Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ho ra máu là gì? Nguyên nhân gây bệnh, nguyên tắc phòng ngừa và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ho ra máu là tình trạng khạc máu có nguồn gốc từ phổi hoặc ống phế quản. Ho ra máu có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác như nhiễm trùng đường thở hoặc ung thư... Đây là một trường hợp đe doạ tính mạng, có tỷ lệ tử vong cao và cần phải được cấp cứu kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ho ra máu là gì? 

Ho ra máu là tình trạng máu (hoặc có lẫn chất nhầy) từ đường hô hấp dưới được đẩy ra ngoài qua phản xạ ho, khạc hoặc tự trào, ộc ra ngoài theo đường mũi miệng. Ho ra máu là vấn đề y khoa nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng và cần được xử trí nhanh chóng. Mặc dù trên 90% trường hợp ho ra máu sẽ tự giới hạn, tuy nhiên việc chẩn đoán và điều trị đều có nhiều khó khăn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ho ra máu

Triệu chứng: Ho đột ngột khởi phát hoặc tái phát theo chu kỳ, do kích thích bởi tác nhân như phơi nhiễm chất dị ứng, lạnh, hoạt động gắng sức, nằm ngửa. Buồn nôn hoặc nôn ra máu màu đen, nâu hoặc cà phê. Xuất hiện bọt và máu trong đờm, và nếu lượng nhiều có thể gây cảm giác nghẹt thở.

Dựa vào thể tích máu để phân mức độ nặng nhẹ của triệu chứng:

  • Nguy hiểm đến tính mạng: Ho ra máu ồ ạt, từ 100 ml đến trên 600 ml/lần.

  • Không đe doạ tính mạng: Lượng máu ít đến vừa phải, từ 20 - 200 ml/lần.

  • Ho ra máu nhẹ: Ít hơn 20 ml/lần.

Một số triệu chứng gợi ý nguyên nhân gây ho ra máu:

  • Sốt và ho có đờm: Viêm phổi.

  • Đổ mồ hôi ban đêm, giảm cân, và mệt mỏi: Ung thư, lao.

  • Đau ngực kèm khó thở: Viêm phổi, thuyên tắc phổi.

  • Đau chân và sưng chân: Thuyên tắc phổi.

  • Tiểu máu: Hội chứng Goodpasture.

  • Chảy máu mũi: Viêm đa khớp có u hạt.

Dấu hiệu nguy hiểm (Red flag):

  • Ho ra máu nặng.

  • Đau lưng.

  • Tiền sử có ống thông động mạch phổi hay phẫu thuật mở khí quản.

  • Cảm giác khó chịu, sút cân hoặc mệt mỏi.

  • Tiền sử hút thuốc nhiều.

  • Khó thở khi nghỉ ngơi, giảm hoặc mất âm thanh thở.

Tác động của ho ra máu đối với sức khỏe

Nhìn chung, ho ra máu có tác động rất xấu đối với sức khỏe. Ho ra máu kéo dài gây đau đớn, khó chịu, mất máu dẫn đến suy nhược cơ thể, hạn chế vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nguy hiểm hơn, ho ra máu kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Biến chứng có thể gặp khi ho ra máu

  • Mất nước.

  • Ngạt thở.

  • Tắc nghẽn đường thở.

  • Shock.

  • Mất nhiều máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ho ra máu

Người lớn

Nguyên nhân gây Ho ra máu trong 70 - 90% trường hợp:

Trẻ em

  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

  • Hít phải dị vật.

Nếu bệnh nhân bị ho ra máu nặng, nguyên nhân có thể là:

  • Ung thư biểu mô phế quản.

  • Giãn phế quản.

  • Lao và các bệnh phổi khác.

  • Ung thư phổi nguyên phát là nguyên nhân gây ho ra máu thường gặp ở những người hút thuốc trên 40 tuổi (bệnh nhân ung thư phổi di căn hiếm khi bị ho ra máu).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ho ra máu?

  • Người cao tuổi.

  • Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh ở phổi.

  • Người thường xuyên làm việc trong môi trường khói bụi, tiếp xúc với chất gây ung thư hoặc hút thuốc lâu năm.

  • Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc suy dinh dưỡng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ho ra máu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Ho ra máu, bao gồm:

  • Nhiễm HIV.

  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (tăng nguy cơ nhiễm lao, nấm phổi).

  • Tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh lao.

  • Tiền sử hút thuốc lâu dài (nguy cơ ung thư phổi cao).

  • Bệnh nhân bất động hoặc vừa phẫu thuật gần đây.

  • Ung thư đã được chẩn đoán.

  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình có rối loạn đông máu.

  • Tiền sử mắc các bệnh bao gồm: bệnh phổi mãn tính (COPD - bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, lao, xơ phổi), ung thư, rối loạn chảy máu, suy tim, phình động mạch chủ ngực và hội chứng thận - phổi (hội chứng Goodpasture, u hạt với viêm đa mạch)...

  • Mang thai.

  • Sử dụng thuốc chứa estrogen.

  • Đi du lịch đường dài gần đây (nguy cơ tắc nghẽn mạch phổi).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Ho ra máu

Chẩn đoán hình ảnh

Bắt buộc phải chụp X quang vùng ngực.

Nội soi: Nội soi họng, thanh quản và đường hô hấp cùng với nội soi thực quản để xác định vị trí xuất huyết cũng như nguyên nhân gây ho ra máu.

Cận lâm sàng

Công thức máu (đếm số lượng tế bào hồng cầu, tiểu cầu), xét nghiệm prothrombin (PT) và thời gian thromboplastin (PTT).

