Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Đơn kim: Loài "cỏ dại" có nhiều công dụng dược lý

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cây Đơn kim là một cây thuốc mọc phổ biến khắp nơi ở nước ta, thường thấy ở ven đường, bờ ruộng, bãi hoang quanh nhà. Tuy nhiên, đây là một cây thuốc với nhiều công dụng dược lý đa dạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Đơn kim.

Tên khác: Đơn buốt, quỷ châm thảo, manh tràng thảo, tử tô hoang, rau bộ binh, cúc áo.

Tên khoa học: Bidens pilosa L., thuộc họ Cúc – Asteraceae.

Cây Đơn kim – loài cỏ dại dùng làm thuốc 1
Cây Đơn kim là thảo dược có nhiều dược lý đa dạng

Đặc điểm tự nhiên

Đơn kim là cây thân thảo, sống nhiều năm, cao đến 0,5 – 1m. Thân cành cứng, nhẵn, có khía. Lá mọc đối, có 3 lá chét hình mác hay trái xoan, dài 2 – 4cm, rộng 1 – 2cm, gốc lá thuôn, đầu nhọn, mép lá có răng cưa, hai mặt nhẵn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và ngọn cành thành đầu đơn độc hoặc thành từng đôi một, đầu có dạng gần hình cầu, rộng 0,6 – 1,5cm; lá bắc thuôn, dạng vảy, có lông, những hoa ở ngoài bất thụ, xếp thành một hàng, hình lưỡi màu trắng; các hoa ở trong hữu thụ, hình ống màu vàng; cánh hoa bất thụ xẻ 3 thùy nhỏ ở đầu; 4 – 5 nhị, thắt lại ở gốc và có tai ngắn; bầu của hoa bất thụ tiêu giảm, trái lại, ở hoa hữu thụ, bầu to lên gấp 2 – 3 lần.

Quả bế, hình thoi, có 2 – 3 sừng ở đầu quả như những cái gai nhỏ, khi chín quả có màu đen.

Ngoài ra, loài Đơn kim có lá xẻ 5 thùy (Bidens bipinnata L.) cũng thỉnh thoảng được sử dụng.

Cây Đơn kim – loài cỏ dại dùng làm thuốc 2
Quả cây Đơn kim màu đen, có hình thoi, đầu quả có 2 - 3 sừng như gai nhỏ

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây mọc ở các bãi hoang, ven nương rẫy, quanh làng bản, ven đường đi, vệ đường, từ vùng thấp lên đến độ cao 1600m. Cây ra hoa, kết quả vào tháng 3 – 5 và tháng 8 – 10.

Tại Việt Nam, cây phân bố rộng khắp từ Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng đến tới các tỉnh vùng Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra, cây còn phân bố rộng ở khắp các nước nhiệt đới trên thế giới như vùng Nam Á, đảo Hải Nam và phía Nam Trung Quốc.

Đơn kim là loài cây mọc nhanh, ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc thành quần thể dày đặc trên đất sau nương rẫy. Cây con mọc từ hạt xuất hiện vào cuối mùa xuân (khoảng tháng 4), sinh trưởng nhanh chóng trong mùa hè, sau đó ra quả nhiều rồi tàn lụi vào giữa mùa thu. Ở vùng núi cao, do mọc muộn nên thời gian tàn lụi của cây cũng kéo dài hơn so với cây ở vùng đồng bằng. Quả Đơn kim có nhiều gai nhỏ, dễ bám vào lông động vật và quần áo của người để phát tán khắp nơi, nên nói đây là loài cây đi theo người.

Có thể thu hái cây vào mùa hè, cắt toàn cây (bỏ rễ), rửa sạch đất, dùng tươi hay phơi khô.

Bộ phận sử dụng

Toàn cây trên mặt đất (Herba Bidentis Pilosae) được dùng làm thuốc, ở Trung Quốc gọi là vị thuốc Tam diệp quỷ châm thảo. Ngoài ra, có nơi dùng hoa phơi khô ngâm rượu.

Cây Đơn kim – loài cỏ dại dùng làm thuốc 3
Vị thuốc Đơn kim

Thành phần hoá học

Toàn cây Đơn kim chứa hơn 300 hợp chất thuộc các nhóm polyacetylen, flavonoid, triterpen và một ít tinh dầu. Đây là các nhóm hoạt chất chính giúp thể hiện các hoạt tính sinh học của cây. Ngoài ra, cây Đơn kim tươi còn chứa nhiều loại protein, các vitamin và các yếu tố vi lượng cần thiết. Do đó, Đơn kim có thể được sử dụng làm thực phẩm ở một số quốc gia.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, cây Đơn kim có vị đắng, tính mát. Cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ tả, khu ứ hoạt huyết. Cây thường được dùng để chữa cảm mạo, sốt, viêm họng, viêm dạ dày - ruột, đầy hơi, thấp khớp - đau khớp, sốt rét, trĩ, ngứa. Dùng ngoài, cây dùng trị viêm da mủ, rắn và sâu bọ độc cắn, té ngã chấn thương. Lá giã nát dùng đắp mắt trị đau mắt. Cụm hoa ngâm rượu ngậm chữa đau răng.

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng ký sinh trùng sốt rét

Thử nghiệm in vitro cho thấy dịch chiết Đơn kim có tác dụng ức chế mạnh sự phát triển trong hồng cầu người của Plasmodium falciparum – ký sinh trùng gây bệnh sốt rét thường liên quan đến các trường hợp sốt rét nặng. Một điều thú vị là, loài Đơn kim mọc hoang dại thể hiện tác dụng ức chế ký sinh trùng này tốt hơn loài Đơn kim được nuôi trồng.

Cây Đơn kim – loài cỏ dại dùng làm thuốc 4
Đơn kim có khả năng kháng ký sinh trùng sốt rét

Tác dụng kháng khuẩn và kháng virus

Cây Đơn kim có tác dụng kháng khuẩn mạnh, nhất là chống lại các chủng vi khuẩn Gram dương như Bacillus cereus, Escherichia coli, Staphylococcus aureus, với khả năng kháng khuẩn tốt hơn kháng sinh gentamycin trong thử nghiệm in vitro. Tuy nhiên, khả năng kháng các chủng vi khuẩn Gram âm của cây khá yếu.

Một số hợp chất được phân lập từ Đơn kim thể hiện tác dụng ức chế sự xâm nhập của nhiều loại virus nguy hiểm vào tế bào như HIV – virus gây suy giảm miễn dịch ở người, HSV – virus gây bệnh herpes và virus SARS.

Tác dụng chống khối u

Các thử nghiệm trong ống nghiệm và trên động vật cho thấy tiềm năng chống khối u của cây Đơn kim. Trên mô hình chuột gây ung thư thực quản, dịch chiết Đơn kim làm giảm sự phát triển của khối u. Dịch chiết Đơn kim hoạt động như một chất chống tân sinh mạch máu, làm giảm sự phát triển của các tế bào ung thư.

Tác dụng đối với bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi sự tăng nồng độ glucose trong máu. Cây Đơn kim được sử dụng để điều trị đái tháo đường trong nền y học dân tộc của nhiều quốc gia. Nghiên cứu dược lý cho thấy Đơn kim làm hạ đường huyết trên những chuột có nồng độ đường huyết bình thường hoặc đường huyết tăng nhẹ, thông qua cơ chế làm tăng sản xuất insulin ở các tế bào beta của tuyến tụy và bảo vệ các tế bào nội tiết của tuyến tụy.

Tác dụng đối với bệnh tăng huyết áp

Đơn kim được sử dụng trong y học cổ truyền của nhiều quốc gia để điều trị tăng huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy dịch chiết lá Đơn kim làm hạ huyết áp mà không ảnh hưởng đến tần số co bóp cơ tim. Đơn kim hạ áp tốt trên cả mô hình chuột tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp do chế độ ăn thừa muối. Ngoài ra, Đơn kim còn có tác dụng làm giảm co thắt mạch máu thông qua cơ chế làm giãn các tế bào nội mô mạch máu.

Cây Đơn kim – loài cỏ dại dùng làm thuốc 5
Đơn kim được dùng trong dân gian để trị tăng huyết áp

Tác dụng chống dị ứng

Dị ứng là một phản ứng sinh lý xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với dị ứng nguyên. Các dị ứng nguyên này sẽ kích thích tế bào mast (dưỡng bào) tiết ra chất hóa học trung gian là histamin. Histamin được giải phóng vào dòng máu sẽ gây ra các triệu chứng của dị ứng như ngứa, nổi ban,… Đơn kim có thể làm giảm các triệu chứng này thông qua cơ chế ức chế giải phóng histamin từ các dưỡng bào.

