Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bạch chỉ: Dược liệu giảm đau, kháng viêm

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bạch chỉ là một dược liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng nay đã có thể trồng ở một số nơi ở Việt Nam. Dược liệu này được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với các dược liệu khác trong một số bài thuốc nhờ tác dụng chính là hạ sốt, giảm đau và kháng viêm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Bạch chỉ.

Tên khác: Phong bạch chỉ, phong hương, bạch chỉ hàng châu, hương bạch chỉ.

Tên khoa học: Angelica dahurica Benth. et Hook (họ Hoa tán – Apiaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Bạch chỉ là một loài thân cỏ nhiều năm, cao từ 1 – 1,5 m. Rễ cọc mọc thẳng xuống đất và phình lên thành củ, đôi khi có phân nhánh. Thân có đường kính từ 2 – 3 cm, rỗng, bên ngoài có màu tím hồng, thân non có lông che chở. Lá có kích thước lớn, bẹ lá phát triển ôm lấy thân. Phiến lá xẻ lông chim từ 2 – 3 lần tạo các thùy hình trứng có chiều dài 2 – 6 cm, rộng 1 – 3 cm, mép lá có răng cưa, có lông ở mặt trên lá tại vị trí các đường gân.

Cụm hoa dạng tán kép mọc ở ngọn cạnh hoặc nách lá. Cuống chung dài 4 – 8 cm, cuống tán dài 1 cm. Hoa mẫu 5, màu trắng, cánh hoa cong lên ở đính phiến, 5 nhị dài hơn cánh hoa. Quả bế đôi hình bầu dục dẹt hoặc hình cầu, dài khoảng 6 mm với 4 cánh mỏng. Cây có chứa tinh dầu ở rễ, thân và lá. 

Ngoài bạch chỉ (hàng châu bạch chỉ, hương bạch chỉ) còn có Xuyên bạch chỉ (Angelica anomala) cũng là một loài thân cỏ lâu năm sống lâu hơn bạch chỉ, chiều cao hơn bạch chỉ 2 – 3 cm nhưng đường kính thân lại nhỏ hơn chỉ khoảng 1 cm, lá chia thùy với phần cuống dài khác với loài bạch chỉ nói trên. Tuy nhiên, theo Trung dược chí 1 (1993), loài này chưa bao giờ được dùng thay thế bạch chỉ.

Phân bố, thu hái, chế biến

Bạch chỉ đã được di thực thành công vào nước ta và lưu giống tại vùng núi cao. Cây cũng được trồng ở đồng bằng. 

Tại Tam Đảo, bạch chỉ được trồng vào khoảng tháng 1, tháng 2 hàng năm, đến tháng 4, tháng 5 năm sau, cây bắt đầu ra hoa. 

Chờ đến mùa thu, khi lá chuyển vàng, tiến hành thu hái rễ (không lấy rễ củ ở cây ra hoa, kết quả). 

Lấy cả rễ và rễ con cho vào dụng cụ bảo quản chứa vôi, đậy kín. Sau 1 tuần lấy mẫu đem phơi khô. Cũng có nơi người ta tiến hành phơi luôn. Phơi nắng hoặc sấy khô 40 – 50oC.

Bạch chỉ
Cây Bạch chỉ

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của bạch chỉ là rễ củ (Radix Angelicae dahuricae) phơi hay sấy khô. Rễ củ có dạng hình chùy đường kính khoảng 3 cm, dài từ 10 – 20 cm. Mặt ngoài có màu nâu nhạt, có dấu vết của rễ con và nhiều đường nhăn dọc. Cắt ngang thấy có màu trắng đến trắng ngà, mùi thơm hắc, vị cay, hơi đắng.

Thành phần hoá học

Người ta đã phân lập được các hợp chất thuộc nhóm coumarin từ rễ bạch chỉ như: Oxypeucedanin, imperatorin, isoimperatorin, phellopterin, byakangelicin, izobyakangelicol hay anhydrobyakangelicin, angelicol, xanthotoxin, neobyakangelicol, marmesin, nodakenetin, scopoletin.

