Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Gấc là một loài dược thảo đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian. Phần áo hạt của Gấc có tác dụng bổ sung vitamin A, rất tốt cho mắt và còn được ứng dụng trong làm đẹp.
Tên tiếng Việt: Gấc (Áo hạt).
Tên khác: Mộc miết.
Tên khoa học: Momordica cochinchinensis.
Gấc là loài cây dây leo, khô héo mỗi năm một lần nhưng sẽ mọc ra nhiều thân mới từ gốc vào mùa xuân năm sau.
Nhiều dây phát triển từ một gốc, trên dây có nhiều đốt, mỗi đốt đều có lá. Lá Gấc xẻ thùy sâu tới 1/3 - 1/2 phiến và mọc so le. Đường kính phiến lá 12 - 20cm, phía đáy lá hình tim, mặt trên lá màu xanh lục xám, sờ nhám. Hoa đơn tính màu vàng nhạt, nở vào khoảng tháng 4 - 5.
Gấc bắt đầu ra quả vào tháng 6. Quả hình bầu dục, dài khoảng 15cm, đáy nhọn, bên ngoài có nhiều gai mềm. Bên trong quả, hạt xếp thành hàng dọc, bao quanh bởi màng hạt màu đỏ máu. Khi bóc màng, lộ ra lớp vỏ hạt cứng đen, có răng cưa tù quanh mép. Hạt rộng 19 - 31mm, dài chừng 25 - 35 mm và dày 5 - 10mm, hình dạng gần giống con ba ba. Hạt Gấc có nhân và chứa nhiều dầu.
Áo hạt: Dược liệu là những màng dày khoảng 1mm, dài 2 - 3cm, rộng 2 - 2,5cm, màu đỏ cam, bề mặt nhăn nheo. Sau khi sấy, áo hạt khô giòn, dễ gãy vụn, vị nhạt, mùi hơi hăng.
Phân bố
Cây Gấc được trồng và mọc hoang khắp nơi trên Việt Nam, nhiều nhất ở miền Bắc. Ngoài ra, cây còn mọc ở Philippin, Lào, Campuchia và miền nam Trung Quốc.
Có thể trồng bằng hạt hay giâm cành vào khoảng tháng 2 - 3. Sau khi thu hoạch quả, cây khô héo nhưng không chết và nảy chồi, mọc cây mới vào mùa xuân năm sau.
Thu hái và chế biến
Mùa thu hoạch quả thường kéo dài từ các tháng 8 - 9 đến hết tháng 1 - 2 năm sau.
Bổ quả lấy nguyên hạt và lớp màng hạt rồi sấy hoặc phơi khô cho đến khi cầm hạt không thấy dính tay nữa. Sau đó, bóc lấy màng đỏ, tiếp tục sấy hoặc phơi khô ở nhiệt độ thấp (60 - 70°C) rồi chế biến thành dầu Gấc.
Phương pháp chiết dầu từ áo hạt:
1. Chiết dầu bằng dung môi (ete dầu hỏa): Chiết kiệt hoạt chất trong áo hạt bằng ete dầu hỏa. Sau đó, đun cách thủy dịch chiết trong không khí trơ (khí cacbonic hay nitơ) để thu hồi dung môi ete và cặn còn lại chính là dầu Gấc. Khi để lâu, phía dưới dầu Gấc sẽ lắng đọng một lớp tinh thể caroten. Tỷ lệ dầu trong màng đỏ là 8%, 100kg quả gấc cho chừng 1,9 lít dầu gấc.
2. Ép như ép dầu lạc: Sấy khô màng hạt, tán nhỏ, sau đó đem đồ lên rồi ép. Dầu ép để vào tủ lạnh hoặc để lâu cũng bị phân thành 2 lớp và lắng đọng tinh thể như dầu chiết bằng ete.
Trung hoà acid tự do trong dầu hạt Gấc chế biến từ hai phương pháp trên bằng cồn 95°.
