Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cây Lức là một cây mọc hoang tại miền bước mặn như Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình (vùng chợ cồn đi Hải Triều). Cây Lức có tác dụng: Hạ nhiệt, giảm sốt, giảm huyết áp, chữa sốt rét, chữa đau đầu, giải khát, chữa tức ngực khó thở, giảm ho, thương hàn, điều kinh (Rễ sắc uống). Lá đem xông để chữa đau lưng, mỏi lưng.
Tên tiếng việt: Lức (Lá và Rễ).
Tên khác: Lức; lức cây; Sài hồ nam; Nam sài hồ.
Tên khoa học: Pluchea pteropoda Hemsley.
Họ: Asteraceae (Cúc).
Cây lức là một loại cỏ sống lâu năm, thâm mẫm chắc, cao 30 - 40cm, có thể cao tới 70cm, mang khá nhiều lá ở phía trên. Lá mọc cách, hình thìa, phía cuống hẹp lại, mép có răng cưa, lá dày, vò có mùi thơm, mặt trên xanh hơn mặt dưới, dài 3 - 5cm , rộng 1,5 - 2cm. Cụm hoa hình đầu, màu đỏ nhạt, gần như không cuống, họp thành 2 đến 4 ngù. Lá bắc rất nhẵn, hình bầu dục, lá bắc trong nhỏ hơn.
Quả bế, có 10 cạnh hình trụ. Mùa ra hoa, quả: Từ tháng 5 đến tháng 7.
Cây lức phân bố chủ yếu ở các vùng duyên hải nhiệt đới của châu Á, từ phía nam Trung Quốc đến Việt Nam, Campuchia, Thái Lan. Ở Việt Nam, cây lức là một cây mọc hoang tại miền bước mặn như Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình (vùng chợ cồn đi Hải Triều). Cây lức đặc biệt thích nghi với vùng nước lợ; cây còn có thể sinh trưởng tốt ở vùng nước ngọt hoặc vùng nước nhiễm mặn nên sinh cảnh chủ yếu của cây lức là ở cửa sông, ven kênh rạch, ven đường, ở các bờ ruộng cao ven biển.
Cây lức là cây ưa sáng, thường mọc từng khóm đơn độc; Đôi khi chúng cũng hình thành các quần thể tương đối điển hình dọc theo các bờ kênh. Cây ra hoa, quả hàng năm. Hạt giống được lan truyền nhờ gió hoặc dòng nước. Những cây trưởng thành có thể chịu úng trong vài ngày vào mùa mưa.
Bộ phận dùng của cây lức là rễ và lá.
Rễ thu hái quanh năm, sau khi đào, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô có thể tẩm rượu hay mật ong sao thơm.
Những cành có lá non cũng được thu hái quanh năm và dùng tươi, phơi khô hoặc nấu cao.
Phần trên mặt đất của cây lức chứa các hợp chất triterpenoid như taraxasteryl acetat. Còn chiết từ rễ thu được Hop ‐ 17 (21) ‐en ‐ 3β ‐ yl acetate, 2- (pent-1,3-diynyl) -5- (3,4-dihidroxybut-1- ynyl) -tiophene.
Người ta nghiên cứu thấy các hoạt chất trong cây lức có tác dụng ức chế 1 số loại vi khuẩn thường gây bệnh ở người như Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Proteus mirabilis và Proteus vulgaris.
Lá và rễ cây lức có vị mặn, hơi đắng, tính mát, có tác dụng phát tán phong nhiệt, lợi tiểu, điều kinh.
Các tác giả Lê Minh Xuân, Phạm Thị Bích Thuận (Viện Y học dân tộc) đã nghiên cứu tác dụng dược lý của viên cảm cúm sản xuất từ cây lức và đã có một số nhận xét: Trên chuột cống trắng gây sốt bằng men bia, viên này dùng với liều 0,3 g/kg thân trọng, làm hạ thân nhiệt 0,2°C sau khi dùng thuốc 3 giờ. sử dụng viên cảm cúm trên lâm sàng cho 45 bệnh nhân có sốt thì sau khi dùng thuốc 30 phút có 40 bệnh nhân hạ sốt, trong đó có 68,9% trường hợp hạ sốt từ 0,5 đến 1,5°C.
Các tác giả Lưu Thị Thiên Hương và Phan Văn Minh đã nghiên cứu tác dụng dược lý và hiệu quả điều trị trên lâm sàng của chè giải cảm, trong đó thành phần chủ yếu là lá cây lức và đã kết luận: Trên động vật thí nghiệm, chè giải cảm có tác dụng hạ nhiệt rõ rệt (hạ 0,63°C), kèm lợi tiểu, làm tăng nhu động ruột, không có tác dụng lợi mật. Trên lâm sàng, chè giải cảm có tác dụng hạ sốt kéo dài, lợi tiểu nhẹ, an thần, giảm đau, không ảnh hưởng đến hô hấp và huyết áp.
Cây lức được dùng thay cho cây sài hồ bắc để hạ sốt, chữa cảm, cúm. Ngày từ 8-20g.
Thường phối hợp các vị thuốc khác như Tía tô, Kim ngân hoa, Mạn kinh tử, Kinh giới, Cam thảo đất.
Lá cây lức có mùi thơm, có thể dùng để xông. Người dân giã nát là cùng với cành non, thêm một ít rượu xào nóng, đắp lên vị trí đau nhức 2 bên thắt lưng giúp chữa đau nhức.
Chữa sốt cao kèm theo nhức đầu, khát nước:
Rễ sài hồ nam 20g, ngũ gia bì 20g, rau má 16g lá tre 12g, cam thảo dây 12g, bán hạ 12g sao vàng gừng tươi 6g. Tất cả phơi khô, sắc với 400ml còn 100ml chia làm 2 lần uống trong ngày trước bữa ăn.
Viên cảm cúm của Viện Y học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh:
Mỗi viên có bột lá sài hồ nam 150mg, cao cùng cây (1:1) 100mg, bột trần bì 24mg, bột cam thảo nam 16 mg, bột thủy xương bồ 24mg, bột lá bạc hà 24mg, bột mịn phèn phi 20mg. Ngày uống 2 - 4 viên chia làm 2 lần.
Chè giải cảm:
Lá sài hồ nam 4 phần, nhân trần 1 phần, bạc hà 1 phần, cam thảo nam 1 phần. Hãm uống như trà.
Kiêng kỵ:
Người âm hư và can dương vượng kiêng dùng.
Phụ nữ có thai không tự ý sử dụng.
1. https://tracuuduoclieu.vn/sai-ho-nam.html
2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi