Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Cefazolin

Cefazolin: Kháng sinh cephalosporin thế hệ 1

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Cefazolin.

Loại thuốc

Kháng sinh cephalosporin thế hệ 1.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Thuốc bột cefazolin natri vô khuẩn pha tiêm (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền): 0,25 g, 0,50 g, 1 g ,10 g, 20 g (1,05 cefazolin natri tương đương với khoảng 1 g cefazolin).
  • Dung dịch truyền tĩnh mạch (đã đông băng) chứa 20 mg cefazolin trong 1 ml dung dịch pha tiêm dextrose 4%.

Chỉ định

Điều trị các nhiễm khuẩn sau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp do S. pneumoniae, S. pyogenes, Staphylococcus, Klebsiella, H. influenzae.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm do Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes.
  • Nhiễm khuẩn xương và khớp do S.aureus còn nhạy cảm.
  • Một số trường hợp nhiễm khuẩn huyết và viêm nội tâm mạc do Staphylococcus, Streptococcus.
  • Một số trường hợp nhiễm khuẩn đường mật và tiết niệu sinh dục do E.coli, Proteus mirabilis, Klebsiella, S.aureus.

Tuy nhiên tốt nhất vẫn là điều trị theo kháng sinh đồ.

Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật: Sử dụng cefazolin trong phẫu thuật có thể làm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn hậu phẫu ở những bệnh nhân đang trải qua phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, hoặc phẫu thuật những chỗ có thể xảy ra nhiễm khuẩn hậu phẫu đặc biệt nghiêm trọng.

Dược lực học

Cefazolin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1, tác động kìm hãm sự phát triển và phân chia vi khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc gắn vào một hoặc nhiều protein gắn penicillin (PBP), lần lượt ức chế tổng hợp peptidoglycan trong thành tế bào vi khuẩn, vì vậy ức chế sinh tổng hợp thành tế bào. Vi khuẩn bị tiêu hủy do tác động của các enzyme tự tiêu thành tế bào (autolysin và murein hydrolase), trong khi lắp ráp thành tế bào bị ngừng lại.

Phổ kháng khuẩn:

  • Cefazolin có tác dụng khá tốt in vitro trên nhiều vi khuẩn gram dương nhưng hạn chế trên vi khuẩn gram âm. Thuốc tác dụng mạnh trong các bệnh nhiễm khuẩn gram dương do Staphylococcus aureus (kể cả chủng tiết penicillinase), Staphylococcus epidermidis, Streptococcus betahemolyticus nhóm A, Streptococcus pneumoniae và các chủng Streptococcus khác (nhiều chủng Enterococcus kháng cefazolin).
  • Cefazolin cũng có tác dụng trên một số ít trực khuẩn gram âm ưa khí như: Escherichia coli, Klebsiella sp., Proteus mirabilis, Haemophilus influenzae. Tuy nhiên, sự kháng thuốc ngày càng tăng.
  • Nồng độ ức chế tối thiểu của cefazolin với các cầu khuẩn gram dương nhạy cảm là 0,1 - 1 μg/ml; với phần lớn các vi khuẩn gram âm nhạy cảm nồng độ cần phải lớn hơn 1 μg/ml.

Kháng thuốc:

  • Cefazolin không có tác dụng với Enterococcus faecalis. Trực khuẩn gram âm ưa khí khác (thường ở bệnh viện như Enterobacter spp., Pseudomonas spp.) đều kháng thuốc. Những vi khuẩn kỵ khí phân lập được ở miệng - hầu nói chung đều nhạy cảm, tuy vậy vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides fragilis lại kháng thuốc.
  • Các cephalosporin thế hệ 1 đều không có tác dụng với các vi khuẩn gram âm ưa khí như Serratia, Enterobacter, Pseudomonas.
  • Các chủng Staphylococci tiết penicillinase kháng penicillin có thể xem như kháng cefazolin, mặc dù kết quả in vitro trên các test nhạy cảm có thể cho thấy vi khuẩn nhạy cảm với thuốc.
  • Không dùng cefazolin để điều trị viêm nội tâm mạc do Staphylococcus kháng oxacillin, mặc dù xét nghiệm in vitro vẫn còn nhạy cảm.

Động lực học

Hấp thu

Cefazolin hấp thu kém từ đường tiêu hóa nên phải sử dụng qua đường tiêm. Ở người lớn có chức năng thận bình thường, sau khi tiêm bắp với liều 500 mg cefazolin, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được từ 30 - 44 μg/ml sau từ 1 - 2 giờ; khi tiêm tĩnh mạch liều 1 g nồng độ trong huyết thanh trung bình khoảng 188 μg/ml sau 5 phút, 74 μg/ml sau 1 giờ và 46 μg/ml sau 2 giờ. Đối với trẻ em, sau khi tiêm bắp 30 phút cefazolin 5 - 6,25 mg/kg, nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương đạt được là khoảng 28 μg /ml.

