Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Củ nâu

Củ Nâu: Dược liệu giúp cầm máu, chữa kiết lỵ, tiêu chảy

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Củ nâu thường được biết đến với công dụng nhuộm vải màu và làm vải bền đẹp, ngoài ra thời Pháp thuộc, Củ nâu còn được dùng như thực phẩm cứu đói. Ngoài ra, công dụng của Củ nâu chữa mụn nhọt, cầm máu, tiêu chảy, lỵ, thanh nhiệt, kháng khuẩn, cầm máu, làm săn se niêm mạc, sát trùng, trị gãy xương, mụn nhọt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Củ nâu.

Tên khác: Củ nần; Dây tẽn; Plé; Đâu.

Tên khoa học: Dioscorea cirrhosa Lour. Họ: Dioscoreaceae (Củ nâu).

Đặc điểm tự nhiên

Củ nâu là loại dây leo, có thân nhẵn, tuy nhiên phần gốc có nhiều gai.

Phần lá mọc gần gốc thì mọc cách nhau, gần lên tới ngọn thì lá mọc thành hàng đôi. Củ nâu trồi lên ở trên mặt đất, hình tròn, có vỏ ngoài sần sùi không trơn láng, vỏ có màu xám nâu, phần thịt bên trong màu đỏ hay hơi trắng.

Mặc dù tên khoa học chỉ xác định có một nhưng trên thực tế người ta phát hiện thấy có mấy loại củ Nâu:

  • Củ nâu dọc đỏ: Củ có màu xám vàng nhạt, vỏ không sần sùi, nhựa màu đỏ nhạt. Loại này khi nhuộm vải thì cho màu bóng.

  • Củ nâu dọc trai hay Củ nâu dọc dựa: Vỏ ngoài của củ thường bị nứt, có màu nâu xám nhạt, nhựa đỏ hơn Củ nâu dọc đỏ.

  • Củ nâu trắng hay Củ nâu tẻ: Vỏ ngoài củ có rãnh, màu nâu đỏ nhạt, nhựa màu vàng nhạt hơi hồng. Loại này để nhuộm những nước đầu tiên rồi mới nhuộm những loại Củ nâu đỏ nói trên vì người ta cho rằng loại củ nâu này làm cho vải thêm dày và bền .

Mô tả Củ nâu

Phân bố, thu hái, chế biến

Tại Việt Nam, Củ nâu mọc hoang ở những vùng cao như tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh (Quảng Yên), Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tây, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An,...

Củ nâu sau khi thu hoạch thì rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc thái lát mỏng phơi khô hoặc sấy để dành dùng dần.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của Củ nâu là rễ củ.

Củ nâu 2
Củ nâu

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học của Củ nâu là tanin và tinh bột là chủ yếu.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, chát, tính bình không độc.

Công năng: Thanh nhiệt, kháng khuẩn, cầm máu, làm săn se niêm mạc, sát trùng.

Ngoài ra, Củ nâu giã nát dùng ngoài trị bỏng, gãy xương, cầm máu, viêm da mủ.

Củ nâu còn được dùng như thực phẩm (thời Pháp thuộc, Củ nâu là lương thực cứu đói cho người dân).

Từ xa xưa, Củ nâu được dùng để nhuộm vải, làm vải cứng có độ bền cao. Trước đây Củ nâu được dùng rất nhiều cả trong và ngoài nước. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 5000 đến 8000 tấn. Hiện nay người ta ít dùng Củ nâu để nhuộm quần áo vì đã có các thuốc nhuộm hóa học tổng hợp cạnh tranh vì tính tiện dụng hơn, tuy nhiên củ nâu vẫn còn được sử dụng mặc dù ít hơn trước.

cu nau 3
Củ nâu được dùng để nhuộm vải

Theo y học hiện đại

Tính chống oxy hóa và kháng khuẩn

Chiết xuất cồn của Củ nâu có công dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn.

