Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Đào nhân

Đào nhân: Dược liệu giúp hoạt huyết, thông kinh mạch

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cây được trồng nhiều ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh miền bắc như Sapa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Rễ cây được dùng làm thuốc ho, nhuận tràng, ứ huyết, điều kinh. Lá cây đào nhân phòng đỉa, vắt cắn. Hoa thì có tác dụng thông tiểu. Nhựa dùng chữa đái đường, đái ra dưỡng chấp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Đào nhân.

Tên khác: Đào, Co tào (Thái), Mạy phăng (Tày), Kén má cai, Phiếu kiào (Dao).

Tên khoa học: Prunus persica (L.) Batsch. Họ Hoa Hồng (Rosaceae).

Tên đồng nghĩa: Amygdalus persica L.

quả đào
Cây và quả đào nhân

Đặc điểm tự nhiên

Đào nhân thực chất là hạt của quả đào (semen persicae). Khi quả chín, người ta bóc tách lấy nhân hạt bên trong bằng cách đập vỡ vỏ rồi đem phơi hoặc sấy nhẹ đến khi khô.

Cây đào là dạng cây gỗ nhỏ, mọc lâu năm, chiều cao trung bình khoảng từ 8 đến 10m. Thân cây nhẵn và phân cành nhiều, có màu do đỏ, trên các chồi cây có phủ lông mềm. Lá cây có hình bầu dục hoặc hình ngọn giáo, có mũi nhọn dài, bề mặt lá nhăn nheo, hai bên mép có răng mịn. Chiều dài lá từ 8 đến 1 cm, chiều rộng lá từ 2 đến 3 cm. Bề mặt lá có màu lục thẫm hay lục nhạt tùy giống; cuống lá có tuyến.

Hoa quả đào có màu đo đỏ hoặc trắng, có hình dạng như quả chuông, thường mọc đơn độc, có cuống ngắn.

Quả hạch có hình cầu, có một rãnh bên rõ, bên ngoài phủ lông tơ mịn, khi chín hơi có màu đỏ. Vỏ quả trong hóa gỗ bao lấy hạt (nên người ta gọi là quả hạch). Hạt hình trứng dẹt. Mặt ngoài có màu nâu vàng đến nâu đỏ, có những nốt sần nhỏ nhô lên. Một đầu nhọn, một đầu tròn, phần giữa phình to, hơi lệch, bờ cạnh tương đối mỏng. Đầu tròn có màu hơi thẫm. Vỏ hạt mỏng, hai lá mầm màu trắng, nhiều chất dầu. Mùi nhẹ, vị béo, hơi đắng.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây đào nhân có nguồn gốc ở vùng Bắc Trung Quốc và Mông Cổ, được trồng từ lâu đời ở nước ta. Đây là loài cây ưa khí hậu mát và ấm, thích nghi tốt ở vùng nhiệt đới núi cao. Ở nước ta, cây Đào phân bố ở các vùng: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa vào tới Lâm Đồng, nhiều nhất là các tỉnh miền Bắc, thường được thu hái vào tháng 7 hằng năm, lấy hạt về đập lấy nhân phơi khô làm thuốc gọi là Đào nhân. Mùa hoa thường từ tháng 1 đến tháng 4 và mùa quả từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Hoa thu hái vào mùa đông xuân, các bộ phận khác thu hái quanh năm.

Ngoài ra, đào nhân còn phân bố có ở Iran, Trung Quốc, Ấn Độ.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của cây gồm nhân hạt, hoa, cành cây, vỏ cây, nhựa cây, rễ và lá.

Thành phần hoá học

Theo nghiên cứu, các bộ phận của cây Đào nhân chứa các thành phần như sau:

  • Phần thịt của quả Đào chứa chất màu (carotenoid, lycopen, cryptoxanthin, zeaxanthin), đường, vitamin C, acid clorogenic, acid hữu cơ (acid citric, acid tartric) và tinh dầu.

  • Hạt chứa 50% dầu béo, 3,5% amygdalin, 0,4 – 0,7% tinh dầu, emulsin; còn có acid prussic, cholin, acetylcholin.

  • Lá Đào chứa amygdalin, tanin, coumarin.

  • Hoa chớm nở chứa glucosid, trifolin.

  • Nhựa Đào chứa l-arabinose, d-xylose, l-rhamnose, acid d-glucuronic.

