Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Bồ hoàng có tên khoa học là Typha orientalis G. A. Stuart., thuộc họ Hương bồ (Typhaceae). Bồ hoàng là nhị đực phơi khô của cây cỏ nến. Vị thuốc này có công dụng hoạt huyết, tiêu sưng, lợi tiểu và chỉ thống, được dùng để điều trị các chứng bệnh thuộc huyết như băng huyết, nôn ói và ho ra máu, bầm tím do ứ huyết, đau bụng kinh, bế kinh,…
Tên Tiếng Việt: Bồ hoàng.
Tên khác: Cây cỏ nến, Bồ thảo, Hương bồ thảo, Hương bồ, Bông liễu, Bồn bồn, Thủy hương.
Tên khoa học: Typha orientalis G. A. Stuart., thuộc họ Hương bồ (Typhaceae).
Bồ hoàng là một loài thân cỏ, chiều cao từ 1,5 đến 3m, có thân rễ. Thân cây tròn, lá dài và hẹp, mọc thành hai hàng, có bẹ to.
Hoa đơn tính cùng gốc, hợp thành bông riêng biệt, nhưng nằm trên cùng một trục chung: Bông đực ở trên, bông cái ở dưới, hai bông cách nhau khoảng 0,6 - 5,5cm. Nhị ở hoa đực bao bọc bởi những lông ngắn màu vàng nâu, có rất nhiều hạt phấn. Bông cái có lông nhạt hơn, màu trắng hoặc hơi hung. Bầu hoa có hình chỉ. Cụm hoa của nó giống cây nến nên có tên gọi Cỏ nến. Ngoài ra, nó còn có các tên như Bồ thảo, Hương bồ thảo. Quả nhỏ, hình thoi, khi chín nở theo chiều dọc.
Cây Bồ hoàng mọc phổ biến ở Trung Quốc. Tại nước ta, cây Bồ hoàng thường mọc hoang ở những đồng lầy miền Bắc, ở ruộng, ven sông rạch nước ngọt, có khi tạo thành đám ruộng, còn gặp trên bùn có nước lợ, thường gặp ở các vùng lạnh như Sapa (Lào Cai), nóng như Gia Lâm (Hà Nội). Vào tháng 4 – 6, người dân cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực) phơi khô. Sau đó giã hay rũ lấy phấn hoa (rây qua rây), phơi lần nữa sẽ được vị thuốc Bồ hoàng.
Sau khi sơ chế, dược liệu Bồ hoàng có chất bột mịn và có màu vàng tươi hoặc nâu nhạt.
Có thể dùng sống Bồ hoàng hoặc đem bào chế theo cách sau:
Sao qua rồi dùng.
Bọc với giấy khoảng 3 lần rồi đem sắc vàng, ngâm nửa ngày rồi phơi khô.
Bộ phận sử dụng của cây Bồ hoàng: Dùng phấn hoa phơi khô của hoa đực.
Sau khi thu hái về, dược liệu được phơi nắng cho thật khô. Có thể dùng sống đe hành huyết hoặc sao cháy tồn tính.
Do Bồ hoàng dễ hút ẩm sinh mốc, nên cần bảo quản trong lọ kín, khi phơi thì bọc trong giấy mỏng để khỏi bay, tránh nhiệt độ cao bị biến chất.
Trong Bồ hoàng có một flavonozit khi thủy phân sẽ cho isoramnetin C16H1207. Ngoài ra còn chất mỡ (10 – 30%) và chất xitosterin C27H460 (13%).
Theo đông y, Bồ hoàng vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh cam, tỳ và tâm bào. Dùng sống có tác dụng tán ứ, lợi tiểu; dùng chín có tác dụng thu sáp, chỉ huyết.
Người dân thường dùng Bồ hoàng sống để chữa kinh nguyệt bế sinh đau bụng, đau ngực, bụng, tiểu tiện khó khăn. Còn nếu sao đen thì Bồ hoàng có tác dụng chữa thổ huyết, máu cam.
