Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Khi nghe đến lá Lốt, người ta thường liên tưởng đến các món ăn ngon miệng được chế biến từ lá Lốt. Từ rất lâu, con người đã biết và sử dụng lá Lốt như một loại nguyên liệu và gia vị quen thuộc, được kết hợp trong công thức các món ăn hấp dẫn và có nhiều giá trị về dinh dưỡng.
Tên tiếng Việt: Lá lốt.
Tên khác: Tất bát.
Tên khoa học: Piper sarmentosum, họ hồ tiêu Piperaceae.
Lá lốt dạng cây có thân mềm, chiều cao cây có thể lên đến 1m, thân và lá Lá lốt màu xanh, thân có lông ít. Lá lá Lốt hình tim, đầu nhọn, phiến lá rộng khoảng 8,5cm, lá dài khoảng 13cm. Hoa lá Lốt có màu trắng, mọc thành cụm, bông cái dài khoảng 1cm, cuống lá dài 1cm.
Lá Lốt được trồng hoặc mọc hoang tại Việt Nam, thường phát triển tươi tốt ở những vùng đất ướt, râm dưới bóng cây. Người ta trồng lá lốt chủ yếu để chế biến thức ăn, làm gia vị hoặc có thể làm thuốc. Lá lốt được trồng và thu hái quanh năm, bộ phận sử dụng được có thể dùng cả thân, hoa hay rễ. Đa số lá Lốt được sử dụng tươi, hoặc có thể phơi khô để bảo quản. Nếu sử dụng rễ thông thường người ta sẽ thu hoạch vào khoảng tháng 8 - 9.
Bộ phận sử dụng được là toàn thân trên mặt đất hoặc rễ.
Trong lá Lốt có tinh dầu. Hoạt chất khác chưa rõ.
Lá Lốt theo y học cổ truyền có tính ẩm, vị cay, nhờ vào tính vị như vậy lá Lốt có tác dụng trừ hàn, giảm đau, cầm nôn, hỗ trợ tiêu hóa. Trong dân gian người ta thường dùng lá Lốt để làm thuốc sắc uống điều trị đau xương khớp, tay chân tê thấp, đổ mồ hôi tay chân, đi tiêu phân lỏng; ngoài ra người ta còn sử dụng để làm gia vị trong chế biến các món ăn.
Khả năng kháng khuẩn:
Lá Lốt có khả năng kháng các vi khuẩn: Bacillus psyocyaneus, Staphylococus aureus và Bacillus subtilis; nhờ tác dụng kháng khuẩn nên lá Lốt có khả năng chống viêm khá hiệu quả. Các nghiên cứu so sánh tác dụng kháng khuẩn của 3 dạng bào chế: Cao lá khô, nước ép lá tươi và cao lá tươi gần tương tự như nhau.
Các thử nghiệm trên lâm sàng chứng tỏ cao lỏng dùng ngậm và viên cao Lá lốt dùng uống có tác dụng giảm đau và trị các bệnh viêm cấp tính về răng miệng.
Các thử nghiệm tiến hành như sau:
Lá Lốt và 3 dược liệu khác nhau được áp dụng điều trị các triệu chứng đau khớp, đau xương. Kết quả cho thấy lá Lốt có tác động tốt 29,26%, trung bình 53,65% và không kết quả là 17,07% so với tổng số bệnh nhân điều trị.
Các nghiên cứu về tác dụng sinh học của cây lá Lốt:
Một nghiên cứu đối với lá Lốt được thu hái tại vùng ngoại ô Hà Nội vào tháng 3/2001, thử nghiệm trên chuột nhắt trắng để đánh giá về thành phần hóa học và thử độc cấp của lá Lốt.
Kết quả:
Các thành phần trong rễ và thân lá đều giống nhau, một số dược liệu khác có thể có thành phần của các bộ phận khác nhau sẽ không giống nhau. Thành phần tìm thấy trong lá Lốt như sau: Alkaloid, flavonoid, anthranoid, tanin, tinh dầu, đường khử, acid amin, hàm lượng flavonoid toàn phần 1,14%, trên sắc ký khí mỏng alcaloid cho 5 vết, flavonoid cho 8 vết.
Độc tính:
Với liều 200g/kg thể trọng dùng dạng nước sắc không thể hiện độc tính.
Khả năng chống viêm:
Sử dụng liều 20g/kg thể trọng với dịch chiết Lá lốt từ cồn 900, nhận thấy khả năng chống viêm từ 39,63 - 69,15%, thời gian đáp ứng viêm từ giờ đầu tiên kéo dài đến 30 giờ sau khu thử nghiệm, khả năng ức chế viêm 41,08 - 58,21% đối với dung dịch flavonoid toàn phần 4%.
