Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Hậu phác: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hậu phác là một loại dược liệu đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian. Ngoài dùng làm thuốc, cây Hậu phác còn thường được trồng trong các vườn hoa cây cảnh quanh nhà.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Hậu phác có tên khoa học là Cortex Magnoliae officinalis, là vỏ của cây Magnolia officinalis Rehd. et Wils thuộc họ Magnoliaceae (họ Mộc lan).

Hậu phác
Dược liệu Hậu phác - Cortex Magnoliae officinalis

Đặc điểm tự nhiên

Cây Hậu phác chính thức (tên khoa học Magnolia officinalis Rehd. et Wils.) là loài cây gỗ to, thường cao trên 715m. Vỏ thân Hậu phác màu tím nâu. Lá Hậu phác mọc so le, phiến lá hình trứng thuôn rộng từ 10 - 20cm, dài 22 - 40cm, đầu hơi nhọn, hẹp dần về phía cuống. Cuống lá không long, to, dài 2,4 - 4,4cm. Đường kính hoa Hậu phác có thể tới 12cm, màu trắng, mùi thơm, cuống hoa thô to. Quả kép (gồm nhiều đại rời), hình trứng dài từ 9 - 12cm, đường kính 5 - 6,5cm.

dược liệu Hậu phác
Cây Hậu phác - Magnolia officinalis Rehd. et Wils.

Loài thứ Hậu phác (tên khoa học Magnolia officinalis var biloba Rehd et Wils) có đặc điểm bên ngoài rất giống loài Hậu phác chính thức, chỉ khác nhau ở đặc điểm đầu lá hõm xuống chia thành hai thuỳ.

Vỏ thân: Vỏ thân Hậu phác phơi khô cuộn thành ống kép hoặc ống đơn, thường được gọi là “đồng phát” (ống hậu phác), dày khoảng 0,2 - 0,7cm, dài 30 - 35cm. Phần vỏ thân gần rễ loe ra như loa kèn, thường gọi là “hoa đồng phác”, dày khoảng 0,3 - 0,8cm, dài 13 - 25cm. Mặt ngoài của vỏ thô ráp, màu nâu xám, đôi khi có những vảy dễ bóc ra; có vân nhăn dọc rõ và có lỗ vỏ hình bầu dục. Bên trong lớp vỏ thô có màu nâu vàng; mặt trong tương đối trơn, màu nâu tím, có sọc dọc nhỏ, khi cạo ra xuất hiện vết dầu rõ. Vỏ thân Hậu phác cứng và khó bẻ gãy, vị cay hơi đắng, mùi thơm.

Vỏ rễ (căn phác): Vỏ rễ Hậu phác có dạng phiến lát không đều hoặc ống đơn, đôi khi cong giống như ruột gà nên thường gọi là kê trường phác. Chất gỗ của rễ cứng nhưng dễ bẻ gãy, mặt gãy có xơ.

Vỏ cành (chi phác): Vỏ cành Hậu phác dạng ống đơn, dày khoảng 0,1 - 0,2cm, dài 10 - 20cm. Chất gỗ giòn và dễ bẻ gãy, mặt gãy có xơ giống vỏ rễ.

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Cây này hiện chưa được trồng phổ biến ở nước ta. Cây sinh trưởng chủ yếu ở những nơi khí hậu mát, ẩm ở Trung Quốc như các tỉnh Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, hoặc một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang.

Thu hái và chế biến

Thu hoạch vỏ Hậu phác vào khoảng tháng 5 - 6. Lựa chọn những cây tuổi thọ từ 20 năm trở lên, cạo lấy vỏ như vỏ cây quế rồi chế biến sơ bộ. Có nhiều cách chế biến khác nhau, sau đây là hai phương pháp phổ biến nhất:

Phương pháp 1: Cho vỏ vào ngăn gỗ, đun nóng cho bốc hơi nước rồi phun nước lạnh vào, đun và phun nước lạnh như vậy 3 lần là được, đem ra cuộn thành cuộn.

Phương pháp 2: Đào hố dưới đất, cho vỏ vào, đậy rơm và ủ trong 3 - 4 ngày cho ra hơi nước, sau đấy cuộn lại thành từng ống. 

Tuỳ theo cách chế biến mà hình dáng của vị thuốc sẽ khác nhau. Ở nước ta, người ta thường không cuộn vỏ khi chế biến.

Bộ phận sử dụng

Vỏ thân, vỏ rễ, vỏ cành.

vỏ hậu phác
Vỏ Hậu phác tươi

 

Thành phần hoá học

Theo một số nghiên cứu, trong Hậu phác của Trung quốc có chứa khoảng 5% hợp chất phenol gọi là magnolol C18H18O2 (nhiệt độ nóng chảy 103oC) và tetrahydro magnolol (144oC) và iso-magnolol C18H18O2 (143oC).

Ngoài ra, còn có khoảng 1% tinh dầu, chủ yếu là machilol C15H26O.

