Long Châu

Bách hợp: Vị thuốc dân gian cầm ho, thanh tâm an thần

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bách hợp hay còn gọi là tỏi rừng thuộc họ bách hợp với hoa nở rất đẹp giống hoa loa kèn. Bách hợp thường dùng để chữa ho lao, ho máu, thổ huyết, đau tim, phù thũng, đau cổ họng, đau bụng (sao qua).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp 

Tên Tiếng Việt: Bách hợp.

Tên khác: Tỏi rừng, Tỏi trời.

Tên khoa học: Tên khoa học: Lilium brownii F.E. Br. var. colchesteri Wils thuộc họ Hành Tỏi (Liliaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Bách hợp là thực vật thuộc dạng cây thân thảo sống lâu năm với chiều cao khoảng tầm 0,5 m. Bách hợp có lá mọc dạng so le hình mác, bề mặt lá trơn nhẵn, với kích thước chiều dài khoảng 2 - 15cm, chiều rộng khoảng 0,5 - 3,5cm. Bách hợp có hoa mọc ở đầu cành dạng hoa loa kèn gồm 2 - 6 hoa lớn, màu trắng hoặc hơi hồng với chiều dài khoảng tầm 14 - 16cm, cuống dài 3 - 4cm, miệng gồm khoảng 6 cánh.

bach-hop.jpg
Hình ảnh cây dược liệu bách hợp hay còn được gọi là tỏi trời

Quả nang có chiều dài khoảng 5 - 6cm, mở theo 3 van. Hạt hình trái xoan, xếp thành chồng, hình trái xoan, gồm rất nhiều hạt có đường kính khoảng tầm 1cm trở lên. Cây bách hợp có hình dáng bên ngoài dễ bị nhầm lẫn với giống hoa loa kèn cũng có hoa màu trắng hoặc hồng nhạt.

Phân bố, thu hái, chế biến 

Cây bách hợp phân bố chủ yếu mọc hoang dã tự nhiên ở một số vùng núi như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh nhưng xuất hiện cũng khá hiếm gặp.

Cách chế biến và thu hái:

Thời gian thu hái bách hợp khoảng vào đầu mùa thu từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch. Lúc này khi lá cây bắt đầu héo khô thì người ta đào lấy củ, rồi bóc tách đem đi rửa sạch phơi khô để dùng làm thuốc chữa bệnh.

Cách bào chế:

Theo Trung Y: Đào củ về, rửa sạch đất cát, phơi cho hơi se se, tách ra từng vẩy, tép, phơi khô hoặc nhúng qua nước sôi phơi khô.

Bộ phận sử dụng 

Bộ phận dùng làm thuốc trong cây bách hợp là phần củ.

Thành phần hoá học

Trong bách hợp có chứa các tỉ lệ thành phần gồm 4% protit, 30% là tinh bột, 0,1% chất béo và vitamin C, còn lại chủ yếu là chất xơ.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị đắng, tính hơi hàn.

 Quy kinh: Vào kinh Tâm, Phế.

Công dụng: Nhuận Phế cầm ho, thanh tâm an thần.

Chủ trị: Bách hợp có thể được sao qua chủ yếu có tác dụng trị ho ra máu, thổ huyết, ho lao, đau họng, phù thũng, đau bụng, đau tim.

Theo y học hiện đại

Chưa tìm thấy thông tin.

bach-hop-2.jpg
Bách hợp áp dụng trong bài thuốc điều trị đau bụng

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 10 đến 12 gam. Có thể nghiền thành bột hoặc giã lấy nước uống.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa ho có đờm lẫn máu, ho không dứt

Nguyên liệu bài thuốc này gồm bách hợp (sấy hoặc đem hấp), khoản đông hoa với liều lượng bằng nhau. Hỗn hợp trên đem đi nghiền nhỏ, luyện với mật ong làm hoàn với kích thước lớn bằng hạt nhãn. Dùng sau bữa ăn với mỗi lần 1 hoàn. Trước khi đi ngủ có thể nhai dùng với nước gừng ngậm tan là tốt nhất. Bài thuốc này còn gọi là bách hoa cao hay tế sinh phương.

Bài thuốc trị bệnh phổi thổ huyết

Bách hợp mới giã nước, hòa nước uống, cũng có thể nấu ăn (Vệ sinh giản dị phương).

Bài thuốc trị tạng phế ủng nhiệt phiền muộn

Bách hợp mới 4 lượng, dùng mật nửa chén nhỏ, trộn với Bách hợp, hấp cho mềm, thường ngậm bằng quả táo, nuốt nước (Thánh huệ phương).

bach-hop-1.jpg
Bách hợp được sao qua có tác dụng trị ho ra máu, thổ huyết, ho lao.

Bài thuốc trị tai điếc, tai đau

Bách hợp khô nghiền bột, uống 2 chỉ với nước ấm, ngày 2 lần (Thiên kim phương).

Bài thuốc chữa triệu chứng đau ngực thổ huyết

Bách hợp giã nát vắt lấy nước uống.

Bài thuốc chữa viêm phế quản các chứng ho

Bách hợp 30g, Mạch môn 10g, Bách bộ 8g, Thiên môn 10 g, Tang bì 12g, Ý dĩ 15g, nước 1 lít. Sắc còn lại 400ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng bách hợp:

  • Vì bách hợp có tính hàn nên đối với các trường hợp tiêu chảy do Tỳ Vị bị hàn hoặc ho do bị nhiễm phong hàn thì không nên dùng bách hợp làm thuốc.
Nguồn tham khảo
  1. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/bach-hop-vt.html
  2. Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam_Đỗ Tất Lợi.
  3. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam_Đỗ Huy Bích.