Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sốt rét là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến và rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi đốt. Ở nước ta, bệnh lưu hành chủ yếu ở Miền Trung Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Ký sinh trùng sốt rét gây miễn dịch đặc hiệu nhưng không bền, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể phòng chống được. Nếu điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh sốt rét có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ đến vài ngày.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sốt rét là gì? 

Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do loài ký sinh trùng Plasmodium gây ra, gồm: Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale Plasmodium knowlesi.

Bệnh chủ yếu lây truyền do muỗi Anopheles. Bệnh biểu hiện triệu chứng bằng những cơn sốt rét điển hình: Rét run, sốt, vã mồ hôi. Bệnh tiến triển có chu kỳ và có hạn định nếu không bị tái nhiễm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sốt rét

Sốt rét thể thông thường (chưa biến chứng):

Mắc sốt rét xác định, không có dấu hiệu đe dọa tính mạng người bệnh, có thể có triệu chứng lâm sàng hoặc không. Triệu chứng lâm sàng.

  • 3 giai đoạn của cơn sốt điển hình: Rét run, sốt nóng, vã mồ hôi.

  • Cơn sốt không điển hình: Sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét, sốt liên tục hoặc dao động.

  • Những dấu hiệu khác: Thiếu máu, lách to, gan to,...

Sốt rét ác tính/biến chứng:

Sốt rét có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh, thường xảy ra trên người bệnh nhiễm P. falciparum hoặc nhiễm phối hợp P. falciparum. Các trường hợp nhiễm P. vivax hoặc P. knowlesi đơn thuần cũng có thể gây sốt rét ác tính. Dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính:

  • Rối loạn ý thức nhẹ, thoáng qua (li bì, cuồng sảng, vật vã,...).

  • Sốt cao liên tục.

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn và nôn, đau bụng cấp, tiêu chảy nhiều lần trong ngày.

  • Đau đầu dữ dội.

  • Mật độ ký sinh trùng cao.

  • Thiếu máu nặng: Niêm mạc nhợt nhạt, da xanh.

Biểu hiện lâm sàng của sốt rét ác tính: Có thể xuất hiện ở một/ nhiều cơ quan: Não, gan, thận, phổi,… Khi xuất hiện một trong những triệu chứng dưới đây và đã loại trừ nguyên nhân khác:

  • Hôn mê, mệt lả.

  • Co giật trên 2 cơn/24 giờ.

  • Thở sâu và rối loạn nhịp thở.

  • Phù phổi cấp, có ran ẩm ở 2 đáy phổi.

  • Có hội chứng suy hô hấp cấp, khó thở (tím tái, co kéo cơ hô hấp) và SpO2 < 92%.

  • Suy tuần hoàn hoặc sốc: Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt.

  • Huyết áp tâm thu < 80 mmHg ở người lớn hoặc giảm 20 mmHg so với huyết áp bình thường theo tuổi của trẻ em, lạnh chi, thiểu niệu.

  • Suy thận cấp: Nước tiểu < 0,5 ml/kg/giờ.

  • Vàng da kèm theo rối loạn chức năng cơ quan khác.

  • Xuất huyết bất thường (dưới da, trong cơ, xuất huyết tiêu hóa) hoặc các cơ quan khác.

  • Trẻ em: Thiếu máu nặng, co giật, hôn mê, hạ đường huyết, suy hô hấp, toan chuyển hóa.

  • Phụ nữ có thai: Hạ đường huyết, thiếu máu, sẩy thai, đẻ non, nhiễm trùng hậu sản sau sảy thai hoặc đẻ non.

Biến chứng có thể gặp khi mắc sốt rét

Bệnh sốt rét có sức chuyển biến bệnh nhanh, có khả năng gây tử vong chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày sau khi xác định bệnh.

Triệu chứng sốt rét điển hình: Giai đoạn rét run, giai đoạn sốt nóng (40 – 410C) và giai đoạn vã mồ hôi. Tùy thuộc vào thể trạng người bệnh và loại ký sinh trùng xâm hại mà mỗi cá nhân lại có những dạng sốt khác nhau.

Trường hợp người bệnh bị sốt rét ác tính sẽ kèm theo những biến chứng:

  • Ảnh hưởng đến não bộ: Người bệnh loạn ý thức, mất ngủ, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau nhức đầu dữ dội, phù não, xuất hiện hội chứng tâm thần (co giật, hôn mê, đồng tử giãn,…), rối loạn hô hấp, tăng huyết áp,…

  • Ảnh hưởng đến phủ tạng: Phổi, gan, hệ tiêu hóa,…

  • Sốt rét ở trẻ em có nguy cơ tử vong rất cao: Những cơn sốt cao liên tục, nôn, chướng bụng, tiêu chảy, co giật, các dấu hiệu màng não,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sốt rét

Sốt rét do các loại ký sinh trùng Plasmodium gây ra: Plasmodium vivax, Plasmodium falciparum, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale Plasmodium knowlesi. Mức độ nguy hiểm cho cơ thể khác nhau tùy vào loại ký sinh trùng sốt rét nào xâm hại đến cơ thể.

  • Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax: Cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

  • Plasmodium malariae: Nguy cơ tử vong thấp hơn.

  • Plasmodium ovale: Ít biến chứng tử vong.

  • Plasmodium knowlesi: Gây bệnh sốt rét trên khỉ, nhưng vẫn có thể lây bệnh sang người.

Muỗi Anopheles là trung gian chứa ký sinh trùng gây bệnh. Mặc dù bệnh sốt rét rất nguy hiểm, các loài ký sinh trùng chỉ tồn tại trong cơ thể của muỗi và trong máu người, không không tồn tại được ở môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, nếu tránh được muỗi truyền nhiễm đốt sẽ không có khả năng bị bệnh.

Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu, 4 phương thức lây truyền:

  • Do muỗi đốt: Phương thức lây truyền chủ yếu.

  • Do truyền máu bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

  • Lây truyền qua nhau thai bị tổn thương từ mẹ sang con (ít gặp).

  • Tiêm chích ma tuý, dùng chung bơm kim tiêm nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sốt rét

Bệnh sốt rét có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, thậm chí những người có sức khỏe tốt nhất, hệ miễn dịch cao nhất cũng có thể bị ký sinh trùng sốt rét gây hại. Bệnh nhân có nguy cơ tái bệnh trong trường hợp khả năng miễn dịch quá kém hoặc điều trị bệnh chưa triệt để.

Trẻ em và trẻ sơ sinh có nguy cơ rất lớn mắc bệnh, vì không thể tự bảo vệ mình khi muỗi đốt.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sốt rét

Sốt rét phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng, lứa tuổi nào, nhưng những đối tượng thuộc nhóm sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và khả năng điều trị khỏi cũng thấp hơn:

  • Sống trong môi trường ẩm thấp, mất vệ sinh.

  • Làm việc trong môi trường rừng rú hay đồng cỏ thường xuyên.

  • Những vùng quê khó khăn, thiếu thốn ít được tiếp xúc với thông tin truyền thông, không biết cách phòng ngừa bệnh.

  • Người không có điều kiện khám chữa bệnh hay thậm chí ăn uống còn khó khăn,…

  • Người đi đến nơi có dịch sốt rét.

  • Nghi ngờ bị muỗi Anopheles đốt nhưng không đến cơ sở y tế để kiểm tra cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

  • Trẻ em và trẻ sơ sinh có nguy cơ rất lớn mắc bệnh, vì không thể tự bảo vệ mình khi muỗi đốt.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sốt rét

Trường hợp nghi ngờ sốt rét:

Là những trường hợp có sốt và có yếu tố dịch tễ.

Sốt: Người bệnh đang sốt hoặc có tiền sử sốt trong 3 ngày gần đây.

Triệu chứng điển hình: Rét run, sốt và vã mồ hôi.

Triệu chứng không điển hình: Sốt không thành cơn (người bệnh thấy gai rét, ớn lạnh) hoặc sốt cao liên tục, sốt dao động.

Đang ở hoặc đến vùng sốt rét lưu hành ít nhất 7 ngày hoặc có tiền sử mắc sốt rét: Tất cả trường hợp nghi ngờ sốt rét đều phải làm xét nghiệm để phát hiện ký sinh trùng sốt rét.

Trường hợp bệnh sốt rét xác định:

Trường hợp bệnh sốt rét xác định là trường hợp có ký sinh trùng sốt rét trong máu được xác định bằng xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên hoặc kỹ thuật sinh học phân tử.

Các kỹ thuật xét nghiệm xác định ký sinh trùng sốt rét:

  • Kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên sốt rét (Rapid Diagnostic Tests - RDTs).

  • Kỹ thuật xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa.

  • Kỹ thuật sinh học phân tử.

  • Các xét nghiệm khác: Sinh hóa, huyết học, nước tiểu. Đối với bệnh nhân sốt rét do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium vivax gây ra nên làm thêm xét nghiệm định lượng G6PD hoặc định tính nếu cơ sở y tế không làm được định lượng.

