Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Diltiazem: Thuốc đối kháng (chẹn) kênh calci

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Diltiazem

Loại thuốc

Thuốc đối kháng (chẹn) kênh calci, trị đau thắt ngực và tăng huyết áp.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén diltiazem hydroclorid 30 mg, 60 mg, 90 mg, 120 mg.

Viên nang phóng thích kéo dài 12 giờ: 60 mg, 90 mg, 120 mg.

Viên nang phóng thích kéo dài 24 giờ: 120 mg, 180 mg, 240 mg, 300 mg.

Viên nén giải phóng chậm 120 mg, 180 mg, 240 mg, 300 mg, 360 mg, 420 mg.

Thuốc tiêm 25 mg, thuốc dùng đường truyền tĩnh mạch 100 mg.

Chỉ định

Điều trị và dự phòng cơn đau thắt ngực, kể cả đau thắt ngực Prinzmetal, đau thắt ngực do bệnh động mạch vành mạn tính (stable angina), đau thắt ngực do suy mạch vành cấp, ST không chênh lên (unstable angina) khi đã dùng các thuốc chẹn beta và nitrat đủ liều nhưng không đỡ, hoặc không dung nạp, hoặc có chống chỉ định và khi người bệnh không có suy thất trái nặng, phù phổi hoặc các chống chỉ định khác của diltiazem.

Điều trị tăng huyết áp nhẹ và vừa (dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác và chỉ dùng loại uống giải phóng chậm), đặc biệt tăng huyết áp có nguy cơ cao bị bệnh mạch vành, kể cả người đái tháo đường.

Nhịp nhanh trên thất (dùng diltiazem tĩnh mạch), để chuyển nhanh sang nhịp xoang ở người bệnh có cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (thí dụ kết hợp với hội chứng Wolff-Parkinson-White hoặc hội chứng Lown-Ganong-Levine) khi nhịp tim không đáp ứng với thao tác kích thích dây thần kinh phế vị hoặc adenosin. Kiểm soát tạm thời tần số nhanh của thất trong flutter hoặc rung nhĩ khi không có chống chỉ định.

Dược lực học

Diltiazem là một thuốc benzothiazepin chẹn calci, không thuộc nhóm dihydropyridin. 

Tác dụng dược lý chủ yếu của diltiazem là ức chế dòng đi vào của ion calci ơ ngoài tế bào đi qua màng tế bào cơ tim và cơ trơn mạch máu mà không làm thay đôi nồng độ calci trong huyết thanh. Do “chẹn” lối vào của calci thông qua kênh calci ở cả hai cơ trơn mạch máu và cơ tim, diltiazem đã ức chế quá trình co bóp của các cơ này và làm giãn mạch ngoại biên và động mạch vành, đồng thời làm giảm ít tính co của cơ tim.

Động lực học

Hấp thu

Sau khi uống, khoảng 80% liều dùng được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa.

Sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 40%.

Phân bố

Phân bố nhanh chóng và rộng rãi vào các mô cơ thể.

Được phân bố vào sữa, với nồng độ xấp xỉ bằng nồng độ trong huyết thanh của mẹ.

Khoảng 70–85% liên kết với protein huyết tương, nhưng chỉ 30–40% liên kết với albumin.

Chuyển hóa

Được chuyển hóa nhanh chóng và gần như hoàn toàn ở gan thành một số chất chuyển hóa có hoạt tính và ít nhất 5 chất chuyển hóa chủ yếu qua hệ thống enzym CYP, chủ yếu là CYP3A4.

Thải trừ

Bài tiết chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa, với khoảng 2-4% liều dùng được bài tiết dưới dạng không đổi.

Thời gian bán thải 2–11 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Lithi: Nguy cơ tăng độc tính thần kinh do lithi.

Các dẫn xuất nitrate: Tăng tác dụng hạ huyết áp và ngất xỉu (tác dụng giãn mạch).

Theophylline: Tăng nồng độ theophylline trong máu.

Thuốc đối kháng alpha: Tăng tác dụng hạ huyết áp: Điều trị đồng thời với thuốc đối kháng alpha có thể tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hạ huyết áp. 

Amiodarone, digoxin: Tăng nguy cơ nhịp tim chậm.

Thuốc chẹn bêta: Có khả năng rối loạn nhịp (nhịp tim chậm rõ rệt, ngừng xoang), rối loạn dẫn truyền nhĩ-thất và nhĩ-thất và suy tim (tác dụng hiệp đồng).

