Long Châu

Cây Cần tây: Loại rau tốt cho sức khỏe

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cây cần tây không chỉ là một loại rau mà còn là một thảo dược quý. Cần tây nhiều tác dụng như: Thanh lọc máu, bồi bổ hệ thống thần kinh và cung cấp khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cây Cần tây.

Tên khác:  Rau Cần tây.

Tên khoa học: Apium graveolens L. thuộc họ Hoa tán - Apiaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Cây thảo sống dai, thân mọc thẳng đứng, có thể cao đến 1,5m. Thân nhẵn, có nhiều rãnh dọc, chia nhiều cành mọc đứng.

Lá ở gốc có cuống, hình thuôn hay ba cạnh, hơi có dạng 5 cạnh, xẻ ba hay chia ba thùy cho tới phía giữa phiến, các thùy hình ba cạnh, dạng mắt chim, tù có khía lượn tai bèo. Lá giữa và ngọn không cuống, chia 3 hoặc xẻ 3 hoặc không chia thùy. Cụm hoa gồm nhiều tán, các tán ở đầu cành có cuống dài hơn các tán bên. Không có tổng bao. Hoa nhỏ màu trắng nhạt. Cán quả chia đôi, mang 2 quả hình cầu, dạng trứng, nhẵn có cạnh lồi chạy dọc, không nổi rõ lắm.

Cần tây
Hình ảnh cây Cần tây 

Phân bố, thu hái, chế biến

Nguồn gốc xuất xứ từ bờ biển Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Cần tây được trồng lâu đời tại các nước Châu Âu để làm thức ăn và làm thuốc lợi tiểu. 

Hiện tại, vị thuốc được trồng nhiều ở nước ta tại các vùng thung lũng, đầm lầy như Quãng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng,…

Cần tây có thể thu hoạch quanh năm, thường dùng để ăn sống, ép nước hoặc chế biến kèm các món ăn khác.

nước ép của cần tây
Nước ép Cần tây

Bộ phận sử dụng

Toàn thân Cần tây được ứng dụng để là thuốc điều trị bệnh.

Rễ, củ, quả được chưng cất thành tinh dầu và làm gia vị.

Thành phần hoá học

Toàn cây Cần tây có tinh dầu.

Quả cây Cần tây có đến 90,5% là nước, 1,95% hợp chất Nitơ, 0,07% chất béo, 1,15% xenluloza và 1,31% chất tro. Khi chưng cất thì lượng tinh dầu thu được là 2 - 3%. Tinh dầu không có màu, rất loãng, mùi thơm đặc trưng. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là những Cacbua Tecpen, D - Limonen, Silinen, Sesquitecpen Stinben, Giaiacola, Lacton Sednolit, Anhydrit secdanoic. Mùi rau Cần tây là do hai hợp chất oxy này. Ngoài ra, Cần tây còn chứa một số acol hai vòng.

Rau Cần tây chứa nhiều loại vitamin và các chất quan trọng như: Vitamin A, B và C, các acid amin, tinh dầu và nguyên tố vi lượng.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, cay, mùi thơm nồng.

Công năng: Thanh nhiệt, chỉ ho, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu. 

Chủ trị: Cao huyết áp, bệnh tiểu đường, tiểu tiện bí, rắt.

Theo y học hiện đại

Nhờ các thành phần giàu chất dinh dương thiết yếu cho cơ thể (vitamin, muối khoáng, acid amin,...) nên Cần tây thường được dùng trong chữa các chứng bệnh liên quan đến suy nhược cơ thể, thiếu chất, thần kinh yếu. 

Cần tây được dùng trong điều trị các bệnh: Ho lao, sốt, thấp khớp, sỏi thận, sỏi niệu đạo, bệnh về gan, phổi, béo phì, mỡ máu. 

Ngoài ra, Cần tây dùng ngoài trị vết thương, mụn nhọt, ung thư, nứt, nẻ. Tinh dầu quả cần tây được dùng trong công nghiệm là thơm cao thịt chế thành viên.

Liều dùng & cách dùng

Cách dùng: 

Cần tây trong cuộc sống rất phong phú tùy theo sở thích của mỗi người. 

  • Làm rau ăn: Cần tây có thể ăn sống, làm món xào (có thể xào chung với mực, thịt bò,...), nấu canh chua,...

  • Làm nước ép: Cần tây đem ép riêng hoặc phối với các loại rau củ khác làm nước uống bổ dưỡng, giải độc. Hoặc có thể đem Cần tây sắc lấy nước uống.