Trong xuyên bạch chỉ ngoài chất bergapten, umbelliferon còn có anomalin.

Người ta cũng đã chiết xuất được một chất nhựa màu vàng, vị đắng có tính chất kích thích từ xuyên bạch chỉ gọi là angelicotoxin. Ngoài ra còn có một số chất như byakangelicin C17H18O7, byakangelicola C17H16O6, acid angelic C4H7COOH và tinh dầu. 

Trong một nghiên cứu của Kim Hyun Soo và cộng sự (1990), nhóm đã xác định được tinh dầu trong bạch chỉ có chứa α-pinen, camphen, β-pinen, myrcen, α-phelandren, caren, α –terpinen, terpinolen, 4-vinylguaicol, isoclemen, β-clemen, caryophylen, nhóm chất sesquiterpen…

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, bạch chỉ có vị cay, tính ôn, vào 3 kênh phế, vị, đại tràng. Dược liệu có tính giải biểu, khu phong, thắng thấp, hoạt huyết để loại mủ, sinh cơ, giảm đau, làm thần kinh trở nên hưng phấn, khí huyết lưu thông mau chóng nên được dùng để điều trị nhức đầu, răng đau, các bệnh về đầu, mặt, chữa huyết trắng, điều hòa kinh nguyệt. 

Dược liệu còn được dùng giảm đau, hút mủ trong trường hợp sưng vú, ghẻ lở. Ngoài ra còn giảm đau trong nhức đầu, cảm mạo, hoa mắt, đau răng, hoặc cầm máu ở người chảy máu cam, đi tiêu ra máu.

Bạch chỉ thường được kết hợp với các dược liệu khác như sắn dây, địa liền, để làm viên bạch địa căn. Thuốc này có tác dụng hạ sốt giảm đau thấy rõ ở bệnh sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu. Bệnh nhân sốt xuất huyết dùng Bạch địa căn không những hết sốt mà còn giảm đau nhức tay chân, cảm giác dễ chịu. Ở bệnh nhân thủy đậu hoặc sởi, thuốc cho thấy tác dụng kháng khuẩn, giúp các nốt thủy đậu ít bị bội nhiễm. 

Bạch chỉ còn được kết hợp với xuyên khung để làm bột khung chỉ.

tác dụng của bạch chỉ
Bạch chỉ hạ sốt, giảm đau và kháng viêm

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng khuẩn

Năm 1950, Lưu Quốc Thanh và Trương Duy Tân đã nghiên cứu và chứng minh được bạch chỉ có khả năng ức chế sự sinh trưởng của trực khuẩn E. coli, trùng lỵ Sonner, trực khuẩn mủ xanh và vi khuẩn tả. 

Bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch đã cho thấy rằng cao chiết bạch chỉ ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn tán huyết, tụ cầu vàng, trực khuẩn subtilis, trực khuẩn lỵ, tràng cầu khuẩn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn. 

Tác dụng hạ sốt, giảm đau

Cho thỏ bị gây sốt bằng pepton uống nước sắc bạch chỉ, thấy thỏ giảm sốt rõ rệt. 

Tác dụng kháng viêm

Cho chuột bị gây phù chân bằng kaolin uống bạch chỉ với liều 10 g/kg cho thấy có hiệu quả giảm phù. 

Tác dụng giảm co thắt cơ trơn hoặc bệnh suyễn

Trên thỏ, dịch chiết coumarin toàn phần của bạch chỉ có tác dụng làm giảm co thắt tử cung. Trên chuột co thắt phế quản do histamine, dịch chiết này cũng có tác dụng bình suyễn.

