Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lithium carbonate là gì? Tiêu chuẩn trong điều trị rối loạn lưỡng cực

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lithium carbonate từ lâu được biết là một thuốc để điều trị rối loạn lưỡng cực (rối loạn hưng - trầm cảm). Với các tác dụng giúp ổn định tâm trạng và giảm bớt hành vi cực đoan bằng cách khôi phục sự cân bằng của một số chất dẫn truyền thần kinh trong não.

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (hoạt chất)

Lithium carbonate

Loại thuốc

Thuốc chống hưng cảm.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang có hàm lượng 150 mg, 300 mg và 600 mg.

Chỉ định

Lithium carbonate là thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực (rối loạn hưng trầm cảm). Lithium carbonate có tác dụng ổn định tâm trạng, giảm bớt hành vi cực đoan bằng cách khôi phục lại sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh có trong não.

Lithium đã được sử dụng để điều trị rối loạn hưng trầm cảm từ thế kỷ XIX. Mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng cơ chế tác dụng của nó vẫn chưa được biết rõ. Lợi ích của việc sử dụng lithium carbonate được ghi nhận là giúp giảm tần suất xảy ra các cơn hưng cảm và giảm các triệu chứng của cơn hưng cảm như cảm giác hạnh phúc quá mức, cảm giác bị người khác làm hại, lo lắng, cáu kỉnh, thái độ hung hăng hay thù địch.

Lithium carbonate được chỉ định để đơn trị liệu điều trị các cơn hưng cảm cấp tính và hỗn hợp liên quan đến rối loạn lưỡng cực ở người bệnh ≥ 7 tuổi. Lithium carbonate cũng được chỉ định như một liệu pháp điều trị duy trì rối loạn lưỡng cực ở người bệnh ≥ 7 tuổi.

Lithium carbonate là gì? Tiêu chuẩn trong điều trị rối loạn lưỡng cực 1
Công thức hoá học của lithium carbonate

Dược lực học

Cơ chế hoạt động của lithium carbonate vẫn chưa được hiểu rõ. Tác dụng chữa bệnh của lithium có thể liên quan một số cơ chế như ức chế các enzyme bao gồm glycogen synthase kinase 3, inositol phosphatase hoặc điều chỉnh các thụ thể glutamate.

Mặc dù chưa được làm rõ cơ chế, nhưng lý tuyết cạn kiệt inositol gợi ý 3 mục tiêu tiềm năng chính. Các mục tiêu này bao gồm inositol monophosphatase, inositol polyphosphatase và glycogen synthase kinase 3.

Lý thuyết suy giảm inositol cho thấy lithium hoạt động như một chất ức chế không cạnh tranh của inositol monophosphatase theo cách tỷ lệ nghịch với mức độ kích thích. Sự ức chế này làm giảm nồng độ của inositol triphosphate. Tuy nhiên, các chất ức chế inositol monophosphatase mạnh hơn lại không cho thấy hiệu quả trên lâm sàng, và nồng độ thấp của inositol triphosphate có liên quan đến tình trạng suy giảm trí nhớ.

Hoạt động của lithium trên inositol polyphosphatase giống như một chất ức chế không cạnh tranh. Sự ức chế này được cho là dẫn đến nhiều tác động nhưng vẫn chưa được làm rõ.

Lithium điều chỉnh quá trình phosphoryl hóa glycogen synthase kinase 3 và điều chỉnh các enzyme khác thông qua quá trình phosphoryl hoá. Lithium cũng có thể ức chế glycogen synthase kinase 3 thông qua việc can thiệp vào ion magie ở vị trí hoạt động.

Lithium carbonate là gì? Tiêu chuẩn trong điều trị rối loạn lưỡng cực 2
Lithium carbonate có thể được chiết xuất từ hai nguồn chính là nguyên khoáng chất pegmatite hoặc nước muối

Động lực học

Hấp thu

Sự hấp thu lithium nhanh chóng và khả dụng sinh học qua đường uống gần như 100%.

Phân bố

Lithium carbonate có thể tích phân bố biểu kiến là 0,7 đến 1 L/kg.

Chuyển hóa

Lithium carbonate không được chuyển hoá trước khi bài tiết.

Thải trừ

Thời gian bán huỷ của lithium carbonate là 18 đến 36 giờ, một số tài liệu khác cho dữ kiện có thể là từ 7 đến 20 giờ. Lithium carbonate được bài tiết qua thận, độ thanh thải nằm trong khoảng từ 10 đến 40 ml/phút nhưng có thể thấp tới 15 ml/phút ở người bệnh cao tuổi và những người có suy thận.

Lithium carbonate là gì? Tiêu chuẩn trong điều trị rối loạn lưỡng cực 3
Lithium là tiêu chuẩn vàng trong điều trị rối loạn lưỡng cực

Tương tác thuốc

Tương tác với thực phẩm

Lithium carbonate có thể tương tác một số thực phẩm như rượu, các thực phẩm chứa iốt và caffeine.

