Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Khổ sâm: Loại cây có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khổ sâm là một loài dược thảo đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian để điều trị ung nhọt, sang lở, chốc đầu (sắc uống và rửa ngoài), đau bụng, khó tiêu, lỵ, viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra, khổ sâm còn được dùng trong các phương thuôc chữa mẩn ngứa, phong hủi, vảy nến, viêm âm đạo trùng roi và sa sinh dục.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Khổ sâm (Croton tonkinensis Gagnep) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Euphorbiaceae (Thầu dầu).

Dược liệu từ cành và lá Khổ sâm có tên khoa học là Folium Crotonis tonkinensis.

khổ sâm 1
Cây Khổ sâm - Croton tonkinensis Gagnep

Đặc điểm tự nhiên

Cây Khổ sâm

Cây nhỏ, cao 1 - 2m. Cành non mảnh. Lá mọc so le hoặc gần như mọc đối, có khi tụ họp nhiều là kiểu mọc vòng, hình mũi mác, gốc hới từ, đầu thuôn nhọn, dài 5 - 9cm, rộng 1 - 3cm, hai mặt có lông hình khiên, óng ánh như lá nhót, dày hơn ở mặt dưới, 3 gân chính toả từ gốc lá cùng với 2 tuyến dạng răng nhỏ, cuống lá cũng có lông hình khiên.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành, dài 2 - 7cm gồm cả hoa đực và hoa cái hoặc cụm hoa đực và cái riêng; lá bắc hình vảy rất nhỏ; hoa đực có cuống ánh bạc, 5 lá đài hình đầu dục, 5 cánh hoa thuôn hình dải, có lông mịn ở mép; nhị 12, chỉ nhị có lông tơ ở phần dưới; hoa cái có 5 lá đài hình bầu dục - mũi mác, bầu hình cầu thuôn dần ở đỉnh. Quả nang gần hình cầu, khi khô nứt thành 3 mảnh, trên đỉnh mỗi mảnh có một bưới nhỏ, màu hung đỏ, có lông ánh bạc; hạt hình trứng, có mỏ, màu nâu hung. 

Mùa hoa quả: Tháng 5 - 8.

khổ sâm 2
Lá cây Khổ sâm

Dược liệu Khổ sâm:

Dược liệu là lá nguyên hay đã gãy vụn thành những mẩu dài khoảng 1 - 3cm, trộn lẫn với một số đoạn cành hay ngọn non có thể mang hoa, quả. Mặt trên của mảnh lá có màu lục xám, lấm tấm rất nhiều đốm trắng còn mặt dưới màu trắng bạc.

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Croton L. là một chi lớn phân bố phổ biến khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới với khoảng 800 loài. 

Ở Việt Nam chỉ có 3 loài trong chi này và Khổ sâm chủ yếu là được trồng, đôi khi mọc tự nhiên trên ngọn đồi cây bụi ở các vùng phía bắc.

Thu hoạch và chế biến

Thu hoạch lá và ngọn non quanh năm (chủ yếu khi cây ra hoa), rửa sạch, cắt thành từng đoạn dài khoảng 1 - 3 cm, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Khi dùng sao vàng.

Bảo quản

Bảo quản dược liệu đã phơi hoặc sấy khô trong túi khí ở nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc và mối mọt.

Bộ phận sử dụng

Lá và cành Khổ sâm.

Thành phần hoá học

Lá khổ sâm có chứa: 2,78% flavonoid toàn phần, 0,32% alcaloid toàn phần, hợp chất polyphenol và tannin.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Khổ sâm có vị đắng, hơi chát và hơi chát, mùi hơi hắc, tính mát nhưng hơi độc, quy vào kinh đại tràng. Khổ sâm có tác dụng sát khuẩn. 

Theo y học hiện đại

Khổ sâm có tác dụng kháng trực khuẩn lỵ và amip lỵ, làm đơn bào co thành kén.

