Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đái máu là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đái máu là dấu hiệu thường gặp. Đái máu có thể nhận biết bằng mắt thường nhưng cũng có thể phải qua xét nghiệm. Bệnh có thể lành tính hoặc ác tính tùy theo nguyên nhân của bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đái máu là gì? 

Đái máu là tình trạng nước tiểu có máu, đây cũng là lý do thường gặp đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Đái máu được phân loại thành đái máu đại thể và đái máu vi thể.

  • Đái máu đại thể: Khi nước tiểu đỏ sẫm màu, nhận biết được bằng mắt thường.

  • Đái máu vi thể: Mắt thường không nhận thấy, chỉ phát hiện được khi làm xét nghiệm tế bào học nước tiểu với số lượng hồng cầu > 10.000 hồng cầu/ml.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái máu

Tùy theo nguyên nhân gây đái máu sẽ có triệu chứng lâm sàng tương ứng:

  • Có hồng cầu trong nước tiểu ở các mức độ khác nhau.

  • Có thể kèm theo tiểu buốt, dắt, khó, ngắt quãng, bí tiểu.

  • Có thể có sốt có hoặc không rét run.

  • Có thể cơn đau quặn thận, đau hố thắt lưng 1 hoặc 2 bên.

  • Có thể đau tức, nóng rát vùng bàng quang.

Hầu hết những người bị đái máu vi thể không có bất kỳ triệu chứng nào.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh đái máu

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh đái máu, các nguyên nhân này được xếp thành các nhóm chính sau đây:

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm trùng tiết niệu đặc biệt phổ biến ở phụ nữ mặc dù cũng gặp ở đàn ông. Các triệu chứng có thể gồm sự liên tục kích thích đi tiểu, đau và buốt khi đi tiểu, nước tiểu có mùi rất nặng.

Nhiễm khuẩn ở thận

Nhiễm khuẩn thận (viêm thận - bể thận) có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập thận từ dòng máu hoặc di chuyển ngược chiều từ bàng quang lên niệu quản đến thận. Các dấu hiệu và triệu chứng thường tương tự như nhiễm khuẩn ở bàng quang, nhưng nhiễm khuẩn thận thường kèm sốt và đau vùng sườn lưng.

Sỏi niệu

Thường không đau và không biết có sỏi trừ khi sỏi gây tắc nghẽn hoặc sỏi đang di chuyển gây tiểu máu đại thể hoặc vi thể.

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Các dấu hiệu và triệu chứng: Tiểu khó, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, và tiểu máu đại thể hoặc vi thể. Nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt) có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự.

Bệnh thận

  • Viêm cầu thận diễn tiến;

  • Viêm thận mô kẽ;

  • Hội chứng thận hư.

Viêm cầu thận, gây viêm hệ thống lọc của thận. Viêm cầu thận có thể là một phần của một bệnh hệ thống, chẳng hạn như đái tháo đường, hoặc có thể xảy ra riêng một mình. Bệnh có thể được kích hoạt bởi nhiễm virus hoặc các bệnh mạch máu (viêm mạch), các vấn đề miễn dịch như bệnh lý thận IgA, ảnh hưởng đến các mao mạch nhỏ, lọc máu trong thận.

Ung thư

Nhìn thấy nước tiểu có máu có thể là một dấu hiệu của ung thư thận (RCC), bàng quang (TCC) hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Rối loạn di truyền

Hội chứng Alport có thể gây tiểu máu do ảnh hưởng đến các màng lọc ở cầu thận của thận.

Chấn thương thận

Chấn thương thận là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái máu.

Thuốc

Thuốc thường gặp có thể gây ra tiểu máu bao gồm aspirin, penicillin, heparin và các thuốc chống ung thư như cyclophosphamide.

Tập thể dục, vận động nặng

Chưa rõ lý do tại sao tập thể dục gây ra tiểu máu đại thể.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) bệnh đái máu?

  • Người tập thể dục quá sức;

  • Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh hoặc có bệnh lý lạc nội mạc tử cung;

  • Người bị rối loạn đông máu; bệnh hồng cầu hình liềm; bệnh thân đa nang,…

  • Tiền sử gia đình bị bệnh thận hoặc sỏi thận, ung thư tuyến tiền liệt;

  • Người bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) bệnh đái máu

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như: 

  • Tuổi: Đàn ông trên 50 tuổi có nguy cơ do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

  • Giới tính: Phụ nữ thường sẽ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời, trong đợt bệnh có triệu chứng tiểu máu. Hội chứng Alport (viêm thận mạn tính di truyền): hội chứng được di truyền theo nhiều kiểu (trên nhiễm sắc thể thân hay trên nhiễm sắc thể X), gặp ở nữ giới nhiều hơn.

