Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Hoàng đằng, một loại cây thuốc mọc hoang khắp nơi ở các vùng núi nước ta: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa…
Tên tiếng Việt: Hoàng đằng (Thân và Rễ)
Tên khác: Vàng đắng; dây vàng; nam hoàng liên…
Tên khoa học: Fibraurea tinctoria Lour
Tùy tác giả mà có người gộp 2 cây hoàng đằng Fibraurea tinctoria và Fibraurea recisa là một, nhưng có người lại phân thành hai loài khác nhau:
Hoàng đằng Fibraurea recisa, một loại cây mọc leo, thân to, cứng. Lá cứng, nhẵn mọc so le, dài từ 9cm đến 20cm, rộng từ 4cm đến 10cm, phiến lá dạng ba cạnh dài, phía dưới tròn, có ba gân chính rõ và hai gân cong; cuống dài 5 – 14cm có hai nốt phình lên, một ở phía dưới, một ở phía trên. Hoa mọc thành chùy, 2 - 3 lần phân nhánh, dài 30 – 40cm kẽ các lá đã rụng.
Loài Fibraurea tinctoria khác cây trên ở chỗ: Lá nhọn, chùy hai đến bốn lần ngắn hơn, phân nhánh hai lần.
Hoàng đằng mọc hoang khắp nơi khắp các vùng núi ở nước ta: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa…
Hoàng đằng được thu hoạch quanh năm. Thu hoạch cả cây, cắt nhỏ từng đoạn thân hoặc chỉ lấy mỗi rễ. Nhưng thường dùng cả thân và rễ cắt thành từng đoạn ngắn 15 – 20cm, phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì khác.
Phần thân già và rễ của cây được sử dụng để làm vị thuốc.
Hoàng đằng phiến: Thái dược liệu thành phiến vát, dày 1 – 3mm, phơi hoặc sấy khô. Nếu rễ hay thân khô thì ngâm, ủ mềm, thái phiến vát như trên, rồi phơi hay sấy khô.
Hoàng đằng sao: Đem hoàng đằng phiến sao đến khô vàng.
Hoàng đằng chứa chủ yếu là chất palmatin với tỷ lệ khoảng 1 – 3 %. Ngoài ra, có một lượng nhỏ jatrorrhizin, columbamin.
Theo Irokawa và cộng sự (Phytochemistry, 28, 4, 905-908, 1986) còn phát hiện 3 diterpen glycosid là tenophylloloside 3, fibleucinoside 4 và fibleucinoside 5. Trước đó các tác giả khác cũng đã phát hiện 2 diterpen khác nhau là fibleucine 1 và 2.
Tính vị: Vị đắng, tính lạnh
Quy kinh vào các kinh Tỳ, Can, Phế.
Tác dụng: Thanh nhiệt, kháng viêm, sát trùng. Palmatin có khả năng ức chế các vi khuẩn đường ruột.
Theo tác giả Phạm Duy Mai cùng các cộng sự đã xác nhận panmitin clorua chỉ có tác dụng ức chế đối với vi khuẩn Staphylococcus và Streptococcus, còn với các loại vi khuẩn khác (lỵ, thương hàn…) không thấy có kết quả rõ rệt. Khả năng ức chế vi khuẩn của palmatin clorua còn kém so với các loại kháng sinh thông thường khác(1962).
Liều độc DL-50 đối với chuột nhắt trắng (tiêm mạch): 18mg/kg thể trọng. DL-50 liều uống với chuột nhắt trắng: 571,5mg/kg . Năm 1968, Phạm Duy Mai lại thấy DL-50 liều uống với chuột nhắt trắng tới 1260mg/kg.
Năm 1973, chúng tìm thấy liều tác dụng trên người là 2,4 – 8 mg/kg. Như vậy so với liều DL-50 của Phạm Duy Mai đã có mức độ an toàn từ 500 – 1660 lần.
Công dụng: Chữa các loại sưng viêm, đau mắt, sốt rét, kiết lỵ, viêm ruột, tiêu chảy, viêm tai, lở ngứa ngoài da và dùng làm thuốc bổ đắng.
Chữa viêm đường tiết niệu, viêm tai trong và hội chứng lỵ:
Hoàng đằng, Mộc thông, Huyết dụ, mỗi vị 10 - 12g, sắc uống.
Chữa viêm tai có mủ:
Bột Hoàng đằng 20g trộn với phèn chua 10g, thổi dần vào tai ngày 2 - 3 lần.
Chữa mắt sưng đỏ hoặc có màng:
Hoàng đằng 4g, phèn chua chút ít, tán nhỏ, chưng cách thuỷ gạn lấy nước trong mà nhỏ mắt. Hoặc lấy bột palmatin chlorhydrate pha loãng thành thuốc nước để nhỏ mắt. Đôi khi phối hợp Hoàng đằng với Hoàng liên đem nấu thành thuốc dùng để chữa đau mắt.
Chữa kiết lỵ:
Người ta dùng bột hoàng đằng cùng với cao mức hoa trắng, hoặc phối hợp cao hoàng đằng và cao cỏ sữa lá lớn để làm thuốc viên dùng chữa bệnh kiết lỵ.
Chữa đau mắt sưng đỏ, chảy nước mắt:
Hoàng đằng 8g, Mật mông 9g, Cúc hoa, Kinh giới, Long đởm thảo, Phòng phong, Bạch chỉ mỗi vị 4g, Cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang. Uống khoảng 3 – 5 thang. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Chữa kẻ chân viêm lở chảy nước ngứa:
Hoàng đằng 10 – 20g, Kha tử 10g, hai vị giả nhỏ sắc lấy nước đặc ngâm ngày 1 – 2 lần. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Chữa viêm ruột kiết lỵ:
Hoàng đằng 14g, Cỏ sữa lá lớn 20g, lá mơ 20g sắc uống. (Kinh nghiệm dân gian).
Trẻ em nóng da nổi mụn thành bợn như cơm cháy:
Hoàng đằng nấu với nước dùng tắm 1 – 2 lần mỗi ngày. (Kinh nghiệm Lương Y Uông Nhuyễn).
Một số lưu ý khi sử dụng cây hoàng đằng: Tỳ Vị hư hàn, huyết lạnh không dùng.
Hoàng đằng là loài cây phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Hoàng đằng có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và sử dụng thuốc phù hợp nhất.
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/hoang-dang.html.
Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học.
Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.