Phân bố

Khoảng 85% cefazolin trong máu liên kết với protein huyết tương. Cefazolin khuếch tán vào xương, dịch cổ trướng, màng phổi và hoạt dịch, nhưng khuếch tán kém vào dịch não tủy. Cefazolin đi qua nhau thai vào tuần hoàn thai nhi; vào sữa mẹ với nồng độ rất thấp.

Chuyển hóa – Thải trừ

Nửa đời của cefazolin trong huyết tương khoảng 1,8 giờ và có thể tăng từ 20 - 70 giờ ở những người bị suy thận. Cefazolin được đào thải qua nước tiểu ở dạng không đổi, phần lớn qua lọc cầu thận và một phần nhỏ qua bài tiết ở ống thận; ít nhất 80% liều tiêm bắp được đào thải ở dạng không đổi qua nước tiểu trong 24 giờ. Với liều tiêm bắp 500 mg và 1 g, cefazolin đạt nồng độ đỉnh trong nước tiểu tương ứng khoảng 2 mg/ml và 4 mg/ml.

Probenecid làm chậm đào thải cefazolin. Cefazolin được loại bỏ ở một mức độ nào đó qua thẩm tách máu. Cefazolin có nồng độ cao trong mật mặc dù lượng bài tiết qua mật ít.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

  • Phối hợp Cefazolin với probenecid có thể làm giảm đào thải cephalosporin qua ống thận, nên làm tăng và kéo dài nồng độ cephalosporin trong máu.
  • Kết hợp cephalosporin với colistin làm tăng nguy cơ tổn hại thận.
  • Cefazolin gây phản ứng giống disulfiram khi tác dụng với rượu và làm tăng tác dụng của các thuốc kháng vitamin K (warfarin…)
  • Hoạt lực của cefazolin có thể tăng khi dùng đồng thời với các tác nhân gây uric - niệu.
  • Cefazolin có thể làm giảm hoạt lực vaccin thương hàn.

Tương kỵ thuốc

  • Cefazolin tương kỵ với các aminoglycoside và nhiều chất khác. Không được trộn với các kháng sinh khác.
  • Ở môi trường pH > 8,5 cefazolin có thể bị thủy phân và ở pH < 4,5 có thể tạo tủa không tan.

Chống chỉ định

Bệnh nhân mẫn cảm với cefazolin, với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

  • Liều thường dùng để điều trị các nhiễm khuẩn nhẹ do các cầu khuẩn gram dương là 250 - 500 mg, mỗi 8 giờ.
  • Nhiễm khuẩn vừa đến nặng: 0,5 - 1 g mỗi 6 - 8 giờ.
  • Nhiễm khuẩn nặng, đe doạ tính mạng: 1 - 1,5 g mỗi 6 giờ, liều tăng tới 12 g/ngày đã được dùng nhưng rất ít trường hợp.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật, tiêm liều 1 g trước khi phẫu thuật 0,5 - 1 giờ. Với phẫu thuật kéo dài, tiêm tiếp liều 0,5 - 1 g trong khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật tiêm liều 0,5 - 1 g, mỗi 6 - 8 giờ, trong 24 giờ hoặc tới 5 ngày cho một số trường hợp (mổ tim hở, cấy ghép các bộ phận chỉnh hình).

Trẻ em

  • Trẻ em trên 1 tháng tuổi nhiễm khuẩn nhẹ đến vừa: 25 – 50 mg/kg/ngày, 3 - 4 lần/ngày. Nếu nhiễm khuẩn nặng, liều có thể tăng tối đa 100 mg/kg/ngày, 4 lần/ngày.
  • Dự phòng trước phẫu thuật: 20 - 30 mg/kg tiêm tĩnh mạch lúc gây mê (trong vòng 0,5 - 1 giờ trước khi mổ).

Đối tượng khác

Bệnh nhân suy thận: Cần giảm liều tùy mức độ suy thận. Theo dõi thường xuyên chức năng thận và công thức máu.

Đối tượng

Độ thanh thải creatinin (ml/phút)

Liều dùng

Cách dùng

Người lớn

35 - 54

Liều thông thường

2 liều cách nhau ít nhất 8 giờ

11 - 34

50% liều thông thường

2 liều cách nhau 12 giờ/lần

≤ 10

50% liều thông thường

2 liều cách nhau 18 - 24 giờ/lần

Trẻ trên 1 tháng

40 - 70

60% liều thông thường

2 liều cách nhau 12 giờ/lần

20 - 40

25% liều thông thường

2 liều cách nhau 12 giờ/lần

5 - 20

10% liều thông thường

2 liều cách nhau 24 giờ/lần

Tác dụng phụ

Thường gặp

Chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn; đau tại vị trí tiêm, đôi khi có cảm giác tê.

Ít gặp

Nhiễm nấm Candida ở miệng (dùng thời gian dài); ngoại ban, mề đay, phù mạch, sốt, viêm phổi, động kinh; viêm tắc tĩnh mạch.

Hiếm gặp

Nấm Candida âm đạo; tăng hoặc giảm nồng độ glucose huyết; tăng hoặc giảm các loại bạch cầu; chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ, bồn chồn, rối loạn thị giác; đau ngực, khó thở; tăng men gan; độc thận.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefazolin, điều tra kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicillin hoặc thuốc khác.
  • Đã có dấu hiệu cho thấy có dị ứng chéo một phần giữa penicillin và cephalosporin. Nên tránh dùng cephalosporin cho người bệnh có tiền sử bị phản vệ do penicillin hoặc bị phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE (phản vệ, phù mạch, mề đay).
  • Nếu có dị ứng với cefazolin, phải ngừng thuốc và người bệnh cần được xử lý bằng các thuốc epinephrine hoặc các amin co mạch, kháng histamin, corticosteroid.
  • Thận trọng khi sử dụng kháng sinh phổ rộng cho những người có bệnh sử dạ dày ruột, đặc biệt là viêm đại tràng. Sử dụng cefazolin dài ngày có thể làm phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm, có nguy cơ bội nhiễm nấm và vi khuẩn, bao gồm tiêu chảy do Clostridium difficile và viêm ruột kết màng giả. Nếu có bội nhiễm cần có trị liệu thích hợp.
  • Khi dùng cefazolin cho người bệnh suy chức năng thận cần giảm liều hàng ngày.
  • Việc dùng cefazolin qua đường tiêm vào dịch não tủy chưa được chấp nhận do có nguy cơ nhiễm độc nặng trên thần kinh trung ương, co giật khi tiêm cefazolin theo đường này.
  • Thận trọng với bệnh nhân có tiền sử co giật, đặc biệt với bệnh nhân đồng thời bị suy thận vì có thể tăng nguy cơ co giật.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không thấy dấu hiệu tổn thương khả năng sinh sản hoặc có hại cho bào thai. Cefazolin thường được xem như có thể sử dụng an toàn cho người mang thai. Có thể tiêm tĩnh mạch 2 g cefazolin, cách 8 giờ/lần, để điều trị viêm thận - bể thận cho người mang thai trong nửa cuối thai kỳ. Tuy vậy, chưa có những nghiên cứu đầy đủ trên đối tượng này nên phải dùng thận trọng cho phụ nữ có thai và chỉ dùng khi thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Nồng độ cefazolin trong sữa mẹ tuy thấp nhưng cần thận trọng với phụ nữ cho con bú, do có thể ảnh hưởng đến trẻ: Thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, tác dụng trực tiếp lên trẻ đang bú, kết quả sẽ bị nhiễu khi cần thử kháng sinh đồ ở trẻ bị sốt. Cần phải quan sát các chứng tiêu chảy, tưa lưỡi do nấm Candida và nổi ban ở trẻ bú sữa của mẹ đang dùng cefazolin.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không ảnh hưởng.

Quá liều

Quá liều Cefazolin và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng: Nhức đầu, chóng mặt, loạn cảm, rối loạn hệ thần kinh trung ương (kích động, suy nhược cơ và co giật).

Cách xử lý khi quá liều

Nếu bị co giật, ngừng thuốc ngay lập tức, điều trị chống co giật nếu có chỉ định trên lâm sàng. Bảo vệ đường hô hấp bệnh nhân, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Theo dõi cẩn thận và duy trì trong phạm vi cho phép các biểu hiện sống của người bệnh (hàm lượng khí - máu, các chất điện giải trong huyết thanh...)

Trường hợp quá liều trầm trọng, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận, có thể phối hợp lọc máu và truyền máu nếu điều trị bảo tồn thất bại. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu nào ủng hộ cách điều trị này.

Quên liều và xử trí

Hỏi ý kiến bác sĩ nếu quên uống 1 liều thuốc. Không dùng gấp đôi liều quy định.

Nguồn tham khảo