Chẩn đoán phân biệt:

Chẩn đoán phân biệt sốt rét thường: Kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét âm tính, cần phân biệt với sốt do nguyên nhân khác: Sốt xuất huyết Dengue, sốt thương hàn, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm màng não,...

Chẩn đoán phân biệt sốt rét ác tính: Kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét âm tính, cần làm các xét nghiệm khác, khai thác yếu tố dịch tễ liên quan để tìm nguyên nhân:

  • Hôn mê do viêm màng não, viêm não, nhiễm khuẩn nặng,...

  • Vàng da, vàng mắt do xoắn khuẩn, tan huyết, nhiễm khuẩn đường mật, viêm gan virus,… 

  • Sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết,…

  • Suy hô hấp cấp do nguyên nhân khác.

Phương pháp điều trị sốt rét hiệu quả

Nguyên tắc điều trị:

  • Phát hiện và điều trị sớm, đúng và đủ liều.

  • Điều trị cắt cơn sốt kết hợp với chống lây lan truyền (sốt rét do P. falciparum) và điều trị tiệt căn (sốt rét do P. vivax, P. ovale) ngay từ ngày đầu tiên.

  • Các trường hợp sốt rét do P. falciparum không được dùng một thuốc sốt rét đơn thuần, phải điều trị thuốc sốt rét phối hợp để tăng hiệu lực điều trị và hạn
    chế kháng thuốc.

  • Điều trị bằng thuốc sốt rét đặc hiệu kết hợp với điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng.

  • Điều trị sốt rét ở bệnh nhân có bệnh lý kèm theo thì phải điều trị kết hợp bệnh lý kèm theo.

  • Trường hợp sốt rét ác tính phải chuyển về đơn vị hồi sức cấp cứu của bệnh viện tuyến huyện trở lên, theo dõi chặt chẽ và hồi sức tích cực.

  • Có thể chỉ định điều trị cho một số trường hợp nghi ngờ sốt rét có dấu hiệu đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác.

Điều trị cụ thể: Tùy theo từng thể bệnh mà bác sĩ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau. Phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y Tế, 2020, Số: 2699/QĐ-BYT, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét.

Thuốc sốt rét theo nhóm người bệnh và chủng loại ký sinh trùng sốt rét.

Ghi chú: (1) DHA-PPQ dihydroartemisinin - piperaquin

Khi mắc bệnh sốt rét người bệnh tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà, tránh trường hợp lây bệnh sang người khác. Bên cạnh đó, nếu tình trạng bệnh kéo dài, không thuyên giảm sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của sốt rét

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất đinh dưỡng.

  • Thực hiện các biện pháp phòng ngữa sốt rét.

Phương pháp phòng ngừa sốt rét

Bệnh sốt rét tuy nguy hiểm nhưng dễ kiểm soát, một số cách phòng bệnh:

  • Tuyên truyền giáo dục phòng chống sốt rét, khi có dấu hiệu bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

  • Khi đi ngủ phải thả màn, đến nơi có dịch hãy mang theo thuốc đuổi muỗi, mặc áo dài tay, quần dài hạn chế để muỗi đốt.

Biện pháp hữu hiệu nhất là phòng chống muỗi truyền bệnh:

  • Phun tồn lưu mặt trong tường vách và tẩm màn với hóa chất diệt muỗi định kỳ.
  • Xoa kem xua muỗi.
  • Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, dọn dẹp những nơi nước đọng ao tù, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh vì đây là nơi sinh sản của muỗi. Xây dựng nhà xa rừng, xa nguồn nước, mặc quần áo dài vào buổi tối.
  • Khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu làm thoáng mặt nước nhằm hạn chế bọ gậy.

Uống thuốc dự phòng: Ở các nước có sốt rét lưu hành nặng có chủ trương uống thuốc dự phòng cho những người vào vùng sốt rét, phụ nữ có thai, người mới đến định cư. Ở nước ta hiện nay, sốt rét đã giảm mạnh nên không uống thuốc dự phòng mà chỉ cấp thuốc cho những người trên để điều trị khi mắc bệnh sốt rét.

An toàn truyền máu, đặc biệt với người có tiền sử sốt rét hoặc sống trong vùng sốt rét.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/

  2. https://www.cdc.gov/

  3. https://www.mayoclinic.org/

  4. https://my.clevelandclinic.org/

  5. Bộ Y Tế, 2020, Số: 2699/QĐ-BYT, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sốt rét

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm Leptospira

  2. Nhiễm Herpes zoster

  3. Lao xương

  4. Lao phổi

  5. Tả

  6. Sốt không rõ nguyên nhân

  7. Giun tròn

  8. Nhiễm giun chỉ

  9. Lao cột sống

  10. Lao ruột