Long Châu

Ngũ vị tử: Vị thuốc quý chữa bách bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dược liệu này có tên gọi là Ngũ vị tử vì là loại quả có 5 vị: Mặn, ngọt, chua, cay và đắng. Nhưng vị chua chiếm phần lớn, vỏ có vị ngọt, bên trong hạt có vị đắng và cay. Loại quả này là một vị thuốc trong đông y và cũng dùng cho vào các món hầm như gia vị. Công dụng với các chứng bệnh: ra mồ hôi trộm, hen suyễn thở gấp, di tinh...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Ngũ vị tử

Tên khác: Sơn hoa tiêu; ngũ mai tử; huyền cập; Ngũ vị tử bắc

Tên khoa học: Schisandra chinensis (Turcz) Baill. thuộc họ Schisandraceae (Ngũ vị tử). Cây ưa sống ở vùng có khí hậu ẩm mát núi cao từ 1300 đến 1600m.

Trong tự nhiên ghi nhận có ba loại ngũ vị tử: Bắc ngũ vị – Schisandra Chinensis Baill, Nam ngũ vị – Kadsura Japonica L. (quả của cây nắm cơm), Mộc lan – Magnoliaceae. Loại được dùng làm thuốc chủ yếu là bắc ngũ vị tử.

Đặc điểm tự nhiên

Bắc ngũ vị tử thuộc loại dây leo to sống nhiều năm, có thể dài tới 7 - 8 m, vỏ của thân và cành màu xám nâu, cành nhỏ hơi có cạnh. Lá mọc kiểu so le, phiến lá hình trứng, bề dài lá khoảng 5 - 11 cm, bề rộng 3 – 7 cm, mép lá hình răng cưa nhỏ, mặt trên có màu sẫm hơn, có lông ngắn trên những gân lá non ở mặt dưới. Hoa đơn tính, khác gốc: Cánh hoa 6 - 9, màu vàng trắng nhạt, nhị 5. Quả hình cầu, mọng nước, có màu đỏ sẫm khi chín,  đường kính 0.5 - 0.7 cm, 1 quả chứa 1 - 2 nhân hạt hình thận,  màu vàng nâu bóng.

ngũ vị tử
 Cây leo Ngũ vị tử

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây ngũ vị tử chỉ mọc ở một số nước có khí hậu lạnh như: Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., là cây thuốc có vùng phân bố hạn chế tại Việt Nam nên đa phần dược liệu ngũ vị tử được nhập từ Trung Quốc.

Vào tháng 9 tháng 10 hàng năm, người ta hái quả ngũ vị tử chín về rồi nhặt bỏ cuống, phơi hoặc sấy khô dùng làm thuốc. Bảo quản dược liệu bằng cách tránh để gần nguồn nước, tránh ẩm mốc, côn trùng, sâu mọt để kéo dài thời gian sử dụng.

Theo cách dùng trong dân gian thì trộn ngũ vị tử cùng với rượu theo tỉ lệ (5:1) sau đó đun cách thủy trong 4 giờ đến khi cạn hết rượu, quả ngũ vị tử chuyển sang màu đen thì đem phơi hay sấy khô là được. 

dược liệu ngũ vị tử trị bệnh
Cây ngũ vị tử chỉ mọc ở một số nước có khí hậu lạnh

Bộ phận sử dụng

Quả ngũ vị tử chín được dùng bào chế thuốc.

quả ngũ vị tử chín làm thuốc
Quả Ngũ vị tử

 

Thành phần hoá học

  • Ngũ vị tử có tinh dầu mùi chanh (vỏ cây 2,6-3,2%, thân 0,2 – 0,7%, hạt 1,6 – 1,9 %), với thành phần chủ yếu gồm 30% hợp chất sesquitecpen, 20% andehyt và xeton.

  • Hạt quả chứa chất béo chiếm tỉ lệ khoảng 34%, bao gồm glyxerit của axit oleic và linoleic. 

  • Thịt quả có chứa 1,5 % đường, tanin, chất màu. 

  • Quả chứa 11% axit xitric, 7-8,5% axit malic, 0,8% axit tactric, vitamin C và khoảng 0,12% schizandrin (C22H32O7).

  • Trong tro có sắt, canxi, mangan, silicium, và photpho. Không tìm thấy ancaloit hay glucozit.

