Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cây Xuyến chi hay còn gọi là đơn buốt, là một loài thực vật hết sức quen thuộc, có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi từ khu đất hoang, đồng cỏ, ven đường hay trong vườn nhà. Xuyến chi là một loại thực vật thân thảo họ Cúc, tên khoa học là Bidens pilosa, được người dân sử dụng từ lâu đời để điều trị các tình trạng như đau họng, viêm họng, tiêu chảy hoặc các bệnh ngoài da như mày đay, ngứa hay dị ứng.
Tên Tiếng Việt: Xuyến chi.
Tên khác: Đơn buốt, đơn kim, cúc áo.
Tên khoa học: Bidens pilosa, thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Cây xuyến chi là một loại thân thảo sống lâu năm, mọc thẳng, phân bố rộng khắp các vùng ôn đới và nhiệt đới. Thân cây xuyến chi có rãnh chạy dọc và có lông, chiều cao từ 60cm và có thể phát triển đến 150cm trong môi trường thuận lợi. Lá cây xuyến chi mọc đối, màu xanh lục và viền răng cưa, chia thùy hoặc xẻ đôi. Hoa xuyến chi có cụm hoa tựa hình đầu, với nhụy hoa màu vàng được bao quanh bởi cánh hoa trắng (từ 3 đến 5 cánh). Quả có vân, hình trám dài, có gai và có lông.
Cây xuyến chi thích ánh nắng đầy đủ và môi trường đất khô vừa phải. Tuy nhiên cây có thể phát triển kể cả ở vùng đất khô, cằn cỗi. Với lợi thế là tốc độ tăng trưởng nhanh, một cây có thể tạo ra từ 3000 đến 6000 hạt, hạt có thể nảy mầm sau 3 đến 4 ngày trong đất ẩm hoặc sau khi ngâm nước. Hạt giống có thể tồn tại ít nhất là 3 năm.
Cây xuyến chi là một loại cây thân thảo dễ trồng, được phân bố rộng rãi trên toàn thế giới. Xuyến chi được xem là nguồn cung cấp thực phẩm và dược phẩm phong phú cho con người và động vật. Việc sử dụng cây xuyến chi đã được ghi nhận rộng rãi ở Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương. Tại Việt Nam, cây xuyến chi phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam, có thể tìm thấy ở các khu đất hoang, vườn nhà, ven đường hoặc có thể dễ dàng bắt gặp ở khắp mọi nơi.
Việc thu hái cây xuyến chi để đạt được hàm lượng dược chất tốt nhất nên hái vào giữa mùa hoa, khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.
Thu hoạch toàn cây trừ phần rễ và rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc bảo quản bằng cách làm khô và sử dụng dần dần.
Bộ phận sử dụng được của cây xuyến chi là toàn cây, trừ phần rễ cây.
Sự quan tâm đến việc nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cây Xuyến chi đã được tăng lên kể từ lần đầu tiên được xác định vào năm 1753. Điều này chủ yếu là do ứng dụng của cây Xuyến chi trong nền y học, thực phẩm và đồ uống. Khoảng 116 ấn phẩm đã ghi nhận việc khai thác và sử dụng cây Xuyến chi trong y tế.
Cho đến nay, 201 hợp chất bao gồm 70 chất béo, 60 flavonoid, 25 terpenoid, 19 phenylpropanoid, 13 aromatics, 8 porphyrins và 6 hợp chất khác đã được xác định từ cây Xuyến chi. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa các hợp chất và hoạt tính sinh học của cây Xuyến chi vẫn chưa được thiết lập đầy đủ. Có các bằng chứng cho thấy rằng, thành phần hóa học đa dạng của cây Xuyến chi giúp cây có nhiều hoạt tính sinh học khác nhau.
Trong đó, flavonoid là thành phần thường được cho là có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm và nhiều hoạt tính sinh học khác. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 trong số 60 flavonoid trong cây Xuyên chi được nghiên cứu, 53 flavonoid còn lại chưa được tìm hiểu rõ ràng và cần hơn các nghiên cứu trong tương lai.
Theo Đông y, cây Xuyến chi có vị đắng, hơi cay, nhạt và tính mát nên có tác dụng trong việc thanh nhiệt, sát trùng vết thương, giải độc và chống viêm. Xuyến chi thường được người dân sử dụng trong nhiều tình trạng khác nhau như dị ứng, ngứa, mày đay hoặc các tình trạng viêm họng hoặc đau họng, kiết lỵ hoặc tiêu chảy. Có thể dùng lá Xuyến chi giã nát đắp trực tiếp và vết côn trùng cắn để giảm viêm.
Trong điều trị chống ung thư
Các báo cáo dân gian và một số nghiên cứu khoa học in vitro đã ủng hộ cho tuyên bố rằng chiết xuất cây Xuyến chi có hoạt động chống lại nhiều loại ung thư khác nhau. Hàng loạt các nghiên cứu in vitro và in vivo cho thấy tác dụng chống khối u của cây Xuyến chi, chống lại các loại ung thư như ung thư đường miệng, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vú hay ung thư da. Như vậy có thể thấy được tiềm năng của việc nghiên cứu thêm và ứng dụng cây Xuyến chi trong hoạt động chống ung thư.