Prunus persica Stokes.
Đào nhân chứa nhiều thành phần tốt cho cơ thể

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng phá huyết thông kinh, thông tiện, giáng áp, chỉ khái. Hạt đào có tác dụng chủ trị vô kinh, mất kinh, sưng đau do chấn thương, táo bón. Lá đào có vị đắng tính bình, có tác dụng tán kết tụ, giảm đau, lợi tiểu.

Theo y học hiện đại

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về các tác dụng ức chế sự đông máu, tác dụng chữa dị ứng, tác dụng chống viêm của nhân đào, tác dụng diệt khuẩn, tẩy và diệt giun của lá đào.

  • Đào nhân dùng sống trị kinh nguyệt bế tắc, sinh hòn cục, bụng dưới đầy, vấp ngã ứ huyết. Đào nhân còn dùng chữa ho như hạt mơ. Ở Vân Nam (Trung Quốc), Đào nhân dùng trị mụn nhọt, bế kinh, sản hậu đau bụng, viêm ruột thừa, tiện bí và chó dại cắn.

  • Hoa Đào có tác dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, bí đại tiện.

  • Lá Đào thường sắc nước hoặc vò ra lấy nước tắm ghẻ, sưng, ngứa, chốc lở, chữa đau chân, cảm mạo phát sốt, viêm loét dạ dày, cước tiên.

  • Cành Đào dùng trị trẻ em ra mồ hôi trộm, ho lao ra huyết.

  • Vỏ thân Đào dùng trị bỏng lửa, cháy.

  • Nhựa Đào dùng trị đái ra dưỡng trấp, đái đường, thạch lâm, huyết lâm, lỵ.

  • Rễ Đào dùng trị hoàng đản, thổ huyết, nục huyết, kinh bế, ung thũng và trĩ.

Liều dùng & cách dùng

Cách dùng Đào nhân chữa hoạt huyết, chữa đại tiện khó đi do huyết táo: Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc.

Cách dùng chữa thủy thũng, bí đại tiện: Ngày dùng 3 – 5g hoa Đào hãm như lá trà để uống hằng ngày.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng máu:

  • Dùng 8 - 15g Đào nhân sắc với Hồng hoa, Ngưu tất, Tô mộc, Mần tưới, Nghệ vàng với tỷ lệ bằng nhau. Dùng mỗi ngày 1 thang đến khi cải thiện triệu chứng kinh nguyệt.

  • Sinh hóa thang: Dùng 12g Đào nhân, 32g Đương quy, 12g Xuyên khung, 2g Chích thảo, 2g Bào khương, đem các dược liệu trên sắc thuốc uống, ngày dùng 1 thang.

  • Đào hồng tứ vật thang: Dùng 12g Đào nhân, 16g Sanh địa, 8g HHồng hoa, 12g Đương quy, 12g Xích thược, 8g Xuyên khung, đem sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Chữa bí đại tiện:

  • Dùng 40g Đào nhân luộc ăn vào lúc đói, có tác dụng chữa bí đại tiện.

  • Hoặc dùng lá Đào giã nát, lấy nước cốt uống.

Chữa phù thũng:

Dùng vỏ cây Đào ngâm rượu uống.

Chữa đái ra dưỡng trấp:

Dùng nhựa cây Đào 12g, tán nhỏ uống với nước sắc dây tơ hồng 30g làm thang.

Chữa đái đường:

Dùng nhựa Đào 20g tán nhỏ uống với nước sắc địa cốt bì và râu ngô mỗi vị 30g làm thang.

Chữa chốc lở, rôm xẩy, sưng âm hộ:

Giã lá Đào tươi xoa xát.

Chữa phù, đại tiện táo bón:

Dùng hoa Đào 3 – 5g, sắc uống.

Chữa bại liệt nửa người:

Lấy 2.000 nhân quả Đào đã bóc vỏ cho vào một lít rưỡi rượu để ngâm 21 ngày, với nhân Đào đem phơi khô sấy giòn, tán nhỏ mịn, trộn với nước cháo cho vừa dẻo làm viên to bằng hạt đậu đen, mỗi ngày uống 30 viên với một thìa rượu ngâm nước của nó.

Chữa đau vùng tim đột ngột:

Lấy 30g nhân hạt Đào bóc vỏ giã nhừ, cho vào một chén nước đun kỹ để uống 3 lần.

Đào nhân 5
Đào nhân có nhiều công dụng chữa bệnh

Lưu ý

Không dùng cho phụ nữ mang thai.

Nguồn tham khảo