Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Hoa anh thảo

Anh thảo (Hoa): Dược liệu quý dành cho phái đẹp

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Anh Thảo là loại cây được trồng nhiều ở Châu Mỹ và Châu Âu, người ta thường chiết xuất dầu từ hạt Anh thảo để sử dụng trong điều trị bệnh và liên quan đến chăm sóc sắc đẹp của phụ nữ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Anh thảo.

Tên khác: Hoa ngọc trâm, Primrose, Cowslip, Primevère, Primula.

Tên khoa học: Oenothera biennis L. Đây là loại thực vật thuộc họ Onagraceae (Anh thảo).

Đặc điểm tự nhiên

Anh thảo thuộc loại cây thân cỏ, sống 2 năm. Lá hình mác, mọc thành cụm hình hoa thị ở năm sống đầu tiên, sang năm thứ 2, lá mọc thành hình xoắn ốc quanh thân. Hoa có màu vàng, hoa lưỡng tính. Đài xẻ thành 2 thùy. Tràng 4, màu vàng, có hình trái tim. Nhị 8, mảnh, có màu vàng. Quả nang chứa nhiều hạt, khi hạt đã già, vách nang mở ra làm phát tán hạt ra ngoài.

hoa anh thảo
Hoa Anh thảo có nhiều công dụng trong làm đẹp

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Anh thảo phân bố rộng rãi ở miền Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, nơi có khí hậu ôn đới và nhiệt đới. Đây là loại cây ưa nắng, chịu hạn tốt, mọc ở các vùng đất có độ cao dưới 700m.

Thu hái, chế biến

Hạt sau khi thu hái đem đi ép lấy dầu bằng phương pháp ép lạnh.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của Anh thảo là hạt. Ngoài ra, dân gian còn sử dụng toàn cây, lá cây, rễ Anh thảo.

Thành phần hoá học

Hàm lượng dầu trong hạt Anh thảo khoảng 20%, tùy thuộc vào tuổi của hạt giống, giống cây và điều kiện sinh trưởng. Thành phần chính trong dầu là triacylglycerol (98%). Acid béo chiếm tỷ lệ cao nhất trong dầu Anh thảo là acid linoleic (70 - 74%), kế đến là acid γ-linolenic (8 - 10%), và cũng chứa các acid béo khác như acid palmitic (7 - 10%), acid oleic (6 - 11%), acid stearic (1,5 – 3,5%) và (lượng nhỏ hơn) acid myristic, acid oleopalmitic, acid vaccenic, acid eicosanoic và acid eicosenoic.

Ngoài ra, trong Dầu Anh thảo còn có chứa các alcol aliphatic (không vòng), 1-tetracosanol, 1-hexacosanol; các triterpen bao gồm β-amyrin, qualene; các tocopherol: α-tocopherol, γ-tocopherol và δ-tocopherol, các polyphenol như hydroxytyrosol, vanillic acid, vanillin, acid p-coumaric và acid ferulic.

tinh dầu hoa anh thảo
Tinh dầu hoa Anh thảo

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Hoa Anh thảo có tác dụng làm se và an thần, hữu ích trong điều trị rối loạn tiêu hóa, rối loạn ho, hen suyễn, các khó chịu trên nữ giới và chữa lành vết thương.

Dầu Anh thảo được người Ấn Độ dùng để giảm các rối loạn về da.

Các thổ dân Bắc Mỹ sử dụng rễ bên ngoài để điều trị mụn nhọt. Ngoài ra, chúng còn được nhai và cọ xát vào các cơ để cải thiện sức mạnh.

Cây Anh thảo để chữa các triệu chứng sưng, các vết bầm tím và vết thương. Lá được dùng uống để chữa các bệnh về đường tiêu hóa và viêm họng.

Theo y học hiện đại

Hỗ trợ sự phát triển của cơ thể

Dầu chiết xuất từ hạt Anh thảo giúp hình thành màng tế bào, cung cấp hormon và các chất tương tự hormon giúp cho sự phát triển các chức năng của trí não, sự tăng trưởng, phát triển của cơ thể.

Tác dụng trên da

Trong Dầu Anh thảo có chứa acid linoleic, có vai trò quan trọng trong lớp lipid của lớp sừng ở da, ngăn ngừa da bị bong tróc, mất nước, tăng độ đàn hồi, mềm mại của da, giúp da căng sáng, mịn màng. Ngoài ra, dầu Anh thảo có tác dụng trong điều trị viêm da dị ứng (chàm).

viên nang dầu anh thảo
Hoa Anh thảo và viên nang chứa dầu Anh thảo

Tác dụng trên sinh lý nữ

Dầu Anh thảo có tác dụng cải thiện triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, làm giảm cảm giác nóng bừng và các tác động của nó ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh.

Cân bằng nội tiết tố

Dầu Anh thảo giúp tạo môi trường thuận lợi trong cơ thể để tăng khả năng thụ thai, tăng dịch nhầy ở cổ tử cung cũng như tăng cường chức năng trao đổi chất, giảm cân và sản sinh các hormone cân bằng.

Tác dụng chống dị ứng

Dầu Anh thảo có tác dụng làm giảm sự trầm trọng của dị ứng phế quản khi gặp tác nhân gây dị ứng.

Tác dụng trên mức cholesterol và chất béo trung tính

Dầu Anh thảo giúp giảm cholesterol và chất béo trung tính trong máu và gan.

Tác dụng hạ huyết áp

Dầu Anh thảo có tác dụng giảm tình trạng tăng huyết tự phát trên chuột thử nghiệm.

Tác dụng chống loét

Dầu Anh thảo có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày bởi các yếu tố hủy hoại như HCl, natri hydroxid, ethanol…

Tác dụng hỗ trợ trị liệu ung thư

Acid γ-linolenic trong dầu Anh thảo có tác dụng ức chế sự hình thành mạch, di chuyển tế bào ung thư và di căn ung thư, giảm biểu hiện của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), có vai trò quan trọng trong bệnh ung thư.

Liều dùng & cách dùng

Điều trị chàm: Uống 1 – 4 viên x 2 lần/ngày dầu Anh thảo trong 12 tuần. Đối với kem bôi, có thể bôi 1ml x 2 lần/ngày dầu Anh thảo 20% trong tối đa bốn tháng.

Làm đẹp da: Viên nang 500mg x 3 lần/ngày, tối đa 12 tuần.

Tiền mãn kinh: Uống 6 - 12 viên (500mg đến 6.000mg) x 1 - 4 lần/ngày trong tối đa 10 tháng. Khởi đầu liều thấp, tăng liều từ từ.

Trường hợp đau ngực: Uống 1 đến 3g hoặc 2,4ml dầu hoa Anh thảo mỗi ngày trong sáu tháng.

Trường hợp nóng bừng: Uống 500mg dầu hoa Anh thảo x 2 lần/ngày trong 6 tuần.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chưa có tài liệu báo cáo.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Anh thảo:

  • Khi dùng với lượng thích hợp trong thời gian ngắn, việc sử dụng dầu hoa anh thảo là an toàn, tuy nhiên dầu Anh thảo có thể gây ra tình trạng bụng khó chịu, đau đầu.

  • Không được sử dụng dầu Anh thảo trong trường hợp rối loạn đông máu vì làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu dự định phẫu thuật, cần ngừng dùng dầu Anh thảo trước hai tuần.

  • Không dùng dầu Anh thảo nếu bị động kinh hoặc tâm thần phân liệt. Việc bổ sung có thể làm tăng nguy cơ co giật.

  • Dầu Anh thảo có thể làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ.

Nguồn tham khảo