Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh thiếu máu là gì ? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh thiếu máu (Anemia) là một trong những bệnh lý sự thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất. Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính có khoảng 25% dân số trên toàn thế giới bị thiếu máu. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi (42%) và phụ nữ có thai (40%). Bệnh nhân thiếu máu nặng sẽ gây ảnh hưởng rõ rệt đến sức khoẻ, các hoạt động hằng ngày và giảm chất lượng cuộc sống. Đồng thời, bệnh thiếu máu còn gia tăng nguy cơ mắc bệnh khác và tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt ở trẻ em nhũ nhi và người già.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thiếu máu là gì?

Bệnh thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắt tố Hb trong máu ngoại vi dẫn đến giảm khả năng cung cấp oxy cho các mô/ tổ chức của cơ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tình trạng thiếu máu được xác định khi Hb < 13g/dl (đối với nam giới trưởng thành), và Hb < 12g/dl (đối với nữ giới trưởng thành, không mang thai).

Thiếu máu có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau. Mỗi cách phân loại có ý nghĩa ứng dụng khác nhau trong việc tiếp cận, chẩn đoán tìm nguyên nhân và điều trị:

  • Theo mức độ: Nhẹ, trung bình, nặng.

  • Theo diễn tiến quá trình thiếu máu: Thiếu máu cấp tính, thiếu máu mạn tính.

  • Theo nguyên nhân: Mất máu, tăng phá huỷ hồng cầu và giảm sản xuất hồng cầu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu

Các triệu chứng có thể xuất hiện tùy theo mức độ và diễn tiến của bệnh cũng như tuổi và tình trạng hô hấp, tim mạch của bệnh nhân. Thiếu máu nhẹ thường không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ khi đi thăm khám một bệnh khác hoặc khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như sau:

  • Da nhợt nhạt, xanh xao;

  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều, hồi hộp;

  • Hụt hơi;

  • Đau ngực, đánh trống ngực;

  • Đau đầu, chóng mặt, xây xẩm thường xuyên hay khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức;

  • Tóc rụng, móng tay giòn dễ gãy, chân móng bẹt hoặc lõm;

  • Kém tập trung.

Ngoài ra, tuỳ theo từng nguyên nhân thiếu máu, bệnh nhân có thể có các triệu chứng điển hình khác nhau. Ví dụ:

  • Thiếu máu thiếu sắt: Bệnh nhân thường có đau lưỡi, viêm lưỡi, mất gai lưỡi, giảm tiết nước bọt, móng tay cong lõm…

  • Thiếu máu thiếu vitamin B12 thường có triệu chứng thần kinh bao gồm tê, dị cảm, mất điều hoà vận động, liệt cứng, suy giảm trí nhớ…

  • Thiếu máu do thiếu acid folic lại không có triệu chứng trên thần kinh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc thiếu máu

Bệnh Thiếu máu nếu không điều trị sớm có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể gây hại cho sức khỏe như: Suy nhược cơ thể nghiêm trọng, gây biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ, bao gồm cả sinh non; tim mạch; thiếu máu não, thậm chí có thể tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu như giảm tổng hợp hồng cầu, mất máu cấp và tặng phá hủy hồng cầu. Trong đó, nguyên nhân của bệnh thiếu máu thường gặp nhất là do thiếu sắt. Xét một cách tổng quát, các nguyên nhân thiếu máu bao gồm:

  • Thiếu máu do bị mất máu: Tai nạn, chấn thương, xuất huyết nội tạng…

  • Bệnh thiếu máu do tế bào hồng cầu giảm số lượng hoặc suy yếu: Do dinh dưỡng kém, thiếu nguyên liệu để sản xuất hồng cầu.

  • Thiếu máu liên quan đến tăng phá hủy hồng cầu: Tán huyết do thiếu men G6PD trên màng hồng cầu, tán huyết do miễn dịch…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị thiếu máu?

Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, tuổi tác và có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thiếu máu

Yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu máu, bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có người có bị thiếu máu;

  • Người cao tuổi > 65 tuổi;

  • Mắc các bệnh mãn tính như: Suy thận, ung thư, tiểu đường...;

  • Bệnh nhân có chế độ ăn thiếu chất, thiếu vitamin và khoáng chất: Ăn thực phẩm ít chất sắt, vitamin B12 và folate;

  • Phụ nữ mang thai, tuổi dậy thì, thời kỳ hành kinh;

  • Cơ thể có vấn đề về ruột non, dạ dày, mắc bệnh celiac, crohn… nên giảm hấp thu sắt;

  • Người ăn chay thường ăn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, vì thế lượng sắt hấp thụ vào cơ thể cũng ít hơn người bình thường;

  • Người nghiện rượu hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại và sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thiếu máu

Bệnh thiếu máu cần dựa vào tiền sử người bệnh, thăm khám lâm sàng và các cận lâm sàng. Các chỉ số chẩn đoán thiếu máu bao gồm:

  • HCT, Hb (Hemoglobin), RBC;

  • Phân loại thiếu máu;

  • MCV: Thể tích trung bình hồng cầu;

  • MCH: Lượng hemoglobin trung bình hồng cầu;

  • MCHC: Nồng độ hemoglobin trung bình hồng cầu;

  • RDW (Red Cell Distribution Width);

  • HC lưới;

  • Phết máu ngoại biên.

Giá trị chẩn đoán thiếu máu

  • Nam: < 13g/dl;

  • Nữ: < 12g/dl;

  • PNCT và người già: < 11g/dl.

Chẩn đoán phân biệt

  • Fe huyết thanh, ferritin, bão hòa transferrin;

  • Acid Folic, B12, Schilling test;

  • Coombs test;

  • Máu/phân;

  • Tủy đồ.

Các xét nghiệm khác:

  • Xét nghiệm tìm ký sinh trùng;

  • Nội soi tiêu hóa tìm điểm xuất huyết.

Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu hiệu quả

Mục tiêu điều trị

  • Đưa các thông số huyết học trở lại bình thường và phục hồi dự trữ sắt;

  • Mục tiêu dài hạn hơn là cải thiện chất lượng sống và phòng ngừa tái phát.

Điều trị không dùng thuốc

  • Bệnh nhân nên tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu sắt;

  • Dùng chung nước cam hoặc vitamin C với các bữa ăn để tăng hấp thu sắt;

  • Dùng vừa phải các loại thức uống như sữa, café, trà do làm giảm hấp thu sắt.

Điều trị dùng thuốc

Điều trị thiếu máu thiếu sắt

Điều trị bằng sắt đường uống là lựa chọn đầu tay, phù hợp và hiệu quả trong điều trị thiếu máu thiếu sắt;

Liều điều trị cho người lớn khoảng 150 – 200mg sắt nguyên tố/ ngày thường được chia làm 2 hoặc 3 lần để dung nạp tốt. 

Điều trị thiếu máu do thiếu vitamin B12

Bệnh nhân được chỉ đinh uống vitamin B12 hoặc tiêm. Liều dùng đường uống hằng ngày của vitamin B12 là 1000 – 2000mcg.

Điều trị thiếu máu do thiếu acid folic

  • Liều điều trị của acid folic trong các trường hợp là 1mg/ ngày, kéo dài trong khoảng 4 tháng để đảm bảo các tế bào hồng cầu thiếu acid folic được tiêu hủy và thay thế bằng các tế bào mới.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thiếu máu

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn cần cân bằng các chất giàu dinh dưỡng, nhiều rau quả tươi để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.

  • Bổ sung thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt bò, các loại đậu, bông cải xanh, mộc nhĩ, rau bina, gan và nội tạng động vật…

Chế độ sinh hoạt:

  • Sinh hoạt bình thường, hạn chế lao động nặng như tham gia các hoạt động gắng sức.

  • Vận động, tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khoẻ.

Phương pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu hiệu quả

Bệnh Thiếu máu là loại bệnh rất khó phòng ngừa. Tuy nhiên, đối với những trường hợp thiếu máu do thiếu dinh dưỡng, có thể khắc phục bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm giàu sắt.

  • Đối với phụ nữ có thai, liều bổ sung là 60mg sắt và 400µg folic acid mỗi ngày trong suốt thời gian có thai.

  • Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú.

  • Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: Bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm.

  • Đối với phụ nữ có thai thiếu máu: Bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai.

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 1494/QĐ-BYT ngày 22/4/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học.

  2. Giáo trình” Dược lâm sàng và điều trị” – NXB Y học

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anemia/symptoms-causes/syc-20351360

  4. https://www.healthline.com/health/anemia

Chủ đề:Thiếu máu

Các bệnh liên quan

  1. Máu khó đông

  2. Bệnh ưa chảy máu

  3. Rối loạn đông máu

  4. Thiếu máu do thiếu folate

  5. Rò động tĩnh mạch

  6. Viêm tắc tĩnh mạch

  7. Hẹp động mạch cảnh

  8. huyết áp tâm trương cao

  9. Bướu mạch máu

  10. U hạt mạn tính