Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Mã đề là loài cây mọc khắp các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Mã đề có tác dụng lợi phế, thanh nhiệt, thông tiểu, tiêu thũng. Vì vậy, từ ngày xưa, nhân dân ta đã sử dụng Mã đề trong điều trị viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, ho, bỏng, chốc lở ở trẻ em...
Tên Tiếng Việt: Mã đề (Lá).
Tên khác: Cây bông mã đề; xạ tiền thảo; rau mã đề; bông lá đề.
Tên khoa học: Plantago major L là một loại thực vật có hoa thuộc họ Plantaginaceae (họ Mã đề).
Mã đề là loại cây thân thảo, sống hằng năm. Thân cây ngắn, hầu như không có. Lá hình trứng, đầu tù có mũi nhọn, rộng khoảng 3,5 - 8 cm, dài 5 - 12cm, mọc thành hình hoa thị. Mép lá nguyên hoặc có răng cưa nhỏ, không đều; gân lá hình cung. Cuống lá mọc loe ở gốc, dài khoảng 5 - 10 cm.
Cụm hoa có cán dài hơn lá, mọc ở kẽ lá. Hoa Mã đề nhỏ, có lá bắc hình trứng và ngắn hơn đài. Đài dính nhau ở gốc, gồm 4 thuỳ hơi có gờ. Tràng hoa xếp xen kẽ với các lá đài, mỏng và khô xác, có 4 thuỳ hình tam giác nhọn. Nhị 4, chỉ nhị mảnh; bầu 2 ô hình cầu.
Quả nang dài 3,5 - 4 mm, hình chóp thuôn, mở bằng một nắp nứt ngang trên các lá đài. Hạt Mã đề màu nâu hoặc đen bóng, hơi dẹt.
Mùa hoa quả vào tháng 5 - 8.
Thế giới: Mã đề phân bố ở tất cả các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của các châu lục. Những nơi Mã đề mọc hoang hoặc được trồng trọt nhiều bao gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippin, Lào, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ, một số tỉnh phía nam Trung Quốc...
Việt Nam: Mã đề mọc hoang ở vùng núi, phân bố ở độ cao lên đến hơn 1600 m như ở Mèo Vạc và Đồng Văn (Hà Giang). Ngoài ra, cây còn mọc ở một số đảo lớn như Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh), Hòn Mê (Thanh Hóa)...
Thu hái: Thu hoạch lá sau 7 - 8 tháng kể từ khi trồng (lúc cây sắp hoặc đang ra hoa).
Chế biến: Rửa sạch đất cát, phơi khô hoặc sấy khô.
Bảo quản: Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
Phần thân trên mặt đất (đa số là lá), được lại là xa tiền thảo.
Lá Mã đề chứa iridoid (catalpol, aucubosid), acid phenoic và este phenyl propanoic của glycosid, majoroside, chất nhầy với hàm lượng 20%.
Ngoài ra, trong Mã đề còn có nhiều flavonoid như: Quercetin, apigenin, baicalein, scutelarein, hispidulin (5,7,4’-trihydroxy-6-methoxy flavone), luteolin-7-glucuronide, luteolin-7-glucosid, homoplantaginin (=7-O-β-D-glucopyranosyl-5,4'-dihydroxy-6-methoxyflavone), nopirin (=7-O-β-D-glucopyranosyl-5,3',4'-trihydroxy-6- methoxyflavone), 7-O-β-D-glucopyranosyl-5,6,3',4'-trihydroxyflavone).
Mã đề còn chứa nhiều chất khác như acid cimaric, acid caffeic, acid ferulic, acid chlorogenic, acid p-coumaric, caroten, vitamin C, vitamin K.
Lá Mã đề có vị nhạt, tính mát, quy vào 4 kinh: Can, phế, thận, tiểu tràng; có tác dụng lợi phế, thanh nhiệt, thông tiểu, tiêu thũng.
Công dụng: Mã đề được dùng để chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu, tiểu ra máu hoặc ra sỏi, đau mắt, sưng đỏ mắt, tiêu chảy, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi.
Tác dụng trên đường hô hấp
Hoạt chất plantagin làm tăng tiết niêm dịch phế quản, ức chế trung khu hô hấp (giảm hưng phấn thần kinh), làm thở sâu và chậm (điều hoà hô hấp).
Mã đề các tác dụng ức chế trung tâm hô hấp và trung tâm ho, ức chế phản xạ ho gây nôn. Thuốc bào chế phối hợp mã đề với terpin có tác dụng điều trị các bệnh viêm cấp tính đường hô hấp trên do siêu vi và không do siêu vi, giảm phản xạ, làm nhẹ quá trình cương tụ niêm mạc hô hấp, có tác dụng long đờm, phục hồi giọng nói trong viêm thanh quản cấp và chữa ho tốt.
Tác dụng kháng khuẩn
Hoạt chất plantamajosid có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn E.coli và tụ cầu vàng.
Kháng khuẩn với một số chủng gây bệnh ở da. Mã đề tán bột chế thành thuốc đắp lên mụn nhọt có thể làm cho mụn đỡ mưng mủ và viêm tấy.
Tác dụng điều trị bỏng
Thuốc mỡ bào chế từ nước sắc mã đề đậm đặc 100% điều trị bỏng do vôi, nước sôi, lửa với diện tích bỏng 2 - 45% đạt kết quả tốt. Vết bỏng đỡ nhiều trùng, ít mủ, giảm mùi hôi thối, lên da non tốt, thịt phát triển đều, không sần sùi, giảm được lượng thuốc kháng sinh dùng toàn thân.
Tác dụng trên đường tiết niệu
Nước sắc Mã đề có tác dụng lợi tiểu, làm tăng lượng nước tiểu, ure, acid uric và muối trong nước tiểu.
Tác dụng trên gan
Cao cồn Mã đề có tác dụng bảo vệ gan rõ rệt đối với tổn thương gan gây carbon tetraclorid trên động vật.
Ngày dùng 10 - 20 g Mã đề (toàn thân).
Dùng ngoài hoặc sắc lấy nước, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Trị viêm cầu thận cấp tính
Mã đề, ma hoàng, thạch cao, đại táo thêm quế chi và cam thảo 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc.
Trị viêm cầu thận mạn tính
Mã đề 16g; phục linh, hoàng bá, rễ cỏ tranh, liên cần, mỗi vị 12g; mộc thông, trư linh, mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc.
Trị viêm bàng quang cấp tính
Mã đề 16g; hoàng liên, phục linh cần, hoàng bá, mỗi vị 12g; trư linh, rễ cỏ tranh, mộc thông, mỗi vị 8g, bán hạ chế và hoạt thạch. Sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc.
Trị viêm đường tiết niệu cấp
Mã đề 20g; bồ công anh, hoàng cầm, lá chi tử, mỗi vị 15g; kim tiền thảo, cỏ nhọ nồi, ích mẫu, rễ cỏ tranh, cam thảo, mỗi vị vài gram. Sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc, sử dụng liên tục trong vòng 10 ngày.
Trị viêm bể thận cấp tính
Mã đề tươi, rễ cỏ tranh tươi, mỗi vị 50g; cỏ bấc đèn tươi 500g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần và uống trong khoảng 5 – 7 ngày.
Trị sỏi bàng quang
Mã đề, rau diếp cá, kim tiền thảo, mỗi vị 30g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần và uống liên tục trong 5 ngày.
Trị sỏi đường tiết niệu
Mã đề, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g, kim tiền thảo 30g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc, uống nhiều lần trong một ngày tương tự uống trà.
Trị tiểu ra máu
Lá mã đề, lá ích mẫu, mỗi vị 12g. Giã nát, vắt lấy nước cốt uống.
Giảm ho, tiêu đờm
Mã đề 10g; cát cánh và cam thảo, mỗi vị 2g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc.
Trị phổi nóng và ho dai dẳng
Rửa sạch 20 - 50g mã đề tươi, sắc kỹ và uống nóng 3 lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 3 giờ.
Trị viêm gan siêu vi
Mã đề, lá mơ, chi tử, mỗi vị 20g; nhân trần 40g. Thái nhỏ và sấy khô toàn bộ, sau đó pha như trà. Mỗi ngày uống 100 - 150ml.
Rửa sạch lá Mã đề tươi và giã nát thật nát. Cho vào ít nước, rồi vắt thật kỹ để lấy nước cốt uống.
Đem bã của cây mã đề đắp lên trán để chữa bệnh. Nếu máu cam chảy quá nhiều, dùng bông sạch cuộn tròn nút bên mũi chảy, uống thuốc khoảng vài ngày sẽ thuyên giảm.
Trị chốc lở ở trẻ nhỏ
Rửa sạch một nắm mã đề tươi, thái nhỏ, nấu và ăn cùng 100 - 150g giò.
Trị bỏng
Nước sắc Mã đề đậm đặc 100% (100 ml = 100 Mã đề khô), trộn đều với 50g lanolin, 50g dầu parafin. Bôi thuốc mỡ lên vết bỏng và băng lại.
Trị tiêu chảy
Mã đề tươi 1 - 2 nắm, rau má và cỏ nhọ nồi (hoặc lá phèn đen) mỗi loại 1 nắm. Sắc đặc, chia thành nhiều lần uống.
Trị sốt xuất huyết
Mã đề (hoặc cối xay, rễ cỏ tranh) 20g; rau má, cỏ nhọ nồi, mỗi vị 30g; dùng tươi (giã vắt lấy nước uống) hoặc sắc uống. Có thể dùng bài thuốc này để phòng bệnh.
Mã đề 40g, cỏ nhọ nồi 40g. rau má (hoặc cát căn) 40g, rau sam 40g, kim ngân 30g, hoa hoè 10g, thảo quyết minh 10g. Sắc với 300ml nước lấy 100ml, uống nước đầu, sau đó sắc nước thứ 2 và thứ 3 uống tiếp trong ngày.
Trị viêm loét dạ dày tác tràng thể tỳ vị hư hàn, có thiểu toan dạ dày
Mã đề 10g, hoàng bá 18g, đảng sâm 12g, ô mai 10 quả, phụ tử chế, hoàng liên, đương quy, mỗi vị 8g; quế chi, tế tân, can khương, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc.
Chữa viêm gan mạn tính (Nhân trần ngũ linh thang gia giảm)
Mã đề, bạch truật, phục linh, trạch tả, mỗi vị 12g; đảng sâm, ý dĩ, mỗi vị 16g; nhân trần 20g; trư linh 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc.
Trị đau mắt
Rửa sạch Mã đề, giã vắt lấy nước cốt, hòa với măng tre vòi, lọc trong rồi nhỏ mắt.
Mã đề có thể gây đái dầm khi dùng làm thuốc ho cho trẻ em.
Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.
Không nên dùng cho người già suy giảm chức năng thận, tiểu đêm.
Mã đề là loài cây mọc hoang hoặc được trồng ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Mã đề có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.