Vào năm 1951 - 1952, hai nhà khoa học Masao và Tomita đã chiết được chất magnocurarin C19H25O4.1/4H2O từ loài Hậu phác Nhật bản (Magnolia abovata Thunb) có nhiệt độ nóng chảy 200oC.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị quy kinh: Vị cay đắng, tính ôn, không độc. Quy vào kinh đại tràng, phế, tỳ, vị.

Tác dụng: Táo thấp tiêu đờm, ôn trung hạ khí.

Công dụng: Điều trị thượng vị đầy trướng, thực tích, nôn mửa, tiết tả, suyễn, ho.

Theo y học hiện đại

Nước sắc vỏ Hậu phác có khả năng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, liên cầu, tụ cầu, phẩy khuẩn tả. Alcaloid toàn phần từ vỏ Hậu phác có tác dụng ức chế hoạt động tim và gây giãn mạch ngoại biên in vitro, gây hạ huyết áp in vivo trên động vật thí nghiệm. Vỏ Hậu phác có tác dụng giảm đau lợi tiểu.

Magnolol và honokiol chiết từ Hậu phác có hoạt tính ức chế rõ rệt vi khuẩn Gram dương và nấm. Cao ether và methanol chứa 2 hoạt chất trên có tác dụng ức chế mạnh vi khuẩn gây sâu răng Streptococcus mutans. Hai chất này còn có tác dụng giãn cơ, ức chế thần kinh trung ương và ức chế kết tập tiểu cầu thỏ gây bởi collagen mạnh hơn 3 lần so với aspirin.

Ngoài ra, magnolol có tác dụng dự phòng rõ rệt đối với loét dạ dày gây bởi stress do ngâm mình trong nước và chảy máu dạ dày do stress. Hoạt tính chống loét và chống tiết của magnolol không giống hoạt tính của atropin, cimetidine và methyl prostaglandin E2. Có thể do tác dụng ức chế trung tâm.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 3 - 9g, phối hợp trong các bài thuốc.

Bài thuốc kinh nghiệm

Hạ khí, tiêu trướng 

Trị ngực bụng khí trệ trướng đầy, tỳ vị hàn thấp.

Bài 1: Thang hậu phác ôn trung điều trị đau bụng do lạnh, trướng đầy ăn không tiêu: 

Sắc uống các vị thuốc sau: Hậu phác 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g, gừng khô 4g, gừng sống 12g, mộc hương 4g, trần bì 8g, thảo đậu khấu 6g, xích phục linh 12g. 

Bài 2: Bình vị tán điều trị tiêu chảy do thấp trệ: 

Tán mịn các vị thuốc: Hậu phác 6g, chích thảo 3g, thương truật 10g, trần bì 6g. Uống 2 lần, mỗi lần 4 - 8g cùng với nước sắc gừng tươi và đại táo. 

Bài 3: Thang hậu phác tam vật điều trị bụng trướng đầy hơi, đại tiện táo: 

Sắc uống: Hậu phác 12g, đại hoàng 12g, chỉ thực 8g. 

Bài 4: Điều trị bụng trướng đầy, tỳ vị hư hàn. 

Sắc uống: Hậu phác 8g, bán hạ 12g, cam thảo 8g, đảng sâm 12g, sinh khương 8g. 

Bài 5: Hoàn chỉ thực tiêu bĩ điều trị bụng trướng đầy, ăn kém, đại tiện khó, tinh thần mệt mỏi: 

Nghiền thành bột và làm hoàn các vị thuốc: Hậu phác 12g, bạch truật 6g, bán hạ khúc 9g, chỉ thực 15g, chích cam thảo 6g, gừng khô 3g, hoàng liên 15g, mầm mạch 6g, phục linh 6g, nhân sâm 9g. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 8 - 12g. 

Giáng khí, dịu hen

Bài 1: Thang hậu phác ma hoàng điều trị đờm thấp vướng ở phổi gây suyễn (hen suyễn, viêm phế quản mạn tính): 

Sắc uống các vị: Hậu phác 8g, bán hạ 12g, gừng khô 2g, hạnh nhân 12g, ma hoàng 4g, ngũ vị tử 4g, tế tân 2g, thạch cao sống 20g, tiểu mạch 16g. 

Bài 2: Thang quế chi gia hậu phác hạnh nhân điều trị sợ gió, ngực đầy suyễn, tự toát mồ hôi: 

Sắc uống các vị: Hậu phác 12g, bạch thược 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g, gừng sống 12g, hạnh nhân 12g, quế chi 12g. 

Lưu ý

Một số lưu ý khi dùng Hậu phác:

  • Thận trọng khi dùng Hậu phác cho người tân dịch khô, khí huyết kém, tỳ vị hư nhược. 
  • Không dùng cho phụ nữ có thai.
  • Hậu phác là một loại dược liệu được sử dụng từ lâu đời với nhiều công dụng. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Hậu phác có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn tham khảo
  1. Dược điển Việt Nam V.
  2. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
  3. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/bach-thuoc.html.
  4. Sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập 1".
  5. Báo Sức khoẻ đời sống.