Công dụng

Ở nước ta ngũ vị tử chỉ mới được dùng trong phạm vi một thuốc đông y, tại một số nước khác như Triều Tiên, Liên Xô cũ ngũ vị tử đã được sử dụng như thuốc tây y.

Theo y học cổ truyền

Trong đông y, ngũ vị tử là một phương thuốc dùng trị ho, thở hổn hển, ho khan, còn dùng làm thuốc cường dương, trị liệt dương và mệt mỏi, lười hoạt động. Vì tính chất ngũ vị tử theo đông y có vị chua, mặn, tính ôn, không độc, đi vào hai kinh phế và thận, nên có tác dụng liêm phế, cố thận, cố tinh, chỉ mồ hôi, dùng làm vị thuốc trừ đờm, tu bổ, cường âm, ích khí, bổ ngũ tạng, thêm tinh trừ nhiệt.

Theo y học hiện đại

Theo tây y, ngũ vị tử được dùng bào chế thành thuốc kích thích hệ thống thần kinh trung ương, dùng khi hoạt động trí óc lao lực, khi hoạt động chân tay quá độ, có dấu hiệu mệt mỏi về tinh thần, thể lực, uể oải, buồn ngủ.

Liều dùng & cách dùng

Phối hợp với các dược liệu khác tùy theo chứng bệnh. Mỗi ngày dùng 5 – 15 g quả và hạt dưới dạng thuốc hãm bằng nước nóng, thuốc sắc, bột hoặc rượu thuốc, thuốc viên theo khuyến nghị của chuyên gia y tế.

Bài thuốc kinh nghiệm

Ngũ vị tử kết hợp với các dược liệu khác tạo ra nhiều bài thuốc chữa trị các bệnh lý ở các cơ quan khác nhau.

  • Chữa suy nhược thần kinh: Phối hợp ngũ vị tử 30g, nhân sâm 10 – 20 g, câu kỷ tử 30 g, ngâm với 500 ml rượu trong vòng một tuần. Mỗi ngày dùng khoảng 15 – 20 ml, uống trước khi đi ngủ.

  • Điều trị hỗ trợ tai biến mạch máu não (kết hợp với phác đồ điều trị và cấp cứu của tây y): Phối hợp ngũ vị tử 8 g; nhân sâm, phụ tử chế, mỗi loại 8 g; mạch môn, long cốt, mẫu lệ, mỗi loại 12 g. Sắc uống đều đặn mỗi ngày một thang thuốc.

  • Chữa suy nhược cơ thể do thiếu máu, mất máu: ngũ vị tử 6 g; huyền sâm, địa hoàng, mỗi loại 12 g; đan sâm, phục linh, viễn chí, đương quy, bá tử nhân, toan táo nhân, mỗi loại 8 g; đảng sâm 16 g; cát cánh 6 g; thiên môn ,mạch môn, mỗi vị 10 g. Mỗi ngày sắc một thang uống.

  • Chữa chóng mặt, ù tai, hay quên mất ngủ: ngũ vị tử 8 g; toan táo nhân, hoài sơn, long nhãn, mỗi loại 12 g; đương quy 8 g. Sắc uống mỗi ngày một thang thuốc.

  • Chữa chứng ra mồ hôi trộm: Phối hợp ngũ vị tử 63 g, bán hạ khúc 125 g, bạch truật 63 g, nhân sâm 63 g, đại táo 30 quả, mẫu lệ 63 g, bá tử nhân 125 g, ma hoàng căn 63 g. Đại táo tách bỏ hạt và nấu nhừ. Các vị còn lại nghiền thành bột mịn, đem trộn và nhào với thịt đại táo, vo thành viên. Mỗi viên đường kính khoảng 1 centimet, ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 20 – 30 viên.

  • Chữa hen suyễn nặng: Dùng ngũ vị tử 30 – 50 g, địa long 9 – 12 g, ngư tinh thảo 30 – 80 g đem tất cả ngâm trong nước khoảng 4 giờ. Sau đó sắc thuốc nhỏ lửa, sắc 2 lần cho đến khi còn 250 ml, chia làm 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

  • Chữa phế thận âm hư do cảm hàn: Phối hợp ngũ vị tử 5g; đảng sâm, mạch đông và tang phiêu tiêu, mỗi thứ 30 g. Tất cả đem đi sắc nước uống.

