Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thương hàn: Bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người sang người

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt là ở những nơi mà có tình hình vệ sinh nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà tiêu, hệ thống thoát nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu về bệnh thương hàn và cách phòng ngừa căn bệnh này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thương hàn là gì? 

Bệnh thương hàn là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, lây bằng đường tiêu hóa do vi khuẩn thương hàn Salmonella typhi hoặc Salmonella paratyphi A, B, C gây nên.

Biểu hiện lâm sàng là sốt từ từ hoặc đột ngột, tiêu chảy, bụng trướng, li bì mê sảng, có biến chứng viêm cơ tim, xuất huyết tiêu hóa và có thể thủng ruột,… Hiện nay có vaccine phòng bệnh do đó tỷ lệ mắc bệnh thương hàn giảm rõ rệt. Nhiều nước đã thanh toán bệnh thương hàn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hương hàn

Thời kỳ nung bệnh

Ít biểu hiện lâm sàng, tuy nhiên có một số trường hợp thời kỳ nung bệnh có biểu hiện như tiêu chảy hoặc táo bón. Thời gian ủ bệnh trung bình 10 – 15 ngày, nhưng cũng có trường hợp lâu đến 40 ngày.

Thời kỳ khởi phát

Thời kỳ khởi phát kéo dài từ 6 – 8 ngày. Phần lớn các triệu chứng xuất hiện từ từ.

Sốt tăng dần, lúc đầu sốt nhẹ, 37,50C, sau đó mỗi ngày sốt tăng thêm 0,50C, phần lớn sốt về chiều nhiều hơn buổi sáng, do đó nhiệt độ có hình bậc thang. Sốt trong vòng 7 – 8 ngày thì nhiệt độ lên đến 39,50C - 400C.

Thời kỳ toàn phát

Thời kỳ toàn phát (bắt đầu từ tuần lễ thứ 2 của bệnh), kéo dài 2 – 3 tuần. Thời kỳ này có các dấu hiệu chủ yếu như sốt hình cao nguyên, li bì, mê sảng, tay quờ quạng, tai nghễnh ngãng nghe kém, tiêu chảy, bụng trướng, các nốt hồng ban ở mạng sườn, viêm cơ tim, lách to.

Sốt: Nhiệt độ ở mức 39°5 - 40°C, sốt liên tục, nhiệt độ sáng chiều chênh nhau 0,5° đến 1°C. Đôi khi kèm theo rét run hoặc gai gai rét. Mạch phân ly với nhiệt độ, mặc dù sốt cao 40°C nhưng mạch ít khi quá 100 lần/phút, trừ khi có biến chứng viêm cơ tim thì mạch nhanh. Đôi khi có mạch đôi, huyết áp hơi hạ.

Triệu chứng về thần kinh: Nhức đầu, mệt mỏi, sợ ánh sáng, mất ngủ. Trường hợp nặng có biểu hiện mê sảng, li bì, bệnh nhân nằm thờ ơ với ngoại cảnh, nghe kém, tai nghễnh ngãng, bệnh nhân thường mê sảng ban đêm, nếu nặng thì mê sảng cả ban ngày, tay quờ quạng bắt chuồn chuồn.

Rối loạn tiêu hóa:

  • Chán ăn.

  • Lưỡi bựa trắng ớ giữa, rìa khô đỏ, môi khô, đôi khi nôn.

  • Bụng trướng, ấn hố chậu phải hơi đau, có tiếng óc ách, gõ đục hố chậu phải. Người ta gọi óc ách hố chậu phải là dấu hiệu Padalka dương tính.

  • Tiêu chảy ngày 3 - 4 lần, phân màu vàng, kéo dài 2 - 3 ngày. Tiêu chảy xen kẽ với táo bón.

Các nốt hồng ban (Taches rosées) là những nốt màu hồng nhạt, hinh tròn hoặc bầu dục, đường kính 2-3mm, khi ấn thì mất, không ngứa, mọc ở vùng bụng hai bên mạn sườn, vùng thắt lưng, vùng ngực hoặc phía trên đùi. Mỗi lần mọc khoảng 10 - 15 nốt, và khoảng 3 - 5 ngày thì lặn hết, khi lặn không để lại dấu vết ở da. Ban có thể mọc vài lần cách nhau 3 - 4 ngày. Phát hiện các nốt hồng ban rất có giá trị chẩn đoán lâm sàng bệnh thương hàn, tuy nhiên tỷ lệ gặp các nốt hồng ban trong bệnh thương hàn chỉ vào khoảng 7% đến 60%.

Thời kỳ lui bệnh

Từ ngày thứ 15 - 20 của bệnh, nhiệt độ hạ xuống từ từ theo hình bậc thang, mỗi ngày nhiệt độ hạ xuống 0,5° đến 1°C và sau 3 - 4 ngày thì nhiệt độ trở về bình thường.

Một số trường hợp nhiệt độ hạ xuống đột ngột, sau 1, 2 ngày nhiệt độ trở về bình thường. Một số trường hợp, trong thời kỳ lui bệnh, nhiệt độ giao động trước khi hết sốt.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thương hàn

Từ ngày có kháng sinh đặc hiệu điều trị bệnh thương hàn thì tỷ lệ biến chứng giảm rất nhiều, nhất là dùng kháng sinh đặc hiệu điều trị sớm. Nhưng khi vi khuẩn thưong hàn kháng thuốc hoặc điêu trị kháng sinh quá muộn vẫn còn xảy ra biến chứng trong bệnh thương hàn.

Những biến chứng ở bộ máy tiêu hóa:

  • Xuất huyết ở ruột thường xảy ra ở tuần lễ thứ 2 của bệnh. Nếu xuất huyết thì bệnh nhân đi ngoài ra phân màu đen. Nếu xuất huyết nặng do loét làm tổn thương đến mạch máu thì phân toàn máu tươi, nếu số lượng nhiều sẽ làm cho mất máu nhiều, da xanh, mệt lả, huyết áp hạ, đôi khi phải can thiệp phẫu thuật. Nhiều trường hợp xuất huyết nặng là báo hiệu trước của thủng ruột, do đó khi có xuất huyết phải tăng cường theo dõi bệnh nhân.

  • Thủng ruột: Phần lớn hay gặp ở những thể thương hàn nặng hoặc do điều trị muộn hoặc do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh làm điều trị không kết quả. Thủng ruột hay gặp vào tuần lễ thứ 2 – 3 của bệnh.

  • Viêm túi mật: Vi khuẩn thương hàn thường khu trú ở túi mật và viêm túi mật thường xảy ra ở tuần lễ thứ 2 của bệnh.

  • Tổn thương gan.

  • Viêm đại tràng thương hàn.

  • Viêm tuyến mang tai do vệ sinh răng miệng kém, bị bội nhiễm vi khuẩn khác.

  • Viêm miệng với các nốt loét ở cột trước màn hầu, ở lưỡi.

Biến chứng thần kinh:

  • Não viêm thương hàn.

  • Biến chứng viêm màng não.

  • Viêm tủy cấp.

  • Thương hàn kết hợp với hội chứng Guillain - Barré gây liệt mềm các chi, liệt đối xứng đồng thời trương lực cơ giảm.

Biến chứng tim mạch:

  • Viêm cơ tim;

  • Trụy tim mạch;

  • Viêm tĩnh mạch;

  • Viêm động mạch.

Biến chứng thận:

  • Suy thận chức năng cấp tính (tăng urê huyết ngoài thận) do rối loạn nước điện giải, do nôn và tiêu chảy, uống ít nước. Bệnh nhân hồi phục nhanh khi bù nước điện giải.

  • Tổn thương ống thận do truỵ tim mạch gây nên, nước tiểu ít.

  • Viêm thận trong bệnh thương hàn, nước tiểu có albumin, trụ niệu, hồng cầu, urê máu tăng.

  • Tăng urê huyết đơn thuần trong não viêm thương hàn.

  • Bội nhiễm vi khuẩn khác gây viêm đài bể thận có mủ.

Biến chứng về hô hấp:

  • Viêm thanh quản, đôi khi viêm loét hoại tử thanh quản ở trường hợp thương hàn nặng.

  • Áp xe phổi, viêm phổi khối hoặc viêm phế quản phổi.

  • Tràn dịch màng phổi, nuôi cấy dịch màng phổi phân lập được vi khuẩn thương hàn. Dịch màng phổi có mủ hoặc dịch tơ huyết.

Biến chứng xương khớp:

Viêm xương thương hàn thường gặp ở trẻ em, ít gặp ở người lớn. Thường hay gây tổn thương ở các xương dài như xương chày, viêm xương ở một hoặc hai bên.

Các khớp hay bị tổn thương là khớp sống cổ, khớp cùng chậu, khớp gối, khớp háng, khớp sống lưng. Khớp viêm, sưng, đau đơn thuần, đôi khi có thể hoá mủ.

Viêm xương khớp thường xuất hiện muộn vào thời kỳ bình phục hoặc khi bị tái phát. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thương hàn

Salmonella typhi (vi khuẩn thương hàn) và Salmonella paratyphi A (vi khuẩn phó thương hàn) chỉ gặp riêng ở người và người là nguồn bệnh duy nhất. Salmonella paratyphi B và C còn có thể phát hiện ở gia súc như gà, vịt, lợn bị nhiễm bệnh có thể lây lan sang người qua sữa, trứng, thịt nấu chưa chín.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) bệnh thương hàn?

Vi khuẩn thương hàn lây truyền qua đường tiêu hóa. Đa số các trường hợp mắc bệnh là do ăn phải thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm vi khuẩn mà không đun nấu kỹ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) bệnh thương hàn

Người đang bị thương hàn. Vi khuẩn được bài tiết ra qua phân, nước tiểu, chất nôn của người bệnh làm ô nhiễm môi trường bên ngoài. Đôi khi vi khuẩn có trong sữa bà mẹ bị thương hàn. Khi cấy phân, người ta nhận thấy 33% số bệnh nhân có vi khuẩn trong phân từ 11 đến 20 ngày và 11,5% có trong phân từ 21 đến 27 ngày. Vi khuẩn thương hàn bài tiết ra nước tiểu từ tuần thứ 2 của bệnh.

