Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Khoản đông hoa là hoa của cây Khoản đông (Tussilago farfara L.), là cụm hoa chưa nở được thu hoạch và phơi hoặc sấy khô. Khoản có nghĩa là đến, đông có nghĩa là mùa đông. Hoa khoản đông nở rộ vào tháng 12 hàng năm và chính vì vậy mà nó có tên là Khoản đông. Khoản đông hoa có vị cay, tính ấm, có tác dụng trong nhuận phế, trừ đàm, định suyễn.
Tên tiếng Việt: Khoản đông hoa.
Tên khác: Đông hoa; Khoản hoa; Cửu cửu hoa; Liên tam đóa; Ngải đông hoa; Hổ tu; Đồ hề.
Tên khoa học: Flos Tussilaginis farfarae, họ cúc Asteraceae.
Khoản đông là cây dạng thân thảo, sống lâu năm do thân cây dạng thân rễ. Khoản đông mọc hoang dại tại những nơi có khí hậu mát mẻ, cạnh các miệng hố, trên cắt hoặc những vùng đất đồng bằng từ nơi thấp đến vùng núi cao. Khoản đông bắt đầu sinh trưởng vào mùa xuân, cây mọc từ thân rễ, từ gốc lá sẽ mọc lên những cán mang hoa dài khoảng từ 10 đến 20cm, lá màu tím nhạt, mọc so le. Đầu những cán hơi có cụm hoa hình cầu vàng tươi rất đẹp, lá bắc có màu đỏ nhạt.
Hoa khoản đông có những hoa lưỡng tính nằm ở giữa cụm hoa, xung quanh là những hoa cái cũng có màu vàng, dạng hình lưỡi, quả màu nâu, có sợi của lá đài.
Lá chỉ xuất hiện sau khi hoa nở, lá mọc thành vòng, cuống lá dài, phiến lá hình tim, mép lá có răng cưa. Đường kính lá có thể đạt đến 15 - 20cm. Mặt trên lá bóng, mặt dưới có lông. Hình lá khá giống hình chân con lừa, do đó tên cây tại một số nước châu Âu còn gọi là cây “chân lừa”.
Cây Khoản đông là cây mọc hoang được trồng ở Trung Quốc (các tỉnh Hà nam, Tứ Xuyên, Cam Túc, Hà Bắc, Nội Mông, Thanh Hải…), hoặc được tìm thấy ở nhiều nước châu Âu như Pháp, Hungari, See…).
Tại Việt Nam hiện đang nhập các giống nước ngoài về để nhân giống và trồng.
Thu hoạch hoa đối với Khoản đông thu hoạch trước khi hoa nở khoảng tháng 2 đến tháng 4. Sau khi thu hoạch tiến hành phơi hoặc sấy khô để bảo quản. Nếu thu hoạch lá thì thu hoạch sau khi thu hoạch hoa. Sau khi thu được hoa, người ta thường sẽ cắt bỏ phần cuống dài của hoa, mùi hoa thơm đặc trưng có mùi mật, vị đắng hơi nhớt, đường kính cụm hoa khoảng 1 - 1,5cm.
Bộ phận sử dụng được là nụ hoa gần nở và lá.
Hoa khoản đông chứa 6 - 8% nước, 10% muối khoáng, một ít tinh dầu, một ít tanin. Hoa chứa rất nhiều chất nhầy uronic (chiếm khoảng 6,9% đối với trọng lượng hoa khô). Người ta còn xác định được các carotenoit, flavonoid, ancol texnenic (arnidiol, và fanadiol), rutosit và hyperosit (gaiactosit của quercetol).
Lá khoản đông chứa 2,63% glucozit đắng, 8% chất nhầy, một ít tanin. Trong tro có hàm lượng Zn rất cao (trên 3,26% tính theo ZnCO3).
Khoản đông hoa có vị ngọt, cay, tính ôn. Nhờ vào tính vị như trên nên Khoản đông hoa được sử dụng để hạ khí, chỉ ho, hóa đờm, có tác dụng ôn phế. Được sử dụng trong các trường hợp như hầu tê, kinh giản, tiêu khát, ho khí đưa ngược lên, khó thở.
Yên Quyền đời Đường nói: Hoa khoản đông trị phế khí súc bách, ra đờm đặc, phế ung, ho liên miên, ho ra máu. Giã Cửu Như đời Thanh lại nói: Hoa khoản đông vị đấng, chủ giáng, khí thơm chủ tán cho nên vào phế thuận khí lại thành huyết trong phế, là thuốc chủ yếu chữa những chứng ho lâu, phế hư, đờm đặc tanh hôi.