Các thuốc hạ huyết áp khác: Tác dụng hạ huyết áp tăng cường có thể xảy ra khi sử dụng đồng thời các thuốc hạ huyết áp khác (ví dụ như thuốc chẹn bêta, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển) hoặc thuốc gây hạ huyết áp như aldesleukin và thuốc chống loạn thần.

Các thuốc chống loạn nhịp tim khác: Vì diltiazem có đặc tính chống loạn nhịp tim nên không khuyến cáo kê đơn đồng thời với các thuốc chống loạn nhịp tim khác (làm tăng nguy cơ tăng tác dụng phụ trên tim). Sự kết hợp này chỉ nên được sử dụng dưới sự theo dõi chặt chẽ về lâm sàng và điện tâm đồ.

Carbamazepine: Tăng nồng độ carbamazepine trong tuần hoàn.

Rifampicin: Nguy cơ giảm nồng độ diltiazem trong huyết tương sau khi bắt đầu điều trị bằng rifampicin.

Thuốc chống H2 (cimetidine, ranitidine): Tăng nồng độ diltiazem trong huyết tương.

Thuốc ức chế protease (atazanavir, ritonavir): Tăng nồng độ diltiazem trong huyết tương.

Ciclosporin: Tăng nồng độ ciclosporin.

Tương kỵ thuốc 

Có tiềm năng tương kỵ với nhiều thuốc bao gồm: Acetazolamid, aciclovir, aminophylin, ampicilin, ampicilin natri phối hợp với sulbactam natri, cefamandol, cefoperazol, diazepam, furosemid, heparin, hydrocortison natri succinat, insulin thường, methylprednisolon natri succinat, mezlocilin, nafcilin, phenytoin, rifampin, và natri bicarbonat.

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Diltiazem cho các trường hợp sau:

  • Hội chứng suy nút xoang (trừ khi đã đặt máy tạo nhịp thất).
  • Blốc nhĩ thất độ 2 và độ 3 (trừ khi đã đặt máy tạo nhịp thất).
  • Giảm huyết áp nặng (huyết áp tâm thu < 90 mmHg).
  • Dùng thuốc uống cho người bị nhồi máu cơ tim cấp có sung huyết phổi trên X-quang phổi.
  • Mẫn cảm với diltiazem.
  • Suy thất trái nặng kèm theo sung huyết phổi. Nhịp tim chậm < 50/phút.
  • Chống chỉ định tiêm tĩnh mạch: Khi bị sốc tim, nhịp nhanh thất, flutter nhĩ hoặc rung nhĩ có đường dẫn truyền phụ (thí dụ kèm hội chứng Wolff-Parkinson-White hoặc hội chứng Lown-GanongLevine) hoặc đồng thời hoặc vừa mới (trong vòng vài giờ) tiêm tĩnh mạch thuốc chẹn beta.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Diltiazem cho người lớn

Đau thắt ngực

Viên nang phóng thích chậm

Khởi đầu 120 - 180 mg 1 lần/ngày; tăng liều mỗi 1-2 tuần, khoảng liều thông thường 120 - 320 mg 1 lần/ngày; tối đa 480mg/ngày.

Viên nén phóng thích chậm

Khởi đầu 180 mg 1 lần/ngày; tăng liều mỗi 1-2 tuần, khoảng liều thông thường 120 - 320 mg 1 lần/ngày; tối đa 360mg/ngày.

Viên nén phóng thích tức thì 

Khởi đầu 30 mg 4 lần/ngày; tăng liều mỗi 1-2 ngày, khoảng liều thông thường 120 - 320 mg chia làm 4 lần/ngày.

Tăng huyết áp 

Viên nang phóng thích chậm

Khởi đầu 180 – 240 mg 1 lần/ngày; tăng liều mỗi 2 tuần, khoảng liều thông thường 240 - 360 mg 1 lần/ngày; tối đa 480mg/ngày.

Viên nang phóng thích chậm (dùng 2 lần/ngày)

Khởi đầu 60 – 120 mg 2 lần/ngày; tăng liều mỗi 2 tuần, khoảng liều thông thường 240 - 360 mg/ngày. 

Viên nén phóng thích chậm

Khởi đầu 180 – 240 mg 1 lần/ngày; tăng liều mỗi 2 tuần, khoảng liều thông thường 240 - 360 mg 1 lần/ngày

Cách dùng

Diltiazem có thể uống, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.

Viên nén, uống ngày 3 - 4 lần trước khi ăn và lúc đi ngủ.

Nang giải phóng chậm: Uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Viên nén giải phóng chậm: Ngày uống 1 lần, bất cứ lúc nào.

Tiêm tĩnh mạch: Phải theo dõi liên tục đái tháo đường và huyết áp trong khi tiêm.. Dung dịch tiêm chứa 5 mg/ml. Thời gian tiêm: 2 phút.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Phù cô chân, đau đầu, chóng mặt, ngủ gà.