Tác dụng chống oxy hóa

Các gốc tự do sinh ra từ các phản ứng oxy hóa trong cơ thể là nguyên nhân gây tổn thương các bào quan, tổn thương các cấu trúc của tế bào dẫn đến sự lão hóa cũng như nhiều bệnh lý cho con người. Các thử nghiệm dược lý cho thấy dịch chiết cây Đơn kim thể hiện tác dụng chống oxy hóa rất mạnh trên các mô hình bắt gốc tự do in vitro.

Tác dụng kháng viêm

Phản ứng viêm có liên quan đến nhiều bệnh lý ở người và là một đáp ứng sinh học phức tạp của mô đối với các kích thích có hại, chẳng hạn như các mầm bệnh, các tế bào bị tổn thương và chất kích thích. Đơn kim có thể làm giảm đáp ứng viêm thông qua nhiều cơ chế, bao gồm ức chế sự tăng sinh của các hóa chất trung gian gây viêm, giảm sản xuất prostaglandin và giảm sản xuất nitrit oxid.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng thông thường là 4 – 16g cây khô dạng thuốc sắc, liều tối đa có thể dùng là 16 – 20g cây khô, hoặc 60 – 80g cây tươi. Dùng ngoài, không kể liều lượng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa viêm họng do lạnh

Đơn kim, Kim ngân hoa, Sài đất, lá Húng chanh, Cam thảo đất, mỗi thứ 10 – 15g. Sắc uống ngày một thang, uống trong 5 – 7 ngày.

Cây Đơn kim – loài cỏ dại dùng làm thuốc 6
Cây Đơn kim ứng dụng trong điều trị viêm họng

Chữa cảm lạnh và sốt

Đơn kim, Lấu mỗi thứ 30g, Ngũ trảo, lá Gai mèo mỗi thứ 15g, Bạc hà 3g, sắc uống.

Chữa đau nhức do phong thấp

Đơn kim 30 – 60g sắc nước uống, uống trong khoảng 10 - 15 ngày.

Chữa chấn thương phần mềm nhẹ, huyết ứ, sưng đau nhức

Toàn cây Đơn kim bỏ rễ, lá cây Đại, mỗi thứ 10 – 15g, giã nát, băng đắp vào chỗ đau, ngày 1 - 3 lần.

Chữa đau răng, sâu răng

Toàn cây Đơn kim bỏ rễ, rửa sạch cho vào ít muối, giã nhỏ đặt vào chỗ đau. Hoặc lấy hoa Đơn kim phơi khô 50g, rửa sạch, ngâm với 250ml rượu trắng, ngậm trong miệng một lúc rồi nhổ đi.

Chữa mẩn ngứa do dị ứng thời tiết

Đơn kim 100 – 200g, nấu nước tắm, đồng thời lấy bã chà xát kỹ lên vùng da bị tổn thương.

Chữa viêm ruột thừa cấp (Không tự ý sử dụng bài thuốc này)

Đơn kim 60 – 120g, sắc lấy nước, chia làm 4 lần uống trong ngày. 

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây Đơn kim:

  • Đơn kim thường mọc hoang, thậm chí có thể mọc được ở những vùng đất bị ô nhiễm, nên cần kiểm tra chất lượng nguyên liệu kỹ càng trước khi sử dụng.
  • Nhiều hoạt chất trong lá cây Đơn kim có thể gây tổn thương da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cần cẩn thận trong thu hái và chế biến.
  • Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Cẩn trọng khi sử dụng cho người Tỳ Vị hư hàn.

Cây Đơn kim là một loài thực vật mọc hoang dại dễ dàng bắt gặp ở hầu hết mọi nơi. Mặc dù có nguồn gốc từ thiên nhiên, tính hàn của dược liệu có thể gây tổn thương cho hệ tiêu hóa khi sử dụng liều cao trong thời gian dài. Ngoài ra, quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm, nhất là với những người có vấn đề về hệ tiêu hóa như đầy trướng bụng, tiêu lỏng. Cần có sự tham vấn của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng cây Đơn kim làm thuốc. 

Nguồn tham khảo
  1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi
  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1 – Viện dược liệu
  3. Cây cỏ Việt Nam – Tập 1 – Võ Văn Chi
  4. Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi
  5. Xuan TD, Khanh TD. Chemistry and pharmacology of Bidens pilosa: an overview. J Pharm Investig. 2016;46(2):91-132. doi: 10.1007/s40005-016-0231-6. Epub 2016 Mar 30. PMID: 32226639; PMCID: PMC7099298.