Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư trực tràng là bệnh rất phổ biến và nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư gan và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh khá cao. Vậy nguyên nhân nào gây ra ung thư trực tràng và điều trị như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư trực tràng là gì?

Ung thư trực tràng là một loại bệnh ác tính phát triển trong trực tràng, một phần của ống tiêu hóa nằm ngay sau ruột già. Bệnh này xảy ra khi các tế bào trong trực tràng bắt đầu đột biến và phát triển ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến sự hình thành của khối u ác tính. Những tế bào này có thể xâm lấn vào các mô xung quanh và có khả năng di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua hệ thống bạch huyết hoặc máu. Ung thư trực tràng là một trong những loại ung thư tiêu hóa phổ biến và cần được phát hiện sớm để có hiệu quả điều trị cao.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư trực tràng

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư trực tràng bao gồm một loạt các biểu hiện có thể thay đổi ở mỗi người, nhưng các dấu hiệu thường gặp nhất bao gồm:

  • Thay đổi thói quen đi cầu: Bao gồm tiêu chảy, táo bón, phân dẹt kéo dài trong nhiều ngày, và cảm giác không đi hết phân sau mỗi lần đi cầu.
  • Đi cầu ra máu: Phân có thể lẫn máu tươi hoặc có màu sẫm, điều này là do sự chảy máu từ các khối u trong trực tràng.
  • Đau quặn bụng: Đau có thể không rõ ràng và thay đổi theo thời gian.
  • Suy nhược và mệt mỏi: Đây có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm thiếu máu do chảy máu nội bộ từ các khối u.
  • Sụt cân không chủ ý: Giảm cân không giải thích được thường là một dấu hiệu cảnh báo của nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư trực tràng.
  • Thiếu máu: Ung thư trực tràng có thể gây chảy máu trong đường tiêu hóa, dẫn đến thiếu máu do mất máu kéo dài, làm giảm số lượng hồng cầu và gây mệt mỏi và suy nhược.

Những triệu chứng này có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, không nhất thiết chỉ do ung thư trực tràng

ung thư trực tràng 4.jpg
Vàng da hoặc vàng mắt có thể là triệu chứng nếu tế bào ung thư đã di căn qua các bộ phận khác

Biến chứng có thể gặp khi bị ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng là căn bệnh phổ biến hiện nay, nếu phát hiện kịp thời và điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh cao. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại một số biến chứng sau:

  • Tắc ruột;
  • Thủng ruột;
  • Áp xe quanh khối u;
  • Di căn tới các bộ phận khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư trực tràng

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư trực tràng. Có thể có sự đột biến gen di truyền. Những đột biến này làm các tế bào nhân lên nhanh chóng hơn những tế bào bình thường.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) ung thư trực tràng?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị ung thư trực tràng. Tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Nam giới;
  • Người từ 50 tuổi trở lên.

Các yếu tố làm tăng nguy ung thư trực tràng

  • Có tiền sử ung thư trực tràng trước đó;
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với những chất gây ung thư;
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư trực tràng hoặc polyp;
  • Người mắc một số bệnh như: Viêm loét trực tràng, viêm ruột, crohn, tiểu đường,..;
  • Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm muối lên men,…;
  • Thừa cân, béo phì.
ung thư trực tràng 5.jpeg
Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… làm tăng nguy ung thư trực tràng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư trực tràng

Chẩn đoán ung thư trực tràng bắt đầu bằng tiền sử bệnh và những triệu chứng lâm sàng. Sau đó bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Những xét nghiệm thường thấy như:

  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm này được thực hiện để phát hiện sự hiện diện của máu không thấy được bằng mắt thường hoặc các biến đổi DNA có thể liên quan đến ung thư, giúp nhận biết các dấu hiệu sớm của ung thư trực tràng
  • Nội soi trực tràng: Quy trình này cho phép bác sĩ nhìn thấy rõ các bất thường hoặc khối u và lấy mẫu mô nếu cần thiết. Nội soi đại tràng, nội soi sigma, và nội soi trực tràng đều là các phương pháp nội soi cụ thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư trực tràng
  • CT Scan: Phương pháp này giúp xác định vị trí và kích thước của khối u, cũng như kiểm tra xem ung thư đã lan rộng đến các khu vực khác trong cơ thể hay chưa
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể. MRI trực tràng cung cấp thông tin cụ thể về khối u trong trực tràng, bao gồm kích thước, vị trí và mức độ xâm lấn
  • Sinh thiết: Sinh thiết cung cấp thông tin chính xác về sự hiện diện và loại tế bào ung thư, giúp xác định chính xác chẩn đoán

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị ung thư trực tràng hiệu quả

Các phương pháp điều trị ung thư trực tràng bao gồm:

  • Phẫu Thuật: Phẫu thuật là phương pháp chính để điều trị ung thư trực tràng. Cắt bỏ polyp được thực hiện khi ung thư ở giai đoạn rất sớm, loại bỏ khối u qua nội soi. Phẫu thuật cắt bỏ loại bỏ khối u cùng một phần mô lành xung quanh để ngăn ngừa sự lan rộng. Phẫu thuật nội soi thực hiện qua các vết mổ nhỏ giúp giảm thời gian hồi phục. Thủ thuật mở thông đại tràng (colostomy) tạo một lỗ mở ra ngoài thành bụng để chất thải thoát ra ngoài, có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Hóa Trị: Hóa trị sử dụng thuốc qua đường truyền tĩnh mạch hoặc uống để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó thường được áp dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào còn sót lại hoặc trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp phẫu thuật dễ dàng hơn.
  • Xạ Trị: Xạ trị sử dụng tia X hoặc tia bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị tân hỗ trợ (trước phẫu thuật) giúp thu nhỏ khối u, trong khi xạ trị sau phẫu thuật tiêu diệt các tế bào còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát.
ung thư trực tràng 6.jpg
Nội soi trực tràng là một trong những xét nghiệm chẩn đoán

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư trực tràng

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước;
  • Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thức ăn giàu protein, thực phẩm nhiều chất xơ;
  • Hạn chế những thức ăn nhiều dầu mỡ.

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa ung thư trực tràng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng;
  • Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc lá;
  • Không uống rượu, bia;
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hai khác, nếu tiếp xúc nên sử dụng thiết bị bảo hộ;
  • Chế độ ăn uống khoa học: Không ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, gan…), đồ ăn chế biến sẵn. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ,...
  • Duy trì cân nặng vừa phải, giảm cân khi cần thiết;
  • Tầm soát ung thư thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị.
ung thư trực tràng 7.png
Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ,...
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/rectal-cancer#takeaway

  2. https://www.cancer.org/cancer/colon-rectal-cancer/treating/by-stage-rectum.html

  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21733-rectal-cancer

Dược sĩ Đại học Trần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Các bệnh liên quan