Tác dụng trên tim mạch

Thỏ sẽ bị chậm nhịp tim khi uống dung dịch coumarin toàn phần. Isoimperatorin gây hạ huyết áp trên mèo, ức chế co bóp tim ếch. Byakangelicin thì có tác dụng chống khối u.

Tác dụng lên thần kinh

Với liều nhỏ, angelicotoxin có tác dụng kích thích, gây hưng phấn trung khu vận động mạch máu, trung khu hô hấp và dây thần kinh phế vị làm giảm nhịp mạch, cao huyết áp, hơi thở kéo dài, nôn ói và chảy nước bọt. 

Với liều lớn, angelicotoxin có thể gây co giật, toàn thân tê liệt.

Liều dùng & cách dùng

Có thể sắc hoặc uống dược liệu dưới dạng bột, viên, hoàn, ngày dùng từ 5 – 10 g chia làm nhiều lần, mỗi lần khoảng 1 – 2 g. Nếu dùng ngoài thì nghiền lượng vừa đủ thành bột sau đó đắp lên chỗ sưng viêm hoặc dùng nước sắc bạch chỉ để rửa chỗ này.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa sốt ở trẻ em

Tắm nhanh cho bé bằng nước nấu bạch chỉ ở nơi kín gió.

Chữa chứng hôi miệng

Nghiền nhỏ bạch chỉ, xuyên khung theo tỉ lệ 1:1, dùng mật ong làm thành các viên bằng hạt bắp. Mỗi ngày ngậm 2 – 3 viên.

Chữa cảm cúm, sốt rét, đau đầu, toàn thân nhức mỏi

Bạch chỉ, xuyên khung đồng lượng, tán thành bột, hòa với nước nóng hoặc rượu rồi uống để cơ thể đổ mồ hôi, mỗi lần dùng từ 2 – 3 g.

Chữa bệnh đau nửa đầu

Tán hỗn hợp gồm bạch chỉ, tế tân, thạch cao, nhũ hương, rồi hít bột này vào bằng đường mũi, nếu đau đầu bên phải thì hít bằng mũi bên trái và ngược lại. 

Chữa mụn nhọt mưng mủ

Bạch chỉ, đương quy, tạo giác, đồng lượng mỗi thứ 7 g, sắc nước uống.

Chữa viêm tuyến vú 

Bạch chỉ 6 g, triết bối mẫu 6 g , đương quy 9 g, nhũ hương 4,5 g, sắc uống.

Chữa đau răng, sưng lợi

Dùng tăm bông tẩm bột bạch chỉ xay mịn để chấm vào chỗ bị đau. 

Chữa đau bụng kinh

Bạch chỉ 10 g, hương phụ 10 g, quảng móc hương 10 g, cửu hương trùng 10 g, sắc uống vào 2 – 3 ngày trước kỳ kinh, uống trong 4 ngày liên tiếp.

dược liệu bạch chỉ
Bạch chỉ là dược liệu chữa được nhiều bệnh thường gặp

 

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây bạch chỉ:

  • Không dùng cho đối tượng âm hư hỏa vượng, nhiệt thịnh.

  • Ở Việt Nam, cây mát rừng (Millettia pulchra Kurz) một loài thuộc họ Đậu (Fabaceae) được gọi là Nam bạch chỉ. Khác với bạch chỉ hàng châu là một loài thân cỏ, hoa mọc thành cụm dạng tán kép thì Nam bạch chỉ lại là cây thân gỗ nhỏ, cao từ 1,5 – 1,8 cm, hoa mọc thành chùm, phân bố nhiều ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Rễ to, màu vàng nhạt, thu hái từ các cây nhỏ. Phần rễ này sẽ được dùng chung với một số vị thuốc khác để trị đau bụng, tiêu chảy.

Nguồn tham khảo
  1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
  2. 1000 cây thuốc và động vật làm thuốc (Tập 1) – Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn.
  3. Tuệ Tĩnh toàn tập – Nguyễn Bá Tĩnh.
  4. Dược điển Việt Nam 5.