Theo tây y, Khoản đông hoa được dùng chữa bệnh ho hen. Khoản đông hoa thường được dùng kết hợp với các loại hoa khác trong điều trị ho, bao gồm: Khoản đông hoa, hoa Bouillon blanc, hoa Mauve, hoa Moquelicot, hoa Guimauve, hoa Pied dechat, hoa Violette. Tất cả trộn đều, sau đó dùng dưới dạng thuốc hãm, tất cả hãm trong 1 lít nước sôi để sử dụng.
Các thí nghiệm nghiên cứu trên động vật cho thấy uống thuốc sắc có thể thúc đẩy bài tiết trên đường hô hấp, có tác dụng giảm ho mạnh, có tác dụng trừ đàm rõ rệt.
Khoản đông hoa giúp kích thích hệ thống thần kinh trung ương và ức chế sự co cơ trơn đường tiêu hóa, giảm co giật.
Thử nghiệm trên chuột bị ung thư phổi Lewis khi sử dụng k\Khoản đông hoa có chứa các hoạt chất polysaccharide vào trong liệu pháp hóa trị cisplatin/paclitaxel giúp giảm tình trạng giảm bạch cầu do liệu pháp kháng u và tăng hiệu quả của thuốc.
Bên cạnh các tác dụng có lợi, điều trị bệnh bên trên, người ta cũng đã thử nghiệm và thấy rằng sử dụng Khoản đông hoa lâu ngày, với nồng độ cao có nguy cơ gây độc, người ta nhận thấy có sự phát triển khối u gan ở chuột.
Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc, có thể sử dụng phối hợp với các loại dược liệu khác hoặc sử dụng riêng lẻ một mình. Hoặc có thể cho Kật ong vào sau khi sơ chế Khoản đông hoa theo tỉ lệ khoảng 10kg Khoản đông hoa cho thêm 2,5kg Kật ong. Tiếp tục ngâm hỗn hợp trên trong vòng 2 giờ, cho trên lửa nhỏ đến khi cạn hết hơi nước, sờ tay vào thấy không còn dính tay là được.
Trị phế hư, ho nhiều
Phối hợp các dược liệu: Khoản đông hoa (bỏ cuống), Nhân sâm, Bạch truật, Chung nhũ phấn, Chích cam thảo, Bào xuyên khương mỗi vị 15g. Sau khi chuẩn bị xong dược liệu tiến hành tán thành bột, luyện thành mật hoàn, cứ 30g là 10 viên. Uống trước khi ăn, mỗi ngày uống 1 viên (Truyền tín thích dụng phương – Khoản đông hoa cao).
Trị suyễn ho không hết hoặc trong đờm có máu
Phối hợp các dược liệu: Khoản đông hoa, Bách hợp sau đó tiến hành tán nhỏ làm thành mật hoàn, bự cỡ quả nhãn. Mỗi ngày uống 1 viên, sau ăn, nhai nhỏ, uống với nước gừng (Tế sinh phương – Bách hoa cao).
Trị phế ung, ho, ngực đầy tức, run khi gặp lạnh, mạch sác, miệng khô khát
Phối hợp các dược liệu: Khoản đông hoa (bỏ cuống) 45g, Cát cánh 60g, Chích cam thảo 30g, Ý dĩ nhân 30g. Chia làm 10 tễ, sắc uống (Theo sang dương khoa kinh nghiệm toàn thư – Khoản hoa thang).
Lưu ý khi sử dụng Khoản đông hoa:
Không dùng Khoản đông hoa cho người phế ráo, âm hư phế nhiệt.
Cây Khoản đông hoa có thể tương tác với các thuốc chống đông máu và thuốc trị cao huyết áp nên cần được sử dụng có sự hướng dẫn của dược sĩ nếu dùng chung.
Một vài loại thuốc thúc đẩy hoạt động của gan có thể làm cho Khoản đông hoa trở nên độc hơn cho gan.
Không nên sử dụng cây Khoản đông hoa trong thời gian dài hơn 6 tuần, vì Khoản đông hoa có chất alkaloid pyrrolizidine theo báo cáo có khả năng gây độc cho gan.
Cây Khoản đông hoa có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
Gây sốt;
Tăng huyết áp;
Buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn, vàng da;
Nhiễm độc gan;
Phản ứng mẫn cảm;
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/khoan-dong-hoa.html
Dược điển Việt Nam V.
Webmd: https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-730/coltsfoot