Cầm máu

Thực nghiệm cầm máu trên thỏ và chó cho kết luận Củ nâu có tác dụng cầm máu nhanh từ 85 – 96%.

Liều dùng & cách dùng

Liều lượng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, đầy bụng, khó tiêu, xích bạch đới, băng huyết, chảy máu tử cung, ho ra máu, thổ huyết, tiểu ra máu: 10 đến 15g một ngày, sắc uống.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa tiêu chảy, kiết lỵ

Chuẩn bị: Củ nâu 10 – 20g.

Thực hiện: Củ nâu thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Sau đó sắc lấy nước uống, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Có thể tán bột uống, mỗi lần 2 đến 3g, ngày uống 2 đến 4 lần.

Chữa khí hư

Chuẩn bị: Củ Nâu sao đen 20g, Mẫu lệ 12g, Ích trí nhân 12g, Bạch đồng nữ 20g, Đảng sâm 40g, Kim anh 12g, Thân khương (Gừng đốt cháy) 8 g.

Thực hiện: Sắc toàn bộ các vị trên, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Thuốc bó gãy xương

Chuẩn bị: Củ Nâu tươi.

Thực hiện: Giã nát Củ nâu tươi, đắp lên chỗ gãy xương và băng nẹp cố định (sau khi đã nắn xương lại).

Cầm máu khi bị chảy máu cam

Chuẩn bị: Bã Củ nâu (lượng vừa đủ).

Thực hiện: Tán nhỏ bã Củ nâu, dùng 3g/lần và uống với nước cơm. Ngày dùng 3 đến 4 lần cho đến khi cầm máu.

Chữa kiết lỵ và tiêu chảy

Bài thuốc 1:

Chuẩn bị: Lá sim 20g, lá Lấu 20g và lá Củ Nâu 20g.

Thực hiện: Đem sắc uống các vị thuốc trên, mỗi ngày uống 1 thang.

Bài thuốc 2:

Chuẩn bị: Củ Nâu 10 đến 20g.

Thực hiện: Củ nâu thái mỏng, sấy hoặc phơi khô. Sắc với một lượng nước vừa đủ và chia nước sắc thành 2 – 3 lần uống trong ngày.

Trị chứng đau bụng ở phụ nữ sau sinh

Chuẩn bị: Củ Nâu 9g, rượu.

Thực hiện: Sắc uống.

Trị chứng liệt nửa người

Chuẩn bị: Củ nâu 60g, rượu trắng 500ml.

Thực hiện: Củ nâu ngâm với rượu trắng trong khoảng 5 ngày. Lấy rượu củ Nâu uống trước khi đi ngủ, mỗi lần dùng từ 15 – 30ml.

Chữa đau nhức xương khớp

Chuẩn bị: Củ nâu 15g.

Thực hiện: Sắc Củ nâu với nước, lấy nước sắc thêm vào ít rượu và uống.

Trị chứng huyết khối ở phụ nữ

Chuẩn bị: Bã Củ nâu lượng vừa đủ.

Thực hiện: Sấy khô bã Củ nâu, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 8g uống với nước đun sôi để nguội, ngày dùng từ 2 – 3 lần.

Bài thuốc chữa bệnh tiêu chảy

Chuẩn bị: Nụ vối 5g, vỏ Dộp ổi 5g, Củ nâu 10g (ép bỏ bớt nhựa).

Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc trên và để ráo nước, sau đó sắc đến khi còn 150ml. Chia làm 3 lần uống, dùng liên tục trong 3 ngày và nên dùng trước khi ăn.

Lưu ý

Không nên dùng Củ nâu quá liều lượng hoặc dùng liên tục trong thời gian dài vì Củ nâu có tính hàn (mặc dù Củ nâu không có độc tính).

Không dùng Củ nâu cho phụ nữ mang thai và người mắc bệnh không phải do hư chứng và không có thực tà.

Nguồn tham khảo