Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Mộc nhĩ

Mộc nhĩ: Loài nấm thông dụng với nhiều công dụng hay

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Mộc nhĩ có thể được tìm thấy dễ dàng trên thân cành hay gỗ mục của nhiều loài cây, lành nhất là nấm của các cây Hoè, Dâu, Sung, Mít, Dướng, Ruối, Sắn, So đũa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Mộc nhĩ còn gọi là Nấm tai mèo, Nấm mèo, tên khoa học là Auricularia auricula (Hook. f.) Underw., thuộc họ Mộc nhĩ (Auriculariaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Mộc nhĩ có thể quả dạng cái tai mèo gồm mặt không sinh sản ở phía trên, nhăn và phủ lông nâu, mô nấm có thể chất keo; mặt sinh sản ở dưới nhẵn hay nhăn nheo, phủ lớp phấn trắng do bào tử phóng ra khi nấm trưởng thành. Cơ quan sinh sản là đám đa bào, hình chuỳ, nằm sâu trong chất keo. Mỗi tế bào đảm có một cuống nhỏ ở bên dưới kéo dài qua lớp bao nhầy và tới bề mặt của thể quả. Trên mỗi cuống nhỏ này có một bào tử đảm. Phần thịt nấm dày từ 1 – 3 mm.

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Mộc nhĩ phân bố ở các tỉnh thành như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tây Ninh. Loài nấm này phù hợp với khí hậu cận nhiệt đới và nhiệt đới.

Thu hái và chế biến

Vào mùa hè, mùa thu tiến hành thu hái nấm, rửa sạch, cắt bỏ những phần bị dính bẩn, rồi phơi khô. Có thể tìm nấm trên thân cành hay gỗ mục của nhiều loài cây, tốt nhất là nấm tìm thấy trên cây Hoè, Dâu, Sung, Mít, Dướng, Ruối, Sắn, So đũa.

Ngoài việc thu hái Mộc nhĩ trong môi trường tự nhiên, người ta thường tổ chức trồng trên gỗ của các loài như cây Mít, cây Sắn, cây So đũa để có sản lượng nhiều, ổn định và bảo đảm chất lượng.

mộc nhĩ
Mộc nhĩ (Auricularia auricula (Hook. f.) Underw.)

Bộ phận sử dụng

Thể quả (Auricularia), thường gọi là Mộc nhĩ.

Thành phần hoá học

Mộc nhĩ chứa nhiều các hoạt chất với hàm lượng tính theo g% như sau: Protid 10,6, lipid 0,2, glucid 0,5, cellulose 7, và theo mg%: Calcium 357, phosphor 201, sắt 56,1; beta-caroten 20, vitamin B1 0,15.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Mộc nhĩ có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, cầm máu, thông mạch. Nếu ăn nhiều thì sẽ thấy nhẹ mình, nhớ lâu, quang nước mắt.

mộc nhĩ chữa bệnh
Mộc nhĩ có nhiều tác dụng chữa bệnh

Theo y học hiện đại

Thường được sử dụng trong các trường hợp như suy nhược toàn thân, thiếu máu, ho, hoặc khái huyết, trĩ xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết tử cung, hoặc bệnh nhân có huyết áp cao, táo bón. Ngoài ra Mộc nhĩ còn dùng chữa chứng nhiệt lỵ, trĩ, đau răng.

Liều dùng & cách dùng

Dùng 10 – 30g dạng thuốc sắc hay tán bột uống.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa đi lỵ ra máu

20g Mộc nhĩ sao tán bột, uống làm 3 lần.

Bài thuốc chữa đau răng

Dùng Mộc nhĩ và Kinh giới, sắc lấy nước ngậm và súc miệng.

Bài thuốc chữa suy nhược

Mộc nhĩ 30g, Chà là 30g, sắc uống.

Bài thuốc chữa trĩ xuất huyết, táo bón

Mộc nhĩ 6g, Hồng khô 30g nấu chè ăn.

Bài thuốc chữa bệnh trĩ lâu ngày

Nấm Mộc nhĩ ăn luôn thì khỏi.

Bài thuốc chữa huyết áp cao, xơ cứng tiểu động mạch, chảy máu võng mạc

Đem 30g Mộc nhĩ ngâm với nước qua đêm, rồi trộn với đường đem hấp chín trong 1 - 2 giờ, sau đó ăn trước khi đi ngủ.

Lưu ý

Chưa có lưu ý.

Nguồn tham khảo
  1. Từ điển cây thuốc Việt Nam (Tập 2) – Võ Văn Chi, trang 130 - 131.