Trong hoạt động chống viêm
Cây Xuyến chi có thể được sử dụng để giúp điều trị nhiều tình trạng viêm nhiễm. Các hợp chất hóa học được tìm thấy trong cây Xuyến chi có thể giúp chống viêm như flavonoid, phenolics và polyynes. Chiết xuất cây Xuyến chi đã được thử nghiệm về khả năng ức chế tình trạng viêm, chống dị ứng. Các nghiên cứu đã chỉ ra chiết xuất cây Xuyến chi giúp chống viêm qua nhiều cơ chế khác nhau, ví dụ như ức chế giải phóng các cytokine tiền viêm hay ức chế biểu hiện COX-2.
Trong điều trị đái tháo đường
Cây Xuyến chi là một trong 1.200 loài thực vật đã được nghiên cứu về hoạt tính trong việc điều trị đái tháo đường. Cây Xuyến chi được sử dụng như một loại thảo dược chống đái tháo đường ở Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cây Xuyến chi có thể điều trị cả đái tháo đường tuýp 1 và đái tháo đường tuýp 2 ở động vật.
Các nghiên cứu trên chuột cho thấy, chiết xuất Xuyến chi giúp điều hòa miễn dịch để hạn chế đái tháo đường tuýp 1. Đối với đái tháo đường tuýp 2, nghiên cứu cho thấy sử dụng chiết xuất cây Xuyến chi giúp tăng lượng insulin trong máu, giảm lượng đường huyết, giảm HbA1c, cải thiện khả năng dung nạp glucose ở chuột.
Trong hoạt động chống oxy hóa
Các gốc tự do có thể làm hỏng thành phần của tế bào, dẫn đến sự phát triển của hàng loạt bệnh lý như bệnh tim mạch, ung thư, thoái hóa thần kinh. Cây Xuyến chi với hàng loạt các nghiên cứu giúp chống oxy hóa đã được thực hiện. Ví dụ như tinh dầu chiết xuất từ hoa và lá Xuyến chi được cho là có tác dụng giúp kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa và giúp loại bỏ gốc tự do DPPH.
Trong hoạt động kháng khuẩn
Bên cạnh các công dụng đã kể trên, hàng loạt các nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất cây Xuyến chi giúp kháng nấm, kháng virus, kháng khuẩn và chống sốt rét. Tuy nhiên, cần nhiều hơn các nghiên cứu sâu hơn về các tác dụng này để có thể ứng dụng trên lâm sàng.
Cây xuyến chi có thể dùng tươi hoặc dùng ở dạng khô, có thể sắc lấy nước uống hoặc giã và đắp ngoài da. Liều dùng có thể từ 4 đến 16g (ở dạng khô để sắc thuốc), dùng tươi giã nát để đắp thì không kể liều lượng. Tuy nhiên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền thay vì tự ý sử dụng cây xuyến chi để có được hiệu quả tốt nhất.
Tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, cảm nắng
Chuẩn bị: Từ 60g đến 120g cây xuyến chi.
Thực hiện: Cho dược liệu vào sắc với lửa nhỏ trong vòng 30 phút, uống khi còn ấm. Có thể giã nhỏ Xuyến chi và vắt lấy nước, pha thêm muối rồi uống trực tiếp.
Chấn thương, đau nhức
Chuẩn bị: Cành cây xuyến chi.
Thực hiện: Giã nhỏ cây xuyến chi rồi đắp trực tiếp lên tổn thương và băng cố định lại, có thể thêm ít rượu vào bã thuốc để tăng hiệu quả.
Côn trùng cắn hoặc bỏng da do nhiệt
Chuẩn bị: Cành cây xuyến chi.
Thực hiện: Giã nhỏ và đắp trực tiếp lên chỗ bị côn trùng đốt.
Ngứa
Chuẩn bị: 100 - 200g xuyến chi.
Thực hiện: Lấy dược liệu nấu chung với 4 đến 5 lít nước. Dùng nước để tắm và phần bã cây Xuyên chi chà lên các mẩn ngứa.
Chữa viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang
Chuẩn bị: Cành cây xuyến chi.
Thực hiện: Đem 15 đốt của cành cây Xuyến chi cắt thành từng đoạn ngắn tầm 5mm. Sau đó, cho dược liệu vào túi nilon và đập dập. Để thực hiện phương pháp xông, hãy làm theo các bước sau đây.
Đặt nước trong một nồi và đun nó cho đến khi sôi. Hãy chắc chắn rằng lượng nước đủ để tạo đủ hơi. Lắp một ống giấy cuộn vào đầu vòi nước và đặt nó trong nước sôi. Đặt mũi gần vào đầu ống để hít hơi thuốc vào mũi. Nên thỉnh thoảng hít hơi cả bằng đường miệng. Thời gian xông nên kéo dài từ 10 đến 15 phút. Nếu triệu chứng nhẹ, nên duy trì trong 3 đến 5 ngày. Trong trường hợp triệu chứng nặng, nên duy trì trong 7 đến 10 ngày. Lưu ý rằng việc xông nên được thực hiện theo chỉ định của chuyên gia y tế và theo hướng dẫn cụ thể của phương pháp xông cụ thể mà bạn sử dụng.
Một số lưu ý khi sử dụng cây xuyến chi: