Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vị thuốc đạm trúc diệp: Một thảo dược được sử dụng phổ biến

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cây đạm trúc diệp là một loại thảo dược phổ biến được ứng dụng trong nhiều bài thuốc dân gian với những tác dụng đa dạng. Vị thuốc đạm trúc diệp có tác dụng thanh lương giải độc, giải nhiệt, chống nôn, lợi tiểu, làm thông đờm. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để chữa trẻ em có sốt cao và co giật, viêm tuyến nước bọt, viêm đường tiết niệu và đái ra máu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Đạm trúc diệp.

Tên khác: Cỏ lá tre, Cỏ lông lợn, Nhả mạy phẻo, Co tạng pầu, Mác pang pầu.

Tên khoa học: Lophatherum gracile Brongn thuộc họ Lúa (Poaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Đạm trúc diệp là một loại cây cỏ sống lâu năm, có rễ phình thành củ và nhiều nhánh cứng. Thân cây cao từ 0.6 đến 1.5 mét, mọc thẳng đứng và có đốt dài. Lá mềm, hình mác dài và nhọn, có chiều dài khoảng 10 đến 15cm và chiều rộng 2 đến 3cm. Các lá phía trên thường ít lông, mặt dưới lá nhẵn, cuống lá mảnh và liền với bẹ dài, ôm lấy thân cây. Hoa mọc thành chuỗi thưa, có độ dài từ 15 đến 45cm, với những bông nhỏ dài khoảng 7 đến 12mm. Quả có hình dạng thoi dài, đạt khoảng 4mm.

Phân bố, thu hái, chế biến

Loài cây này có nhiều dạng và phân bố rộng rãi trong nước ta, đặc biệt là ở những vùng rừng thưa hoặc đồi cỏ. Ngoài ra, nó cũng được tìm thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia.

Thường vào tháng 5-6, cuối mùa hoa, người ta hái toàn bộ cây về và cắt bỏ rễ con, sau đó chia thành từng bó nhỏ để phơi hay sấy khô. Thuốc thường bao gồm cả rễ con và đôi khi cả cụm hoa.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận được sử dụng làm thuốc của đạm trúc diệp là rễ hoặc lá.

dam-truc-diep1.png Cây đạm trúc diệp 1
Cây đạm trúc diệp

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, đạm trúc diệp được miêu tả có vị ngọt và nhạt, tính hàn, có tác dụng trên hai kinh Tâm và Tiểu trường. Vị thuốc đạm trúc diệp có tác dụng giúp lợi tiểu, thanh tâm hỏa, trừ phiền nhiệt, chống nôn, long đờm. Đạm trúc diệp thường được dùng chữa các chứng như viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu, viêm tuyến nước bọt hay trẻ em sốt cao co giật.

Vị thuốc đạm trúc diệp: Một thảo dược được sử dụng phổ biến 3
Đạm trúc diệp được sử dụng trong y học cổ truyền có thể giúp trị viêm tuyến nước bọt

Theo y học hiện đại

Trong hoạt động chống oxy hoá

Một bài báo được xuất bản năm 2021 của tác giả Ping Zhang và cộng sự về đánh giá hiệu quả chống oxy hóa của chiết xuất đạm trúc diệp. Nghiên cứu này cho thấy đạm trúc diệp là một dược liệu tiềm năng trong hoạt động chống oxy hóa và cần được phát triển nghiên cứu nhiều hơn.

Tương tự, một bài báo khác được xuất bản năm 2022 của tác giả Xiaokang Liu và cộng sự cũng cho thấy hiệu quả chống oxy hóa của đạm trúc diệp. Hoạt tính chống oxy hóa của chiết xuất đạm trúc diệp được đánh giá qua việc chống lại gốc tự do DPPH, ABTS và khả năng chống oxy hoá khử sắt (FRAP). Kết quả cho thấy rằng tất cả các mẫu thử từ chiết xuất đạm trúc diệp đều có khả năng chống oxy hóa từ trung bình đến cao.

Trong hoạt động bảo vệ gan

Nghiên cứu của tác giả Yi-Long Ma và cộng sự được xuất bản năm 2024 đã đánh giá khả năng tiêu hoá và hoạt động bảo vệ gan của chiết xuất lá đạm trúc diệp. Từ lâu, đạm trúc diệp đã được sử dụng như một thực phẩm và dược liệu với nhiều công dụng khác. Nhiều các nghiên cứu cho thấy được hoạt động chống oxy hóa, chống ung thư và kháng khuẩn của đạm trúc diệp. 

Tuy nhiên, nghiên cứu về hoạt động tiêu hoá và khả năng bảo vệ gan của đạm trúc diệp vẫn chưa được thực hiện, đây là lý do để tác giả tiến hành nghiên cứu này. Việc tiến hành đánh giá hiệu quả của chiết xuất lá đạm trúc diệp dựa trên sử dụng mô hình tiêu hóa in vitro và mô hình tổn thương oxy hóa gây ra bởi rượu. Kết quả nghiên cứu cho thấy bằng cách giảm các loại oxy phản ứng tế bào và nồng độ malonaldehyde, chiết xuất lá đạm trúc diệp giúp cải thiện đáng kể tổn thương oxy hóa do rượu gây ra ở tế bào HepG2. Những phát hiện này giúp gợi ý rằng đạm trúc diệp có thể được sử dụng để phát triển các sản phẩm giúp bảo vệ gan.