Khả năng giảm đau:
So sánh dung dịch lá Lốt chiết từ cồn so sánh với dung dịch flavonoid 4% và aspirin kết quả cho thấy dung dịch lá Lốt chiết từ cồn giảm đau lên đến 62,50 - 64,05%, dung dịch flavonoid 4% ức chế 42,6 - 54,9% khả năng giảm đau tương tự aspirin.
Tác dụng chống oxy hóa và lợi mật của vị thuốc Lá lốt:
Nghiên cứu tác dụng chống oxy hóa và lợi mật của lá Lốt đối với chiết xuất ethanol 2:1 so với dung dịch 5% flavonoid. Chiết xuất ethanol 2:1 có khả năng ức chế quá trình oxi hóa lipid.
Chiết xuất ethanol 2:1 và dung dịch 5% tổng lượng flavonoid từ Lá lốt được nghiên cứu cho tác dụng chống oxy hóa và lợi mật. Chiết xuất ethanol 2:1 ức chế quá trình oxi hóa lipid trong tế não là 47,6%, tế bào gan 40,6%. Tác dụng dung dịch 5% của flavonoid ức chế quá trình oxi hóa lipid ở gan là 56,9% và ở não là 41,1% so với nhóm chứng. Chiết xuất ethanol 2:1 làm tăng dịch mật lên 18,03% trong khi ở nhóm dung dịch là 35,5%.
Nghiên cứu nấu một số loại cao thảo dược:
Tại Quảng Bình người ta nghiên cứu điều trị Gout kết hợp các dược liệu lá Lốt, cây Nở ngày và lá Vối.
Các nguyên liệu sau khi chuẩn bị xong, mỗi nguyên liệu lấy 1kg và 4 lít nước, tiến hành nâng nhiệt và chiết ở 1000C, điều kiện áp suất thường. Đem dung dịch đi cô đặc, thu được 10 – 15% nước. Qua quá trình nấu thu được cao dẻo, đặc quánh, sau khoảng thời gian 8 - 10 giờ. Sau đó đem đi bảo quản hạn chế oxi, chống oxi hóa.
Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng cho tay chân hay đổ mồ hôi sau đó ngâm tay chân, ngâm đến lúc nguội thì ngừng.
Liều dùng: Liều hàng ngày 5 - 10g dạng khô hoặc 15 - 30g lá tươi. Sắc với nước, mỗi ngày uống từ 2 - 3 lần.
Chữa chân tay đau nhức:
Phối hợp các dược liệu: Lá lốt, rễ Bưởi bung, rễ Cỏ xước, rễ cây Vòi voi tất cả đều dùng tươi thái mỏng sao vàng, mỗi vị dược liệu dùng 15g khô, sắc với 600ml nước, cô lại còn 200ml. Chia mỗi ngày uống 3 lần.
Mụn nhọt:
Phối hợp các dược liệu: Lá Lốt, lá Chanh, Tía tô, lá Ráy mỗi vị 15g.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, trước tiên lấy lớp vỏ trong của cây chanh (bỏ vỏ ngoài) phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn rắc vào vết thương, tiếp theo các dược liệu còn lại rửa sạch, giã nhỏ đắp vào nơi có mụn nhọt rồi băng lại. Ngày đắp 1 lần. Đắp trong 3 ngày.
Đau bụng do lạnh:
Chuẩn bị: Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
Lưu ý khi sử dụng lá lốt cho những đối tượng là người bị đau dạ dày, táo bón không nên dùng.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam- Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.
Vũ Văn Điền, Đào Thị Vui, Huỳnh Tính. Góp phần nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của vị thuốc Lá lốt (Herba Piperis Lolot). Tạp chí Dược học, số 10/2004, Tr. 8 – 10.
Tác dụng chống Oxy hóa và lợi mật của vị thuốc. Tạp chí Dược liệu, tập 14, số 4/2009.
TS Nguyễn Đức Vượng, ThS Phạm Nam Giang, Lê Nhật Linh, Nguyễn Thị Thu. Nghiên cứu nấu một số loại cao thảo dược: Cây nở ngày đất, Lá lốt, Lá vối dùng để điều trị bệnh Gout tại tỉnh Quảng Bình. Tạp chí thông tin Khoa học & Công nghệ Quảng Bình, Số 2/2017.