẩu.

Hạt An nam tử
Hạt An nam tử

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được là hạt.

Thành phần hoá học

Hạt Lười ươi gồm hai phần: Phần nhân chiếm khoảng 35% và phần vỏ chiếm khoảng 65%. 

An nam tử chứa pentosan và các chất nhớt thuộc axit pectinic, chủ yếu bao gồm axit galacturonic, arabinose và axit axetic galactose.

Vỏ của hạt chứa dầu dễ bay hơi, chất nhầy. Nhân của hạt có chứa nhiều axit béo, vị cay và chất đắng. Lớp ngoài của hạt chứa chất nhầy, bassorin, và vỏ chứa 15,06% galactose và 24,7% pentose (chủ yếu là arabinose).

Phần đường trong hạt chủ yếu galactoza, pentoza và arabinoza.

dược liệu an nam tử
An nam tử chứa pentosan và các chất nhớt thuộc axit pectinic

 

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, y học dân gian Nhật Bản, y học cổ truyền Việt Nam, y học cổ truyền Thái Lan và y học cổ truyền Ấn Độ nước sắc của hạt An nam tử được dùng làm thuốc chữa viêm họng, viêm thanh quản, táo bón, ho, rong kinh và giảm cơn đau.

Theo tài liệu cổ An nam tử có vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải nhiệt từ phổi, làm ẩm phổi, làm ẩm ruột, loại bỏ các chất độc hại, chuyển hóa đờm và ngừng ho, lợi cổ họng, giải độc, dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, chảy máu cam. Dựa trên các tác dụng này, theo y học cổ truyền Trung Quốc An nam tử được sử dụng để điều trị viêm họng (đau họng), táo bón, ho không đờm (ho khan không có đờm) và đau (nhức đầu và đau rát cổ họng).

Theo y học hiện đại

Tác dụng giảm đau

An nam tử được sử dụng rộng rãi để kiểm soát cơn đau liên quan đến răng và viêm họng ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Các nghiên cứu được thực hiện bởi Dhage và cộng sự, dịch chiết An nam tử ức chế hiện tượng đau do acid acetic gây ra, làm tăng thời gian phản ứng với các kích thích nhiệt, ức chế sự liếm chân trong giai đoạn viêm do formalin gây ra trong các thử nghiệm trên chuột.

Surapanthanakorn đã thử nghiệm và báo cáo rằng dịch chiết An nam tử với liều lượng 200mg/kg có thể so sánh tác dụng giảm đau với acid acetyl salicylic dùng đường uống.

Tác dụng chống viêm

Tác dụng chống viêm của An nam tử là do ức chế histamine, serotonin, bradykinin và prostaglandin, là những chất trung gian chính của bệnh viêm nhiễm cấp tính. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng polysaccharid thành phần chính của An nam tử, ức chế đáng kể tai chuột phù nề do dimetyl benzen và dầu croton 2% gây ra.

Tác dụng chống nhiệt miệng

Nghiên cứu của Surapanthanakorn cho thấy rằng việc uống 50 – 200mg/kg chiết xuất của An nam tử làm giảm đáng kể nhiệt độ trực tràng của những con chuột thử nghiệm sau khi gây sốt.

Tác dụng chống oxy hóa

Dhage và cộng sự, dịch chiết An nam tử 10 – 200 µg/ml có thể quét các gốc tự do 2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH), 80 – 400 µg/ml dịch chiết An nam tử  làm giảm đáng kể nồng độ nồng độ của chất khử kali ferricyanide.

Tác dụng chống viêm loét

Dịch chiết của An nam tử được báo cáo là cung cấp tác dụng bảo vệ dạ dày bằng cách ức chế các tổn thương niêm mạc gây ra bởi cả thắt môn vị và ethanol.

Dhage và cộng sự đã chỉ ra rằng, dịch chiết An nam tử 100 – 500mg/kg làm giảm sự tiết acid dạ dày, pH dịch vị và chỉ số loét dạ dày

Tác dụng chống tăng huyết áp

Hạt của An nam tử được báo cáo là có tác dụng hạ huyết áp. Các nghiên cứu thấy tác dụng hạ huyết áp được báo cáo là duy trì được 3 – 4 giờ ở mèo nhưng chỉ trong 30 phút ở chó.

Tác dụng kháng khuẩn

Streptococcus mutans là vi khuẩn gram dương, là tác nhân gây bệnh chính của bệnh răng miệng, sâu răng. S. mutans chuyển hóa carbohydrate có trong trong thực phẩm và tạo ra các acid hữu cơ, bắt đầu quá trình sâu răng và hình thành mảng bám. Yang và cộng sự đã nghiên cứu tác động của chiết xuất An nam tử về các đặc tính gây bệnh của vi khuẩn Streptococcus mutans. Phát hiện của họ cho thấy 0,01 – 0,04mg/mL dịch chiết An nam tử  thể hiện sự ức chế đối với sự tăng trưởng, sản xuất acid và sự hình thành mảng bám của S. mutans.

Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng 40–80 µg/ml dịch chiết An nam tử có tác dụng kháng khuẩn đang kể đối với E.coli, S. aureus, S. typhi, và B. dysenteriae. Ngoài ra, dịch chiết từ An nam tử còn có tác dụng chống nấm C. albicans.

Tác dụng chống béo phì

Zhao và cộng sự chỉ ra rằng chiết xuất từ ​​An nam tử ức chế chất xúc tác tổng hợp acid béo và do đó làm giảm quá trình tạo lipid ở gan. Ngoài ra, chiết xuất An nam tử làm giảm sự thèm ăn  và thúc đẩy giảm cân ở chuột.

Tác dụng nhuận tràng

Các loại trà và nước sắc của An nam tử đã được sử dụng để điều trị táo bón. Tác dụng nhuận tràng này được cho là do khả năng của các chất chiết xuất của An nam tử để làm tăng và thúc đẩy nhu động ruột và tăng thể tích của đường dạ dày - ruột.

Chất nhầy và chất xơ của An nam tử có tác dụng trị táo bón. Hạt An nam tử ngâm trong nước trương nở làm tăng lượng nước trong phân, giúp đại tiện dễ dàng hơn.

Liều dùng & cách dùng

Ngâm từ 4 – 5 hạt vào khoảng một lít nước đợi cho hạt nở ra, có thể thêm đường vào để uống ngon hơn.

Bài thuốc kinh nghiệm

Điều trị viêm amidan cấp tính và viêm họng

Cách 1: Lấy 5g An nam tử, 5g Mạch môn đông, 3g Cam thảo và 5g Bản lam căn. Cho tất cả nguyên liệu trên đem hãm với nước sôi và có thể uống nhiều lần trong ngày.

Cách 2: Sử dụng 5g An nam tử, 16g hoa Kim ngân khô, 1g Cam thảo, 2g Bạc hà và 4g Bồ công anh. Sau đó, mang tất cả đi rửa sạch và hãm với nước sôi. Dùng trong vòng 1 tuần thay cho nước trà giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh viêm amidan cấp tính và viêm họng.

Chữa mất tiếng, ho khan, viêm đau lợi và họng nóng rát

Sử dụng 5 hạt An nam tử sắc chung với 3g Cam thảo. Nước sắc được sử dụng hàng ngày như nước trà, dùng trong vòng 1 tuần, giảm triệu chứng bệnh mất tiếng, ho khan, viêm đau lợi và nóng rát họng. Đối tượng là người già và trẻ em, nên cho thêm đường phèn để dễ uống hơn.

Chữa ho khan không có đờm, đau họng, khàn tiếng, chảy máu cam nội nhiệt

Sử dụng 3 hạt An nam tử hãm với nước sôi rồi thêm 15ml mật ong vào uống. Sử dụng trong vòng từ 3 - 5 ngày các triệu chứng ho khan, đau họng, khàn tiếng,chảy máu cam, nội nhiệt sẽ thuyên giảm, giảm sự khó chịu do triệu chứng bệnh gây nên.

Điều trị chảy máu cam ở trẻ em

Sao vàng 2 – 5 hạt An nam tử sau đó đem đi nấu lấy nước. Dùng cho trẻ uống 2 – 3 ngày, chảy máu cam ở trẻ sẽ tự khỏi.

Chữa tắt tiếng, mất tiếng hoặc khan tiếng, ho không long đờm

Sử dụng 2 trái An nam tử đem ngâm với nước sôi và uống thay nước trà. Uống đều đặn mỗi ngày giúp lấy lại tiếng.

Hạt An nam tử chữa bệnh
Hạt An nam tử có nhiều công dụng chữa bệnh

 

Lưu ý

Không nên sử dụng An nam tử cho phụ nữ có thai, cho con bú, người bị viêm đại tràng mạn tính có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy.

An nam tử có tác dụng thanh nhiệt và nhuận phổi, cải thiện triệu chứng của nhiều bệnh lý liên quan đến phế. Tuy nhiên để tránh lạm dụng, phát huy tối đa hiệu quả cũng như không gây các tác dụng phụ, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.

Nguồn tham khảo
  1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.

  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.