Người vừa khỏi bệnh. Khoảng 5% số bệnh nhân có vi khuẩn trong phân từ 1 tuần đến 3 tháng sau khi khỏi bệnh.

Người lành mang vi khuẩn mạn tính. Khoảng 2 – 3% số bệnh nhân bị thương hàn sau khi khỏi bệnh có mang vi khuẩn kéo dài đến 4 - 7 năm hoặc đôi khi đến 20 – 30 năm. Ở những người mang vi khuẩn mạn tính, vi khuẩn khu trú trong túi mật và thỉnh thoảng bài tiết qua phân và làm ô nhiễm môi trường và gây dịch. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thương hàn

Bác sĩ chẩn đoán bệnh thương hàn qua các triệu chứng của bệnh nhân, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm như:

  • Công thức máu.

  • Xét nghiệm về vi khuẩn: Cấy máu; Cấy tủy xương; Cấy phân, Cấy nước tiểu; Sinh thiết nốt hồng ban; Cấy dịch mật,…

  • Chẩn đoán huyết thanh.

  • Kỹ thuật PCR.

  • Phát hiện kháng nguyên S.typhi trong nước tiểu bệnh nhân thương hàn bằng kháng thể đơn dòng đặc hiệu.

Phương pháp điều trị bệnh thương hàn hiệu quả

Điều trị thuốc kháng sinh

Nếu những vùng chưa có hiện tượng đa kháng kháng sinh của vi khuẩn thương hàn. có thể dùng 1 trong các thuốc như sau:

  • Chloramphenicol 30 – 50mg/kg/ngày, điều trị trong 7-10 ngày hoặc

  • Ampicillin 50 - 100mg/kg/ngày, điều trị trong 7-10 ngày hoặc

  • Amoxicillin 50mg/kg/ngày, điều trị trong 7-10 ngày hoặc

  • Cotrimoxazol 40 - 60mg/kg/ngày, điều trị trong 7-10 ngày.

Ớ những vùng vi khuẩn thương hàn đã bị đa kháng kháng sinh. Dùng 1 trong các loại thuốc sau:

Cephalosporin thế hệ 3, dùng đường tiêm, dùng cho trẻ dưới 15 tuổi hoặc phụ nữ có thai:

  • Ceftriaxon 50 - 80mg/kg/ngày thời gian điều trị 7 ngày.
  • Cefotaxim, 50 - 8 0 mg/kg/ngày X 7 ngày.

Fluoroquinolon dùng cho người lớn:

  • Ciprofloxacin 20mg/kg/24 giờ (chia 2 lần), dùng trong 7 ngày (viên thuốc 500mg, uống 2 viên/ngày).
  • Ofloxacin (Oflocet, Zanocin): 10 - 15mg/kg/ngày X 7 ngày (viên 200mg, uống 2 viên/ngày, chia 2 lần).
  • Pefloxacin (Peflacin, Peflox): 15mg/kg/ngày, dùng trong 7 ngày (viên 400mg, ngày uống 2 viên).

Nếu vi khuẩn thương hàn kháng lại fluoroquinolon thì dùng azithromycin với liều lượng 10mg/kg/ngày uống trong 5 - 7 ngày (người lớn dùng 1g/ngày).

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thương hàn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Vệ sinh răng miệng để tránh viêm tuyến mang tai do bội nhiễm, vệ sinh thân thể, tránh loét.

  • Theo dõi sát tim mạch, huyết áp, nhiệt độ, tiêu hóa để phát hiện sớm các biến chứng như viêm cơ tim, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Nên ăn thức ăn lỏng, đầy đủ dinh dưỡng, cung cấp hằng ngày từ 1.200 – 1.500 calo.

Phương pháp phòng ngừa bệnh thương hàn hiệu quả

  • Tẩy uế sát trùng các chất thải của bệnh nhân bàng nước cresyl (4%), đồ vải cần phải khử trùng bằng nước Javel.

  • Nước sinh hoạt phải được khử khuẩn bằng chloramin B. Nước giếng phải thường xuyên khử khuẩn bằng chloramin B. Nước máy phải bảo đảm lượng chlor dư là 0,3 mg/lít.

  • Không ăn rau sống hoặc thực phẩm chưa nấu kỹ.

  • Tiêm phòng vaccine thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi và cứ sau 3 năm phải tiêm nhắc lại một lần.

Nguồn tham khảo
  1. Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới – Lê Đăng Hà

  2. https://vncdc.gov.vn/benh-thuong-han-nd14516.html

Các bệnh liên quan

  1. Lao xương

  2. Sùi mào gà

  3. Viêm não Nhật Bản

  4. Nhiễm Shigella

  5. Trùng roi sinh dục nữ

  6. Nhiễm Nocardia

  7. Viêm màng não lympho bào

  8. Bệnh sán lá phổi

  9. Bại liệt

  10. Lao hệ tiết niệu-sinh dục