Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Mô tả ngắn: Liên kiều có tên khoa học là Forsythia suspensa Vahl thuộc họ Oleaceae (Nhài). Liên kiều có tác dụng tán khách nhiệt ở các kinh, chữa tiêu thũng.
Tên Tiếng Việt: Liên kiều (Quả).
Tên khác: Trúc căn; Hoàng thọ đan; Hạ liên tử.
Tên khoa học: Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl.
Cây liên kiều là một cây cao 2 - 4m. Cành non có 4 cạnh, nhiều đốt nhưng khoảng cách giữa các đốt rỗng bì.
Lá đơn mọc đối hoặc mọc vòng thành 3 lá. Phiến lá có hình trứng còn mép lá hình răng cưa với kích thước dài 3 đến 7cm, rộng 2 đến 4cm. Cuống lá dài khoảng từ 0,08 đến 2cm.
Hoa màu vàng tươi. Đài và tràng tạo thành hình ống, phía trên xẻ thành 4 thùy. Có 2 nhị nhưng thấp hơn tràng còn nhụy thì có 2 núm.
Vỏ ngoài màu nâu nhạt. Quả khô có hình dạng trứng dẹt có kích thước dài 1,5 đến 2cm, rộng 0,5 đến 1cm, với cạnh lồi, dần về phía đầu thì nhọn. Vì quả khi chín mở ra như mỏ chim, phía dưới có cuống nên quả tuy chứa nhiều hạt nhưng chỉ giữ lại một ít hạt ở quả, còn phần lớn dễ bị rơi vãi ra ngoài.
Mùa hoa tại Trung Quốc: Tháng 3 - 5; mùa quả: Tháng 7 - 8.
Ở Việt Nam chưa tìm thấy Liên kiều. Vì vậy, Liên kiều hiện nay ở nước ta chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Cây Liên kiều phân bố chủ yếu ở Trung Quốc thuộc các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Bắc, Cam Túc, ngoài ra nó còn được trồng ở Nhật Bản.
Người dân tại nhiều nơi trồng cây Liên kiều để làm cảnh hoặc làm thuốc. Trong trường hợp hái quả để trị bệnh thì được chia ra thành thanh kiều và lão kiều với mùa thu hái khác nhau.
Thanh kiều hái lúc quả còn chưa chín vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9, sau đó đem thanh kiều nhúng nước sôi, rồi lấy quả đem sấy hoặc phơi khô. Còn đối với lão kiều hái lúc quả chín vàng vào khoảng tháng 10 trong năm.
Để phân biệt thanh kiều và lão kiều cần chú ý thanh kiều là quả lúc chưa chín nên đầu quả chưa mở tách ra như mỏ chim, hạt vẫn còn giữ nguyên trong quả không bị rơi ra ngoài, còn lão kiều là quả lúc chín sẽ có vị đắng, không có mùi đặc biệt.
Quả.
Theo nghiên cứu sơ bộ của hệ dược học, Viện nghiên cứu y học Bắc Kinh thì trong thanh Liên kiều có chừng 4,89% saponin và 0,2% ancaloit (Trung dược chí - Bắc Kinh 1959). Theo Tăng Quảng Phương (1936, Trung hoa y học tạp chí) trong liên kiều có một glucozit gọi là phylirin C, saponin, vitamin P và tinh dầu.
Theo đông y thì Liên kiều có vị đắng, tính hàn, không độc, quy vào 4 kinh tâm, đởm, giúp tan tiêu và đại trường có tác dụng tán khách nhiệt ở các kinh, chữa sang thũng. Ngoài ra Liên kiều còn tán chư kinh huyết ngưng, chỉ thống, tiêu thũng, bài nùng (tiêu mủ), khí tụ, lợi thủy đạo, sát trùng.
Dân gian thường dùng với các đối tượng vi huyết quản dễ vỡ đứt, nó có tác dụng giải độc, trị nôn mửa, tràng nhạc, chữa mụn nhọt, ghẻ lở, giúp thông tiểu tiện, thông kinh nguyệt.
Chu Nhan vào năm 1949 có làm thử nghiệm như sau: Lấy Liên kiều hòa vào nước cất theo tỉ lệ 1:5. Sau đó đun sôi khoảng tầm 4 phút, rồi thấm dung dịch này bằng giấy lọc tiệt trùng. Tiến hành đặt lên hộp petri tụ cầu trùng Staphylococcus, liên cầu trùng Streptococcus đợi khoảng 24 giờ ở 37 độ C, thì nhận thấy vòng vô khuẩn đối với tụ cầu trùng là 10 - 14mm, còn đối với liên cầu trùng là 8 - 10mm.
Tiếp tục thử trên các vi trùng thương hàn, tả, trực trùng coli, tụ cầu, bạch hầu có vòng vô khuẩn 11 - 20mm là mạnh nhất , còn đối với các vi trùng lỵ, phó thương hàn, vi trùng sinh mủ, liên cầu tan huyết, phế cầu có vòng vô khuẩn 2 - 10mm thì yếu hơn.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn chưa xác định được chất gì có tính chất kháng sinh và cơ chế tác dụng kháng sinh của Liên kiều.
Trong trường hợp kết hợp với các vị thuốc khác thì ngày dùng khoảng 6 đến 12g. Còn trong trường hợp chỉ dùng Liên kiều thì dùng khoảng 10 đến 30g. Cách dùng có thể đem sắc với nước để uống hoặc để rửa bên ngoài da.
Đơn thuốc thứ nhất: Lấy hai phần bằng nhau gồm Liên kiều và vừng đen, sau đó tán nhỏ cho thật đều, ngày chia ra 3 lần uống, mỗi lần khoảng bốn gam.
Đơn thuốc thứ hai gồm nhiều vị: Theo kinh nghiệm truyền lại từ Diệp Quyết Tuyền thì đơn thuốc này gồm nhiều vị bao gồm: Liên kiều 8g, hài tảo 5g, cam thảo 5g, khô thảo 6g. Sau đó hòa với 600ml nước đem đun sôi sắc xuống 200ml thì ngừng đun. Trong ngày chia ra làm 3 lần uống.
Đơn thuốc chữa sưng vú: Bài thuốc này bao gồm các vị sau: Liên kiều 6g, kim ngân hoa 4g, gai bồ kết 3g, bồ công anh 5g. Sau đó đổ vào 500ml nước đem đun lên sắc còn 200ml nước. Trong ngày chia ra làm ba lần uống.
Trong khi sử dụng Liên kiều cần lưu ý các trường hợp sau:
Khi có khí hư xuất hiện các dấu hiệu như mụn nhọt, sốt, tiêu chảy, tỳ hư thì khuyến cáo không nên dùng liêu kiều.
Đối với các ung nhọt bị vỡ mủ ra ngoài hoặc bị hỏa nhiệt, tỳ vị suy yếu, phân đi lỏng cũng không nên sử dụng Liên kiều.
Tránh dùng Liên kiều trong khi đang sử dụng các thuốc chống đông máu như heparin, warfarin...
Mặc dù Liên kiều là thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng vẫn gặp các tác dụng phụ hoặc chống chỉ định. Vì vậy trước khi sử dụng thảo dược này cần tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế để biết cách sử dụng để tránh tác dụng phụ và đạt hiệu quả tốt nhất khi dùng thuốc. Hy vọng bài viết này hữu ích đối với bạn đọc và chúng tôi mong nhận sự phản hồi, quan tâm từ quý bạn đọc.
Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam_Đỗ Tất Lợi.
Tracuuduoclieu.vn: https://tracuuduoclieu.vn/lien-kieu.html.