Long Châu

Viêm tai giữa là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tai giữa là một bệnh nhiễm trùng ở tai thường gặp nhất. Đây là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm, tạo ra dịch trong hòm nhĩ. Viêm tai giữa thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Tình trạng nhiễm khuẩn thường liên quan tới bệnh đường hô hấp trên như cảm cúm, dị ứng, sưng đường mũi, họng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tai giữa là gì? 

Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa, khu vực phía sau màng nhĩ, bị nhiễm trùng gây đau, sưng, chảy dịch và sốt. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ em từ 6 đến 36 tháng do cấu trúc tai chưa được phát triển hoàn thiện và miễn dịch yếu.

Có 3 loại viêm tai giữa:

  • Viêm tai giữa cấp: Là biến chứng sau khi mắc rối loạn chức năng vòi nhĩ trong một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra.

  • Viêm tai giữa mạn tính: Là tình trạng viêm tai giữa xảy ra dai dẳng (trên 12 tuần), chảy mủ qua lỗ thủng màng nhĩ.

  • Viêm tai giữa ứ dịch: Niêm mạc tai giữa bị viêm và tiết dịch nhưng dịch không chảy ra ngoài được mà bị ứ lại sau màng tai. Dịch ứ có thể ở dạng dịch trong, dịch nhầy, keo dính.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai giữa

Người bệnh có thể không nhận thấy được triệu chứng nhưng người thân (thành viên trong gia đình) báo rằng người bệnh bị giảm sức nghe. Người bệnh có thể cảm thấy đầy tai, áp lực, ù tai khi nuốt, hiếm khi là đau mắt.

Màng nhĩ có thể chuyển sang mài hổ phách hoặc màu xám, nón sáng bị thu hẹp hoặc mất, xẹp nhĩ từ nhẹ tới nặng, có những điểm mốc nổi bật.

Màng nhĩ bất động khi có bơm hơi. Có thể nhìn thấy mức nước hoặc có bóng khí nước qua màng nhĩ.

Tác động của viêm tai giữa đối với sức khỏe

Người bệnh có thể bị giảm thính lực ở mức độ nhẹ. Đôi khi sẽ đau tai khi áp lực môi trường thay đổi như khi lặn biển hoặc đi máy bay.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tai giữa

Nếu không được chữa trị đúng cách, viêm tai giữa có thể dẫn đến viêm tai xương chũm cấp, thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ, giảm thính lực, liệt thần kinh mặt và nặng nhất là điếc vĩnh viễn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa

Nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Viêm tai giữa cũng có thể xảy ra do cảm cúm, cảm lạnh hoặc dị ứng gây tắc nghẽn như viêm VA, tắc nghẽn vùng họng hoặc vòi nhĩ.

Vòi nhĩ (vòi eustachian): Vòi tai có kích thước hẹp, nối giữa tai và vòm họng, có nhiệm vụ điều chỉnh áp lực không khí và làm mới khôn khí trong tai, làm thoát chất tiết từ tai giữa. Khi vòi nhũ sưng làm các chất tiết bị ứ lại tại tai giữa và gây nhiễm trùng. Đối với trẻ em, vòi eustachian chưa phát triển nên thường rất hẹp và nằm ngang, càng khiến cho việc thoát chất tiết khó khăn hơn nên nguy cơ viêm tai giữa sẽ cao hơn.

VA (adenoids): Mô lympho sau mũi, tác dụng như một hệ miễn dịch. VA nằm ở chỗ mở của vòi nhĩ, nên VA sưng có thể làm tắc nghẽn vòi nhĩ và dẫn đến viêm tai giữa.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tai giữa?

  • Trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi.
  • Trẻ em sử dụng núm vú giả, đang đi nhà trẻ hoặc còn bú bình.
  • Người đang bị cảm cúm, viêm xoang hoặc nhiễm trùng tai gần đây.
  • Người có dị tật bẩm sinh ở vùng mũi họng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tai giữa

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tai giữa, bao gồm:

  • Ô nhiễm môi trường.

  • Làm việc ở những nơi thường xuyên thay đổi độ cao.

  • Sống ở vùng có khí hậu lạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tai giữa

  • Soi tai có bơm hơi;

  • Đo nhĩ lượng đồ (tympanometry);

  • Soi vòm họng.