Bệnh nhân đang dùng heparin trọng lượng phân tử thấp (LWHP), cần làm thêm xét nghiệm anti Xa để xác định có quá liều chống đông hay không.

Phương pháp điều trị ho ra máu hiệu quả

Xử trí ho ra máu nhẹ

  • Toplexil: Uống 1 - 2 viên/lần x 3 lần/ngày; hoặc Terpincodein với liều tương tự;

  • Acid tranexamic 500mg: Uống 1 viên/lần x 3 lần/ngày hoặc tiêm bắp/ tiêm tĩnh mạch ống 250 mg/5ml: 1 ống/lần x 2 - 4 lần/ngày.

  • Chlorpheniramine 4mg: 1 viên/ngày, uống vào buổi tối hoặc Diazepam 5mg với liều tương tự.

Xử trí ho ra máu vừa

  • Acid tranexamic ống 250 mg/5ml: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 1 ống/lần x 2 - 4 lần/ngày.

  • Toplexil: Uống 1 - 2 viên/lần x 3 lần/ngày; hoặc Terpincodein với liều tương tự.

  • Chlorpheniramine 4mg: 1 viên/ngày, uống vào buổi tối hoặc Diazepam 5mg với liều tương tự.

Nếu cần, có thể bổ sung: Sandostatin 0,1 mg/ml: Tiêm dưới da liều 0,05 - 0,1 mg hoặc pha loãng trong 500 ml dung dịch natriclorua 0,9% để truyền tĩnh mạch.

Xử trí ho ra máu nặng

Cho bệnh nhân thở oxy với tốc độ 3 lít/phút.

  • Acid tranexamic ống 250 mg/5ml: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 1 ống/lần x 2 - 4 lần/ngày.

  • Toplexil: Uống 1 - 2 viên/lần x 3 lần/ngày; hoặc Terpincodein với liều tương tự.

  • Chlorpheniramine 4mg: 1 viên/ngày, uống vào buổi tối hoặc Diazepam 5mg với liều tương tự. Hoặc tiêm bắp/ tĩnh mạch Diazepam 10 mg/2ml nếu bệnh nhân không uống được.

Nếu cần, có thể bổ sung: Sandostatin 0,1 mg/ml:  Tiêm dưới da liều 0,05 - 0,1 mg hoặc pha loãng trong 250 ml dung dịch natriclorua 0,9% truyền tĩnh mạch với tốc độ 30 giọt/phút.

Truyền dịch hoặc truyền máu để giữ thể tích tuần hoàn và điện giải ở mức bình thường.

Tính toán lượng máu mất và truyền bổ sung theo nhu cầu, trung bình khoảng 250 - 750 ml và nên ưu tiên truyền hồng cầu lắng.

Xử trí ho ra máu tắc nghẽn

Đầu tiên cần đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân bằng các biện pháp như thở oxy nhân tạo, đặt nội khí quản, mở khí quản hoặc chỉ định thông khí cơ học nếu cần.

Lưu ý: Không cho bệnh nhân dùng các thuốc an thần, giảm ho khi đang bị tắc nghẽn đường thở.

Xử trí ho ra máu sét đánh

Đây là một biến cố nghiêm trọng cần cấp cứu ngày. Nguyên nhân thường do đứt vỡ mạch máu, phình mạch máu ở vùng phổi bị tổn thương. Bệnh nhân ho ra rất nhiều máu, đa số sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Cách xử lý tương tự tình trạng ho ra máu tắc nghẽn.

Ngoài ra, trong một số trường hợp cần cấp cứu cầm máu bằng can thiệp ngoại khoa như cắt bỏ thuỳ phổi bị tổn thương hoặc thắt mạch máu...

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ho ra máu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng và nguội, tránh để bị sặc. Nên thường xuyên ăn trái cây tươi chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng và bổ sung dinh dưỡng.

Một số loại dược liệu Đông Y tốt cho bệnh nhân ho ra máu như: Ngân nhĩ, ngó sen, mã thầy...

Hạn chế sử dụng các thực phẩm sau:

  • Gia vị có tính cay nóng như ớt, gừng, tiêu... vì có thể kích thích niêm mạc cổ họng gây sưng viêm và tăng tần suất cơn ho. 

  • Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ vì làm tăng dịch nhầy trong cổ họng, gây khởi phát phản xạ ho để tống xuất ra ngoài.

  • Đồ uống có gas và cồn gây khô và ngứa rát họng.

  • Các loại hải sản (tôm, cua, cá...) có chứa nhiều histamin, dễ gây khởi phát cơn ho, đặc biệt là người có tiền sử dị ứng hoặc hen suyễn.

Phương pháp phòng ngừa ho ra máu hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Bỏ hút thuốc.

  • Ngưng làm việc tại các nơi ô nhiễm.

  • Phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh lý đường hô hấp.

Nguồn tham khảo

1. MDS - https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ph%E1%BB%95i/tri%E1%BB%87u-ch%E1%BB%A9ng-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-b%E1%BB%87nh-l%C3%BD-h%C3%B4-h%E1%BA%A5p/ho-ra-m%C3%A1u

2. NCB - Ihttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5478790/

3. Bệnh viện Quân Y 4 - https://benhvienquany4qd4.vn/xu-tri-ho-ra-mau/

Chủ đề:ho

Các bệnh liên quan

  1. Khàn tiếng

  2. Bệnh tích protein phế nang

  3. Viêm phổi

  4. Giãn phế quản

  5. Bụi phổi silic

  6. Viêm tiểu phế quản

  7. Cơn hen phế quản

  8. Bụi phổi bông

  9. Rắn cắn

  10. Khó thở, hụt hơi