  • Chữa ho do cảm hàn: Dùng bán hạ 8 g, bạch thược 12 g, ma hoàng 8 g, chích thảo 6 g, can khương 8 g, quế chi 6 g, tế tân 4 g, với ngũ vị tử 4 g, đem sắc uống. Chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

  • Chữa ho mạn tính: Dùng  ngũ vị tử 80 g ,túc xác tẩm với đường sao vàng 20 g. Sau đó tán 2 loại thành bột rồi nhào trộn với mạch nha làm viên to bằng quả táo tàu. Mỗi khi họ ngậm một viên sẽ giảm ho.

  • Chữa ho có đờm gây khó thở: Dùng ngũ vị tử và bạch phàn đồng lượng. Sau đó đem tán 2 loại thành bột mịn. Mỗi lần dùng 12 g, nướng chín dùng phổi lợn chấm bọt thuốc, không uống nước lạnh, uống nước ấm.

  • Chữa viêm gan mạn tính: Dùng ngũ vị tử. linh chi, sài hồ và đơn sâm luyện mật làm thành viên. Mỗi lần dùng 1 viên uống cùng nước sôi để nguội. Dùng 30 phút sau khi ăn và duy trì trong khoảng một tháng.

  • Chữa tỳ thận hư hàn gây tiêu chảy: Dùng ngũ vị tử 6 – 8 g, ngô thù du 4 g, nhục đấu khấu 8 g, bổ cốt chỉ 16 g. Đem các vị nghiền thành bột mịn rồi trộn với nước gừng tươi và đại táo. Dùng trước khi đi ngủ, mỗi lần dùng 6 – 12 g uống với nước muối ấm. 

  • Chữa hoạt tinh và thận hư: Dùng ngũ vị tử 6 g, mạch đông 12 g cùng đảng sâm 12 g, đem sắc uống ngày 1 thang cho tới khi hết bệnh.

  • Chữa liệt dương và thận hư: Dùng 600 g ngũ vị tử nghiền thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 4 g. Khi sử dụng bài thuốc này, phải kiêng thịt lợn, cá, tỏi, và giấm.

  • Chữa cảm nặng, mệt mỏi khát nước: Dùng mạch môn 10 g, ngũ vị tử 5 g, nhân sâm 10 g, đem sắc uống.

  • Chữa di, mộng tinh ở nam giới: Dùng 100 g ngũ vị tử 250 g nhân hồ đào. Đem ngâm ngũ vị tử trong nước khoảng nửa ngày cho mềm, sau đó bỏ hạt và sao vàng cùng với hồ đào. Để nguội bớt và đem nghiền thành bột mịn. Mỗi lần dùng 9 g bột uống cùng với nước cơm.

  • Chữa bế kinh: Ngũ vị tử 40 g; bạch thược 120 g; cam thảo, a giao, hoàng kỳ,  bán hạ chế, dương quy, phục linh, sa sâm, thục địa, mỗi loại 40 g. Tán nhỏ, ngày uống 12 – 20 g.

Lưu ý

  • Dùng những bài thuốc chứa dược liệu ngũ vị tử cần lưu ý về những đối tượng đặc biệt và các tương tác với các thuốc khác.

  • Theo Trung dược học người có nhiệt thịnh, ho giai đoạn đầu, mới phát ban không nên dùng.

  • Người vừa mới bị viêm phế quản, có triệu chứng sốt và ho không nên sử dụng.

  • Ngũ vị tử gây co bóp dạ con, có thể gây sảy thai nên phụ nữ có thai không được dùng.

  • Dược liệu ngũ vị tử gây kích thích não bộ và làm khởi phát các cơn động kinh nên người bị động kinh không được sử dụng.

  • Thảo dược còn làm tăng tiết axit và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét bao tử. Vì vậy các chiết xuất từ loại thảo dược này không phù hợp với những người đang gặp vấn đề với hệ tiêu hóa, bao gồm: tăng tiết  axit hydrochloric trong dịch vị, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loét dạ dày.

  • Tránh dùng ngũ vị tử chung với  các loại thuốc có thể gây ra tương tác thuốc: Thuốc chuyển hóa qua CYP P450, CYP2C9, Cytochrom P450 3A4, Tacrolimus, Warfarin.

  • Lưu ý các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng ngũ vị tử như ợ nóng, chán ăn, phát ban da, ngứa, đau dạ dày,…

  • Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng dược liệu ngũ vị tử để được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Nguồn tham khảo
  1. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)