  • Dùng ngoài: Cần tây có thể đem giã nát, lấy nước súc miệng, đắp lên da hoặc ngâm chân chữa nứt nẻ.

Liều dùng: 

  • Dùng khô: Liều từ 16 - 25g, đem sắc uống. Ngày dùng 2 - 3 lần.

  • Dùng tươi: Lấy 500g Cần tây đã làm sạch, cắt khúc vừa phải, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội, lấy nước uống trong ngày.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị chứng huyết áp cao

  • Để điều trị chứng cao huyết áp, dùng 50g cây Cần tây (cả thân và lá) sắc với 3 bát nước con với lửa nhỏ. Khi cạn còn 1 chén là dùng được, chia thành 3 lần, uống trong ngày.

  • Nước sắc Cần tây có thể tăng tuần hoàn máu, bổ não. Ngoài ra, hoạt chất apigenin có tác dụng điều hòa huyết áp và tăng sự co giãn của mạch máu. Điều này giúp khí huyết lưu thông tốt hơn và ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp.

  • Chú ý: Nếu huyết áp đã hạ thì phải ngừng thuốc.

Chữa mỡ trong máu cao

Dùng Cần tây và Táo đen phân lượng bằng nhau sắc nước uống hàng ngày, có thể dùng thay nước. Hoặc người bệnh cũng có thể sử dụng nước ép cây Cần tây để sử dụng hàng ngày.

Thời gian sử dụng từ 30 - 45 ngày là mỡ trong máu sẽ giảm rõ rệt. Hàm lượng Magnesium và sắt trong Cần tây có thể làm giảm lượng mỡ trong máu rất tốt. Ngoài ra, sử dụng thường xuyên có thể điều trị chứng thiếu máu, xuất huyết,…

Trị bệnh đi tiểu nước đục

Dùng rễ Cần tây đem sắc nước uống ngày 2 lần sáng và tối khi đói trong khoảng 3 - 7 ngày có tác dụng làm nước tiểu hết đục.

Cách làm: Lấy 10 bộ rễ cây cần tây cắt sát gốc với đường kính 2cm đã rửa sạch sắc với khoảng 500ml, đun lửa cho tới khi còn lại khoảng 200ml dùng để uống. 

Trị bệnh gout, nhiễm trùng máu, phong thấp

Thường xuyên dùng Cần tây làm rau trong các bữa ăn hàng ngày hoặc uống nước ép Cần tây giúp cải thiện tình trạng máu tăng acid ở những bệnh nhân bị gout, nhiễm trùng máu hay phong thấp. 

Giúp xương chắc khỏe, tăng chiều cao

Cần tây chứa nhiều canxi, magie, vitamin K có thể giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ làm tăng chiều cao. Ngoài ra, hoạt chất polyacetylene là một hợp chất kháng viêm tự nhiên có trong Cần tây có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm xương khớp.

Bổ sung Cần tây vào bữa ăn hàng ngày, ép nước uống hoặc sử dụng tinh chất Cần tây thường xuyên để hỗ trợ các vấn đề xương khớp.

Bệnh đường hô hấp

Đem hạt Cần tây sắc lấy nước uống mỗi ngày có tác dụng cải thiện tình trạng các bệnh đường hô hấp như: Suyễn, viêm phế quản, lao phổi, viêm màng phổi.

Chữa mất ngủ

Dùng Cần tây vào bữa cơm tối (món rau hoặc nước ép) giúp ngủ ngon hơn nhờ  tác dụng làm thư giãn dây thần kinh của các chất kiềm có trong cần tây.

Ngừa sỏi thận

Thường xuyên sử dụng Cần tây có thể ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị sỏi thận và mật.

cây cần tây dùng làm thực phẩm
Cần tây là loại thực phẩm dễ chế biến

 

Lưu ý

Một số người đã dùng nhầm cây rau cần ta (còn gọi là rau cần nước) có tên khoa học là Oenanthe stolinefera Wall. Cùng họ. Cây này được trồng ở nước ta và nhiều nước Châu Á khác để lấy rau ăn, thành phần của cần ta có tinh dầu, carotene 7,14 mg%, vitamin C 320 mg%.

Nguồn tham khảo

1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Tái bản lần XII), Nhà Xuất bản Y học, Hà Nội. Cây cần tây (Trang 314 - 315),

2. Bộ Y Tế (2017). Dược điển Việt Nam V (Tái bản lần thứ V), Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. Cần tây (Toàn cây) trang 1103 - 1104

3. Tra cứu dược liệu: Cần tây, https://tracuuduoclieu.vn/can-tay-vt.html, xem 17/10/2021.

Các sản phẩm có thành phần Cần tây