Vị thuốc đạm trúc diệp: Một thảo dược được sử dụng phổ biến 4
Chiết xuất lá đạm trúc diệp giúp cải thiện đáng kể tổn thương gan trên mô hình tổn thương oxy hóa bởi rượu

Trong hoạt động chống viêm

Từ lâu đạm trúc diệp đã được sử dụng trong Y học cổ truyền với tác dụng giúp thanh nhiệt, lợi thuỷ và điều trị các tình trạng viêm nhiễm trên lâm sàng. Tuy nhiên, về tác dụng của đạm trúc diệp đối với hoạt động của bạch cầu trung tính ở người liên quan đến quá trình viêm vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Trong bối cảnh đó, năm 2020, tác giả Kuei-Hung Lai và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá các đặc tính chống viêm của chiết xuất đạm trúc diệp trong kích hoạt bạch cầu đa nhân trung tính ở người. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, chiết xuất đạm trúc diệp cho thấy được hiệu quả chống viêm thông qua hoạt hoá bạch cầu đa nhân trung tính ở người. Kết quả này cho thấy rằng đạm trúc diệp có tiềm năng phát triển như một loại thảo dược chống viêm.

Trong hoạt tính kháng virus

Một nghiên cứu của tác giả Li-Feng Chen và cộng sự năm 2019 về hoạt động chống virus của chiết xuất đạm trúc diệp trong chống lại virus hợp bào hô hấp đã được thực hiện. Ở nghiên cứu này, tác giả thực hiện chiết xuất và xác định các thành phần chính của đạm trúc diệp. Mô hình tế bào Hep-2 và RAW264 bị nhiễm virus hợp bào hô hấp đã được thiết lập để đánh giá hiệu quả kháng virus của chiết xuất (nghiên cứu in vitro). Đồng thời, mô hình chuột nhiễm virus hợp bào hô hấp cũng được sử dụng để đánh giá hiệu quả này (nghiên cứu in vivo). Kết quả cho thấy, chiết xuất đạm trúc diệp giúp chống lại virus hợp bào hô hấp ở cả hai mô hình in vitro và in vivo. Từ đó có thể cung cấp bằng chứng khoa học đằng sau việc sử dụng rộng rãi đạm trúc diệp trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh có thể do virus hợp bào hô hấp gây ra.

Vị thuốc đạm trúc diệp: Một thảo dược được sử dụng phổ biến 5
Đạm trúc diệp giúp chống lại virus hợp bào hô hấp ở mô hình in vitro và in vivo

Liều dùng & cách dùng

Đạm trúc diệp thường được dùng dưới dạng thuốc sắc và kết hợp với các vị thuốc khác để tạo thành một bài thuốc. Khi sử dụng dưới dạng thuốc sắc, liều dùng của đạm trúc diệp hàng ngày thông thường từ 8 đến 10g.

Vị thuốc đạm trúc diệp: Một thảo dược được sử dụng phổ biến 6
Đạm trúc diệp thường được sử dụng dưới dạng thuốc thang phối hợp với nhiều loại thuốc khác

Lưu ý

Trước khi sử dụng đạm trúc diệp, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ y học cổ truyền. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn thông tin và hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng và liều lượng phù hợp. Hãy tuân thủ theo liều lượng đã được chỉ định bởi bác sĩ. Không vượt quá liều lượng hoặc sử dụng lâu dài hơn thời gian được khuyến nghị, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên chọn sản phẩm đạm trúc diệp từ các nguồn đáng tin cậy và chất lượng đã được kiểm định.

Cần lưu ý về bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra khi sử dụng đạm trúc diệp. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng không mong muốn, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thực phẩm bổ sung, hoặc sản phẩm thảo dược khác mà bạn đang sử dụng để bác sĩ có thể xem xét tương tác thuốc với đạm trúc diệp (nếu có).

Nguồn tham khảo
  1. Chemical studies on the constituents of Lophatherum gracile Brongn.: https://europepmc.org/article/cba/375922
  2. Evaluation of the phytochemicals and antioxidant activity of Lophatherum gracile Brongn based on chemical fingerprinting by HPLC with electrochemical detection: https://analyticalsciencejournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/jssc.202100318
  3. Spectrum–effect relationship between ultra-high-performance liquid chromatography fingerprints and antioxidant activities of Lophatherum gracile Brongn: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/fsn3.2782
  4. In vitro digestibility and hepato-protective potential of Lophatherum gracile Brongn. leave extract: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0308814623019544
  5. Lophatherum gracile Brongn. attenuates neutrophilic inflammation through inhibition of JNK and calcium: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874120331068
  6. Antiviral activity of ethanol extract of Lophatherum gracile against respiratory syncytial virus infection: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874117346810