Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Mò hoa trắng là loại cây mọc hoang ở nhiều vùng nước ta, với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm và khu phong, dược liệu này được sử dụng để chữa kinh nguyệt không đều, lở ngứa, mụn nhọt, đau nhức xương khớp.
Tên Tiếng Việt: Mò hoa trắng
Tên khác: Bạch đồng nữ, Mò trắng, Bấn trắng, Lẹo trắng, Mấn trắng, Mò mâm xôi
Tên khoa học: Clerodendron fragrans Vent, thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)
Mò hoa trắng thuộc loại cây nhỏ, có chiều cao từ 1 – 1,5m. Thân cây còn non dạng hình vuông và có lông mềm, thân già dạng hình tròn. Lá có dạng hình xoan hoặc hình trái tim, mép lá răng cưa, mặt trên lá có màu sẫm hơn mặt dưới lá, mặt trên lá có lông cứng ngắn và thưa, trong khi mặt dưới có lông mềm dày và có tuyến nhỏ tròn màu vàng, cuống lá cũng có lông và tuyến ở phần tiếp nối với phiến lá, dài 8cm. Hoa nhiều mọc thành hình mâm xôi ở ngọn cành có màu trắng hay hồng nhạt, đường kính cụm hoa khoảng 10cm. Đài hoa hình phễu, có lông mịn và tuyến mật, phía trên xẻ 5 thùy hình 3 cạnh tròn. Tràng hoa có 5 cánh mỏng, phía dưới thành hình ống nhỏ dài từ 2,5cm trở lên. Nhị 5 dính trên miệng ống tràng mọc thò ra ngoài tràng, chỉ nhị mảnh, bao phấn thuôn, bầu thượng, hình trứng. Quả Mò hoa trắng thuộc loại quả hạch được bao bọc bởi đài hoa vẫn còn tồn tại.
Phân bố
Cây Mò hoa trắng mọc hoang ở nhiều vùng nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Trên thế giới, cây phân bố nhiều ở Ấn Độ, phía nam Trung Quốc, các nước Đông Nam Á như Malaysia, Phillipin, Indonesia, Thái Lan, Lào.
Thu hái, chế biến
Lá Mò hoa trắng được thu hái quanh năm, nhưng thường thời điểm thu hái tốt nhất lúc cây đang hoặc sắp ra hoa. Lá thu hái về đem phơi hoặc sấy khô.
Ngoài lá, rễ Mò hoa trắng cũng được sử dụng làm thuốc, rễ được đào về, đem rửa sạch, phơi hay sấy khô, thái mỏng khi sắc uống.
Bộ phận sử dụng của Mò hoa trắng là lá và rễ.
Thành phần hóa học trong lá Mò hoa trắng là muối kali.
Ngoài ra còn có scutellarein, scutellanin, 6 hydroxynicolin, các flavonoid, sterol, tanin, coumarin, acid nhân thơm, aldehyd nhân thơm, dẫn chất amin có nhóm carbonyl.
Mò hoa trắng có vị đắng nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc. Trong nhân dân, lá Mò hoa trắng được dùng để tắm trị ghẻ, mụn nhọt, chốc đầu, lá tươi hái về sau đó vò nát hay giã nát hoặc sắc lấy nước để tắm.
Ngoài ra, lá Mò hoa trắng còn được sử dụng để chữa khí hư, bạch đới, di mộng tinh.
Rễ Mò hoa trắng được sử dụng chữa bệnh vàng da và niêm mạc khi phối hợp với rễ Mò hoa đỏ.
Lá Mò hoa trắng phối hợp với Ích mẫu, Hương Phụ, Ngải cứu để chữa kinh nguyệt không đều.
Ở Trung Quốc, dùng rễ Mò hoa trắng để chữa phòng thấp, lá dùng khử ứ, giải độc. Ở Indonesia, lá Mò hoa trắng ngâm với vôi và bôi lên bụng trị đau bụng.
Tác dụng chống viêm cấp
Mò mâm xôi có tác dụng chống viêm cấp tính trên mô hình thử nghiệm trên chuột.
Tác dụng chống viêm mạn, chống tăng huyết áp, giảm đường huyết
Ngoài ra, vị thuốc này còn có tác dụng chống viêm mạn tính trên u hạt thực nghiệm với amian, gây giảm huyết áp do giãn mạch ngoại biên và lợi tiểu trên động vật, có tác dụng ức chế co thắt cơ trơn ruột chuột lang cô lập gây bởi histamin và acetylcholin, làm giảm đường máu trên chuột cống trắng và làm giảm đau trong thử nghiệm tấm kim loại nóng trên chuột nhắt trắng.
Tác dụng chống nguyên sinh động vật
Mò hoa trắng có tác dụng kháng nguyên sinh động vật trong thử nghiệm in vitro trên Entamoeba histolytica và có độc tính thấp.
Tác dụng kháng khuẩn
Trong thử nghiệm ức chế vi khuẩn được phân lập từ các vết thương nhiễm khuẩn, nước sắc Mò hoa trắng có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của các vi khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, trực khuẩn E. coli và các Proteus.
Chữa bệnh khí hư, bạch đới: Liều 15 – 20 g lá khô, đun sôi trong 30 phút rồi uống, có thể phối hợp với Ích mẫu, Ngải cứu.
Chữa vàng da, niêm mạc: Rễ Mò hoa trắng 10 g, thêm 400 ml, đem sắc còn 200 ml, uống ngày 2 lần. Hoặc rễ và thân Mò hoa trắng 600 g, thêm 5 lít nước, cô đặc còn 90 g, thêm tá dược làm thành viên (120 viên), ngày uống 8 viên chia làm 2 lần.
Bài thuốc chữa xích bạch đới
Mò hoa trắng (hoa, lá), Xích đồng nam (hoa, lá), rau Dừa nước, mỗi vị 15 g; Bồ công anh 12 g. Sắc uống.
Bài thuốc chữa kiết lỵ mới phát, đau quặn, ra máu mũi
Lấy một nắm lá Mò mâm xôi non, thái nhỏ, một nắm Rau sam, đem luộc, uống cả nước, hay sắc uống.
Bài thuốc chữa phụ nữ ra nhiều khí hư, hay nam giới thận hư di tinh, lưng đau
Rễ Mò hoa trắng đem sao vàng 30g, hạt Muồng phân 20g, đem sao, sắc uống.
Bài thuốc chữa các chứng tiểu buốt, tiểu nhất, tiểu ra máu, ra sỏi, chất nhầy
Mò hoa trắng, Xích đồng nam, Cỏ chỉ thiên, rễ Cỏ tranh, Cỏ bấc, thịt ốc nhồi, mỗi thứ một nắm, đem sắc uống.
Bài thuốc chữa khí hư, kinh nguyệt không đều
Rễ mò mâm xôi 20g, lá Huyết dụ 10g, Xích đồng nam 8g, lá Mía đỏ 5g. Thái nhỏ sao vàng, sắc với 400ml nước, còn 100ml, chia uống 2 lần trong ngày.
Bài thuốc chữa sản hậu
Cả cây Mò hoa trắng, Ngấy hương, mỗi vị 30g. Thái nhỏ, sắc uống, kiêng chất chua.
Bài thuốc chữa tăng huyết áp và kinh nguyệt không đều
Cao lỏng bào chế từ Mò hoa trắng, Ích mẫu, Ngải cứu, Hương phụ, với lượng bằng nhau. Cao có tỷ lệ 1/1 so với dược liệu. Ngày uống 50 ml.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Mò hoa trắng:
Mò hoa trắng là tên dùng để chỉ ít nhất 3 cây khác nhau, nên cần chú ý phân loại.
Cây có tên khoa học là Clerodendron squamatum L. cùng họ với cây Mò hoa trắng (Clerodendron fragrans Vent) có lá màu nhạt hơn cây Mò hoa trắng, hoa mọc thưa không thành hình mâm xôi, màu hoa hơi giống màu mỡ gà, nhiều người chỉ dùng cây này để uống chứ không tắm ghẻ hoặc rửa ngoài.
Cây Xích đồng nam (Clerodendron infortunatum L.) có hoa màu đỏ, có cùng công dụng như Mò hoa trắng nhưng người ta thường ít dùng hơn Mò hoa trắng.
Ở Lào Cai cũng có cây giống Mò hoa trắng nhưng hoa màu tím đỏ hay hồng phớt, chưa xác định được tên và cũng chưa thấy nhân dân dùng làm thuốc.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 37-39.
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2), trang 278-280.
Dược điển Việt Nam 5, trang 1250.