Tương tác với thuốc khác

Lithium carbonate có thể tương tác với một số loại thuốc khác nhau, bao gồm:

  • Buspirone;
  • Fentanyl;
  • St. John's wort;
  • Tramadol;
  • Nhóm thuốc triptan điều trị đau đầu migraine;
  • Tryptophan;
  • Thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần;
  • Chất ức chế MAO như isocarboxazid, linezolid, xanh methylen tiêm mạch, phenelzine, rasagiline, selegiline, tranylcypromine.

Đây chưa phải là danh sách đầy đủ về tương tác thuốc của lithium carbonate. Lithium carbonate có thể tương tác với nhiều thuốc khác bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin và thảo dược. Do đó, bạn hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng bất cứ thuốc nào trước khi được kê đơn lithium carbonate.

Lithium carbonate là gì? Tiêu chuẩn trong điều trị rối loạn lưỡng cực 4
Lithium carbonate có thể tương tác với các thuốc khác

Chống chỉ định

Chống chỉ định dùng lithium carbonate ở những bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong viên nang lithium carbonate.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Liều dùng ở người lớn cho chứng hưng cảm như sau:

  • Cơn hưng cảm cấp tính: 1800 mg/ngày.
  • Kiểm soát duy trì: có thể dùng từ 900 đến 1200 mg/ngày.

Liều người lớn thông thường cho chứng rối loạn lưỡng cực:

  • Kiểm soát cấp tính: 1800 mg/ngày.
  • Kiểm soát lâu dài: có thể dùng từ 900 đến 1200 mg/ngày.

Trẻ em

Liều trẻ em (từ 12 tuổi trở lên) cho chứng hưng cảm như sau:

  • Kiểm soát cấp tính: 1800 mg/ngày.
  • Kiểm soát duy trì: có thể từ 900 đến 1200 mg/ngày.

Liều trẻ em từ 12 tuổi trở lên cho chứng rối loạn lưỡng cực:

  • Kiểm soát cấp tính: 1800 mg/ngày.
  • Kiểm soát lâu dài: 900 đến 1200 mg/ngày.

Cách dùng

Có nhiều nhãn hiệu khác nhau của thuốc lithium carbonate, bạn hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lithium có dạng viên nén, viên nang, viên nén giải phóng kéo dài (tác dụng kéo dài) và dung dịch (chất lỏng) để uống:

  • Đối với dạng viên nén, viên nang và dung dịch thường được uống ba đến bốn lần một ngày. Đối với viên nén giải phóng kéo dài thường được dùng hai đến ba lần một ngày.
  • Uống lithium vào những thời điểm giống nhau mỗi ngày. Thuốc được uống cùng hoặc ngay sau bữa ăn để có thể giảm các tác dụng phụ trên đường tiêu hoá. Hãy làm theo hướng dẫn trên nhãn thuốc một cách cẩn thận và yêu cầu bác sĩ hoặc dược sĩ giải thích bất kỳ phần nào bạn không hiểu.
  • Bạn cần dùng lithium đúng theo chỉ dẫn. Không dùng nhiều hơn hoặc ít hơn hoặc dùng thường xuyên hơn so với chỉ định của bác sĩ.
  • Đối với viên thuốc giải phóng kéo dài, nuốt nguyên viên thuốc khi uống, không tách, nhai hoặc nghiền nát nó vì điều đó có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc.
  • Bác sĩ có thể tăng hoặc giảm liều thuốc trong quá trình điều trị. Thực hiện theo các hướng dẫn này một cách cẩn thận.
  • Khi uống thuốc, mỗi ngày bạn cần uống từ 8 đến 12 ly nước và duy trì một chế độ ăn lành mạnh với lượng muối (natri) không đổi theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia.
Lithium carbonate là gì? Tiêu chuẩn trong điều trị rối loạn lưỡng cực 5
Cần uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn

Tác dụng phụ

Thường gặp

Các tác dụng phụ thường gặp có thể gặp bao gồm:

  • Chóng mặt, buồn ngủ;
  • Run rẩy ở tay;
  • Khó đi lại;
  • Khô miệng, khát nước hoặc đi tiểu nhiều;
  • Buồn nôn, nôn, chán ăn;
  • Phát ban;
  • Mờ mắt.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của lithium carbonate, những tác dụng phụ khác có thể sẽ xảy ra. Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào khi dùng thuốc.

Ít gặp

Bạn cũng nên ngừng thuốc và tìm kiếm sự giúp đỡ y tế khi gặp các tác dụng phụ của hội chứng serotonin như kích động, ảo giác, sốt, đổ mồ hôi, run, nhịp tim nhanh, cứng cơ, co giật, mất khả năng phối hợp, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.

Hiếm gặp

Một vài tác dụng không mong muốn có thể nghiêm trọng và cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp. Bạn hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp một trong các triệu chứng sau khi sử dụng lithium carbonate:

  • Mệt mỏi bất thường;
  • Khát;
  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Chuyển động chậm, bất thường hoặc khó kiểm soát;
  • Ngất;
  • Co giật;
  • Chóng mặt hoặc choáng váng;
  • Nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều;
  • Hụt hơi;
  • Tức ngực;
  • Lú lẫn;
  • Ảo giác;
  • Mắt lác;
  • Ngón tay và ngón chân đau, lạnh hoặc đổi màu;
  • Đau đầu;
  • Sưng bàn chân, mắt cá hoặc cẳng chân.

