Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng huyết áp là gì? Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng huyết áp là một bệnh lý không lây nhiễm có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, tỉ lệ mắc tăng huyết áp tại Việt Nam năm 2015 lên đến 47,3% và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Huyết áp là gì?

Huyết áp là một trong năm dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, dùng để đánh giá áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch. Động mạch có vai trò mang máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể.

Huyết áp được xác định thông qua việc đo huyết áp, được tính bằng đơn vị mmHg, bao gồm hai chỉ số:

  • Chỉ số trên được gọi là huyết áp tâm thu, đo áp lực đẩy máu trong động mạch khi tim co bóp.
  • Chỉ số dưới được gọi là huyết áp tâm trương, đo áp lực của máu trong động mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.

Sau khi đo huyết áp của bạn, nhân viên y tế sẽ đọc “120 trên 80” hoặc viết “120/80 mmHg”, có nghĩa 120 là huyết áp tâm thu và 80 là huyết áp tâm trương.

Tăng huyết áp là gì?

Theo khuyến cáo của Phân hội Tăng huyết áp - Hội Tim Mạch Học Quốc Gia Việt Nam, tăng huyết áp (hay cao huyết áp) được xác định với chỉ số huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg khi đo tại phòng khám. Chỉ số tiền tăng huyết áp khi mức huyết áp trong khoảng 130-139/85-89 mmHg; chỉ số huyết áp bình thường khi mức huyết áp < 130/85 mmHg.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng huyết áp

Hơn 30% trường hợp người bệnh không phát hiện các dấu hiệu của tăng huyết áp, mặc dù bệnh đã âm thầm tiến triển nghiêm trọng. Một số triệu chứng có thể xảy ra ở người bệnh tăng huyết áp gồm:

  • Đau đầu vào buổi sáng;
  • Chảy máu cam;
  • Đỏ phừng mặt;
  • Chóng mặt, ù tai;
  • Hồi hộp, đánh trống ngực;
  • Đau ngực;
  • Mệt mỏi.
Tăng huyết áp là gì? Phương pháp phòng ngừa hiệu quả 1
Đau đầu có thể gặp trong bệnh tăng huyết áp

Biến chứng có thể gặp khi mắc tăng huyết áp

Tăng huyết áp gây tổn thương trực tiếp mạch máu và tim. Các biến chứng của tăng huyết áp bao gồm:

  • Biến chứng tại não: Xuất huyết não, nhồi máu não, sa sút trí tuệ.
  • Biến chứng tại mắt: Xuất huyết hoặc xuất huyết võng mạc, phù gai thị.
  • Biến chứng tại tim: Suy tim, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành mạn.
  • Biến chứng tại thận: Bệnh thận mạn.
  • Biến chứng bệnh động mạch ngoại biên: Hẹp hoặc tắc mạch máu ở hai chân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp

Phần lớn ở người trưởng thành, nguyên nhân tăng huyết áp vẫn chưa được xác định được gọi là tăng huyết áp nguyên phát hay tăng huyết áp vô căn, chiếm 90% trường hợp; khoảng 10% trường hợp là có nguyên nhân thứ phát.

Tăng huyết áp nguyên phát (tăng huyết áp vô căn)

Như đã đề cập, hầu hết các trường hợp tăng huyết áp không xác định được nguyên nhân. Tăng huyết áp nguyên phát được ghi nhận có tính gia đình, phổ biến hơn ở nam giới.

Tăng huyết áp thứ phát

Khi xác định tình trạng tăng huyết áp có nguyên nhân thứ phát và điều trị đúng nguyên nhân, bệnh có thể được chữa khỏi. Nguyên nhân thứ phát thường gặp bao gồm:

  • Các bệnh lý thận như viêm cầu thận, hội chứng thận hư, bệnh thận mạn, hẹp động mạch thận,...
  • U tủy thượng thận;
  • Hội chứng Conn;
  • Hội chứng Cushing;
  • Các bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên như cường giáp, suy giáp, cường cận giáp, u tuyến yên,...
  • Ngưng thở khi ngủ;
  • Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, Cam thảo,...
  • Hẹp eo động mạch chủ;
  • Các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Tăng huyết áp là gì? Phương pháp phòng ngừa hiệu quả 2
Các bệnh lý tuyến giáp có thể là nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cần được lưu ý:

  • Người lớn tuổi;
  • Nam giới, phụ nữ sau mãn kinh;
  • Tiền sử gia đình có người mắc các bệnh tim mạch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tăng huyết áp

Một số yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp, bao gồm:

  • Hút thuốc lá;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động;
  • Uống nhiều rượu;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, nội tạng động vật,...), ít rau củ trái cây;
  • Thường xuyên căng thẳng, lo lắng.
Tăng huyết áp là gì? Phương pháp phòng ngừa hiệu quả 3
Béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp lên 5,9 lần

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tăng huyết áp

Theo khuyến cáo của Phân hội Tăng huyết áp - Hội Tim Mạch Học Quốc Gia Việt Nam năm 2022, chẩn đoán tăng huyết áp theo ngưỡng huyết áp (HA) đo tại phòng khám như sau:

Phân loại

HA tâm thu

(mmHg)

 

HA tâm trương

(mmHg)

Bình thường

< 130

< 85

HA bình thường - cao

(Tiền tăng huyết áp)

130 - 139

và/ hoặc

85 - 89

Tăng huyết áp độ 1

140 - 159

và/ hoặc

90 - 99

Tăng huyết áp độ 2

≥ 160

và/ hoặc

≥ 100

Cơn tăng huyết áp

≥ 180

và/ hoặc

≥ 120

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

≥ 140

< 90

Tăng huyết áp là gì? Phương pháp phòng ngừa hiệu quả 4
Đo huyết áp tại phòng khám

Các xét nghiệm chẩn đoán

Nhóm xét nghiệm tìm nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát:

  • Nhóm nguyên nhân từ thận: Creatinine máu, albumin niệu, siêu âm Doppler động mạch thận, renin huyết tương, chụp CT hoặc MRI bụng.
  • Nhóm nguyên nhân nội tiết (tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến yên): Aldosterone máu, cortisol máu, ACTH, metanephrine máu, TSH, fT3, fT4, canxi máu...
  • Các xét nghiệm tìm nguyên nhân khác: Đo đa ký giấc ngủ (ngưng thở khi ngủ), công thức máu tăng Hct (đa hồng cầu nguyên phát), siêu âm tim (hẹp eo động mạch chủ),...