  • Viêm thận sau khi bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiểu máu ở trẻ em.

  • Thuốc: Aspirin và các thuốc giảm đau không steroid khác, kháng sinh như penicillin được ghi nhận làm tăng nguy cơ tiểu máu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh đái máu

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh đái máu hoặc nguyên nhân của đái máu bằng việc xem xét tiền sử của bệnh nhân, bệnh sử, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác như:

  • Tổng phân tích nước tiểu và cặn Addis thường được thực hiện khi có tiểu máu đại thể. Kết quả thu được gợi ý cho ta hướng tới nguyên nhân tiểu máu. 

  • Xét nghiệm máu, sinh hoá để tầm soát nhiễm khuẩn, các bệnh về máu, bệnh hệ thống (lupus ban đỏ), bệnh đái tháo đường, hội chứng thận hư,... và đánh giá chức năng thận còn tốt hay không.
  • Siêu âm bụng: Phát hiện sỏi hệ niệu (thận, niệu quản, bàng quang), khối bướu ở thận, bàng quang hay có sự tắc nghẽn mạch máu thận hay không.

  • Soi bàng quang: Có thể xác định hầu hết các nguyên nhân ở đường tiểu dưới như niệu đạo (có viêm nhiễm, xuất huyết hay không), bàng quang (khối u, chảy máu, hay ung thư) và bướu tuyến tiền liệt.

  • Chụp UIV, chụp niệu quản bể thận ngược dòng: Thường để phát hiện sự tắc nghẽn, các bệnh lý thận mạn, sỏi thận, lao thận và khối bướu.

  • Chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI): Cho kết quả chi tiết hơn phương pháp chụp UIV trong bệnh lý bướu thận, bệnh lý mạch máu thận.

Nguyên nhân của chảy máu đường tiết niệu có thể không tìm thấy. Trong trường hợp đó, nên khuyên nên kiểm tra thường xuyên theo dõi, đặc biệt là nếu có yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang chẳng hạn như hút thuốc lá, tiếp xúc với chất độc môi trường và tiền sử liệu pháp dùng tia xạ.

Phương pháp điều trị bệnh đái máu hiệu quả

Bác sĩ điều trị chứng tiểu máu bằng cách điều trị nguyên nhân cơ bản của nó. Nếu không có tình trạng nghiêm trọng nào gây tiểu máu cho bệnh nhân, thì người đó thường không cần điều trị.

Điều trị triệu chứng

Nội khoa:

  • Thuốc cầm máu: Transamin đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.

  • Truyền máu nếu mất nhiều máu.

  • Kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng: Sulfamid, Quinolone, có thể phối hợp với nhóm khác tùy theo diễn biến lâm sàng và kết quả cấy vi khuẩn máu và nước tiểu.

  • Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đái máu cần phối hợp thêm thuốc khác.

Ngoại khoa:

Cần can thiệp ngoại khoa nếu có tắc nghẽn nhiều đường tiết niệu do máu cục tạo thành.

Điều trị nguyên nhân

Can thiệp ngoại khoa tùy vào nguyên nhân đái máu và tình trạng lâm sàng cụ thể của bệnh nhân.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh đái máu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có thông tin

Phương pháp phòng ngừa bệnh đái máu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Bạn nên khám và kiểm tra định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

  • Uống nhiều nước, không nhịn tiểu lâu, phụ nữ đi tiểu sớm sau khi giao hợp, phụ nữ sau khi đi vệ sinh nên lau vùng tầng sinh môn từ trước ra sau, các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có thể làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

  • Chế độ ăn thích hợp, hạn chế muối, protein và các thực phẩm chứa oxalate.

  • Ngưng hút thuốc, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại có thể gây ung thư.

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 3931/QĐ-BYT ngày 21/09/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận – tiết niệu.
  2. https://www.niddk.nih.gov/health-information/urologic-diseases/hematuria-blood-urine
  3. https://www.webmd.com/digestive-disorders/blood-in-urine-causes

Các bệnh liên quan

  1. Suy thận

  2. Sỏi bàng quang

  3. Hội chứng Liddle

  4. Bàng quang tăng hoạt

  5. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính

  6. Viêm cầu thận cấp

  7. Hoại tử ống thận cấp (ATN)

  8. Đau thận

  9. Viêm niệu đạo

  10. Tiểu rắt, tiểu khó