Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Ngũ gia bì gai (Vỏ rễ, vỏ thân)

Ngũ gia bì gai: Công dụng và cách dùng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Ngũ gia bì gai là là loại cây phân bố nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta, với bộ phận dùng là vỏ thân và vỏ rễ, Ngũ gia bì gai có tác dụng khu phong, chỉ thống, dưỡng huyết, được dùng để trị đau nhức xương khớp, khí huyết hư, di tinh, liệt dương…

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Ngũ gia bì gai

Tên khác: Tam diệp ngũ gia, Tam gia bì, Xuyên gia bì, Thích gia bì, Pop tưn

Tên khoa học: Acanthopanax trifoliatus

Đặc điểm tự nhiên

Ngũ gia bì thuộc loại cây nhỏ, cao 2 – 3 m, thân cây có nhiều gai. Lá kép chân vịt, mọc so le, có từ 3 – 5 lá chét, lá chét ở giữa lớn hơn, phiến lá chét có hình bầu dục hay hơi thuôn dài, gốc tròn, đầu nhọn, mỏng, mép lá có răng cưa to, cuống lá dài 4 – 7 cm, gân lá có gai, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng. Cụm hoa mọc thành tán ở đầu cành, gồm 3 – 10 tán, cuống dài 3 – 4 cm, hoa nhỏ, màu vàng xanh, mẫu 5, lá đài không rõ, cánh hoa hình tam giác. Nhị 5, chỉ nhị mảnh. Bầu hạ, 2 ô. Quả mọng, hình cầu, đường kính khoảng 2,5 mm, vòi còn tồn tại trên quả, khi chín có màu đen, có 2 hạt. Toàn cây có tinh dầu thơm.

Vỏ thân, vẻ rễ Ngũ gia bì là những cuộn ống nhỏ, hình lòng máng, dài ngắn không đều, dày chừng 1 mm – 3 mm, vỏ ngoài vàng nâu nhạt, hơi bóng, có một số đoạn rách nứt, để lộ lớp trong màu nâu thẫm, mặt trong màu xám trắng, bằng phẳng, có những điểm vàng nâu. Mùi thơm nhẹ.

ngũ gia bì gai
Ngũ gia bì thường cao 2 - 3m

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Ngũ gia bì gai mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang. Trên thế giới, Ngũ gia bì gai có nhiều nhất ở Trung Quốc và Nhật Bản, ngoài ra, còn có ở Lào, Ấn Độ và Philippin.

Thu hái, chế biến

Vào mùa hạ hoặc mùa thu, đào cây lấy rễ, vỏ thân, sau đó phơi khô, khi dùng để sống hoặc sao vàng sắc uống.

dược liệu ngũ gia bì gai
Ngũ gia bì thường mọc hoang ở nhiều nơi

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của Ngũ gia bì gai là vỏ thân, vỏ rễ thu hái vào mùa đông, sau đó rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

ngũ gia bì gai dùng làm cây cảnh
Ngày nay Ngũ gia bì còn được dùng như một loại cây cảnh trang trí trong nhà

Thành phần hoá học

Vỏ rễ và vỏ thân Ngũ gia bì gai chứa acid 3α, 11α – dihydroxy – 23 – oxylup – 20 (29) – en – 28 – oic (Phạm Đình Tỵ và cs, 1984), acid 24 – nor - 11α – hydroxy – 3 – oxolup – 20 (29) – en – 28 – oic (Lischewski M. và cs, Phytochemistry 1985,24 2355) acid 24 – nor - 3α, 11α – hydroxylup – 20(29) – en – 25 – oic (Kutchinsky Leo và cs, 1986).

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Ngũ gia bì gai có vị đắng, cay, tính mát, vào 3 kinh can, phế, thận, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, lợi thấp, hoạt lạc, chỉ thống, dưỡng huyết.

Theo kinh nghiệm dân gian, Ngũ gia bì gai được coi là một vị thuốc bổ, làm mạnh gân xương, chữa thấp khớp, lưng gối mỏi đau, trẻ con chậm biết đi, khí huyết hư, di tinh, liệt dương, tiểu tiện bí gây phù nề.

Ở Trung Quốc, Ngũ gia bì gai còn được dùng chữa cảm sốt, hoàng đản, bạch đới, ho đờm có máu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt.

Theo y học hiện đại

Ngũ gia bì gai có tác dụng kích thích tâm thần. Trong thử nghiệm gây trạng thái trầm uất trên chuột nhắt trắng theo phương pháp Porsolt, Ngũ gia bì gai cũng như Tam thất và Đinh lăng, có tác dụng làm giảm thời gian bất động của chuột.

Nước sắc và dịch chiết cồn từ vỏ cây có các tác dụng làm tăng hoạt động tự nhiên của súc vật thí nghiệm, tăng khả năng bám trụ quay của chuột, rút ngắn thời gian gây ngủ của hexobarbital, tăng khả năng thiết lập phản xạ có điều kiện và tăng khả năng duy trì phản xạ có điều kiện. Ngoài ra, Ngũ gia bì gai còn có khả năng tăng cường tác dụng gây co giật của strychnin và pentetrazol. Tuy Ngũ gia bì gai có tác dụng gây hưng phấn tâm thần, nhưng không làm thay đổi hoạt tính của enzyme monoamin oxidase ở não và gan chuột thí nghiệm.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 6 - 12 g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa đau nhức

Ngũ gia bì thái lát nhỏ đem sao vàng 100 g, ngâm với 1 lít rượu trắng 30o trong 10 – 15 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 1 lần 30 ml trước khi đi ngủ.

Chữa chứng kê trào phong (tay run rẩy, miệng lập cập)

Ngũ gia bì gai 30 g, Ngưu tất, Thạch hộc mỗi vị 24 g, Nhục quế (bỏ vỏ ngoài) 6 g, Gừng khô 3 g. Sắc uống.

Chữa bạch đới, rối loạn kinh nguyệt

Rễ Ngũ gia bì gai 9 g, Hồng ngưu tất 6 g. Sắc nước uống.

Chữa thổ huyết lao thương

Rễ Ngũ gia bì gai, Ngưu tất, Chu sa liên, Tiểu huyết đằng mỗi vị 9 g. Ngâm rượu uống, ngày 2 lần, mỗi lần 15 – 30 ml.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Ngũ gia bì gai:

Tên Ngũ gia bì còn được dùng để chỉ nhiều vị thuốc khác nhau, cần chú ý tránh nhầm lẫn.

  • Bắc Ngũ gia bì - Cortex Periplocae radicis - vỏ rễ phơi khô của cây Hương gia bì, Xú ngũ gia bì Periploca sepium Bunge thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Cây này xuất xứ ở Trung Quốc, Việt Nam chưa có.

  • Nam ngũ gia bì - Cortex Acanthopaharis gracilistyli - là vỏ rẽ phơi khô của cây Tế trụ ngũ gia bì Acanthopanax gracilistylus W. W. Smith thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Cây này cũng chưa thấy nước ta.

  • Hồng mao ngũ gia bì - Cortex Acanthopanacis giraldii - là vỏ rễ phơi khô của cây Hồng mao ngũ gia bì Acanthopanax giraldi Hanns cùng họ.

  • Vỏ cây chân chim Vitex heterophylla Roxb. (Vitex quinata Williams), còn gọi là cây Mạn kinh thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

  • Lá và cành cây Đùm đũm hay Ngũ gia bì hoặc Đùm hương.

Nguồn tham khảo
  1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 379-382.
  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2), trang 410-413.