Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bupivacaine: Thuốc gây tê tại chỗ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Bupivacaine (Bupivacain)

Loại thuốc

Thuốc gây tê tại chỗ.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Ống tiêm hoặc lọ 4 mL, 10 mL, và 20 mL (dung dịch 0,25%; 0,50%, và 0,75%).
  • Ống tiêm hoặc lọ 4 mL dung dịch 0,50% hoặc 0,75% trong glucose 8% hoặc 8,25%.
  • Ống tiêm hoặc lọ 4 mL, 10 mL và 20 mL dung dịch 0,25; 0,50 và 0,75% có thêm epinephrine bitartrate 1/200000 (5 mcg/mL).

Chỉ định

Thuốc Bupivacaine chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Gây tê từng lớp trong phẫu thuật và giảm đau sau phẫu thuật.
  • Ngăn chặn dẫn truyền thân thần kinh và đám rối thần kinh để phẫu thuật.
  • Gây tê ngoài màng cứng để mổ hoặc kéo dài giảm đau sau mổ bằng cách tiêm thuốc tê cách quãng hay nhỏ giọt liên tục qua catheter đặt vào khoang ngoài màng cứng.
  • Gây tê ngoài màng cứng trong mổ lấy thai hoặc giảm đau trong chuyển dạ. 
  • Gây tê tủy sống trong mổ tiết niệu bụng dưới, chi dưới và mổ lấy thai.

Dược lực học

Bupivacaine là thuốc gây tê tại chỗ thuộc nhóm amide, có thời gian tác dụng kéo dài.

Thuốc có tác dụng phong bế có hồi phục sự dẫn truyền xung thần kinh do làm giảm tính thấm của màng tế bào thần kinh đối với ion Na+. Đặc điểm nổi bật nhất của bupivacaine (dù có phối hợp hoặc không phối hợp với epinephrine) là thời gian tác dụng khá dài.

Có thể lựa chọn các dung dịch tiêm khác nhau: 2,5 mg/mL hoặc 5 mg/mL hoặc 7,5 mg/mL tùy theo mức độ cần phong bế hệ thần kinh vận động nhiều hay ít.

Bupivacaine có độc tính đối với tim và thần kinh cao hơn so với mepivacaine, lidocaine hay prilocaine. Về thời gian tác dụng không có sự khác nhau nhiều giữa chế phẩm bupivacaine chứa hoặc không chứa epinephrine.

Thuốc có thể gây tê thần kinh liên sườn, giảm đau kéo dài 7–14 giờ sau phẫu thuật và có thể gây tê tốt ngoài màng cứng trung bình trong 3–4 giờ. Bupivacaine còn là thuốc thích hợp để gây tê ngoài màng cứng liên tục.

Bupivacaine không chứa epinephrine còn được dùng để gây tê tủy sống trong các phẫu thuật tiết niệu, chi dưới, bụng dưới và sản khoa.

Động lực học

Hấp thu

Tốc độ hấp thu của Bupivacaine phụ thuộc vào tổng liều và nồng độ thuốc sử dụng, vào cách gây tê, sự phân bố mạch ở vị trí tiêm và sự có mặt của epinephrine trong dịch tiêm.

Epinephrine bitartrate với nồng độ thấp (1/200000 g/mL tương đương với 5 mcg/mL) làm giảm tốc độ hấp thu, cho phép sử dụng tổng liều tương đối lớn hơn và kéo dài thời gian gây tê tại chỗ. Dùng nhiều liều lặp lại sẽ có hiện tượng tích lũy chậm.

Sau khi tiêm bupivacaine gây tê xương cùng, ngoài màng cứng hoặc dây thần kinh ngoại vi, nồng độ đỉnh bupivacaine trong máu đạt sau khoảng 30–45 phút.

Phân bố

Tùy thuộc đường tiêm, thuốc được phân bố vào mọi mô của cơ thể ở mức độ nào đó, nồng độ cao nhất thấy ở các cơ quan được tưới máu nhiều như não, cơ tim, phổi, thận và gan. Bupivacaine có khả năng gắn vào protein huyết tương cao (95%).

Chuyển hóa

Bupivacaine được chuyển hóa chủ yếu ở gan, tạo thành 2,6-pipecoloxylidide dưới dạng liên hợp với acid glucuronic.

Thải trừ

Chỉ có 5% được đào thải ra nước tiểu dưới dạng không đổi.

Thời gian bán thải của thuốc ở người lớn khoảng 1,5–5,5 giờ và khoảng 8 giờ ở trẻ sơ sinh.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc hoặc gây ra các tác dụng phụ. Nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ danh sách những thuốc và các thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng. Không nên dùng hay tăng giảm liều lượng của thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tránh dùng bupivacaine chứa epinephrine với các thuốc ức chế monoamine oxidase hay thuốc chống trầm cảm 3 vòng vì có thể gây tăng huyết áp nặng và kéo dài.

Có thể gây tăng huyết áp nặng và kéo dài, đồng thời gây tai biến mạch máu não khi dùng chung bupivacaine với các thuốc co mạch và thúc đẻ nhóm cựa gà.

Có thể gây giảm hoặc đảo ngược tác dụng của epinephrine khi dùng kết hợp với phenothiazine và butyrophenone.

Gây tăng thêm độc tính của bupivacaine khi dùng với các thuốc chống loạn nhịp nhóm I như tocainide.

Nên thận trọng khi dùng bupivacaine ở người đang dùng thuốc chống loạn nhịp có tác dụng gây tê tại chỗ như lidocaine vì có thể gây tăng độc tính.

Có thể có hiện tượng loạn nhịp tim nặng nếu dùng bupivacaine chứa các thuốc co mạch ở người đang hoặc đã dùng chloroform, halothane, cyclopropane, trichloroethylene.

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Bupivacaine trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn đối với các thuốc tê tại chỗ thuộc nhóm amide.
  • Gây tê vùng theo đường tĩnh mạch (phong bế Bier) hoặc gây tê quanh cổ tử cung trong sản khoa. 
  • Gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống cho những người bệnh bị tụt huyết áp nặng như trong các trường hợp bị sốc do tim hay do mất máu hoặc có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu. 
  • Sử dụng dung dịch bupivacaine 0,75% trong sản khoa để gây tê ngoài màng cứng vì có trường hợp vô ý tiêm vào lòng mạch đã gây ngừng tim ở người mẹ. Tuy nhiên, có thể dùng các liều thấp hơn.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Liều dùng thông thường trong gây tê thấm: Dùng dung dịch 0,25% liều tối đa 150 mg (60 mL).

Liều dùng thông thường trong phong bế thần kinh ngoại vi: 5 mL dung dịch 0,25% (12,5 mg) hoặc 5 mL dung dịch 0,5% (25 mg). Liều tối đa 150 mg.

Liều dùng thông thường trong phong bế thần kinh giao cảm: 20–50 mL dung dịch 0,25% (50–125 mg). Tối đa 150 mg.

Liều dùng thông thường trong phẫu thuật vùng hàm trên và hàm dưới trong nha khoa: Tiêm 1,8–3,6 mL dung dịch 0,5% có epinephrine bitartrate 1/200000, nếu cần tiêm nhắc lại sau mỗi 2–10 phút, nhưng liều tổng không quá 18 mL dung dịch (90 mg).

Liều dùng thông thường trong phẫu thuật mắt, gây tê hậu nhãn cầu: Tiêm 2–4 mL dung dịch 0,75% (15–30 mg).

Liều dùng thông thường trong gây tê ngoài màng cứng vùng thắt lưng:

  • Trong phẫu thuật: Tiêm 10–20 mL dung dịch 0,25% (25–50 mg); hoặc 10–20 mL dung dịch 0,5% (50–100 mg) khi cần giãn cơ; hoặc 10–20 mL dung dịch 0,75% (75–150 mg) khi cần giãn cơ nhiều. 
  • Giảm đau trong chuyển dạ: Tiêm 6–12 mL dung dịch 0,25% (15–30 mg); hoặc 6–12 mL dung dịch 0,5% (30–60 mg).

Liều dùng thông thường trong phong bế vùng đuôi (khoang cùng):

  • Trong phẫu thuật: Tiêm 15–30 mL dung dịch 0,25% (37,5–75 mg); hoặc khi cần giãn cơ tiêm 15–30 mL dung dịch 0,5% (75–150 mg).
  • Giảm đau trong chuyển dạ: Tiêm 10–20 mL dung dịch 0,25% (25–50 mg); hoặc 10–20 mL dung dịch 0,5% (50–100 mg).

Liều dùng thông thường trong gây tê tủy sống: Không được dùng loại có epinephrine. Thường dùng dung dịch 0,75% trong glucose 8,25%.

  • Phẫu thuật chi dưới và vùng chậu: 1 mL (7,5 mg).
  • Phẫu thuật bụng dưới: 1,6 mL (12 mg).
  • Phẫu thuật mở tử cung: 1–1,4 mL (7,5 10,5 mg).
  • Giảm đau khi chuyển dạ với âm đạo bình thường: 0,8 mL (6 mg)

Trẻ em

Trẻ em ≥ 12 tuổi: Nhà sản xuất không đưa ra liều lượng cụ thể. Liều dùng phụ thuộc vào từng người.

Đối tượng khác 

Người cao tuổi: Cân nhắc giảm liều.

Bệnh nhân suy thận: Cân nhắc khả năng tăng nguy cơ nhiễm độc ở người suy thận và lựa chọn liều dùng thích hợp.

Bệnh nhân suy gan trung bình đến nặng: Cân nhắc giảm liều và theo dõi độc tính toàn thân.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Cách dùng 

Phải có sẵn phương tiện hô hấp và tuần hoàn.

Cần hết sức thận trọng để tránh vô ý tiêm vào tĩnh mạch. Vì vậy, trước mỗi lần tiêm bắt buộc phải có động tác hút thử, nếu thấy bơm tiêm có máu phải chọn một vị trí khác để tiêm.

