Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Cytidine-5'-Monophosphate

Cytidine-5'-Monophosphate: Thuốc trị các bệnh lý thần kinh ngoại biên

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Cytidine-5'-monophosphate (cytidin-5’-monophosphat).

Loại thuốc

Thuốc hướng thần kinh và thuốc bổ thần kinh.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nang chứa 5 mg cytidine-5’-monophosphate dinatri phối hợp 3 mg uridine triphosphate.
  • Bột đông khô và dung môi pha dung dịch tiêm chứa 10 mg cytidine-5’-monophosphate dinatri phối hợp 6 mg uridine triphosphate.

Chỉ định

Cytidine-5'-Monophosphate được chỉ định để điều trị các bệnh lý liên quan đến tổn thương thần kinh ngoại biên có căn nguyên xương, khớp (thần kinh tọa, viêm rễ thần kinh, ...); chuyển hóa (đái tháo đường, viêm đa thần kinh do rượu,…), nhiễm siêu vi (Herpes zoster) và do trời lạnh.

Điều trị chứng đau dây thần kinh mặt, dây thần kinh sinh ba, thần kinh liên sườn, đau thắt lưng.

Dược lực học

Thông thường, sản phẩm thuốc là sự kết hợp các nucleotide cytidine monophosphate (CMP) và uridine triphosphate (UTP), được dùng rất nhiều trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tổn thương thần kinh ngoại biên.

Tác động của hai thành phần này có thể được mô tả như sau:

  • Cytidine monophosphate tham gia vào quá trình tổng hợp các phức hợp lipid cấu tạo nên màng tế bào thần kinh, đặc biệt là sphingomyelin, tiền chất của bao myelin. Cytidine monophosphate cũng là tiền chất của các acid nucleic (ADN và ARN), những yêu tổ cơ bản trong sự chuyển hóa tế bào (như trong quá trình tổng hợp protein).
  • Uridine triphosphate có tác động như một co-enzyme trong quá trình tổng hợp glycolipid của cấu trúc dây thần kinh và bao myelin, bổ sung cho tác động của CMP. Ngoài ra, nó cũng có tác động như một chất cung cấp năng lượng trong quá trình co cơ.
  • Cytidine monophosphate và uridine triphosphate tham gia vào sự tổng hợp phospholipid và glycolipid mà chủ yếu để hợp thành bao myelin và các cấu trúc thần kinh khác.
  • Sự tham gia này tạo ra tác động chuyển hóa mạnh mẽ giúp quá trình tái tạo bao myelin, theo đó phục hồi lại bao myelin đã bị mất đi do tổn thương thần kinh ngoại vi. Vì vậy, sự kết hợp tác động của cytidine monophosphate và uridine triphosphate giúp tái tạo bao myelin, khôi phục lại dẫn truyền của các luồng thần kinh được chính xác và phục hồi dinh dưỡng cơ.

Động lực học

Hấp thu

Sau khi dùng đồng vị 14C-uridine monophosphate với liều 4,97 mg/kg, nồng độ tối đa của thuốc trong huyết tương đạt được sau 10 phút là 1,749 mg/kg.

Sau khi dùng 14C-uridine monophosphate với liều 4,86 mg/kg, nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được sau 20 phút là 1,291 mg/kg. Sau đó, các chất phóng xạ nhanh chóng được thải trừ với thời gian bán hủy lần lượt là 1,2 và 5,0 giờ.

Tương tự từ 0-72 giờ, AUC trong huyết tương của 14C-uridine monophosphate, 14C-cytidine monophosphate và 14C-uridine triphosphate lần lượt là 6,920 và 10,677 và 7,714 mg/kg/giờ.

Phân bố

So với trong huyết tương, mức độ phóng xạ được tìm thấy trong máu qua gan tương đương

hoặc hơi thấp hơn và thời gian bán hủy cũng tương tự (0,5 đến 1 giờ) để thải trừ phóng xạ từ tất cả ba hợp chất trong giai đoạn phân phối alpha (trong vòng 2 giờ). Theo giai đoạn thải trừ beta, thời gian bán hủy trong máu là 8,3 giờ (14C-uridine monophosphate) và 8,6 giờ (14C-uridine triphosphate) tương đương với lượng được tìm thấy trong huyết tương.

Chuyển hóa

Đường chuyển hóa của uridine monophosphate và uridine triphosphate tương tự nhau, biến đổi nhanh chóng qua dạng uracil thành ít nhất thêm 1 phân đoạn phóng xạ phân cực. Hợp chất cytidine monophosphate được chuyển đổi nhanh chóng thành cytosine, uracil và ít nhất thêm 1 phân đoạn phóng xạ phân cực.

Sau đó, cytosine được chuyển đổi chủ yếu thành uracil. Kết quả này cho thấy, trong máu uracil chuyển hóa kém hơn khi có mặt cytosine là chất được tạo ra khi dùng cytidine monophosphate vào lúc đầu.

Thải trừ

Các chất phóng xạ nhanh chóng được thải trừ với thời gian bán hủy lần lượt là 1,0 và 3,8 giờ.

Tương tác thuốc

Không có nghiên cứu về tương tác thuốc.

Tương kỵ

Không trộn lẫn thuốc và các chất khác khi sử dụng đường tiêm.

Chống chỉ định

Chống chỉ định các trường hợp quá mẫn hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Liều lượng

Người lớn

  • Dạng tiêm: Tiêm bắp 1 lần/ngày.
  • Dạng viên nang: uống mỗi lần 1 - 2 viên, ngày 2 lần.

Trẻ em

  • Dạng tiêm: 1 lần mỗi 2 ngày bằng đường tiêm bắp.
  • Trẻ em từ 15 tuổi trở lên: Uống mỗi lần 1 – 2 viên, ngày 2 lần.
  • Trẻ em từ 7 đến dưới 15 tuổi: Uống mỗi lần 1 viên, ngày 2 lần.
  • Trẻ em từ 4 đến dưới 7 tuổi: Uống mỗi lần 1 viên, ngày 1 lần.
  • Trẻ em dưới 4 tuổi: Không dùng do dạng bào chế không phù hợp.

Đối tượng khác

  • Suy thận: Chưa có thông tin.
  • Suy gan: Chưa có thông tin.

Cách dùng Cytidine-5'-Monophosphate

  • Dạng viên nang: Dùng để uống.
  • Dạng đường tiêm: Chỉ dùng đường tiêm bắp.

Tác dụng phụ

Chưa được ghi nhận.

Lưu ý

Lưu ý chung khi dùng Cytidine-5'-Monophosphate

Dạng tiêm: Cho hết ống dung môi vào ống bột đông khô, lắc đến khi tan hoàn toàn. Dùng tiêm bắp.

Thận trọng sử dụng trên bệnh nhân bị động kinh hoặc co thắt cơ.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa có nghiên cứu về sử dụng thuốc trên đối tượng này. Không chống chỉ định đùng trong thai kỳ, thận trọng khi sử dụng, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa có nghiên cứu về sử dụng thuốc trên đối tượng này. Thận trọng khi sử dụng, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thận trọng sử dụng khi vận hành máy móc hoặc lái xe.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Không dự đoán được quá liều do hiếm gặp độc tính của thuốc.

Chưa có báo cáo về quá liều.

Cách xử lý khi quá liều Cytidine-5'-Monophosphate

Nếu xảy ra quá liều cần theo dõi và điều trị triệu chứng.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo