Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Bí đao (Hạt và Vỏ)

Bí đao: Vị thuốc quý hỗ trợ mát gan, giải độc hiệu quả

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Bí đao vừa là thực phẩm, vừa là bài thuốc quý trong dân gian từ xa xưa. Bí đao có nhiều công dụng như thực phẩm, chữa ho, giải độc, trị rắn cắn, chữa đái dắt do bàng quang nhiệt hay tiểu đục ra chất nhầy.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Bí đao.

Tên khác: Bí đá, Bí gối, Bù rợ, Đông qua nhân (hạt bí đao); Đông qua bì (vỏ bí đao); Bí phấn; Bí xanh.

Tên khoa học: Benincasa hispida (Thunb.) Cogn. Họ: Bầu Bí (Cucurbitaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Bí đao là loài dây leo, quấn lên giá đỡ hoặc trườn bò bằng tua, có lông mịn ở thân, lá, hoa, quả.

Lá mọc so le, cuống lá dài, phiến lá xẻ thùy hình chân vịt, mép lá có răng cưa, hai mặt đều có lông cứng. Hoa đơn tính, tràng hoa màu vàng.

Quả bí đao có hình dạng thuôn dài, màu xanh nhạt. Quả non có lông cứng bao phủ, quả già có màu xanh sẫm bên ngoài phủ lớp sáp trắng. Hạt Bí đao dẹt, thuôn nhọn hai đầu, có màu trắng hoặc vàng nhạt.

Mùa hoa quả vào tháng 3 – 7.

bí đao
Hình ảnh quả bí đao khi già có lớp sáp trắng bên ngoài

Phân bố, thu hái, chế biến

Bí đao có nguồn gốc ở Ấn Độ, sau phân bố rộng khắp ở khu vực nhiệt đới và miền Ðông của châu Ðại Dương.

Ở Việt Nam, bí đao được trồng chủ yếu lấy quả. Có 2 loại bí đao: Bí đá và bí gối.

Bí đá có quả dài, kích thước nhỏ, khi già vỏ xanh xám và cứng hơn khi quả non, có rất ít hoặc không có phấn trắng bên ngoài. Bí đá có cùi dày, ít ruột, năng suất thấp.

Bí gối quả to hơn, quả già có phủ lớp sáp trắng bên ngoài, cùi dày hơn quả bí đá nhưng ruột nhiều nên năng suất cao hơn.

Bí đao dễ bảo quản; nếu để nơi mát, khô ráo cho thoáng, đừng xếp chồng lên nhau thì có thể để dành bí trong nhiều tháng.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của bí đao là vỏ quả – Exocarpium Benincasae (còn gọi là Đông qua bì). Ngoài ra, hạt cũng được sử dụng.

hạt bí đao
Hạt bí đao

Thành phần hoá học

Bí đao tươi có thành phần chủ yếu là protein; lipid; cellulose; khoáng toàn phần 0,1% như calcium, phosphor, sắt, vitamin, carotene, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP và vitamin C. Hạt chứa ureaza.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, tính lạnh; không độc. Vào kinh tỳ, vị, đại tràng.

Công năng: Mát gan, giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, tiêu độc, trừ giun.

Theo y học hiện đại

Thực phẩm:

Bí đao được dùng như thực phẩm hàng ngày, có thể chế biến nhiều món như luộc, nấu canh. Ngoài ra, bí đao còn được dùng làm mứt, trà thanh nhiệt. Hạt để rang ăn.

trà bí đao
Trà bí đao

Lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu độc:

Bí đao có tác dụng trợ tiểu (giúp đi tiểu dễ dàng, thông tiểu), giải phù, chữa đái dắt do bàng quang nhiệt hoặc đái đục ra chất nhầy.

Ngoài ra, trà bí đao còn giúp lợi gan, thanh nhiệt cơ thể.

Chữa ho, chữa rắn cắn, sưng viêm:

Hạt bí đao dùng chữa ho và chữa rắn cắn.

Lá bí đao chữa sưng viêm (như ngón tay bị chín mé). Có thể dùng lá bí đao giã nát cùng với giấm rịt đắp lên các đầu ngón tay sưng đau giúp giảm đau.

Liều dùng & cách dùng

Bí đao có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Có thể dùng lá bí đao tươi giã nát hoặc hạt rang để ăn.

Bài thuốc kinh nghiệm

Thuốc trường thọ

Chuẩn bị: Hạt Bí đao.

Thực hiện: Cho hạt bí vào túi lụa, luộc sôi trong nước 1 giờ, lấy ra phơi khô. Làm 3 lần như vậy rồi ngâm vào dấm gạo 1 đêm, phơi khô, sau đó tán bột. Ngày uống 1 lần, mỗi lần 1 thìa canh.

Chữa bệnh Bạch đới (khí hư trắng)

Chuẩn bị: Hạt bí đao.

Thực hiện: Hạt bí đao lâu năm (trần đông qua nhân) rang nghiền bột, uống 15g mỗi lần vào lúc đói.

Chữa ho gà, viêm phế quản cấp và mạn

Chuẩn bị: Hạt Bí đao 15g, đường phèn.

Thực hiện: Hạt Bí đao trộn với đường phèn giã mịn, nhào với mật ong, uống với nước đun sôi để nguội. Ngày 2 - 3 lần uống.

Chữa tàn nhang

Chuẩn bị: Hạt Bí 350g, hạt Sen 30g, Bạch chỉ 15g.

Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên đem nghiền mịn. Nấu bằng nước đun sôi để nguội. Hàng ngày uống sau bữa cơm.

Có thai phù thũng do tỳ hư

Chuẩn bị: Hạt Bí đao 20g, Trần bì 6g, Mật ong 50g.

Thực hiện: Nấu chín ăn ngày 2 lần trong vài ba ngày.

Chữa phù thũng

Chuẩn bị: Bí đao, hành củ hoặc đậu đỏ.

Thực hiện:

  • Theo Nam dược thần hiệu, để chữa phù toàn thân, dùng bí đao nấu với củ hành và cá chép, dùng thường xuyên.
  • Theo kinh nghiệm dân gian, sắc bí đao 40g, đậu đỏ 40g thành nước đặc uống hàng ngày.

Thông tiểu (do bàng quang nhiệt) hoặc tiểu đục ra chất nhầy

Chuẩn bị: Vỏ Bí đao.

Thực hiện: Theo Nam dược thần hiệu, vỏ bí đao sắc thành nước đặc, uống thường xuyên giúp thông tiểu.

Chữa ung nhọt ở phổi hay ở đại tràng

Chuẩn bị: Hạt Bí đao 40g, Bồ công anh 40g, Kim ngân hoa 40g, Ý dĩ 40g, Diếp cá 40g. Rễ lau 20g, hạt Đào 10g, Cát cánh 10g, Cam thảo 10g.

Thực hiện: Sắc uống các vị trên.

Lưu ý

Dùng bí đao tươi (chưa qua chế biến) sẽ gây rối loạn tiêu hóa.

Người có bệnh về dạ dày hoặc cơ địa tính hàn không nên dùng bí đao.

Bí đao có thể gây khó tiêu ở phụ nữ mang thai, trẻ em và phụ nữ vừa mới sinh xong vì hệ tiêu hóa của những người này, ăn bí đao có thể gây khó tiêu.

Bí đao dùng chung với giấm sẽ bị mất dinh dưỡng hoặc dùng chung với đậu đỏ sẽ gây lợi tiểu quá mức dẫn đến mất nước cấp.

Nguồn tham khảo