Long Châu

Rối loạn tiêu hóa: Hội chứng bất thường xảy ra ở hệ tiêu hóa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng bất thường xảy ra ở hệ tiêu hóa và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt. Dó đó, nắm được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là điều cần thiết giúp bạn phòng và chữa bệnh được hiệu quả nhất.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn tiêu hóa là gì?

Rối loạn tiêu hóa là một nhóm các tình trạng xảy ra khi hệ tiêu hóa không hoạt động như bình thường. Các chuyên gia y tế chia chúng thành hai loại: Rối loạn đường tiêu hóa hữu cơ và chức năng.

Rối loạn đường tiêu hóa hữu cơ xảy ra khi có những bất thường về cấu trúc trong hệ tiêu hóa, khiến hệ tiêu hóa không thể hoạt động bình thường.

Trong rối loạn tiêu hóa chức năng, đường tiêu hóa dường như bình thường về cấu trúc nhưng vẫn không hoạt động tốt.

Một số rối loạn tiêu hóa phổ biến hơn bao gồm: Hội chứng ruột kích thích (IBS), sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non (SIBO), bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), sỏi mật, bệnh celiac, Bệnh Crohn, viêm loét đại tràng (UC).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tiêu hóa

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rối loạn đường tiêu hóa là gì?

Các triệu chứng của ợ nóng bao gồm khó chịu ở vùng ngực, ho khan, cảm thấy chua miệng, viêm họng và khó nuốt.

Những triệu chứng của viêm đường ruột bao gồm đau hoặc khó chịu ở vùng bụng; thay đổi về mức độ, tần suất và đặc điểm của chất thải khi đi đại tiện.

Hội chứng kích thích ruột gây ra các triệu chứng như đau bụng và tiêu chảy, mệt mỏi, rối loạn đại tiện, chán ăn và sụt cân, ra mồ hôi vào ban đêm, chảy máu trực tràng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa

Một số nguyên nhân phổ biến sau dẫn đến rối loạn tiêu hóa:

  • Viêm đại tràng: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng rối loạn hệ tiêu hóa. Viêm đại tràng có thể do lỵ amip, shigella,… gây nên hội chứng ruột kích thích.

  • Bệnh lý liên quan đến dạ dày: Các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng,… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất.

  • Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột: Các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều hòa quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột. Khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh vật này sẽ dẫn đến sự rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là do lạm dụng kháng sinh, thường gặp nhất ở trẻ em.

  • Chế độ ăn uống: Nạp vào cơ thể những thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh, những chất có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa đều có thể gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, ăn uống không đúng bữa, không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

  • Sử dụng nhiều thức uống có cồn: Đây là nguyên nhân thường gặp ở người lớn. Rượu bia làm mất cân bằng pH dạ dày, rửa trôi các men tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn tiêu hóa?

Rối loạn tiêu hóa là vấn đề về sức khỏe thường gặp và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là đối tượng phụ nữ mang thai, người có tiền sử gia đình bị bệnh rối loạn tiêu hóa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn tiêu hóa

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Rối loạn tiêu hóa, bao gồm:

  • Béo phì;

  • Thoát vị cơ hoành dạ dày;

  • Khô miệng;

  • Hen suyễn;

  • Tiểu đường;

  • Rối loạn các mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì;

  • Bệnh sử gia đình có vấn đề về rối loạn tiêu hóa;

  • Vấn đề về sức khỏe tâm thần;

  • Hút thuốc;

  • Thuốc isotretinoin;

  • Thuốc chống viêm không chứa steroid như ibuprofen, naproxen, diclofenac sodium và các loại khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn tiêu hóa

Một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán phổ biến dưới đây:

  • Xét nghiệm máu, có thể giúp phát hiện bệnh celiac, viêm hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân, có thể phát hiện viêm và kiểm tra vi khuẩn trong ruột của một người.
  • Nội soi, bao gồm việc bác sĩ đưa một camera nhỏ vào thực quản để kiểm tra đường tiêu hóa trên.
  • Nội soi đại tràng, trong đó bác sĩ đưa một camera nhỏ vào trực tràng để kiểm tra đường tiêu hóa dưới.
  • Xét nghiệm hơi thở lactulose, được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán SIBO.
  • Hình ảnh y tế, chẳng hạn như chụp CT, siêu âm và chụp X-quang.

Phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả

Khi bệnh xuất hiện với các triệu chứng khó chịu như đi ngoài nhiều lần, đau bụng, chướng bụng, khó tiêu, nôn ói… sử dụng thuốc Tây là phương án thường được lựa chọn. Một số loại thuốc thường được chỉ định như thuốc giảm đầy bụng, khó tiêu, thuốc giảm đau bụng, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc xổ giúp xử lý táo bón, thuốc hỗ trợ nhu động ruột, thuốc kháng sinh…

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung men vi sinh và uống thêm Oresol để bù nước và chất điện giải cho cơ thể. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần thăm khám và tuân thủ phác đồ của các bác sĩ điều trị để tránh xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. Không tự ý mua thuốc và tự điều trị bệnh. Đặc biệt, trong trường hợp rối loạn ở mức độ nặng như sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước… người bệnh cần đến bệnh viện để được điều trị càng nhanh càng tốt.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn tiêu hóa

Chế độ sinh hoạt:

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Nên tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn, đúng giờ, thường xuyên vận động.

Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng, lo âu.

Rèn luyện thói quen đi vệ sinh đúng giờ để giúp hệ tiêu hóa hoạt động theo một chu kỳ thông minh với đầy đủ chức năng nhất.

Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, không nằm ngay khi ăn no.

Vệ sinh môi trường sống và làm việc sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Tăng cường các hoạt động thể chất, duy trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày đúng cách và điều độ để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung lợi khuẩn bằng các loại men vi sinh và men tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.

Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.

Đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, an toàn, hợp lý.

Bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày. Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, nhất là đối với các bệnh nhân có dấu hiệu táo bón.

Nguồn tham khảo
  1. Msdmanuals.com: https://www.msdmanuals.com/vi/
  2. Medicalnewstoday: https://www.medicalnewstoday.com/articles/list-of-digestive-disorders
  3. Webmd.com: https://www.webmd.com/digestive-disorders/default.htm

Các bệnh liên quan