Long Châu

Bồ quân: Loại cây có nhiều công dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bồ quân có tên khoa học là Flacourtia jangomas (Lour.) Raeuschel, thuộc họ Mùng quân (Flacourtiaceae). Công dụng: Quả non giã vắt lấy nước cốt chữa đau bụng, ỉa chảy. Quả chín ăn ngon và được dùng làm mứt. Lá chữa ho, hen.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Bồ quân.

Tên khác: Hồng quân, Mùng quân, Bù quân, Mùng quân rừng.

Tên khoa học: Flacourtia jangomas (Lour.) Raeuschel, thuộc họ Mùng quân (Flacourtiaceae).

Tên đồng nghĩa: Srigmarota jangomas Lour.

Đặc điểm tự nhiên

Bồ quân là loài cây nhỏ hoặc cây bụi, thường xanh. Cây có thể cao đến 10m. Thân cây nhẵn, có gai đơn hoặc kép khi còn non nên rất khó trèo; vỏ thân màu nâu sáng đến đỏ nhạt. Cành non nhẵn hoặc được phủ bởi một lớp lông tơ, có nhiều bì khổng gần hình mắt chim.

Lá cây hình trứng thuôn, hiếm khi mũi mác, có một đầu nhọn, đầu kia ngược lại, có răng cưa hai bên mép lá. Lá mọc so le. Hai mặt lá nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt; cuống lá dài 6 – 8mm.

Hoa đơn tính, gồm hoa đực và hoa cái, xuất hiện trước hoặc cùng lúc với lá, có mùi thơm như mật ong. Hoa màu xanh hoặc trắng. Khoảng 4 - 6 hoa nhỏ hợp thành cụm hoa mọc ở kẽ lá thành ngù ngắn. Hoa đực có chi nhỏ ngắn, và rất nhiều nhị hoa (khoảng 40 nhi). Ở hoa cải có bầu nhụy cong, hình cầu, đài 4 răng, tù, màu lục nhạt. Bầu hoa có 3 – 5 ô, mỗi ô đựng 2 noãn.

Quả Bồ quân có hình dạng giống quả nho, đường kính 1,5 – 2,5cm, có đài tồn tại, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ đến tím sẫm, sau đen, thịt màu vàng, ăn có vị chua ngọt, có nhiều hạt dẹt.

Mùa hoa quả của cây Bồ quân từ tháng 8 đến tháng 10.

cây Bồ quân
Cây Bồ quân

 

Phân bố, thu hái, chế biến

Bồ quân là loài cây mọc tự nhiên có khả năng chịu hạn tốt, do có bộ rễ dài tới hơn 1m, sống trong các rừng mưa trên núi hoặc ở vùng đất thấp. Cây Bồ quân có nguồn gốc từ Ấn Độ, nay được trồng nhiều ở Đông Nam Á và Đông Á. Ở Việt Nam, cây được trồng ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây (cũ), Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa và một số tỉnh miền Trung từ Nghệ An trở vào. Cây mọc tự nhiên thường thấy ở ven rừng, rừng thủy sinh, trong các lùm bụi ở bờ suối tại cửa rừng và bờ ao. Tại các tỉnh trung du ở miền Bắc, người dân cũng thường thấy mùng quân ở bờ ao.  

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Trong nhân dân, người ta có thể lấy cây con từ chối rễ để trồng.

Bộ phận sử dụng

Quả, lá, vỏ, rễ.

Thành phần hoá học

Quả chứa 9,9% tanin.

Hạt chứa dầu béo.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Quả Mùng quân có vị ngọt, tính ấm, không độc; có công năng tiêu thực, phá tích trệ, giáng khí, lợi đờm. 

Theo đông y, rễ cây Bồ quân có tác dụng lợi tiểu, chữa tiểu dắt, tiểu khó, tiểu buốt; quả non vị chua, làm săn se; lá non và chồi có tác dụng bổ, lợi tiêu hóa và làm săn da.

dược liệu Bồ quân
Quả Bồ quân có vị ngọt

Theo y học hiện đại

Bồ quân có các công dụng sau:

  • Vỏ cây có tác dụng chữa thiểu năng mật, bệnh gan.

  • Vỏ cây và rễ khô, nghiền thành bột, tấm nước, đắp lên da trị mụn nhọt, ban da, lở loét da.

  • Quả Bồ quân dùng giải khát, kích thích tiêu hóa, chống và cháy, chống thiếu mật và đau gan, chống buồn nôn.

  • Dịch sắc lá phơi khô chữa ho, hen, viêm phế quản, lao.

  • Dịch sắc lá tươi và thân non dùng trị sốt, sốt rét định kỳ cho trẻ em. Lá non và chồi tươi được dùng chữa ỉa chảy, lỵ, làm ra mồ hôi, chữa đau răng, viêm lợi xuất huyết, viêm miệng.

  • Rễ và lá Bồ quân dùng chữa đau dạ dày.

  • Rễ đắp lên vết thương, viêm da, giúp hồi phục nhanh chóng, chữa viêm amidan.

  • Cao khô toàn cây mùng quân với liều 50mg/kg tiêm tĩnh mạch có tác dụng làm hạ huyết áp (Bhakuni et al., 1971).

Liều dùng & cách dùng

Quả non giã vắt lấy nước cốt chữa đau bụng, ỉa chảy. Quả chín ăn ngon và được dùng làm mứt. Lá chữa ho, hen, ngày 5 – 10g lá khô sắc uống.

Bồ quân chữa đau dạ dày
Bồ quân dùng chữa đau bụng, ỉa chảy

 

Bài thuốc kinh nghiệm

Chưa có thông tin.

Lưu ý

Cần thận trọng khi sử dụng cây Bồ quân vì độc tính của dược liệu này. Độc tính cấp của cao khô Bồ quân được nghiên cứu ở chuột nhắt trắng dùng đường tiêm phúc mạc. Kết quả cho thấy, với liều 1.000mg/kg, chuột không chết, chứng tỏ cao có độc tính cấp thấp.

Nguồn tham khảo
  1. Từ điển cây thuốc Việt Nam - Võ Văn Chi.

  2. https://tracuuduoclieu.vn/mung-quan.html.

  3. https://tracuuduoclieu.vn/flacourtia-jangomas-lour-raeusch-stigmarota-jagomas-lour.html.

  4. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi.