Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Lược vàng

Lược vàng: Loại cây có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Lược vàng được trồng ở Trung và Nam Mỹ từ lâu, một số được trồng ở Nga và sau đó về Việt Nam. Lược vàng xuất hiện gần như trên cả nước, ngày nay đi đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp loại cây này. Lược vàng có công dụng điều trị: Viêm răng lợi, sâu răng, viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho, cảm cúm,...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Lược vàng hay Lan vòi.

Tên khoa học: Callisia fragrans (Lindl.) Woodson.

Họ: Commelinaceae (Thài lài).

Đặc điểm tự nhiên

Cây thân cỏ, sống nhiều năm, thân mọng nước, dài từ 20 đến 50cm đôi khi có thể tới 100cm hoặc hơn, phân nhánh với thân bò ở gốc.

Lá là loại lá sáp, tập trung ở trên ngọn thân, rải rác ở phần dưới mọc so le hoặc mọc đợn. Lá có dạng mác, thuôn, dài từ 18cm đến 25cm, rộng từ 3,5cm đến 4cm, gân lá nổi rõ, bao quanh thân, có lông và thường có sọc, màu tía.

Hoa Lược vàng mọc thành chùm gồm 2 đến 3 hoa dạng xim, trên phát hoa có dạng hình hoa chùy dài đến 60cm, mỗi cặp xim được ôm bởi các lá bắc hình răng cưa (3 răng) dài 10mm đến 15mm; lá đài màu trắng, trong suốt, khô xác, hình mác, dài 5mm đến 6mm; cánh hoa hình trứng hẹp; nhị 6, bóng, trong suốt, trắng và mỏng.

Cây ra hoa chủ yếu vào mùa xuân.

luoc vang 1
Cây lược vàng

Phân bố, thu hái, chế biến

Nhiều tài liệu ghi rằng cây được trồng ở Trung và Nam Mỹ từ lâu, một số được trồng ở Nga và sau đó về Việt Nam. Lược vàng xuất hiện gần như trên cả nước, ngày nay đi đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp loại cây này. Với hình dáng dẹp, cây có thể làm cảnh hay làm thảo dược.

Lược vàng được thu hái quanh năm, đem về phơi khô để dùng dần.

Bộ phận sử dụng

Tất cả các bộ phận rễ, thân, lá của lược vàng đều có thể làm thuốc.

Thành phần hoá học

Năm 2008, nhóm nghiên cứu của TS. Trịnh Thị Điệp ở Viện Dược liệu đã xác định sơ bộ thành phần hoá học của thân và lá của Lược vàng gồm có: Flavonoit, carotenoit, phytosterol, axit hữu cơ, chất béo, đường tự do và polysacharit.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Ở Việt Nam, cây lược vàng được dùng theo kinh nghiệm hoặc truyền miệng để chữa (hoặc làm giảm) các bệnh như: Viêm răng lợi, sâu răng, viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho, cảm cúm, viêm phế quản, hen suyễn, viêm tai giữa, thối tai, băng huyết, cầm máu, chữa bỏng, nhức đầu, mất ngủ, viêm bờ mi mắt, viêm kết mạc, mẩn ngứa, trĩ, đau dạ dày, táo bón, gút, ung thư vú, ung thư dạ dày

Ngoài ra, Lược vàng còn khả năng chống oxy hóa, hỗ trợ điều trị đái tháo đường và làm hạ lipid máu.

Lược vàng được người dân sử dụng bằng các cách đơn giản như:

  • Nhai lá, nuốt cả nước và bã.

  • Giã nát, đắp vết thương, xoa bóp, dịt băng cầm máu, làm tan máu tụ, bầm tím.

  • Toàn cây, thái mỏng, ngâm với rượu hoặc cồn 70 độ sau vài tuần, chiết lấy nước dùng bôi ngoài.

  • Phơi khô lá, nấu nước uống như uống nước chè.

  • Nấu cao, rồi pha loãng uống hoặc bôi da.

Luoc vang 2
Một trong những công dụng của cây Lược vàng là chữa sâu răng

Theo y học hiện đại

Nghiên cứu TS. Shantanova, Viện Sinh học Thực nghiệm Nga chứng tỏ tác dụng giảm nồng độ malondialdehyde (MDA - sản phẩm của quá trình peroxy-hoá lipid) ở nước ép búp non Lược vàng trên động vật thực nghiệm.

Nghiên cứu này cũng cho thấy dịch ép nước búp non Lược vàng có tác dụng tăng hoạt động của cơ.

Một nhóm các nhà khoa học ở trường Đại học Ben-Gurion, Israel đã chứng minh dịch chiết cồn lá Lược vàng có khả năng ức chế virus HSV-1 và HSV-2 ở nồng độ EC50 là 16,5 và 15µg/ml. Còn dịch chiết nước lá Lược vàng lại có tác dụng với chủng VZV với liều EC 50 là 17µg/ml chứ không ức chế virus HSV-1 và HSV-2.

Liều dùng & cách dùng

Cách dùng

Có thể nhai, đắp, hãm, sắc lấy nước hoặc ngâm rượu lá lược vàng để dùng.

Liều dùng

Tùy vào bệnh mà sử dụng liều khác nhau (tham khảo các bài thuốc kinh nghiệm bên dưới).

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa đau răng, sưng mộng chân răng: Nhai, ngậm lá Lược vàng mỗi ngày 3 lần vào các buổi sáng, trưa và tối cho đến khi khỏi vẫn sử dụng thêm một thời gian để điều trị triệt để.

Bệnh huyết áp thấp: Uống rượu ngâm Lược vàng 2 buổi trưa, tối trước ăn, mỗi lần 15 giọt, buổi sáng sớm và tối ăn 1 lá, kết hợp tập thể dục.

Viêm khớp: Vừa uống vừa xoa bóp bên ngoài, hoặc cũng có thể dùng Lá lược vàng giã nhỏ rồi đắp lên vị trí đau khớp, một ngày đắp vài lần là khỏi, không cần uống.

Bệnh trĩ: Nhai lá Lược vàng già, 3 lá mỗi ngày.

Bị thương chảy máu hoặc bị bầm tím, rạn xương: Lá Lược vàng già đem nhai rồi đắp lên vùng bị thương, băng lại, hoặc dùng rượu cây Lược vàng xoa bóp lên chỗ thương, vết mổ, ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 30 phút.

Chữa sỏi thận: Ăn lá hoặc uống rượu, hoặc vừa ăn vừa uống.

Các bệnh về mắt như đục thủy tỉnh thể mắt, đau mắt hột: Lá lược vàng giã nát rồi đắp lên, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút.

Các bệnh về miệng như lở miệng, nhiệt miệng: Lá lược vàng nhai rồi ngậm, mỗi lần ngậm một lá từ 20 – 30 phút, ngày ngậm 2 đến 3 lần.

Các bệnh về xương, khớp như bị đau, thoái hóa xương ở các loại xương cổ, xương cột sống, xương tay, chân: Dùng rượu Lược vàng xoa bóp 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút, kết hợp ăn mỗi ngày 3 lá vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối.

Lưu ý

Không nên uống Lược vàng cùng lúc với các thuốc khác đặc biệt là tân dược.

Không nên dùng dạng rượu trên người bị viêm – xơ gan, tăng huyết áp hoặc tăng đường huyết chưa kiểm soát tốt, người không uống được ruợu.

Lược vàng có tính mát nên người có cơ địa lạnh không uống Lược vàng vào buổi tối.

Trẻ em nhỏ hơn 5 tuổi nên dùng bôi hoặc đắp ngoài.

Nguồn tham khảo