3. Phương pháp thủ công nghiệp: Sấy khô và tán nhỏ màng hạt Gấc rồi cho vào dầu đậu phộng hoặc mỡ heo đã đun nóng đến nhiệt độ 60 - 70°. Dầu đậu phộng hoặc mỡ heo là dung môi hòa tan dầu chứa trong màng hạt Gấc. Cho dầu sau chế biến vào các chai nhỏ, đổ đầy miệng chai để tránh lượng không khí dư gây oxy hóa dầu.
Bảo quản
Loại hết nước hoặc dung môi trong dầu Gấc nguyên chất rồi bảo quản trong chai màu vàng hoặc ở nơi tránh ánh sáng và tránh ẩm. Nếu dầu Gấc còn lẫn dầu đậu phộng (đã trung hoà hoặc chưa) thì rất chóng mất màu.
Áo hạt (hay còn gọi là màng hạt) lấy từ lớp màng mỏng bao quanh hạt quả chín, đem sấy hoặc phơi khô của cây Gấc.
Trong dầu chiết từ áo hạt chứa các acid béo gồm: Acid oleic, acid stearic, acid panmitic, acid linoleic. Ngoài ra còn có hàm lượng β-caroten (tiền chất của vitamin A) rất cao.
Áo hạt có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh can, tỳ, vị.
Công năng: Bổ tỳ, thanh can sáng mắt. Dùng cho trẻ con chậm lớn, phụ nữ mang thai, cho con bú, bệnh khô mắt, quáng gà.
Bổ sung vitamin A
Hỗ trợ điều trị mờ mắt, khô mắt, làm sáng mắt, bổ mắt, điều trị sạm da, bổ sung cho trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng do thiếu Vitamin A. Trộn dầu Gấc vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống mỗi ngày.
Điều trị bỏng
Dùng thuốc mỡ chứa 5 - 10% dầu Gấc hoặc dầu Gấc nguyên chất để bôi lên vết bỏng giúp mau lên da non, chóng lành vết thương.
Làm đẹp da
Lớp màng đỏ bao quanh hạt Gấc hoặc dầu chiết từ màng này chứa rất nhiều vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào. Vì vậy, dầu Gấc đang được sử dụng nhiều trong sản xuất dược mỹ phẩm như son môi, kem dưỡng da… giúp cho làn da mịn màng, chống khô da, sạm da, rụng tóc…
Điều trị ung thư
Một số nghiên cứu ở Anh đã dùng vitamin A liều cao để chữa ung thư, tuy có kết quả nhưng liều cao vitamin A cũng dễ gây biến chứng nên người ta chuyển sang dùng β-caroten.
Điều trị táo bón
Dầu Gấc giúp nhuận tràng, thích hợp cho người bị táo bón. Tuy nhiên, người đi phân lỏng không nên dùng dầu Gấc.
Dùng dạng dầu.
Người lớn: 10 - 20 giọt/ngày x 2 lần/ngày.
Trẻ em: 5 - 10 giọt/ngày.
Bổ sung vitamin A
Trộn khoảng 10g chứa khoảng 700 microgram vitamin A (tương đương 2 muỗng cà phê) dầu Gấc vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống, dùng mỗi ngày.
Đối với trẻ em, nếu dùng dầu Gấc nguyên chất ép từ màng Gấc đã phơi thì liều lượng hàng ngày là 8 giọt.
Làm đẹp da mặt
Rửa sạch mặt và tay, sau đó thoa đều lên mặt khoảng 5ml dầu Gấc và massage nhẹ nhàng từ 15 - 20 phút cho dầu thấm sâu vào da. Đợi khoảng 30 phút rồi rửa sạch mặt với nước ấm và sữa rửa mặt. Tránh bôi dầu lên các vùng mắt và miệng.
Trị mụn trứng cá, giúp da sáng mịn
Dằm nhuyễn cùi quả Gấc chín rồi thêm vài giọt nước cốt chanh và trộn đều. Rửa sạch mặt, bôi đều hỗn hợp đã pha lên mặt, để yên trong khoảng 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Chưa có thông tin.
Áo hạt Gấc là nguồn bổ sung vitamin A thường được dùng trong đời sống hằng ngày. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Áo hạt Gấc có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.