Chẩn đoán bệnh viêm tai giữa dựa vào lâm sàng và soi tai có bơm hơi. Đo nhĩ lượng đồ được dùng để xác định có ứ dịch ở tai giữa (cho thấy màng nhĩ thiếu tính di động). Người lớn và thanh thiếu niên cần khám nội soi vòm mũi họng để loại trừ u ác tính hoặc lành tính. Cần nghi ngờ bệnh ác tính ở vòm họng trong các trường hợp viêm tai giữa tiết dịch một bên.

Phương pháp điều trị viêm tai giữa hiệu quả

  • Theo dõi điều trị.

  • Nếu tình trạng vẫn không được cải thiện, cần trích rạch màng nhĩ kèm hay không kèm đặt ống thông nhĩ.

  • Nếu bệnh tái phát ở trẻ nhỏ, có thể cân nhắc phẫu thuật nạo VA (Végétations Adenoides).

Đối với đa số bệnh nhân, cần phải theo dõi cẩn thận trong quá trình điều trị. Thuốc kháng sinh hoặc thuốc co mạch có thể không hữu ích. Đối với bệnh nhân có tình trạng dị ứng rõ ràng, có thể dùng thuốc kháng histamine và corticosterid tại chỗ.

Nếu bệnh không cải thiện sau khi điều trị từ 1 – 3 tháng, có thể thực hiện trích rạch màng nhĩ để hút dịch và đặt ống thông nhĩ, thông khí tai giữa và tạm thời cải thiện tình trạng tắc nghẽn ống eustachian, bất kể nguyên nhân là gì. Ống thông nhĩ có thể được dùng trong trường hợp mất thính lực dẫn truyền dai dẳng hoặc để giúp năng ngừa tái phát viêm tai giữa cấp.

Đôi khi nên thực hiện nghiệm pháp Valsalva hoặc nghiệm pháp Politzer (không nên thực hiện khi bệnh nhân đang cảm lạnh hoặc chảy nước mũi)

  • Nghiệm pháp Valsalva: Bệnh nhân cần bịt mũi, ngậm miệng và thổi hơi thật mạnh làm phồng hai má, nếu bệnh nhân có nghe thấy tiếng kêu ở tai là vòi nhĩ thông.

  • Nghiệm pháp Politzer: Cho bệnh nhân ngậm 1 ngụm nước, bịt 1 bên mũi lại, bác sĩ dùng 1 quả bóng cao su to để bơm khi vào mũi bên kia và bảo bệnh nhân nuốt nước, nếu bệnh nhân nghe thấy tiếng kêu trong tai là vòi eustachian thông.

Nếu viêm tai giữa ứ dịch xảy ra dai dẳng và tái phát, cần điều chỉnh các tình trạng mũi họng tiềm ẩn. Đối với trẻ em, đặc biệt trẻ em nam giới vị thành niên, cần loại trừ u xơ mạch vòm mũi họng và ở người lớn, cần loại trừ ung thư vòm mũi họng. Trẻ em có thể được lợi từ việc phẫu thuật nạo VA. Nên dùng kháng sinh khi viêm mũi, viêm xoang và viêm mũi họng. Cần loại bỏ các chất gây dị ứng và bệnh nhân nên được xem xét điều trị miễn dịch.

Người bị viêm tai giữa có thể đau đớn khi áp lực môi trường thay đổi như khi lặn biển hoặc đi máy bay, không nên thực hiện các hoạt động này. Nếu thật sự cần thiết phải đi máy bay, nên nhai kẹo cao su hoặc uống nước có thể giúp dễ chịu hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tai giữa

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Không tự ý sử dụng các dung dịch nhỏ tai, thuốc kháng sinh mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Có thể dùng cây cối xay, thảo dược được chứng minh là có tác dụng tốt với người đang mắc bệnh viêm tai.

Phương pháp phòng ngừa viêm tai giữa hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Ngăn ngừa cảm lạnh thông thường, thường xuyên rửa tay;

  • Không dùng chung các đồ dùng ăn uống;

  • Giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh;

  • Nên cho trẻ được bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu;

  • Hạn chế sử dụng núm vú giả hoăc ngậm bình sữa;

  • Tránh để trẻ bị sặc, trớ;

  • Chích ngừa cúm đầy đủ;

  • Ăn uống và tập thể dục đều đặn, hợp lý.

Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/

  2. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/

Các bệnh liên quan

  1. U tuyến nước bọt mang tai

  2. Rối loạn giọng nói

  3. Viêm tai ngoài ác tính

  4. Viêm mũi vận mạch

  5. Ung thư vòm họng giai đoạn III

  6. Sưng môi

  7. Ung thư hầu họng

  8. Viêm lưỡi gà

  9. Ung thư họng

  10. Chấn thương thanh quản