Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng thận hư: Tình trạng cơ thể mất protein qua đường tiểu

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng thận hư là tình trạng cơ thể mất protein qua đường tiểu do tổn thương cầu thận cùng với phù và giảm albumin máu. Hội chứng thận hư phổ biến hơn ở trẻ em. Chẩn đoán bằng cách xét nghiệm tỷ lệ protein/creatinin trong nước tiểu bất kỳ hay định lượng protein trong nước tiểu 24 giờ, ngoài ra còn dựa trên tiền sử, thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và sinh thiết thận.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng thận hư là gì? 

Hội chứng thận hư là một hội chứng sinh hóa và lâm sàng, mắc phải khi có tổn thương cầu thận do các tình trạng bệnh lý gây ra. Hội chứng thận hư đặc trưng bởi protein niệu cao, protein máu giảm, phù, rối loạn lipid máu và có thể tiểu ra mỡ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thận hư

Các dấu hiệu ban đầu bao gồm mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sủi bọt (do nồng độ protein cao gây ra).

Cơ thể bị giữ nước, thường gây ra:

  • Khó thở (phù thanh quản hay tràn dịch màng phổi);

  • Đau khớp;

  • Đau bụng (cổ trướng hoặc phù mạc treo ở trẻ em).

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể có các triệu chứng như phù ngoại biên. Triệu chứng phù này có thể làm che giấu các dấu hiệu của teo yếu cơ và đường Muehrcke (hai đường trắng chạy ngang móng tay).

Tác động của hội chứng thận hư đối với sức khỏe

Hội chứng thận hư gây mất các phân tử protein lớn ra nước tiểu, chủ yếu là albumin, ngoài ra còn có opsonins, globulin, transferrin, erythropoietin, antithrombin III và protein liên kết hormone (globullin liên kết hormone tuyến giáp, protein liên kết vitamin D). Sự thiếu hụt này thường gây ra các biến chứng không tốt cho sức khỏe.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng thận hư

Các biến chứng khi mắc hội chứng thận hư có thể là

  • Phù (cổ trướng, tràn dịch màng phổi);

  • Nhiễm trùng (viêm mô tế bào, viêm phúc mạc tiên phát do vi khuẩn (Spontaneous bacterial peritonitis – SBP);

  • Thiếu máu;

  • Chức năng tuyến giáp thay đổi;

  • Chứng tăng đông và tạo huyết khối;

  • Suy dinh dưỡng ở trẻ em;

  • Rối loạn lipid máu;

  • Bệnh động mạch vành đối với người lớn;

  • Tăng huyết áp ở người lớn;

  • Có các rối loạn về xương do thiếu hụt vitamin D;

  • Bệnh thận mạn tính;

  • Hội chứng Fanconi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư xảy ra phổ biến ở trẻ em (bệnh cầu thận sang thương tối thiểu nguyên phát), chủ yếu ở độ tuổi 1,5 – 4 tuổi. Nguyên nhân có thể khác nhau tùy theo độ tuổi như:

Nguyên nhân nguyên phát gây hội chứng thận hư phổ biến nhất là:

  • Bệnh cầu thận sang thương tối thiểu (Minimal change disease – MCD).

  • Bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng đoạn (Focal segmental glomerulosclerosis – FSGS).

  • Bệnh màng thận (Membranous nephropathy – MN).

Nguyên nhân thứ phát chiếm khoảng 10% các trường hợp trẻ em nhưng chiếm hơn 50% trường hợp người lớn là:

  • Bệnh thận đái tháo đường (Diabetic nephropathy – DN).

  • Tiền sản giật (Pre-eclampsia).

Thoái hóa tinh bột (Amyloidosis) là nguyên nhân chưa được thừa nhận hoàn toàn, chiếm khoảng 4% các trường hợp.

Bệnh nhân HIV có nguy có bị bệnh thận do HIV (bệnh xơ cứng cầu thận phân đoạn khu trú).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng thận hư

  • Phụ nữ có thai;
  • Bệnh nhân ghép tạng;
  • Người có bệnh huyết thanh;
  • Trong gia đình có người bị bệnh thận;
  • Trẻ em;
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng thận hư cao hơn nam giới gấp 10 lần.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng thận hư

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thận hư, bao gồm:

  • Nghiện thuốc;

  • Ức chế miễn dịch;

  • Viêm gan B, C;

  • Nhiễm HIV và các nhiễm trùng khác;

  • Trào ngược bàng quang niệu quản;

  • Dùng thuốc gây độc thận;

  • Ung thư;

  • Lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài;

  • Tiền sản giật.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng thận hư

  • Tỷ lệ protein/creatinine trong nước tiểu bất kỳ ≥ 3 hoặc protein niệu trong nước tiểu 24 giờ ≥ 3 g.

  • Xét nghiệm huyết thanh, làm sinh thiết thận nếu biểu hiện lâm sàng chưa rõ ràng.

Chẩn đoán xác định dựa vào tỷ lệ protein/creatinine của nước tiểu bất kỳ hay lượng protein niệu 24 giờ. Dựa vào biểu hiện lâm sàng có thể xác định nguyên nhân (như lupus ban đỏ hệ thống, ung thư, tiền sản giật). Nếu nguyên nhân chưa được xác định rõ, cần làm thêm các xét nghiệm huyết thanh và sinh thiết thận.

Xét nghiệm nước tiểu

Chẩn đoán hội chứng thận hư khi có protein niệu tăng có ý nghĩa (≥ 3 g/24 giờ với lượng bài tiết thông thường < 150 mg/ngày).

Tỷ lệ protein/creatinine trong nước tiểu bất kỳ có thể xác định lượng protein/1,73m2 diện tích bề mặt da (BSA) ở mẫu nước tiểu 24 giờ.

Ngoài protein niệu ra, việc xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện các trụ niệu (trụ hyalin, trụ mỡ, trụ hạt, trụ sáp, trụ tế bào). Bên cạnh đó còn có lipid niệu, sự xuất hiện của các lipid tự do hoặc lipid trong tế bào ống thận, trong các trụ hay dưới dạng globulin tự do có thể gợi ý bệnh cầu thận (nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư).

Xét nghiệm hỗ trợ

Xét nghiệm hỗ trợ giúp đánh giá mức độ nặng và biến chứng của bệnh

  • Nồng độ creatinin và ure máu thay đổi theo mức độ suy thận.

  • Albumin huyết thanh < 2,5 g/dL.

  • Cholesterol và triglycerid toàn phần tăng.

Xét nghiệm để tìm nguyên nhân thứ phát

Hiện các xét nghiệm này còn đang gây tranh cãi vì bằng chứng còn thấp, bao gồm:

  • Glucose huyết thanh hay HbA1C;

  • Kháng thể kháng nhân;

  • Xét nghiệm huyết thanh tìm viêm gan B, C;

  • Điện di protein huyết thanh, nước tiểu (gợi ý bệnh gamma đơn dòng);

  • Cryoglobulin (gợi ý bệnh cryoglobulin hỗn hợp);

  • Yếu tố dạng thấp (RF);

  • Xét nghiệm huyết thanh xác định giang mai;

  • Kháng thể kháng HIV;

  • Nồng độ bổ thể (C3 và C4).

Sinh thiết thận

Phương pháp này thường được chỉ định cho người lớn để chẩn đoán hội chứng thận hư nguyên phát.

Phương pháp điều trị hội chứng thận hư hiệu quả

  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh;
  • Ức chế angiotensin;
  • Hạn chế natri;
  • Statin;
  • Dùng thuốc lợi tiểu nếu có quá tải dịch;
  • Cắt thận (hiếm khi).

Điều trị nguyên nhân gây bệnh

Điều trị bệnh nền như điều trị nhiễm trùng một cách kịp thời (như viêm nội tâm mạc do tụ cầu khuẩn, giang mai, sốt rét), ngừng một số thuốc (như muối vàng, penicillamine, NSAID).

Ức chế angiotensin

Thuốc ức chế angiotensin (thuốc ức chế men chuyển (ACEI) hay thuốc chẹn thụ thể angiotenin II (ARB) làm giảm được protein niệu nhưng có thể gây tăng kali máu ở người suy thận từ vừa đến nặng.

Hạn chế natri

VIệc hạn chế natri (< 2 g hoặc khoảng 100 mmol/ngày) được khuyến cáo cho bệnh nhân có phù.

Thuốc lợi tiểu quai kiểm soát được phù nhưng có thể làm xấu hơn tình trạng suy thận, giảm thể tích, tăng đông, tăng độ nhớt máu. Do đó, thuốc chỉ dùng khi việc hạn chế natri không có hiệu quả. Trường hợp bệnh nhân bị hội chứng thận hư nặng, có thể truyền tĩnh mạch albumin rồi dùng thuốc lợi tiểu quai để kiểm soát phù.

Statin

Điều trị rối loạn lipid máu bằng statin.

Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế cholesterol và chất béo bão hòa.

Điều trị tình trạng tăng đông máu

Dùng thuốc chống đông máu để điều trị huyết khối.

Điều trị nguy cơ nhiễm trùng

Cần tiêm phòng phế cầu cho tất cả bệnh nhân.

Chỉ định cắt thận

Người mắc hội chứng thận hư mức độ nặng do giảm albumin máu dai dẳng có thể cân nhắc cắt hai thận (hiếm khi). Dùng nút động mạch thận bằng coil (coil là các vòng kim loại xoắn) đôi khi cũng cho kết quả tương tự nhưng bệnh nhân tránh được nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ hai thận. Chỉ định lọc máu (nếu cần thiết).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng thận hư

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi tình trạng bệnh lý, tái khám định kỳ.

  • Cần điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi hợp lý để giảm các triệu chứng bệnh.

  • Luyện tập yoga hay các bài tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tăng protein trong bữa ăn (khoảng 1,5 – 2 g/kg cân nặng).

  • Chế độ ăn hạn chế muối.

  • Giảm ăn chất béo (20 – 25 g/ngày).

  • Ăn nhiều các thực phẩm chứa vitamin C, A, beta carotene, selenium.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng thận hư

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Kiểm soát chế độ ăn uống lành mạnh, giảm chất béo, bổ sung vitamin A, C.

  • Nghỉ ngơi điều độ.

Nguồn tham khảo
  1.  MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/

  2. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y Tế: https://vfa.gov.vn/dinh-duong-hop-ly/cac-thuc-pham-khong-nen-dung-khi-mac-chung-than-hu.html 

Chủ đề:Thận hư

Các bệnh liên quan

  1. Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)

  2. Hội chứng Bartter

  3. Thận ứ mủ

  4. Cơn đau quặn thận

  5. Phù nề

  6. Tiểu rắt, tiểu khó

  7. Viêm đường tiết niệu

  8. Suy thận

  9. Bệnh thận đái tháo đường

  10. Bí tiểu