Khổ sâm còn có tác dụng lợi tiểu, an thần, chống dị ứng, có tác dụng bảo vệ và nâng cao tỷ lệ sống trong nghiên cứu trên động vật được tiêm liều chết nọc rắn.

Trên động vật, nước sắc từ khổ sâm và vỏ bưởi có tác dụng ức chế mạnh ký sinh trùng sốt rét mạnh, nhưng tái phát sau 10 ngày ngưng thuốc.

Trong điều trị sa sinh dục, sắc Khổ sâm kết hợp 3 vị thuốc khác với nước để rửa âm đạo, đồng thời phối hợp thêm thuốc uống và bài thuốc đặt ở âm đạo cho kết quả khá tốt.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng Khổ sâm: 12 - 24g/ngày, đôi khi có thể dùng tới 40g dưới dạng thuốc sắc.

Bài thuốc kinh nghiệm

Thanh nhiệt, trị cam ở trẻ em, bụng to, tiêu hóa kém, sút cân, đi lỵ phát sốt

Bài thuốc Phì nhi hoàn: Sắc các vị thuốc: Khổ sâm 4g, bạch truật 8g, cam thảo 4g, đảng sâm 8g, hồ hoàng liên 4g, lô hội 2g, mạch nha 12g, canh mễ 16g, phục linh 8g, sử quân tử 8g, thần khúc 12g, sơn tra 8g rồi uống. Có thể dùng bài thuốc này cho trẻ em tiêu hóa không tốt, gầy gò, bực dọc, có giun đũa nên bụng đau trướng, khô háo.

Mát ruột, cầm lỵ, chảy máu

Bài 1: Sấy khô các vị thuốc: Khổ sâm 15g, bạch thược 10g, cát cánh 12g, mộc hương 6g, thăng ma 8g, tán thành bột và làm hoàn. Uống mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 6g cùng với nước ấm để trị viêm ruột, lỵ cấp và mạn tính. Trẻ em dùng nửa liều này.

Bài 2: Tán 12g Khổ sâm thành bột mịn. Ninh nhừ 20g sinh địa, nghiền nát, thêm 10g đường phèn và khổ sâm rồi làm viên hoàn. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g cùng với nước nóng để chữa đại tiện ra máu.

Lương huyết, tiêu ban chẩn

Chữa chàm cấp tính thể thấp nhiệt: Sắc các vị thuốc: Khổ sâm 12g, bạch tiên bì 12g, đạm trúc diệp 16g, hoạt thạch 20g, hoàng bá 12g, hoàng cầm 12g, kim ngân hoa 20g, sinh địa 20g, phục linh bì 12g. Uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa chàm cấp tính thể phong nhiệt: Sắc các vị thuốc: Khổ sâm 12g, kinh giới 12g, mộc thông 12g, ngưu bàng tử 12g, phòng phong 12g, sinh địa 16g, thạch cao 20g, tri mẫu 8g, thuyền thoái 6g. Uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa viêm da thần kinh thể phong nhiệt: Sắc các vị thuốc: Khổ sâm 12g, cúc hoa 12g, đan bì 8g, kim ngân hoa 12g, ké đầu ngựa 12g, sinh địa 16g. Uống mỗi ngày 1 thang.

Trị sốt cao hóa điên cuồng: Tán Khổ sâm thành bột, thêm mật rồi viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 10 viên với nước hãm bạc hà.

Lưu ý

  • Không dùng Khổ sâm cho bệnh nhân tỳ vị hư nhược. Tuy nhiên, nếu cần thiết có thể dùng cùng với thuốc bổ tỳ, kiện vị. 

  • Không dùng đồng thời Khổ sâm với Lê lô.

Khổ sâm là loài thảo dược đang được trồng hoặc mọc hoang chủ yếu ở vùng phía bắc. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Khổ sâm có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  1. Dược điển Việt Nam V

  2. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)

  3. Tra cứu dược liệu

  4. Sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập 1+ 2"