Lưu ý

Lưu ý chung

Khi sử dụng lithium carbonate bạn cần chú ý các điều sau:

  • Tránh uống rượu vì rượu làm tăng nồng độ huyết thanh của lithium.
  • Tránh các thực phẩm hoặc các chất bổ sung có chứa i-ốt, vì i-ốt và lithium có thể hiệp đồng gây ra bệnh suy giáp.
  • Hạn chế uống cà phê hoặc các đồ uống chứa caffeine, caffeine có thể làm giảm nồng độ của lithium.
  • Hãy uống cùng với bữa ăn vì thức ăn có thể làm giảm rối loạn tiêu hoá khi dùng lithium.
Lithium carbonate là gì? Tiêu chuẩn trong điều trị rối loạn lưỡng cực 6
Uống thuốc cùng hoặc ngay sau bữa ăn để hạn chế các tác dụng phụ trên đường tiêu hoá

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không tự ý sử dụng lithium carbonate mà không báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai. Lithium carbonate có thể gây hại cho thai nhi. Sử dụng biện pháp ngừa thai hiệu quả và báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có thai trong quá trình điều trị với lithium carbonate để được chỉnh liều và theo dõi một cách hiệu quả.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Vì lithium carbonate có thể bài tiết qua sữa mẹ, do đó, sẽ có các tác dụng phụ nhất định cho trẻ sơ sinh. Nếu bạn đang cho con bú, hãy sử dụng thuốc theo chỉ định và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Lithium carbonate có thể gây ra tác dụng phụ làm suy giảm khả năng suy nghĩ hoặc phản ứng của bạn. Hãy cẩn thận nếu bạn lái xe hoặc làm bất cứ công việc nào cần sự tỉnh táo và tập trung. Bạn có thể cần tránh lái xe nếu thấy lithium ảnh hưởng đến suy nghĩ và phản ứng của bạn.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Độc tính của lithium carbonate có thể gây tử vong. Lithium carbonate là một thuốc có phạm vi an toàn hẹp, và có thể xảy ra độc tính nếu bạn dùng hơn liều khuyến cáo một chút.

Cách xử lý khi quá liều

Hãy ngừng ngay việc sử dụng lithium và báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được trợ giúp ngay lập tức nếu bạn có triệu chứng quá liều và ngộ độc lithium. Các triệu chứng có thể bao gồm yếu cơ, co giật, buồn ngủ, choáng váng, thay đổi tâm trạng, mờ mắt, ù tai, nhịp tim không đều, lú lẫn, nói ngọng, vụng về, khó thở hoặc co giật.

Quên liều và xử trí

Khi quên một liều, bạn nên dùng thuốc càng sớm càng tốt. Nhưng hãy bỏ qua liều thuốc đã quên nếu gần đến giờ uống liều thứ hai, không dùng hai liều thuốc cùng một lúc.

Lithium carbonate là gì? Tiêu chuẩn trong điều trị rối loạn lưỡng cực 7
Gọi cho bác sĩ hoặc liên hệ cơ sở y tế khẩn cấp nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng
Nguồn tham khảo

Tên thuốc gốc: Lithium carbonate

  1. Lithium carbonate: https://go.drugbank.com/drugs/DB14509
  2. Lithium Carbonate ER - Uses, Side Effects, and More: https://www.webmd.com/drugs/2/drug-5887-795/lithium-carbonate-oral/lithium-controlled-release-oral/details
  3. Lithium Carbonate Prescribing Information: https://www.drugs.com/pro/lithium-carbonate.html
  4. Process for preparing highly pure lithium carbonate: https://patents.google.com/patent/EP2536663B1/en
  5. Oxidative decomposition mechanisms of lithium carbonate on carbon substrates in lithium battery chemistries: https://www.nature.com/articles/s41467-022-32557-w
  6. Lithium treatment in the era of personalized medicine: https://analyticalsciencejournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/ddr.21660
  7. Low Dose Lithium Treatment of Behavioral Complications in Alzheimer's Disease: Lit-AD Randomized Clinical Trial: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1064748121003122
  8. Lithium treatment of Bipolar disorder in adults: A systematic review of randomized trials and meta-analyses: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0924977X21007744
  9. Lithium Treatment in the Prevention of Repeat Suicide-Related Outcomes in Veterans With Major Depression or Bipolar Disorder (A Randomized Clinical Trial): https://jamanetwork.com/journals/jamapsychiatry/article-abstract/2786428
  10. Efficacy and Effectiveness of Lithium in the Long-Term Treatment of Bipolar Disorders: An Update 2018: https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/html/10.1055/a-0627-7489
  11. ​​Lithium: https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a681039.html

Ngày cập nhật: 12/03/2024