Các xét nghiệm thường quy và chuyên sâu đánh giá ảnh hưởng của tăng huyết áp lên các cơ quan khác:

  • Xét nghiệm máu: Công thức máu, bộ mỡ máu (cholesterol toàn phần, LDL-c, triglyceride), điện giải đồ, acid uric máu, đường huyết đói hoặc HbA1c, creatinine máu, men gan (AST, ALT).
  • Tổng phân tích nước tiểu, tỉ lệ albumin trên creatinine nước tiểu: Đánh giá ảnh hưởng của tăng huyết áp đến chức năng thận.
  • Đo điện tim, X quang ngực thẳng, siêu âm tim: Đánh giá ảnh hưởng của tăng huyết áp đến cấu trúc và chức năng tim.
  • Đo vận tốc sóng mạch (PWV): Đánh giá độ xơ cứng của mạch máu.
  • Chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay (ABI): Đánh giá động mạch ngoại biên ở 2 chân.
  • Soi đáy mắt: Đánh giá ảnh hưởng của tăng huyết áp đến mạch máu đáy mắt.
  • Hình ảnh não (CT hoặc MRI): Tổn thương thiếu máu hoặc xuất huyết não.

Phương pháp điều trị tăng huyết áp hiệu quả

Mục đích của điều trị tăng huyết áp là duy trì huyết áp ổn định, giảm tối đa nguy cơ diễn tiến đến biến chứng và tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống. Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo kế hoạch của bác sĩ. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ tim mạch và các bệnh đồng mắc cũng cần được kiểm soát nghiêm ngặt.

Điều trị tăng huyết áp bao gồm thay đổi lối sống và điều trị dùng thuốc. Trong đó, thay đổi lối sống là một chiến lược điều trị bắt buộc, là nền tảng điều trị và dự phòng tăng huyết áp, bao gồm:

  • Ăn uống theo chế độ lành mạnh DASH.
  • Kiểm soát cân nặng.
  • Tiết chế muối, sử dụng 5 - 6 g muối/ngày, không chan chấm thêm tương, mắm.
  • Tăng lượng kali trong khẩu phần ăn, tối ưu từ 3500 - 5000 mg/ngày.
  • Hạn chế sử dụng rượu.
  • Tăng cường hoạt động thể lực có gắng sức, thể dục nhịp điệu được xem là tốt nhất.
  • Bỏ hút thuốc lá (chủ động và bị động).
  • Tránh căng thẳng, lo âu.

Về điều trị bằng thuốc sẽ được bác sĩ cá thể hóa trên từng người bệnh, tùy vào mức độ bệnh, tuổi và các bệnh đồng mắc (đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thận mạn,...). Bạn tuyệt đối không tự ý áp dụng phương pháp điều trị của người khác cho bệnh tăng huyết áp của mình.

Tăng huyết áp là gì? Phương pháp phòng ngừa hiệu quả 5
Chế độ ăn DASH

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tăng huyết áp

Chế độ sinh hoạt:

Phòng ngừa tăng huyết áp là một chiến lược trong phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, đột tử và giảm nguy cơ tử vong chung. Ngoài những yếu tố nguy cơ không thay đổi được (tuổi, giới, tiền sử gia đình,...), bạn có thể phòng ngừa bệnh tăng huyết áp bằng một lối sống lành mạnh với những thói quen sau:

  • Tăng cường hoạt động thể lực.
  • Không hút thuốc lá (chủ động và bị động).
  • Sử dụng rượu bia điều độ, có kiểm soát.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
  • Hạn chế căng thẳng, xây dựng thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Giảm lượng muối nhập, tiêu thụ lượng muối từ 5 - 6 g/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê gạt ngang). Chú ý các loại thực phẩm chứa sẵn muối như đồ ăn vặt, snack, thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, nước tương, nước mắm,...
  • Bổ sung nhiều rau củ quả, trái cây, hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
Tăng huyết áp là gì? Phương pháp phòng ngừa hiệu quả 6
Lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa tăng huyết áp

Phương pháp phòng ngừa tăng huyết áp hiệu quả

Việc khám sức khỏe định kỳ để theo dõi chỉ số huyết áp cũng như một số bệnh lý làm tăng nguy cơ tăng huyết áp là rất quan trọng. Nếu được chẩn đoán tăng huyết áp, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà và tái khám đúng lịch hẹn.

Nguồn tham khảo
  1. VSH/VNHA. Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. 2022.
  2. https://www.msdmanuals.com/
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30234752/
  4. https://www.scirp.org/reference/referencespapers.aspx?referenceid=2975782

Các bệnh liên quan

  1. Nhồi máu cơ tim type 2

  2. Thoái hóa thần kinh

  3. Màng trước võng mạc

  4. Ngủ ngáy

  5. Ung thư

  6. Đục thủy tinh thể ở người già

  7. Cứng khớp

  8. U lympho không hodgkin

  9. Lão thị

  10. Thoái hóa đa khớp