Để gây tê ngoài màng cứng, trước tiên nên tiêm một liều thử 3–5 mL bupivacaine loại có epinephrine, nếu không may tiêm phải mạch máu sẽ phát hiện được ngay nhờ tăng nhịp tim do epinephrine.

Trong trường hợp này nên ngừng tiêm và thử lại ở chỗ khác. Sau liều thử ít nhất 5 phút cần hỏi chuyện người bệnh và kiểm tra lại nhịp tim. Thử hút lại một lần nữa trước khi tiêm toàn bộ liều thuốc với tốc độ chậm 20–25 mg/phút.

Tiếp tục hỏi chuyện bệnh nhân và kiểm tra mạch, nếu thấy có triệu chứng nhiễm độc nhẹ, nên ngừng tiêm ngay.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Bupivacaine, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).

Thường gặp 

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Chóng mặt, loạn cảm; buồn nôn, nôn; bí tiểu; chậm nhịp tim; tăng/hạ huyết áp.

Ít gặp 

Các tác dụng phụ ít gặp bao gồm: Loạn cảm quang miệng, tê lưỡi, rối loạn thị giác, mất ý thức, run, ù tai.

Hiếm gặp

Các tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm: Phản ứng dị ứng, sốc phản vệ; bệnh thần kinh, chấn thương dây thần kinh ngoại biên, viêm màng nhện, liệt nửa người; song thị; ngừng tim, rối loạn nhịp tim; suy hô hấp.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Lưu ý

Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.

Lưu ý chung

Bupivacaine được chuyển hóa ở gan, nên thận trọng đối với người bệnh suy gan.

Không khuyến cáo dùng bupivacaine hydrochloride có chứa hoặc không chứa epinephrine cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Một số chế phẩm bupivacaine có chứa thành phần natri metabisulfide có thể gây phản ứng dị ứng.

Không dùng dung dịch chứa chất bảo quản để gây tê xương cùng hay ngoài màng cứng; những cơn co giật do nhiễm độc nặng thần kinh trung ương có thể làm ngừng tim, nhất là khi vô ý tiêm vào mạch máu.

Bupivacaine gây độc tim nhiều hơn so với các thuốc tê tại chỗ khác, vì vậy phải rất thận trọng khi dùng cho người có rối loạn chức năng tim mạch.

Tình trạng máu nhiễm toan hay thiếu oxy có thể làm giảm khả năng dung nạp bupivacaine, đồng thời tăng nguy cơ và mức độ trầm trọng của các phản ứng gây độc của thuốc.

Epinephrine trong chế phẩm bupivacaine có thể gây ra phản ứng không mong muốn ở người bệnh tim mạch nặng, tăng huyết áp, thiểu năng hoặc cường giáp trạng, hoặc giảm kali huyết không được điều trị. Các thuốc mê đường hô hấp gây tăng độ nhạy cảm của tim đối với các catecholamine, do đó làm tăng nguy cơ loạn nhịp nếu dùng thuốc có kèm epinephrine.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Bupivacaine qua được nhau thai. Thời kỳ mang thai tăng nhạy cảm với bupivacaine, vì vậy cần phải giảm nồng độ và giảm liều.

Trong sản khoa, thuốc được sử dụng phổ biến để giảm đau khi chuyển dạ, ít tai biến.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Bupivacaine vào được sữa mẹ, nhưng với lượng ít không gây ảnh hưởng đến con, khi mẹ dùng ở mức độ điều trị.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Bupivacaine có thể có tác dụng rất nhẹ lên chức năng thần kinh và phối hợp vận động, có thể tạm thời làm giảm khả năng vận động và sự tỉnh táo.

Quá liều

Quá liều Bupivacaine và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng quá liều thuốc Bupivacaine: Suy cơ tim, suy tâm thu, mất ý thức, co giật, ức chế hô hấp toàn bộ.

Cách xử lý khi quá liều

Triệu chứng quá liều như co giật toàn thân được xử trí bằng oxy và hô hấp hỗ trợ. Tăng cường thông khí có thể làm giảm mạnh độc tính. Có thể tiêm tĩnh mạch và tiêm nhắc lại những liều nhỏ barbiturate có thời gian tác dụng ngắn như thiopental 50–150 mg hoặc diazepam 5–10 mg. Cũng có thể dùng suxamethonium nhưng chỉ có các bác sĩ chuyên khoa gây mê mới được quyền chỉ định.

Đối với triệu chứng suy tuần hoàn được xử trí bằng cho thở oxy, đặt đầu thấp, cho thuốc cường giao cảm, truyền dịch. Trường hợp vô tâm thu hoặc rung thất, cần phải được hồi sức tích cực, kéo dài, phải cho thêm epinephrine và natri hydrocarbonate càng sớm càng tốt.

Quên liều và xử trí

Việc sử dụng thuốc được thực hiện bởi nhân viên y tế nên ít có khả năng quên liều.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Bupivacaine

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015
  2. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/bupivacaine.html 
  3. Emc: https://www.medicines.org.uk/emc/product/3619/smpc 

Ngày cập nhật: 23/7/2021