Blốc nhĩ thất độ 1.

Buồn nôn, táo bón.

Ngứa ngáy, ngoại ban da.

Ít gặp 

Nhịp tim chậm, mày đay.

Hiếm gặp

Ban ở mặt với cảm giác nóng bừng.

Blốc nhĩ thất độ 2 và 3, ngừng xoang, đau thắt ngực tăng thêm, đánh trống ngực, tụt huyết áp, tim đập nhanh, ngoại tâm thu. 

Phì lợi, viêm gan.

Ban đỏ đa dạng, phù Quincke.

Đau cơ, đau khớp.

Lú lẫn hoặc mất ngủ.

Không xác định tần suất 

Giảm tiểu cầu.

Thay đổi tâm trạng (bao gồm cả trầm cảm).

Hội chứng ngoại tháp.

Block xoang nhĩ, suy tim sung huyết.

Lưu ý

Lưu ý chung

Phải thận trọng khi tiêm tĩnh mạch lần đầu. Phải giám sát đái tháo đường, huyết áp và có đầy đủ phương tiện hồi sức sẵn sàng vì diltiazem làm giảm sức cản thành mạch ngoại biên nên có thể gây giảm huyết áp.

Phải theo dõi các test chức năng gan AST (SGOT), ALT (SGPT), LDH, phosphatase kiềm và các dấu hiệu của tổn thương gan, thường xuất hiện sớm trong 1 - 8 tuần điều trị nhưng hồi phục sau khi ngừng điều trị.

Trong khi điều trị bằng diltiazem tĩnh mạch cơn nhanh kịch phát trên thất, có thể xuất hiện ngoại tâm thu thất nhưng không có ý nghĩa lâm sàng và sẽ hết.

Thuốc nên được sử dụng thận trọng cho bệnh nhân suy giảm chức năng thất trái. Cần theo dõi chặt chẽ những bệnh nhân có nhịp tim chậm (nguy cơ kịch phát), blốc AV độ 1 hoặc khoảng thời gian PR kéo dài.

Diltiazem được coi là không an toàn ở những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính.

Trước khi gây mê toàn thân, bác sĩ gây mê phải được thông báo về việc bệnh nhân đang điều trị bằng diltiazem. Sự suy giảm sức co bóp, độ dẫn điện và tính tự động của tim, cũng như sự giãn mạch máu liên quan đến thuốc gây mê có thể được tăng cường bởi các thuốc chẹn kênh canxi.

Giống như các thuốc đối kháng kênh canxi khác, diltiazem có tác dụng ức chế nhu động ruột. Do đó, nó nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân có nguy cơ bị tắc ruột. 

Bệnh nhân có các vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose-galactose hoặc suy sucrase-isomaltase không nên dùng thuốc này.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Diltiazem có thể gây quái thai ở động vật thí nghiệm, tuy chưa có kinh nghiệm nào trên người mang thai, nhưng nói chung chống chỉ định đối với người mang thai hoặc nghi có thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Diltiazem bài tiết qua sữa mẹ và chưa biết được ảnh hương có thể xảy ra với trẻ còn bú, do đó không nên cho con bú trong thời gian dùng thuốc.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Diltiazem gây ra các phản ứng có hại như chóng mặt và khó chịu có thể làm giảm khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc của bệnh nhân ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào liều lượng. Do đó, người bệnh không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Diltiazem và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng lâm sàng của quá liều cấp tính có thể liên quan đến hạ huyết áp rõ rệt có thể dẫn đến suy sụp, nhịp xoang chậm có hoặc không có phân ly loạn nhịp và rối loạn dẫn truyền nhĩ thất.

Cách xử lý khi quá liều

Điều trị tại bệnh viện sẽ bao gồm rửa dạ dày và/hoặc bài niệu thẩm thấu. Rối loạn dẫn truyền có thể được kiểm soát bằng cách tạo nhịp tim tạm thời.

Điều trị khắc phục: Atropine, thuốc vận mạch, thuốc co bóp, truyền glucagon và canxi gluconate.

Nhịp tim chậm có triệu chứng và blốc nhĩ thất cấp cao có thể đáp ứng với atropine và isoprenaline.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. 

Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Diltiazem

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015

  2. Emc: https://www.medicines.org.uk/emc/product/7583/smpc

  3. Drug.com: https://www.drugs.com/monograph/diltiazem.html

  4. Uptodate

Ngày cập nhật: 19/7/2021

Các sản phẩm có thành phần Diltiazem