Tác dụng đối với hệ tim mạch, phòng ngừa xơ vữa động mạch
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy cồn chiết xuất từ cây Bồ hoàng có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu của động mạch vành, bảo vệ cơ tim và tăng co bóp tim, hấp thu cholesterol và hạ nồng độ cholesterol trong máu rõ rệt.
Bên cạnh đó, cồn chiết xuất và nước sắc từ cây Bồ hoàng đều có tác dụng hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim trên động vật thực nghiệm.
Tác dụng đối với quá trình đông máu
Nước sắc Bồ hoàng có tác dụng tăng tốc độ đông máu. Các nhà khoa học đã khảo sát thời gian đông máu của thỏ khi cho thỏ uống nước ngâm kiệt hoặc 50% cồn Bồ hoàng thì thấy thời gian đông máu được rút ngắn lại. Kết quả trên cũng tương tự khi thực hiện thí nghiệm đắp bột Bồ hoàng lên vết thương của chó.
Bồ hoàng có tác dụng cầm máu. Từ Vân đã nghiên cứu tác dụng cầm máu của Bồ hoàng như sau: Cho uống Bồ hoàng chữa bệnh ho ra máu (2 – 6 ngày), tiểu tiện ra máu (2 ngày), đại tiện ra máu (2 ngày), đổ máu cam (2 ngày), tử cung xuất huyết (2 – 4 ngày) đều thấy tác dụng cầm máu hoặc giảm bớt lượng huyết xuất ra.
Tác dụng kháng viêm
Chích nước sắc Bồ hoàng vào bụng chuột trắng được gây viêm bằng protein huyết thanh nhận thấy thuốc có tác dụng giảm viêm và tiêu phù bằng cách giảm tính thẩm thấu của mao mạch và cải thiện vi tuần hoàn cục bộ.
Tác dụng chống lao
Nước sắc từ Bồ hoàng nồng độ cao có tác dụng ức chế trực khuẩn lao trong ống nghiệm.
Tác dụng miễn dịch
Dược liệu có tác dụng ức chế chức năng của tế bào miễn dịch cũng như thể dịch miễn dịch, làm teo cơ quan miễn dịch của chuột và ức chế hoạt động miễn dịch.
Tác dụng đối với tử cung
Bồ hoàng có tác dụng tăng trương lực và gây co bóp tử cung – tác dụng rõ rệt đối với tử cung không mang thai.
Tác dụng khác
Thực nghiệm trên chó gây mê nhận thấy cây Bồ hoàng còn có tác dụng giảm cơn hen, lợi tiểu và lợi mật.
Cách dùng Bồ hoàng để cầm máu, lợi tiểu tiện dùng chữa bệnh ho ra máu, thổ huyết, chảy máu cam, tiểu tiện ra huyết: Ngày dùng 5 g đến 8 g dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Tác dụng cầm máu
Bồ hoàng 5g, Cao ban long 4g, Cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 2 hay 3 lần uống trong ngày làm thuốc cầm máu.
Điều trị tai chảy mủ
Dùng bột Bồ hoàng đã tán nhỏ rắc vào tai đang bị chảy mủ. Điều trị duy trì đến khi tình trạng chảy mủ được cải thiện.
Các trường hợp âm hư huyết ứ không nên dùng vị thuốc Bồ hoàng.
Không dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây sảy thai và sinh non (trừ trường hợp dùng để thúc đẻ).
Độc tính của Bồ hoàng: Trên thực nghiệm xác định độc tính cấp của Bồ hoàng LD50 là 35,57g/Kg cân nặng. trên chuột Hà lan thuốc có gây dị ứng, rút ngắn thời gian máu đông, làm giảm tổng số hồng bạch cầu, có thể gây dung huyết đối với thỏ nhà.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi.
https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/bo-hoang
https://wikiduoclieu.org/tu-dien/bo-hoang/